Hẹp ống sống

Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp (do nhiều nguyên nhân khác nhau) gây chèn ép lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh. Đây là một bệnh lý khá phổ biến, thường xảy ra ở đối tượng là những người > 50 tuổi, ít có sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ. Bệnh ít khi gặp ở người trẻ, thường có nguyên nhân là do di truyền hoặc là di chứng sau chấn thương vùng cột sống.


Nguyên nhân:

  • Nguyên nhân hẹp ống sống có thể là bẩm sinh, ví dụ: nhiều người sinh ra đã có một phần ống sống nhỏ hơn bình thường.
  • Nguyên nhân hẹp ống sống có thể do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống, gai đôi đốt sống chèn vào ống sống.
    • Những sự thay đổi do thoái hóa có thể dẫn tới hình thành những gai xương từ thân đốt sống, những gai xương này có thể phát triển vào trong ống sống và gây chèn ép tủy sống.
    • Sự thoái hóa của các dây chằng cột sống (ví dụ: dây chằng dọc sau, dây chằng vàng) làm các dây chằng này dày lên và làm hẹp lòng ống sống.
    • Nếu viêm khớp cột sống xảy ra, các khớp này sẽ to lên rất nhiều, đến nỗi chúng chèn ép vào ống sống.
    • Thoát vị đĩa đệm: một đĩa đệm bị thoát vị hay phình sẽ làm giảm đường kính trước sau của ống sống.

  • Các nguyên nhân khác: viêm khớp cột sống (gây phì đại các diện khớp cột sống làm hẹp ống sống); thoái hóa đĩa đệm (do làm giảm chiều cao đĩa đệm từ đó làm dây chằng vàng bị uốn cong, chèn ép vào ống sống); các bệnh về xương (như bệnh Paget); từng bị chấn thương cột sống hoặc có khối u trong cột sống.


Triệu chứng:

Bệnh nhân hẹp ống sống thường bị các cơn đau nhức âm ỉ khá thường xuyên, có lúc lại đau dữ dội khiến người bệnh mệt mỏi, tinh thần luôn căng thẳng. Bệnh có nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng, tùy thuộc vào vị trí bị hẹp của ống sống và mức độ hẹp. Phổ biến nhất là các triệu chứng do hẹp ống sống đoạn cổ và hẹp ống sống phần thắt lưng.

  • Triệu chứng hẹp ống sống vùng cổ: Đau mỏi vùng vai gáy (hội chứng vai gáy); tê, yếu 1 hoặc cả 2 tay; trường hợp bị chèn ép nặng ở đoạn cao có thể liệt tứ chi.
  • Triệu chứng hẹp ống sống thắt lưng
    Khoảng 75% các trường hợp hẹp ống sống xảy ra ở cột sống thắt lưng (được gọi là hẹp ống sống thắt lưng). Cột sống thắt lưng bao gồm năm đốt sống ở đoạn thấp của cột sống, giữa các xương sườn và xương chậu. Người bệnh bị hẹp ống sống thắt lưng khi các rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép, hay bị bó nghẹt, và điều này có thể tạo nên những triệu chứng của đau dây thần kinh tọa
    • Đau lưng, đau vùng thắt lưng, đau nhức ở vùng mông, đùi, chân (do dây thần kinh tọa bị chèn ép). Mặc dù đôi khi những triệu chứng và đau chân do hẹp ống sống đến tức thì, tuy nhiên nhìn chung chúng tiến triển trong một thời gian dài.
    • Tê, ngứa ran ở mông hay chân: Khi áp lực chèn ép lên các rễ thần kinh tăng lên sẽ gây ra hiện tượng tê, ngứa nóng ran vùng mông, chân và đi kèm theo là những cơn đau nhức.
    • Chân trở nên yếu hơn, khó kiểm soát vận động, đi lại: một số bệnh nhân bị ảnh hưởng một bên chân tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ảnh hưởng cả 2 chân, bệnh để lâu sẽ khiến vấn đề đi lại của người bệnh trở nên khó khăn hơn.
    • Ngồi hoặc nghiêng người về phía trước ít đau hơn là đi bộ bởi theo nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nghiêng người về phía trước sẽ giúp tăng không gian trong ống sống tránh gây chèn ép lên các dây thần kinh giúp giảm đau hiệu quả. Nhiều người bị bệnh gai cột sống, bệnh hẹp ống sống thắt lưng vẫn có thể đi xe đạp bình thường tuy nhiên khi đứng thẳng hay đi bộ sẽ gây cảm giác đau nhức, khó chịu hơn.
    • Càng đứng hay đi bộ lâu thì càng đau chân nhiều. Cong người ra trước hoặc ngồi xuống sẽ làm rộng ống sống và làm giảm đau chân cũng như giảm các triệu chứng khác, nhưng đau sẽ lại trở lại nếu bạn để lưng ở tư thế thẳng.
    • Đại, tiểu tiện không tự chủ do tổn thương vùng đuôi ngựa


Phòng ngừa bệnh Hẹp ống sống:

  • Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn để đảm bảo theo dõi sát diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cố gắng duy tì một cân nặng phù hợp, kết hợp tốt giữa việc vận động và dinh dưỡng để tránh bị béo phì (giảm cân giúp giảm áp lực lên cột sống)
  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng để giảm đau.
  • Loại bỏ chướng ngại vật: giữ cho nhà bạn không bị lộn xộn hoặc trơn trượt vì có thể gây té ngã. Nên mang giày vừa chân, gót thấp để giúp bạn giữ được thăng bằng.


Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hẹp ống sống:
Việc chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kể trên kết hợp với chẩn đoán hình ảnh, bao gồm:

  • X- Quang: Cho phép đánh giá cấu trúc xương cột sống
  • CT scanner: hình ảnh được tạo nên bằng cách kết hợp nhiều phim X-quang lại với nhau và có thể hiển thị hình dạng, kích thước của ống sống, các thành phần bên trong, các cấu trúc xung quanh với chi tiết giải phẫu học của xương.
  • MRI: Tạo hình ảnh bằng năng lượng từ tính và công nghệ máy tính. Có thể hiển thị tủy sống, rễ thần kinh và các vùng xung quanh, cũng như sự phì đại, thoái hóa hay khối u.
  • Tủy đồ: Tiêm thuốc cản quang vào khoang dịch não tủy để ghi nhận hình dạng các dây thần kinh và tủy sống, và cho thấy bằng chứng của bất kỳ chèn ép nào ảnh hưởng lên khu vực này; có thể thấy trên X-quang, đôi khi được thực hiện với CT-scan.

Người ta thấy rằng mỗi dạng hẹp ống sống có một ảnh hưởng động trên sự chèn ép thần kinh, ví dụ khi bê vật nặng. Do sự chèn ép động này, nên những triệu chứng của hẹp ống sống rất khác nhau giữa các thời điểm và những khám xét lâm sàng tổng thể sẽ không thấy sự tổn thương thần kinh hay cơ lực yếu nào. Một vài phương pháp kiểm tra hiện nay cho phép bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng để đánh giá ảnh hưởng của lực ép dọc lên cột sống.


Các biện pháp điều trị bệnh Hẹp ống sống
Tùy tình trạng và mức độ của bệnh (nặng nhẹ hay trung bình) mà ta có thể lựa chọn việc điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn bằng các phương pháp nội khoa, vật lý trị liệu. Mục đích là làm giảm triệu chứng như dùng thuốc giảm đau, xoa bóp, châm cứu, lý liệu pháp, các thuốc an thần nhẹ và các vitamin nhóm B liều cao cũng phát huy tác dụng vì thuốc tác động lên quá trình chống viêm và chống thoái hóa, nhất là đối với tổ chức thần kinh.

  • Điều trị bảo tồn: Là sự kết hợp giữa việc điều trị bằng thuốc, điều chỉnh tư thế, kéo giãn và tập thể dục có thể giúp nhiều bệnh nhân khi cơn đau bùng phát. Giảm cân, bỏ thuốc lá và các phương pháp làm xương chắc khỏe cũng có thể được chỉ định.
  • Điều trị nội khoa:
    • Thuốc kháng viêm và giảm đau có thể dùng để giảm sưng và đau. Hầu hết các cơn đau có thể được điều trị bằng thuốc không kê toa. Nhưng nếu đau nhiều hay kéo dài, thuốc theo toa có thể được chỉ định.
    • Tiêm ngoài màng cứng có thể chỉ định để giảm đau cho bệnh nhân: tiêm cortisone vào khoang ngoài màng cứng có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng của hẹp ống sống. Tiêm cortisone hiếm khi khỏi hẳn bệnh nhưng chúng có thể làm giảm đau 50% các trường hợp.
  • Vật lý trị liệu và/hoặc các bài thể dục
    Thay đổi hoạt động: ví dụ đi bộ trong khi cong lưng về phía trước và tay chống gậy hay tỳ vào tay đẩy xe hàng thay vì đi bộ đứng thẳng lưng; đạp xe (người đổ ra trước, tay tựa vào tay lái thay vì đi bộ cho tập thể dục; ngồi ghế tựa cong lưng lại hơn là ngồi thẳng lưng) có thể giúp ổn định và bảo vệ cột sống, tạo độ bền và tăng độ linh hoạt, có thể giúp trở lại cuộc sống và các hoạt động hằng ngày. Thông thường, người ta khuyến khích trị liệu trong khoảng 4-6 tuần. Các phương pháp massage, châm cứu, chườm lạnh (hoặc chườm nóng) có thể giúp bạn giảm đau.
  • Điều trị phẫu thuật
    Sẽ được đặt ra trong trường hợp việc điều trị bằng các biện pháp bảo tồn nói trên không đạt hiệu quả, các triệu chứng ít cải thiện và bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn (dùng thuốc, kéo giãn cột sống, phục hồi chức năng…). Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như: Phẫu thuật giải ép thần kinh, làm rộng ống sống đơn thuần; hoặc kết hợp đặt dụng cụ hỗ trợ cột sống liên gai sau silicon, phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đĩa đệm kèm hàn xương cố định; phẫu thuật nội soi mở cửa sổ xương giải ép... Ngoài các kỹ thuật trên, tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các phẫu thuật viên có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật phù hợp như sử dụng vít loãng xương cố định sau khi giải ép thần kinh ở các trường hợp bệnh nhân loãng xương, cố định cột sống đơn thuần sau giải ép ống sống ở những trường hợp hẹp ống sống đa tầng ở người già.
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống

Top 10 Bệnh Cột sống thường gặp và cách phòng tránh mà bạn nên biết

  1. top 1 Thoái hóa Cột sống
  2. top 2 Thoát vị đĩa đệm
  3. top 3 Cong vẹo Cột sống
  4. top 4 Gai cột sống
  5. top 5 Chấn thương cột sống
  6. top 6 Đau thần kinh tọa
  7. top 7 Hẹp ống sống
  8. top 8 Viêm cột sống dính khớp
  9. top 9 Khối u cột sống
  10. top 10 Gù cột sống

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy