Bài văn thuyết minh về cây cau - Mẫu 7

Theo truyền thuyết và thư tịch cổ, tục ăn trầu cau ở Việt Nam đã có từ thời các vua Hùng dựng nước. Trải qua bao biến đổi của đời sống xã hội, tục ăn trầu cau và mời trầu cau vẫn là một trong những phong tục độc đáo, có sức sống bền bỉ trong đời sống của người Việt, tồn tại cho đến ngày nay trong xã hội nông thôn và đã được biểu trưng hóa qua các nghi lễ tâm linh.


Ăn trầu cau không chỉ là phong tục chỉ có ở người Việt mà còn xuất hiện khá phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á, khu vực Trung Á, Đông Nam Á và một số quần đảo trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngôn ngữ của trầu cau ở mỗi dân tộc có sự khác nhau. Ở người Việt, miếng trầu cau biểu trưng cho lối ứng xử giao tiếp giữa các mối quan hệ trong đời sống xã hội, là phương tiện biểu lộ tình cảm con người với nhau. Qua miếng trầu và cách mời trầu, người xưa đã gửi gắm các cung bậc tình cảm: Yêu hay ghét, xã giao hay chân tình….một cách tế nhị:


"Yêu nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười"


Miếng trầu cau cũng là ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật nhận lời hay chối từ trong tình cảm nam nữ:

"Đi đâu cho đổ mồ hôi

Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn

Thưa rằng bác mẹ em răn

Làm thân con gái chớ ăn trầu người."


Thông thường miếng trầu bao gồm lá trầu xanh têm sẵn, trong quệt chút vôi trắng, kèm theo một miếng cau vàng. Tuy theo sở thích, người ta còn có thể kết hợp trầu cau với vỏ chay, vỏ quế và thuốc lào. Sự kết hợp hoàn hảo này đã đưa đến cho người ăn một cảm giác đặc biệt: Đó là vị ngọt của cau; cay, thơm của tinh dầu từ là trầu; chát của hạt và vỏ… Sự hòa quyện đó làm cho cơ thể con người ấm lên bởi sinh khí từ vôi và cảm giác hơi chếnh choáng men say được tạo ra từ chất arécoline trong hạt cau.


Ngoài tác dụng tốt cho sức khỏe, ăn trầu cau còn có tác dụng làm đẹp. Chất polyphenol trong lá trầu có tác dụng kháng khuẩn, chất arécoline trong hạt cau bị chất vôi trung hòa, làm cho miếng trầu có sắc đỏ tươi giúp người ăn thắm đôi môi, hồng đôi má và long lanh đôi mắt… Kích thích hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, giúp con người tăng cường sinh lực và câu chuyện tâm tình cũng vì thế mà thêm cởi mở. Người con gái “má hồng, môi đỏ” do ăn trầu, cười lộ hàm răng đen tuyền do ăn trầu đã từng trở thành tiêu chí để xác định “nét đẹp” của giới nữ trong xã hội truyền thống.


Trong đời sống hàng ngày, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, biểu hiện mối giao cảm tâm tình của con người. Trầu được dùng mời khách đến chơi nhà, làm quen với nhau nơi hội hè, đình đám:

"Gặp nhau ăn một miếng trầu

Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào."


Hay:

"Tiện đây ăn một miếng trầu

Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?

Xưa kia ai biết ai đâu

Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen."


Trầu cau gắn bó với người Việt đến mức nó đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức tâm linh như: Lễ tế Trời Đất, lễ Phật, lễ thánh, thần, lễ gia tiên… Trong đời sống xã hội của cư dân nông nghiệp xưa, cau trầu xuất hiện trong mọi hoàn cảnh lễ nghi đời thường như: Cưới xin, ma chay, khao vọng… Người dân “có việc” muốn trình quan nhất thiết phải có cơi trầu, trong nhà có tang trình báo với làng để lo tang lễ hoặc cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con cái, báo hỷ với họ hàng, làng xóm, bạn bè cũng bắt đầu từ cơi trầu. Đặc biệt, trai gái nên duyên cũng bắt đầu từ “ngôn ngữ” trầu cau; nhận trầu cũng có nghĩa là nhận lời cầu hôn, bởi “miếng trầu nên dâu nhà người”.


Ăn trầu cau rất phổ biến trong cuộc sống của người Việt và tục mời trầu đã là đặc trưng trong cách ứng xử lịch sự, thâm thúy và “siêu ngôn ngữ” của người Việt truyền thống, biểu trưng cho triết lý “mở” của cư dân nông nghiệp lúa nước. Liên quan đến tục ăn trầu cau là bộ dụng cụ khá phong phú. Tuy nhiên, vật dụng được coi trọng nhất là chiếc bình vôi. Số còn lại gồm ống nhổ, cối giã trầu, chìa ngoáy, xà tích, chìa vôi, cơi, khay, hộp, khăn, túi, âu đựng trầu… hầu như có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến ngày nay.


Cũng bởi, “ba đồng một mớ trầu cay” nên miếng trầu vì vậy, không bị chi phối bởi đẳng cấp giàu nghèo. Dù giàu hay nghèo, dù là vua chúa hay dân thường, dù người Kinh hay các dân tộc thiểu số ai cũng có khả năng thể hiện tấm lòng của mình, có khác chăng chỉ là khác dụng cụ ăn trầu.


Tục ăn trầu cau của người Việt đã trở thành nét văn hóa độc đáo, tồn tại xuyên suốt trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Ngày nay, mặc dù vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ truyền thống nhưng tục ăn trầu và mời trầu đang dần mai một trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ký ức về một lối sống “mở” vẫn còn đọng lại trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Từ đó, một phần tính cách dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc đã được bộc lộ. Chúng ta càng thêm yêu quý, trân trọng những di sản văn hóa bình dị nhưng đã làm nên tâm hồn, cốt cách Việt Nam.

Bài văn thuyết minh về cây cau - Mẫu 7
Bài văn thuyết minh về cây cau - Mẫu 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy