Bài văn tham khảo số 6

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh được nhận xét là “áng văn chính luận mẫu mực nhất mọi thời đại”. Điều đó được thể hiện qua những giá trị nghệ thuật mà bản Tuyên ngôn đem lại.


Trước hết, “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử to lớn. Đó là lời khẳng định quyền độc lập của dân tộc cũng như tư thế làm chủ của nhân dân. Đó cũng là tiếng nói đại diện cho quốc gia, dân tộc về quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nhân dân đối với đất nước. Là văn kiện chính trị, lịch sử song “Tuyên ngôn độc lập” không hề khô khan, giáo điều mà vô cùng dễ hấp dẫn, thuyết phục. Đầu tiên, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho bản Tuyên ngôn một kết cấu lập luận vô cùng chặt chẽ: cơ sở pháp lý, cơ sở thực tế và lời tuyên bố độc lập. Ở mỗi phần, cách lập luận chứng minh của Bác cũng vô cùng sáng tạo.


Về cơ sở pháp lý, Người đã không nhắc lại truyền thống vẻ vang của dân tộc như người xưa:

“Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”


Mà Người đã khéo léo trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của cách mạng Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ đó Bác đã khẳng định những quyền con người, quyền dân tộc (quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc...) của dân tộc Việt Nam. Nhưng Người trích dẫn một cách sáng tạo khi nâng từ quyền cá nhân lên dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cách trích dẫn sáng tạo này đã cho thấy một tầm tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh.


Sau khi đưa ra cơ sở pháp lý, Bác đã chứng minh bằng cơ sở thực tế với hai luận điểm chính đó là: Tố cáo tội ác của thực dân Pháp, đồng thời biểu dương tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Nếu như Pháp luôn kể công khai hóa và bảo hộ dân tộc Việt Nam, thì nhân danh người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bác bỏ điều đó. Trong tám mươi năm thống trị nước ta chúng đã gây ra bao tội ác tày trời làm đau khổ cho nhân dân ta. Bác đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, phong phú được chắt lọc từ những sự thật không thể chối cãi được. Pháp bóc lột nhân dân ta trong mọi mặt đời sống từ kinh tế, văn hóa - giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong hai năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật. Cuối năm 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Việt Minh cứu giúp cho nhiều người Pháp thì chúng lại nhẫn tâm giết chết số đông tù chính trị của ta. Pháp luôn nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của nước mẹ vĩ đại thì Hồ Chí Minh đã khiến chúng phải rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông” - khéo léo nhắc nhở họ đừng làm vấy bẩn lên ngọn cờ chính nghĩa mà tổ tiên họ đã phải đổ biết bao xương máu mới có được. Như vậy, Bác khẳng định lại đó không phải là công mà là tội. Khi đưa ra tội ác của thực dân Pháp, Bác đã sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ kết hợp với lối điệp cấu trúc “chúng…” góp phần vạch ra tội ác của kẻ thù. Sau đó, Người còn biểu dương tinh thần đấu tranh của nhân dân ta: cùng lúc phá bỏ ba xiềng xích lớn là thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến. Cách mạng tháng 8 thành công với thắng lợi vẻ vang đã đem lại nền độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam. Từ đó, khẳng định rằng quyền được tự do, độc lập của Việt Nam phù hợp với nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn để kêu gọi các nước Đồng minh cùng với cộng đồng quốc tế công nhận điều đó. Người khéo léo thuyết phục đồng minh rằng: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Lí lẽ của Người đã chỉ ra nếu các nước đồng minh không chịu công nhận nền độc lập của Việt Nam thì có nghĩa là đồng minh đang phản bội lại chính mình.


Cuối cùng là lời tuyên bố độc lập mang dáng vẻ của “bài thơ thần” đã từng vang vọng trên sông như Nguyệt: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!” Giọng điệu hùng hồn, lời lẽ quyết đoán đã thể hiện được tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam.


Quả thật, “Tuyên ngôn độc lập” chính là một “áng văn chính luận” với những giá trị to lớn về nghệ thuật thể hiện được tài năng lập luận của Hồ Chí Minh.

Bài văn tham khảo số 6
Bài văn tham khảo số 6
“Tuyên ngôn độc lập” chính là một “áng văn chính luận” với những giá trị to lớn về nghệ thuật thể hiện được tài năng lập luận của Hồ Chí Minh.
“Tuyên ngôn độc lập” chính là một “áng văn chính luận” với những giá trị to lớn về nghệ thuật thể hiện được tài năng lập luận của Hồ Chí Minh.

Top 10 Bài văn chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài văn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài văn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài văn tham khảo số 3
  4. top 4 Bài văn tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài văn tham khảo số 6
  7. top 7 Bài văn tham khảo số 7
  8. top 8 Bài văn tham khảo số 8
  9. top 9 Bài văn tham khảo số 9
  10. top 10 Bài văn tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy