Bài tham khảo số 9

Thi sĩ Lưu Trọng Lư quê ở Quảng Bình, trải qua phần lớn thời gian tuổi trẻ ở Huế trước khi ra Hà Nội từ năm 1954. Ông được xem là một trong những người khởi xướng phong trào Thơ Mới. Thơ của ông không có sự chải chuốt hoa mỹ, nhưng có được sự chân thực trong cảm xúc trong những câu chữ có vẻ là không chọn lọc nhưng lại dễ dàng lay động người đọc.


Tiếng Thu là bài thơ ngắn chỉ 9 câu, nhưng là bài nổi tiếng nhất trong cuộc đời thơ Lưu Trọng Lư, được nhiều người nói rằng là bài thơ “thơ” nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài chất thơ ra thì nó không có gì bấu víu, không cõng thêm sứ mệnh nào khác, nó hoàn toàn trữ tình lãng mạn:


Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ


Lưu Trọng Lư đã mượn không gian, cảnh vật đặc trưng của mùa thu để thể hiện bức tranh tâm trạng chân thực và sống động, sự u buồn và khắc khoải. Bài thơ có những chủ thể trông có vẻ rời rạc và không liên quan gì đến nhau. Ngoài chủ đề chính là mùa thu thì còn có trăng, có chinh phụ chinh phụ, và có con nai vàng ngơ ngác – hình tượng kinh điển trong thi ca.


Khi gộp tất các hình tượng đó lại trong một tổng thể thì nó lại có sức lay động lòng người một cách kỳ lạ, những câu chữ như từng mảng màu quết vào nhau tạo thành một bức tranh mùa thu ảo diệu, vừa gần vừa xa, vừa sáng tỏ lại vừa mông lung, người ta chỉ có thể cảm thấy chứ không thể nói ra được rạch ròi.


“Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?


Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?”


Tiếng thu – đó là tất cả những gì Lưu Trọng Lưu muốn nhắn gửi, bài này và hầu hết những bài thơ mới đều như vậy, thi sĩ không ẩn ý như nhiều người vẫn tưởng. Có điều, đây là tiếng – âm thanh của sự suy tưởng, cảm nhận về nội tâm, về thế giới bên trong của tạo vật, con người, của mùa thu. Hay nói cách khác, đó là sự miêu tả, thể hiện những thanh âm sâu kín, thầm lặng nhưng rất tha thiết, rạo rực của thế giới nội tâm, của linh hồn thiên nhiên và con người, chủ thể hiện hữu của mùa thu.


Ở bài thơ này, tất thảy những hình ảnh, thi tứ quen thuộc trong thơ ca về mùa thu đều được tác giả đưa vào tác phẩm. Bằng sự tinh tế, nhà thơ cảm nhận nó ở góc độ là những âm thanh bên trong, đối lập nó với cái cảnh sắc vốn mơ hồ, tĩnh lặng, chậm rãi, đượm u buồn, của mùa thu muôn thuở (trong thơ ca lẫn đời sống) mà chúng ta vẫn thường thấy, thường gặp. Rồi thổi vào trong cảnh sắc ấy một sức sống riêng, độc đáo, sắc thái đó chỉ có ở Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư.


Cần lưu ý về câu hỏi ở đây, các câu hỏi là cái cớ, cái để khơi nguồn, để từ đó tác giả diễn đạt điều tác giả nghĩ, lý giải về con người, cảnh sắc mùa thu. Hỏi rồi trả lời, trả lời bằng các câu hỏi tu từ, tất thảy thể hiện quá trình khám phá thế giới trong mùa thu của tác giả, và ông đem chia sẻ điều đó với chúng ta qua “Tiếng Thu”.


Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đầy sức gợi, thâu tóm toàn bộ cấu tứ của tác phẩm. Rừng chiều lá vàng rơi khắp lối, những thanh âm xào xạc của lá khô trong khung cảnh tĩnh vắng khiến chú nai vàng ngơ ngác. Sự đối lập rất rõ ràng, và tất nhiên, việc thể hiện động thái của con nai vàng là điểm nhấn của khung cảnh này.


Con nai hoàn toàn “vô tư”, “điềm nhiên” trước những biến đổi của cảnh vật xung quanh, tác giả thể hiện điều đó qua các từ “ngơ ngác”, “đạp trên lá vàng khô”. Và nó góp phần cùng với tiếng lá khô xào xạc xua tan đi cái tĩnh lặng, vắng vẻ của rừng chiều.


Thiên nhiên hòa hợp bằng ý thơ độc đáo: “đạp trên lá vàng khô”. Vậy là, từ sự ngơ ngác, từ tiếng lá xào xạc, chú nai lại tạo nên những thanh âm trong tâm tưởng của người đọc khi nó “đạp trên lá khô”. Ý thơ quá tài tình. Hình ảnh cuối vì thế dẫu không có từ nào thể hiện âm thanh nhưng vẫn tạo nên thanh âm vang vọng trong lòng người đọc. Đó là cái vi diệu của thơ. Cảm ơn người nghệ sĩ ngôn từ Lưu Trọng Lư!


Với cấu tứ hai phần rõ rệt của bài thơ, thì nội dung trọng tâm của tác phẩm nằm ở ba câu cuối của phần đầu, những câu thơ còn lại và cả phần sau chỉ để nêu bật hình ảnh, nội dung trung tâm đó: Cái “rạo rực” xuất phát từ nỗi nhớ mong người chồng chiến trận trong lòng người vợ đang cô đơn chờ đợi.

Nỗi nhớ, niềm khát khao của người vợ là linh hồn, sức sống của bài thơ, nó là nỗi niềm đọng lại giữa vô vàn những “thổn thức” của thế giới dưới vầng trăng thu.


Tương ứng với mỗi phần của bài thơ là một bức tranh, cả hai bức tranh đều lấy mùa thu làm bối cảnh chính, và chúng ta có một bức tranh về con người và một bức tranh về khung cảnh thiên nhiên, rừng chiều. Mỗi bức tranh thể hiện, phản ánh một quy luật: một của cuộc sống – con người, một của thiên nhiên. Bức tranh thiên nhiên, rừng chiều phản ánh cái quy luật biến đổi của thiên nhiên theo sự thay đổi của đất trời – thời thiết, mùa.


Quy luật này lặp đi lặp lại đều đặn theo vòng quay thời gian, yếu tố chủ thể không tồn tại, đến chú nai cũng “ngơ ngác” vì nó “không hiểu”, “không biết” tại sao lá lại vàng, lại rơi và kêu xào xạc khi thu về. Tức là sự biến đổi của cảnh vật, thiên nhiên, đất trời là sự mặc nhiên và con nai cũng vậy, là một sinh vật không hề có một biểu lộ cảm xúc nào. Nó “ngơ ngác” hay con người – thi sĩ – “ngơ ngác” vì cái sự điềm nhiên, vô tư của nó?!


Trong khi đó, bức tranh thu thứ nhất, bức tranh về con người lại phản ánh, biểu hiện cái quy luật của tâm hồn, quy luật tình cảm, quy luật tình người. Quy luật đó thể hiện tính chủ thể, là quy luật nội tâm, nó khác với quy luật của thiên nhiên, đất trời. Quy luật đó cũng chính là cái cao quý, đáng quý nhất của con người.

Cái tạo nên sự thống nhất, tính chỉnh thể hay sự đồng điệu của hai bức tranh trong bài thơ chính là ở hai hình ảnh tương đồng: người thiếu phụ cô đơn và con nai lạc lõng một mình giữa rừng chiều đang trút lá. Cấu tứ của bài thơ thật tuyệt, đây cũng chính là một thành công nữa trên cả hai phương diện nghệ thuật lẫn nội dung của bài thơ.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 8 Bài văn phân tích bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 5
  5. top 5 Bài tham khảo số 6
  6. top 6 Bài tham khảo số 7
  7. top 7 Bài tham khảo số 8
  8. top 8 Bài tham khảo số 9

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy