Phố cổ và Hồ Tây

Đang ngồi bên quán cóc liêu xiêu ở phố cổ, bất chợt nhớ câu thơ mới của Việt Phương “Một mảnh Hồ Tây bé tí teo/cũng mênh mông phiêu diêu ngút ngát/ một phố cổ tiêu điều xơ xác/ cũng nâng niu cây lạc cành xiêu...” Thích thú với câu thơ vì cảm thấy hình như câu thơ nói hộ mình cái gì vẫn muốn nói mà chưa nói được, vương vướng trong người, rồi thì như được thoát ra, người nhẹ bẫng. Ngồi lại và ngắm nghía thêm một lúc, chỉ thấy nườm nượp người và xe. Sự ồn ào phố xá xua đi cái buồn cô đơn này, cái buồn cô đơn khác lại ập đến. Mà lạ, phải trong cái hoàn cảnh đang ngồi ở phố cổ mới thấy thấm thía.

Hoá ra, mình yêu phố cổ cũng chỉ là yêu theo cái kiểu mình là cư dân sống ở đất Hà thành, hời hợt lắm, cứ như là phải yêu, chẳng lẽ không yêu, không yêu không thành được người Hà Nội. Có ông bạn ở phố Cầu Gỗ, ngày xưa, nhà có ba anh em trai đều có gia đình riêng, tất cả ở chung với một mẹ già. Mỗi hộ, nghĩa là mỗi gia đình ấy, có một chiếc giường với những rèm che mềm mại ngăn cách, bà mẹ già cũng có ngăn riêng. Không hiểu họ sống thế nào. Sau này được sửa chữa, cơi nới gì đó, mỗi gia đình có một phòng riêng. Nghe nói khoản thủ tục cho cái chuyện cơi nới cũng trần ai lắm. Sợ và bực mình, không muốn nghe tiếp. Nghe nói, cũng chỉ nghe nói thôi, còn vô khối gia đình như vậy. Thôi thì nếu yêu để mà oai, mình xin nhường cái oai đó, mình về sống ở ngoại thành cũ, vừa mới lên phố cách đây một năm, oách chán!

Đứng dậy bởi một vị khách, một thiếu phụ dắt tay một đứa bé chừng năm tuổi mới đến, ăn mặc rất diêm dúa và vẻ mặt rất sáng sủa, hương thơm son phấn ngào ngạt: “Cho một cà phê lóng nhé” và cúi xuống đứa bé đang ngậm trong mồm miếng xôi “Sao nâu thế, không luốt đi!”. Mất bao cái duyên, cái đẹp của phố Phái rồi!


Thì vậy đấy, cái lõi của phố cổ bây giờ là sự pha tạp và xuống cấp. Mình nói xuống cấp không hiểu có động chạm với ai và ở đâu không. Nhưng mà nghĩ thế thì nói thế. Những Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu, Hàng Đồng... đâu đó vẫn có chút duyên xưa lởn vởn. Nó ẩn trong nét khuất thời gian, ở những ông bà già da mồi tóc bạc ngẫm nhiều hơn nói, ở những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làm nên các sản phẩm được đặt làm tặng phẩm cho cỡ nguyên thủ quốc gia. Và với mình, nhìn thấy các cụ với hình hài vóc dáng cổ xưa đó, mình mới thấy thật là “phố cổ”. Cái cổ nó thấm vào thời gian và đấy mới là lõi. Nét đơn sơ, mộc mạc trong sự cần mẫn và chí cốt với nghề thể hiện trên từng nếp nhăn vầng trán và con mắt. Tình yêu nghề cứ như thoảng đâu đó xa xăm. Bởi với sự phát triển của khoa học, của xã hội, mình thấy ở các cụ có điều tiếc nuối. Phải chấp nhận thôi! Tất cả rồi sẽ đi vào hoài niệm. Nhưng mình không thích sự diêm dúa, sao chép, đua đòi, trưởng giả. Phố cổ bây giờ cứ như là “giả cổ” ấy. Cả con người cũng vậy. Họ bảo họ ở phố cổ. Cứ như là những nét tinh hoa của ngàn năm văn hiến đã ngấm vào họ ấy. Có phải vậy mà nhìn phố cổ, mình không thấy nét đẹp, nét tinh hoa và cả cách cư xử tinh tế. Nhưng người ta vẫn khen. Thì bây giờ ai khen thì cứ khen, khen theo phong trào, nếu có lời nói lại đôi khi lại mang tiếng. Còn mấy ngôi nhà trăm năm hãy cứ cố giữ, và theo mình, đừng làm nó tiêu điều thêm. “Những ngôi nhà rêu phong cổ xưa ơi/ nét xù xì...mãi rồi hoá cũ/ cứ lẳng lặng đứng giữa đời như là hoang bỏ/ không được xây, nhà mái cứ xiêu dần/ nên trở thành cũ kĩ , chênh vênh...” Có phải vậy mà mình đồng cảm với Việt Phương.

Vậy là rời quán cóc liêu xiêu vài phút sau ra đến Hồ Tây. Cái hồ mà ông Việt Phương bảo là bé tí teo ấy. Ra đây thấy đầy gió. Những ngọn gió tươi rũ sạch cái ồn ào bụi bặm phố phường. Gió thổi và sóng trên hồ vỗ mạnh. Mênh mang tầm mắt đấy chứ, ngút ngát mây trời đấy chứ. Ra với thiên nhiên, thấy tự tin hơn, cái quê kiểng nơi mình không bị ai nhòm ngó. Bọn trẻ sánh vai nhau, chúng nó đẹp quá. Con đường ven hồ vắng tanh. Mong rằng cái vắng tanh tinh khôi hoang sơ thơm ngai ngái mùi cây cỏ và nước hồ tanh tanh này được duy trì đừng để các quán hàng liêu xiêu lấn chiếm. Những hàng cây con mới trồng chỉ vài năm nữa là chúng sẽ chìa tay cuốn lấy nhau, bóng sẽ lại phủ kín mặt đường che cái ánh nắng chói chang của tháng năm, của mùa hè. Rồi sẽ lại hình thành những lối đi của tình yêu, của ước mơ như ngày nào mình cầm tay người ấy của mình trên đường Cổ ngư và thầm thì ngỏ lời yêu đầu đời run rảy.

Ấn tượng nhất là những ông “Phùng Quán” thời hiện tại. Các ông vô tư hơn Phùng Quán ngày xưa. Cám ơn cái “mảnh hồ tí teo này” đã nâng và đỡ thêm phần nào vào cuộc sống vật chất những năm khó khăn của ông. Cả quãng dài ven hồ vài ba cây số, những chiếc cần câu vươn ra mặt nước. Tôi lại thấy cái an bình của Thăng Long cổ xưa. Hình như đâu đây vẫn thấy “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ lầu cũ lâu đài bóng tịch dương” hoà lẫn trong cái ồn ào đô thị ngày nay.


Tôi thoáng thấy những cô gái trong trang phục “mớ bảy mớ ba” dịu dàng, kín đáo của làng dâu tằm, như thấy đầm sen quê mẹ đang làm dịu mầu nắng bởi dải mây xanh mướt màn của lá sen, tôi thấy làng quê của tôi với cánh đồng và con sông làng nho nhỏ... Chỉ mấy bước chân thôi mà mình đã sang một thế giới khác, thế giới của thủa xa xưa tinh khiết, tâm hồn thuần chất và đôn hậu. Khát vọng của con người gắn với tự nhiên thật mật thiết và bền chặt.

Rồi cái oi bức của phố cổ được giải toả bằng cơn mưa. Chắc người phố cổ và cả mấy quận nội thành nữa bớt ngột ngạt đi nhiều lắm. Gió trời quyện hơi nước tươi rói chẳng máy lạnh nào sánh nổi. Cả triệu con người được hưởng cái mát lành trong đó có Hồ Tây tạo ra. Đứng ngắm Hồ Tây trong mưa mà xuýt xoa cho ý tưởng con đường ngầm định xuyên qua đáy hồ. Ôi, Hồ Tây thiêng liêng như vậy thì mong rằng mỗi đụng chạm vào nó hãy coi như là đụng chạm vào lịch sử tổ tiên chúng ta, mọi động thái của chúng ta với hồ đều rất cần cẩn trọng.

Tôi trú mưa trong nhà bát giác, nghe thấy ồn ào tiếng chim non bên trường Chu Văn An. Ngôi trường được vinh dự mang tên ông thầy đã có một hành động đầy khí phách bất khuất của kẻ sĩ để người đời mãi mãi kính phục. Sĩ phu Thăng Long là như thế. Đất nước này sẽ vẫn còn những con người như Thầy khi nước nhà nguy biến.


Vinh Anh

Phố cổ và Hồ Tây
Phố cổ và Hồ Tây
Phố cổ và Hồ Tây
Phố cổ và Hồ Tây

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy