Mùa chít trên rừng Tây Bắc

Rừng Tây Bắc đang vào mùa chít.


Những ai đã từng ở rừng thì chẳng lạ gì cây chít. Những bụi cây chít có thể mọc lên ở khắp mọi nơi. Chít mọc trong khe suối tốt tươi rậm rạp, chít mọc trên đồi cằn thiếu nước bỏ hoang nắng khô và gió Lào rát mặt, chít treo mình trên taluy dương cạnh những cung đường loanh quanh sườn núi, chít chen chúc với lau với sậy, chít nương náu rồi xòe lá ngay cả dưới bóng râm…Những hạt chít khô bé tí teo có thể tự do bay theo gió mà phát tán khắp nơi. Để rồi nếu không bị vùi lấp quá sâu và gặp được nơi đất ẩm, cây chít non sẽ nẩy mầm rồi lặng lẽ lớn lên. Những ngày đầu tiên chỉ là một mầm cỏ mỏng manh yếu ớt, thế mà chỉ cần qua một mùa mưa những phiến lá chít hình lưỡi mác với đầu lá nhọn, bản lá rộng chừng 7 đến 9 xen ti mét, chiều dài cỡ hai gang tay đã vươn ra xanh ngắt. Cây chít thuộc họ lúa, ngoài sinh sôi từ hạt thì còn có thể phát triển rất nhanh nhờ khả năng đẻ nhánh từ những cây con bị tách ra khỏi bụi. Bởi thế, chít sẽ là một trong những loại cây tái sinh và phủ kín sớm nhất trên những vạt đất đồi mới năm trước còn trơ trụi vì sạt lở hay vì cháy.


Cây chít rất thân thuộc với mỗi người dân miền núi.


Lũ trẻ miền núi đi nhặt củi hoặc lấy rau trên rừng thường hay mải chơi về muộn, để bụng đói mềm và miệng lưỡi khát khô. Những lúc ấy chúng chui vào bụi chít, bới bẻ vội vàng được vài cái mầm măng xanh tím, bóc nháo nhào qua lớp vỏ ngoài dính đất là có thể đưa cả cái măng chít vào miệng mà nhai rau ráu. Chúng nuốt vội thứ nước ngọt mát từ thân cây chít; nghiền nát, nhai nhừ những đoạn lá chít non; thế là lại có thể hể hả cười, kéo cái cây dài trên đầu bó củi lên vai, hay xốc túi rau rừng lên vai rồi lượt thượt kéo nhau về.


Đám trẻ gái chặt những cuộng chít già, lúc phơi khô nó vàng hươm trơn bóng, cắt mười đoạn dài bằng bằng cỡ hai gang. Nhặt thêm một trái bòng non mới rụng, thế là đã có bộ chuyền để đánh suốt buổi trưa. Chúng tung quả rồi vơ chuyền thật dẻo, chúng vừa chơi vừa đọc bài đồng dao dài “ Que mốt, que mai…”. Đám trẻ trai cũng cắt cuộng chít già, thành những đoạn tầm mười phân chằn chặn. Thêm thân sậy và nan tre tròn nhỏ. Chúng làm lồng nuôi chim pít, cắt ti. Chúng luồn lách giữa bụi cây bờ cỏ, mắt long lanh đuổi theo cánh chim trời. Hong hóng mải mê đến không ít lần bị mắng.


Lá cây chít lành tính, lại dễ kiếm quanh năm nên thường được lấy về để nuôi cá hay nuôi gia súc. Vào những tháng mùa đông, khi cánh đồng được cày ải đắp bờ, cỏ để nuôi trâu bò sẽ chẳng còn một mống, lúc ấy lá chít thực sự là cứu tinh để giúp đàn gia súc vượt qua mùa đông giá.


Những người phụ nữ trong nhà thì thích cắt lá chít bánh tẻ để làm món bánh gio truyền thống. Gạo nếp trắng ngần ngập dưới nước gio trong, gói trong chóp lá màu xanh nhòn nhọn. Mẹ buộc lạt vòng quanh mềm mại. Xếp xếp, tầng tầng chiếc bánh lá xinh xinh. Đồ trên bếp hơi bay nghi ngút, hương nếp thơm và lá chít nâu dần. Miếng bánh chín trong veo sần sật, thấm ngọt ngào hương mật chấm môi.


Chít trên rừng được khai thác nhiều nhất là vào dịp tháng giêng đến tháng ba. Lúc những bông hoa chít đã bắt đầu nở rộ trên khắp các sườn đồi.


Những bông hoa chít khiêm nhường màu xanh nhú dần ra khỏi búp lá, cuống hoa cứng dần chuyển sang xanh đậm, những hạt chít nhỏ bám li ti trên bông chít dài hàng mét. Hoa chít không hẳn đẹp, nhưng người Tây Bắc vẫn háo hức chờ mùa hoa chít tháng giêng. Mùa rừng cho thêm chút lộc. Cậu bé nghèo tranh thủ một buổi chiều được nghỉ học; bà mế nhân lúc nông nhàn nghỉ tay làm ruộng, mấy thiếu nữ má hồng tay cầm dao, đeo ếp… người ở bản ai cũng có thể đi hái bông chít vì việc này không quá nặng. Thế là người người lũ lượt tỏa vào rừng để cắt những bông hoa chít nở vừa đến độ. Góp gom mang về bán cho lái buôn thu mua về xuôi cho làng nghề làm chổi. Chổi làm từ hoa chít có hình dáng to đẹp, không cần phải cúi quá sâu khi quét như chổi rơm nên bông chít hái về bao nhiêu cũng có người mua hết. Dân bản đi rừng từ sáng sớm, để đến buổi chiều về mang vác những bó hoa chít phất phơ xanh tím trên những cuộng chít dài trắng nõn. Có chỗ người ta dựng cả một bó hoa chít mà luộc cuộng trong một cái nồi thật lớn rồi mới dàn chít ra phơi nắng cho khô. Khói luộc chít bay lên hòa lẫn với sương chiều bảng lảng của miền sơn cước, mùi hoa chít khô dần toả ra thứ hương rừng ngai ngái, dễ chịu.


Mấy năm gần đây, một thứ quà quê nằm trong thân cây chít không trổ được hoa bỗng nhiên thành đặc sản. Thế là mùa chít cho lộc ở Tây Bắc lại bắt đầu sớm hơn. Tháng 11 là quãng thời gian bắt đầu của mùa sâu chít.


Người ta vào rừng tìm những con sâu vàng nằm trong ngọn chít xanh.


Cả người con sâu có màu vàng nhạt, cái đầu và những chiếc chân ngắn ngủn, xíu xiu của nó đậm màu hơn rồi nhạt dần về phía thân. Thân con sâu căng bóng, trắng sữa, ngấn ngân những vòng vòng, nếp nếp. Một dải sọc dài chạy thẳng từ đầu đến đuôi nó có màu cam đậm suôn suốt, lóng lánh, phập phồng chuyển động. Con sâu uốn mình lười biếng giữa ngọn chít xanh chật chội. Nó kí sinh bên trong cây chít từ lúc bé, ăn mầm chít và sống luôn trong đó. Cây chít nào có sâu thì ngọn cây sẽ bị phình ra một chút, lá ở phía trên sẽ cụt, không nở được hoa.


Người ta sẽ chặt cả cây xuống và cắt lấy đoạn thân bị phình ra ấy và mang về. Lúc bắt đầu sơ chế mới dùng dao sắc chẻ nhẹ vào đoạn chít rỗng ruột, nhẹ nhàng lấy con sâu ra thả vào bát nước để tránh bị đen. Rồi mới vớt ra đem đi chế biến đồ ăn, đi ngâm rượu thuốc, nuôi cấy thuốc nam hay sấy khô đợi bán. Chẻ chít cũng cần tỉ mỉ, khéo léo và thật kiên trì nữa nhưng sâu chít bán được giá cao nên người bán rất mừng. Nghe nói rằng sâu chít rất bổ, rằng uống được rượu sâu chít thì “ông khỏe, bà vui”, tăng cường sức khỏe. Rằng sâu chít ăn có vị bùi và ngậy, ăn sâu chít thường xuyên thì có khả năng phục hồi rất tốt sau các đợt điều trị bằng chiếu xạ. Rằng sâu chít rừng chẳng khác nào là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam. Rằng người ở xuôi giờ cũng biết dùng sâu chít, nên mỗi đông về cũng mong chờ chút quà, chút lộc từ loại cây bình dị ấy của rừng.


Người Tây Bắc càng ngày càng thêm thương cây chít, cây chít cũng thương người nên lá chít cứ xanh.


Sơn Nữ

Mùa chít trên rừng Tây Bắc
Mùa chít trên rừng Tây Bắc
Mùa chít trên rừng Tây Bắc
Mùa chít trên rừng Tây Bắc

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy