Bài văn phân tích bài ca dao "Thân em như củ ấu gai ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen" số 2

Số phận và vẻ đẹp người phụ nữ luôn là vấn đề được phản ánh trong văn học mọi thời kỳ. Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ chữ Hán đến chữ Nôm và chữ quốc ngữ đều có số lượng lớn tác phẩm xoay quanh chủ đề này. Trong đó, nhiều bài ca dao dân ca bắt đầu bằng cụm từ “Thân em” phản ánh hình ảnh người phụ nữ rất phổ biến. Bài ca dao sau đây là một ví dụ:


“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”


Trong văn học dân gian, đặc biệt là ca dao thường xuyên có hình ảnh người phụ nữ.


“Thân em như ớt chín cây

Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.”

“Thân em như hạt mưa sa,

Hạt rơi đài các, hạt ra ngoài đồng.”

“Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.”


Những bài ca dao này cũng có ý nghĩa tương tự như bài ca dao trên, tập trung phản ánh số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội. Trước hết, câu ca dao phản ánh hiện thực về số phận người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, chuân chuyên, bất hạnh.


“Thân em như củ ấu gai”


Nhân vật chính là “em” ở đây không tên, không tuổi, không gốc gác. Như vậy, câu ca dao lấy hình ảnh “em” làm điển hình cho người phụ nữ Việt Nam nói chung. Mặt khác, chữ “thân” được đẩy lên đầu câu và trước chủ ngữ để nhấn mạnh vào thân phận, số phận, cuộc đời của họ. Cuộc đời của người phụ nữ được ví như “củ ấu gai”. Củ ấu gai là một loại củ hình tam giác khối, do rễ của cây ấu phình to tạo thành. Cây ấu được người ta trồng trên mặt ao, hồ, trôi nổi. Củ ấu gai hình thành từ bộ rễ chìm dưới nước. Củ ấu gai nhìn đen đúa, vỏ xám xịt, không mấy hấp dẫn. Loại củ này luộc hoặc rang lên ăn rất thơm, ngọt và bùi. Vì sao “thân em” lại được so sánh như vậy? Ta tìm câu trả lời trong câu thơ thứ hai. Trong câu thứ hai, tác giả đã làm rõ hơn về hình ảnh củ ấu gai:


“Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”


Câu thơ làm rõ đặc trưng của củ ấu, vỏ đen và thô kệch còn ruột trắng, ngọt bùi. Khi so sánh “thân em” với “củ ấu gai”, có lẽ nhân dân ta cũng đang tế nhị ca ngợi về người phụ nữ Việt Nam: người phụ nữ dường như nhỏ bé, phụ thuộc, bị coi thường, vô giá trị nhưng thực chất họ luôn có tấm lòng đáng quý. Người phụ nữ Việt Nam dù xinh đẹp hay xấu xí, thanh cao hay mộc mạc, kiêu sa hay cơ cực thì đều có chung một điểm đó là tấm lòng cao đẹp. Giống như câu thơ của Hồ Xuân Hương trong bài “Bánh trôi nước”:


“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”


Người phụ nữ Việt Nam, họ luôn đằm thắm, khéo léo, tần tảo, thủy chung, giàu đức hi sinh. Thời chiến, họ là hậu phương vững chắc, là người xung phong cầm súng diệt giặc, là hình ảnh “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Họ hóa thân trong những Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, chị Út Tịch…


Thời bình, người phụ nữ vừa làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ đồng thời cũng tham gia vào xây dựng đất nước. Họ ở trong những Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh… Ngày nay, có biết bao người phụ nữ tham gia chính trị, là trụ cột quốc gia. Do vậy, bài ca dao trên đây đã đồng thời phản ánh thân phận và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Mỗi bài ca dao là sự kết tinh tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và lối nghĩ của cha ông ta. Khi sáng tạo nên bài ca dao “Thân em như củ ấu gai / Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen” ông cha ta cũng đang dành tình cảm lớn cho người phụ nữ Việt Nam. Với tinh thần cao cả đó, những bài ca dao sẽ sống mãi trong lòng người Việt.

Bài văn phân tích bài ca dao
Bài văn phân tích bài ca dao "Thân em như củ ấu gai ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen" số 2

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy