Sông Hương ở ngoại vi thành phố

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một tuỳ bút đặc sắc, thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài kí đã ca ngợi dòng sông Hương như một biểu tượng của Huế (đặc biệt là đoạn từ thượng nguồn đến thành phố Huế).


Trước khi trở thành người tình dịu dàng và chung thuỷ của Kinh thành Huế có hàng trăm năm văn hiến, sông Hương đã trải qua một hành trình đầy gian truân và những thử thách. Trong cái nhìn tinh tế, lãng mạn và rất phong tình của tác giả, toàn bộ thuỷ trình của dòng sông Hương tựa như cuộc tìm kiếm có ý thức người tình nhân đích thực của người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.


Đoạn tả sông Hương chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố bộc lộ một nét lịch lãm, tài hoa với những hình ảnh mỹ lệ, vốn ngôn ngữ giàu có, sự hiểu biết phong phú của tác giả. Giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại, sông Hương là “cô gái đẹp ngủ mơ màng”. Nhưng ngay khi ra khỏi vùng núi, sông Hương bỗng bừng lên sức trẻ như “người đẹp bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài” với niềm khát khao của tuổi thanh xuân trong sự “chuyển dòng liên tục”, rồi “vòng những khúc quanh đột ngột”, “vẽ một hình cung thật tròn”, “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “vượt qua”, “đi giữa âm vang”, “trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”.


Vừa mạnh mẽ, vừa tình tứ mà dịu dàng kín đáo, đó là cái nét phẩm chất đẹp đẽ mang nét riêng của sông Hương - cô gái Huế được tác giả diễn tả bằng những nét vẽ, những hình ảnh cũng thật tình tứ, dịu dàng. Khi qua Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo “dòng sông mềm như tấm lụa”; khi qua “hai dãy đồi sừng sững như thành quách”, dòng sông ánh lên vẻ đẹp biến ảo với những phản quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Khi qua bao lăng tẩm, đền đài mang niềm kiêu hãnh âm u được phong kín trong những rừng thông u tịch toả lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ , mây phong; Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”, dòng sông Hương, mang vẻ đẹp “trầm mặc như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó bỗng sinh động bừng sáng lên khi gặp tiếng chuông Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”.


Tóm lại, với những nét bút giàu màu sắc hội hoạ tinh tế, với cảm xúc say đắm, ở đoạn này Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo dựng được một bức tranh sông Hương thật đẹp bởi sự phối cảnh kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế đa dạng và rất hài hoà.


Bằng một tình cảm thiết tha với Huế, với một vốn văn hoá phong phú và một kho từ ngữ giàu có đậm chất thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc hoạ được một dòng sông như một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hoá, một vẻ đẹp rất thơ, khơi nguồn cho cảm hứng thi ca và gắn liền với nền âm nhạc cổ điển Huế, tạo nên bề dày lịch sử văn hoá của cố đô. Nhờ đó, sông Hương đã trở thành dòng sông bất tử chảy mãi trong trí nhớ và tình cảm của độc giả, bồi đắp phù sa màu mỡ làm xanh tươi thêm tình yêu đối với quê hương đất nước.

Sông Hương ở ngoại vi thành phố
Sông Hương ở ngoại vi thành phố
Sông Hương ở ngoại vi thành phố
Sông Hương ở ngoại vi thành phố

Top 5 Nội dung trọng tâm nhất trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông"

  1. top 1 Sông Hương ở thượng nguồn
  2. top 2 Sông Hương ở ngoại vi thành phố
  3. top 3 Sông Hương trong lòng thành phố
  4. top 4 Sông Hương dưới góc nhìn lịch sử
  5. top 5 Sông Hương dưới góc nhìn địa lí

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy