Tuổi thơ bên mẹ

Một tay mẹ bế em Phong, một tay mẹ dắt tôi bước qua con mương nhỏ trước nhà để đi tắt qua cánh đồng sang phía nhà trẻ. Tôi bước trật chân, té ướt nhèm. Mẹ kéo tôi lên khỏi vũng bùn, đặt em Phong ngồi lên bờ, rồi mẹ xuống mương mò dép cho tôi. Suốt chặng đường đưa em đi nhà trẻ, mẹ mắng nhiếc tôi: “Đi với chả đứng. Được đôi dép cũng để cho đứt. Mai, con lấy gì mà đi học.” Mẹ quan tâm đến đôi dép bị đứt hơn là việc người tôi đang nhơ nhuốc bùn đất. Cũng đúng thôi, những đứa trẻ quê như tôi ngày ấy, té là bình thường, có đau quá thì ré khóc một lúc rồi tự mình im, tự mình thương lấy mình, lúc nào quên thì lại chạy nhảy như chưa hề bị té. Còn để có một đôi dép đi học, mẹ phải bán cả gánh khoai mới mua được. Mà chợ có gần gì cho cam, phải đi bộ tới nửa ngày trời, mười ngày mới có một phiên, mẹ tiếc đôi dép là phải.


Em Phong lên lớp lá thì em Hải chào đời. Tôi lúc ấy cũng đã vào lớp hai. Hành trang đến trường mà mẹ sắm cho tôi là một chiếc túi cước, vài ba tập vở, bộ quần áo mới và đôi dép Tiền Phong. Đôi dép bị đứt do bị té khi cùng mẹ đưa em Phong tới nhà trẻ năm nào được cha tôi hàn chi chít những miếng nối, chân tôi lớn không đi được nữa nên chuyển quyền sở hữu cho em Phong. Tính ra em Phong luôn thiệt thòi hơn tôi. Quần áo tôi mặc chật, quăn như lò xo lại chuyển giao cho em. Sách vở em Phong cũng phải học lại của tôi. Thế nhưng, chẳng bao giờ em Phong đòi mẹ mua đồ mới. Vì thời ấy, chuyện em mặc đồ cũ của anh chị là mặc nhiên, nhà ai ở quê tôi cũng thế, chứ không riêng gì nhà tôi.


Từ khi em Hải chào đời thì tôi trở nên vất vả hơn. Dịp nghỉ hè, mẹ cùng mấy cô trong làng đi buôn xa. Cha chúng tôi thì năm thì mười họa mới được nghỉ phép một lần để về nhà. Nên, mọi việc sinh hoạt của anh em tôi trong một ngày đều phải tự tay lo liệu lấy. Sáng, ngủ dậy, tôi lấy rổ khoai luộc mẹ gác trên cũi xuống, rót một ít mật mía ra bát rồi gọi em Phong dậy ăn để đi nhà trẻ. Em Phong ăn xong, lếch thếch cầm chiếc võng vải mẹ đã xếp sẵn đặt trên đầu giường đến nhà trẻ. Tôi lấy bát cháo trắng mẹ đã quấy nhừ ra hâm lại cho nóng, rồi đút cho em Hải ăn. Khi em Hải thiu thiu ngủ trên võng, tôi tranh thủ đi cắt rau dền vào bằm để nấu cám cho lợn, quét dọn nhà cửa…


Đang loay hoay để chuẩn bị cơm chiều thì em Phong mếu máo chạy về vừa khóc, vừa gọi tôi: “Anh ơi! Bọn nó đánh em”. Tôi bỏ bếp chạy ra hỏi em: “Thằng nào?” Em phong chỉ tay về phía nhà thằng Trọng Diệc. Thế là hai anh em tôi chạy qua ngõ nhà nó, gọi nó ra, hai phe lao vào nhau đấm tới tấp. Đến khi thằng Trọng Diệu chịu thua khóc ré lên, mẹ nó cầm chiếc roi tre bước từ trong nhà ra thì tôi và em Phong cắm cổ chạy về nhà. Nồi cơm nấu dở đã khê ròm. Em Hải thức giấc khóc lả trên võng. Tôi sợ quá, bỏ bếp bế em vào lòng. Ba anh em tôi dắt nhau ra ngõ ngóng mẹ.


Càng về chiều, em Hải khát sữa nên khóc càng to. Em Phong thì cái trán đánh nhau với thằng Trọng Diệc cảy đỏ mếu máo. Và dĩ nhiên là tôi cũng không cầm được nước mắt nên thút thít theo các em một cách ngon lành.


Mẹ vừa thả chiếc xe thồ xuống sân, sà tới ôm em Hải vào lòng cho bú. Sau khi cho em Hải bú xong, đến lượt mẹ bắt tôi và em Phong lột quần nằm lên tấm phản. Rồi mẹ lấy chiếc roi tre mà cha đã róc sẵn gác trên chái bếp đánh tôi và em Phong. Em Phong thì đã lường được hậu quả của trận roi từ khi đánh nhau với thằng Trong Diệc, còn tôi thì biết ngay thể nào cũng bị mẹ đánh khi nồi cơm khê ròm và em Hải đói lặc. Nên cả hai anh em tôi mấm môi chịu trận. Nước mắt chúng tôi rơi thấm ướt cả mặt phản. Cho đến khi em Phong không chịu được đau nữa, khóc òa lên, mẹ mới thôi phát roi vào mông chúng tôi. Đêm ấy, mẹ thức cả đêm để theo dõi sức khỏe em Hải. Mẹ cũng không quên thoa dầu cho tôi và em Phong. Tôi nghe mẹ hát ru em Hải: “Anh em như thể tay chân…”


Đi dọc triền tuổi thơ để hồi tưởng những ký ức của anh em tôi với mẹ thì sẽ không có giấy mực nào ghi hết. Trong muôn vàn kỷ niệm giữa anh em tôi với mẹ thời thơ bé, tôi nhớ nhất lần làm đứt dép khi lội qua mương và buổi chiều bị mẹ đánh đòn. Giờ, tóc mẹ đã hoa râm, da mẹ đã mồi, trên khuôn mặt mẹ hiện rõ từng nếp nhăn… Tôi chỉ ước ao mẹ tôi luôn mạnh khỏe để anh em tôi vịn vào mẹ mà lớn lên, mà đối mặt với những tháng ngày dài phía trước.


Đặng Thiên Sơn

Tuổi thơ bên mẹ
Tuổi thơ bên mẹ
Tuổi thơ bên mẹ
Tuổi thơ bên mẹ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy