Top 12 Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể (lớp 9) hay nhất
Từ khi xã hội loài người hình thành và phát triển, mối quan hệ giữa các nhân và tập thể luôn được chú trọng và đề cao. Có cá nhân mới có tập thể và ngược lại, ... xem thêm...tập thể làm điểm tựa để mỗi cá nhân tồn tại và phát triển. Đây cũng là 1 chủ đề rất hay trong dạng văn nghị luận dành cho học sinh phổ thông. Mời các bạn tham khảo một số bài văn nghị luận về cá nhân và tập thể hay nhất mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nội dung này.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 1
Đã ai từng một lần đọc những lời thơ đấy giục giã của nhà thơ Nazim Hikmet "Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng!". Bóng tối sẽ tan đi và ánh sáng sẽ ngập tràn nếu anh hành động, tôi hành động và chúng ta cùng hành động.
Trong cái ánh sáng rạng ngời xua tan bóng tối ấy có ánh sáng của tôi, của anh và của tất cả chúng ta. Và hôm nay, nhà thơ Tố Hữu đã mượn tiếng ru dịu êm của mẹ qua bài thơ "Tiếng ru" của mình, một lần nữa gợi cho chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội, giữa một con người với mọi người. Một ngôi sao không làm nên bầu trời đêm rực sáng. Một bông lúa chín chẳng làm nên mùa vàng bội thu. Một con người nhỏ bé đáng kể gì trong cõi nhân gian rộng lớn. Đất thấp thế nhưng nhờ có đất mà núi mới cao. Sông nhỏ thế thôi nhưng nhờ sông mà biển mới mênh mông đến vậy.
Một cá nhân bé nhỏ sẽ không là gì cả so với một cộng đồng to lớn. Nhưng ngược lại, những gì lớn lao, vĩ đại lại được tạo nên từ những điều hết sức nhỏ bé mà thôi. Sống trên đời, ai cũng mong muốn mình được thể hiện và khẳng định bản thân, phần cá nhân của mình. Đó là mong ước tự nhiên và chính đáng. Phần riêng ấy được thể hiện ở những khát khao, hoài bão của bản thân là niềm mong mỏi mình phải có vị trí nào đó trong mắt mọi người. Phần cá nhân bé nhỏ của mỗi người ấy cần được thể hiện, được khẳng định, được tôn trọng và ghi nhận.
Chính "cái tôi" ấy tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi cá nhân trong cộng đồng, làm cá nhân đó không bị hòa tan, không lẫn vào người khác. Tôi yêu những vạt nắng trải dài trên cánh đồng bát ngát, yêu những triền đê xanh thơm mùi cỏ non. Còn bạn, bạn yêu những ánh đèn màu rực rỡ của thành phố hoa lệ về đêm, yêu những tòa nhà chọc trời nguy nga, tráng lệ. Tôi và bạn có những tình yêu khác nhau, quan điểm sống khác nhau, và chính sự khác nhau ấy đã làm nên "cái tôi" riêng của mỗi cá nhân chúng ta. Phần tôi ấy được thể hiện bằng nhiều cách: bằng sự yêu thương, bằng những nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động hay chỉ đơn giản là những sở thích riêng của chúng ta mà thôi.
Ở mỗi thời kì, ta đều thấy sự xuất hiện của những cá nhân vĩ đại, xuất sắc. Bằng tài năng của mình, họ đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, xã hội. Họ có thể là những nhà khoa học, bằng những phát minh của minh đem lại sự phát triển cho đời sống của nhân loại như Đác-uvn, Marie Curie… Họ có thể là những nhà cách mạng, bằng sự nghiệp chính trị của mình mà đem lại hòa bình cho cả một dân tộc, một đất nước như Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.
Nhưng dù cá nhân có hoàn thiện, có lớn lao vĩ đại đến đâu đi chăng nữa nhưng cũng sẽ không là gì so với sức mạnh của cả một dân tộc. Cá nhân ấy khác nào một hạt cát với một sa mạc một giọt nước với một đại dương rộng lớn, một thân cây giữa bạt ngàn rừng xanh… Mất đi một hạt cát sa mạc vẫn cứ mênh mông; mất đi một giọt nước thì đại dương vẫn cứ bao la, mất đi một bông hoa thì mùa xuân vẫn cứ muôn phần rực rỡ… Một vĩ nhân, một anh hùng làm sao làm nên sự nghiệp lớn nếu không có sự kề vai góp sức của mọi người. Một cá nhân bé nhỏ làm sao tạo được sự nghiệp lớn lao khi chỉ làm một mình mình. Ta phải biết rằng cùng với ta, bên cạnh ta còn có sự chung tay góp sức cùng ta làm nên việc lớn.
Nhìn lại lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc, ta thấy rằng sở dĩ ta có thể dệt nên những trang sử vẻ vang, ta có thể anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc được vì sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân. Chính những cá nhân nhỏ bé, riêng lẻ đã tạo nên một sức mạnh tập thể vô cùng lớn lao, có thể quét sạch quân thù. Hay hình tượng người anh hùng Thánh Gióng, nhờ có cơm áo của bà con làng xóm mà Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, xông pha trận mạc đánh tan giặc ngoại xâm. Hình tượng ấy đã được truyền thuyết hóa, thực chất đó chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân đồng lòng chống giặc.
Qua đó, ta thấy sự khiêm tốn nhìn nhận, đánh giá vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng quan trọng biết bao. Biết là thế nhưng chúng ta cũng đừng vì mỗi cá nhân vô cùng nhỏ bé mà quên đi sự đóng góp của bản thân để tạo nên cộng đồng, chúng ta đừng chỉ biết hưởng thụ những đóng góp của người khác mà làm mờ nhạt đi vai trò của mình, làm mình trở thành gánh nặng cho người khác, cho cộng đồng, xã hội. Bởi lẽ tất cả mọi thứ lớn lao đều được hình thành từ những gì bé nhỏ nhất.
Một hạt cát bé nhỏ thật nhưng nếu không có những hạt cát kia thì làm gì sa mạc mênh mông đến vậy. Một giọt nước không là gì nhưng biển làm sao bao la khi không còn những giọt nước ấy. Vì vậy, ta có thể thấy cá nhân là một nhân tố quan trọng, là cơ sở để hình thành nên cộng đồng tập thể. Để những cá nhân có thể đóng góp sức mình vào phần chung to lớn, chúng ta không được quyền quên đi những đóng góp của họ. Vì biết đâu nỗi buồn bị lãng quên sẽ làm giảm đi nhiệt huyết trao tặng của họ, dù cho những đóng góp kia cho đi không phải mục đích là được nhận về.
Như những người lính tuổi còn rất trẻ đã cho đi tuổi xuân, cho đi xương máu của mình vì một cái chung to lớn. Hay những người mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp từng củ khoai, bát gạo cho các chiến sĩ, đóng góp cả những đứa con ưu tú của mình để rồi âm thầm khóc nghẹn trong lặng lẽ khi hay tin các anh hi sinh, các anh không về. Các mẹ đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì cộng đồng, vì tập thể to lớn kia. Những con người ấy họ đã cho đi mà có nề hà chi. Họ hi sinh cái phần cá nhân bé nhỏ của mình đâu phải vì huy chương, vì chiến công. Họ ra đi mà không cần đền đáp lại.
Nhưng tấm lòng biết đồng cảm, những niềm cảm thông chia sẻ của chúng ta sẽ làm họ vui hơn rất nhiều, sẽ giúp họ cảm thấy ấm áp mà nhiệt tình hơn trong trao tặng. Chúng ta cũng không nên đóng góp sức mình mà lại đòi hỏi một sự công nhận thật tương xứng với công lao mà mình bỏ ra. Vì đó thực chất chỉ là một cuộc trao đổi chứ không phải cho đi vì cộng đồng. Vì vậy, chúng ta phải có quan niệm: mình vì mọi người, mọi người mình. Chúng ta cho đi thì ta sẽ được nhận về. Dù có lớn hay không thì sự nhận về ấy vẫn luôn có ý nghĩa. Nhà thơ Thanh Hải cũng đã từng suy nghĩ về triết lí này trong cuộc đời sáng tác văn chương của ông:
"Ta là con chim hót
Ta là một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến…”
.
Ông muốn làm một chú chim để dâng cho đời tiếng hót, muốn làm một bông hoa điểm tô thêm sắc hương cho cuộc sống, một nốt nhạc trầm để lại cho người nghe những dư âm xao xuyến. Và ông gọi đó là "Mùa xuân nho nhỏ" của mình. Khát khao của ông, ước muốn được cống hiến hết sức mình của ông cho cộng đồng mặc dù nhỏ bé nhưng nó đáng quý biết bao. Ông chỉ muốn được là góc nhỏ của mùa xuân vì ông biết rằng mùa xuân lớn kia, mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước. Từ mùa xuân bé nhỏ ấy, ta mới thấy ước muốn đóng góp lúc nào nó cũng đáng quý, dù đóng góp nhỏ bé hay lớn lao thì nó cũng có ý nghĩa vô cùng. Ta và tôi, cá nhân và cộng đồng… tất cả đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa những điều bé nhỏ và những thứ lớn lao trong cuộc sống.
Đó chính là triết lí sống vô cùng đúng đắn mà con người đúc kết được từ những thực tế cuộc sống. Tiếng ru giản dị, mượt mà, êm đềm nhưng ẩn chứa trong nó là bài học lớn lao. Và tiếng ru đấy vẫn luôn đồng hành trong hành trang cuộc đời của chúng , từ thuở bé cho đến khi trưởng thành, giúp ta nhận thức được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống, dạy ta biết đóng góp, biết cho đi tạo nên những bông hoa, những bài ca, những mùa xuân rực rỡ cho đời, người và cho cả chính chúng ta.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 2
Từ xa xưa, ông cha ta có câu:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Câu tục ngữ này nhằm răn dạy con cháu phải sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, lời răn dạy đó vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là bài học về cách sống giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể. Cá nhân là một con người đơn lẻ cụ thể trong một môi trường xã hội nhất định. Tập thể là một tập hợp gồm nhiều cá nhân ghép lại, cùng tham gia một hoạt động nào đó trong xã hội. Một nhóm, một tổ, một lớp, … là những ví dụ điển hình về một tập thể trong môi trường học tập.
Các cá nhân và tập thể có mối quan hệ qua lại, bổ trợ cho nhau. Mỗi một cá nhân tốt sẽ tạo dựng nên một tập thể tốt. Một tập thể tốt là khi các cá nhân trong tập thể tổng trọng, bình đẳng và cùng quan tâm đến một mục đích. Hơn nữa, trên thực tế không một cá nhân đơn lẻ nào hoàn toàn tồn tại và phát triển một cách độc lập, mỗi cá nhân đều cần đến và có nhu cần tập thể, Và tập thể tạo điều kiện cho các cá nhân trao đổi và phát triển. Cá nhân là tiền đề tạo nên sự vững mạnh của một tập thể và ngược lại.
Trong bất kì hoàn cảnh nào, vai trò của các cá nhân và tập thể đều là như nhau. Ví dụ như trong nhà trường, một lớp học được coi là xuất sắc khi học sinh trong lớp đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và lao động. Không phải ai trong lớp cũng tài giỏi như nhau. Việc những học sinh giỏi ngồi kèm những học sinh yếu kém, những học sinh khỏe mạnh làm những công việc lau dọn nặng nhọc giúp những học sinh có thể chất yếu, … sẽ giúp cho lớp học thêm khăng khít, có sự giúp đỡ qua lại để cùng nhau phát triển hơn.
“Con sâu làm rầu nồi canh” – bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều cá nhân có ảnh hưởng xấu đến tập thể. Một bạn quay cóp, gian lận trong thi cử, nói tục chửi bậy,… sẽ làm cho nhiều học sinh trong lớp muốn làm theo. Đồng thời, tập thể không tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển đồng đều, thậm chí còn lấy đi đi như cầu lợi ích cá nhân cũng là mặt trái cần bị phê phán và loại bỏ tương tự. “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”, để phát triển cá nhân tốt mỗi chúng ta cần biết chủ động tìm những tập thể lành mạnh để gia nhập. Đồng thời, nếu trong tập thể có những cá nhân tiêu cực, bản thân phải tự rèn luyện ý chí, tư tưởng vững vàng để không bị lây nhiễm.
Trong xã hội hiện nay luôn tồn tại song song mối quan hệ cá nhân và tập thể. Cá nhân và tập thể cũng được xem là hai lối sống luôn đi liền với nhau nhưng lại trái ngược nhau. Chính mối quan hệ này cũng gợi nên nhiều bài học trong cuộc sống. Cá nhân là cá thể từng người để tạo nên một cộng đồng, đó là sự riêng biệt, khác biệt tồn tại biệt lập trong một xã hội. Tập thể là tập hợp nhiều người, nhiều cá nhân cùng chung sống với nhau, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để phát triển. Như vậy cá nhân và tập thể nếu đứng tách ra thì hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng nếu xét về nghĩa tương trợ thì chúng có ý nghĩa hỗ trợ và làm phong phú cho nhau. Mỗi cá nhân sẽ tạo nên nhiều màu sắc hơn cho một tập thể.
Trên thực tế, không có một cá nhân nào tồn tại độc lập hay biệt lập so với tập thể. Nó luôn là một cá thể tạo nên sự hùng mạnh của một tập thể. Như vậy mới có thể nói rằng, tập thể chỉ được tạo dựng nên từ rất nhiều cá nhân. Mỗi cá nhân có ý thức và trách nhiệm xây dựng tập thể ấy vững mạnh và đoàn kết. Đó chính là mục tiêu lớn khi chúng ta sống trong một tập thể, một cộng đồng người. Ông cha ta vẫn có câu “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sức mạnh của cá nhân dù có mạnh đến đâu thì cũng sẽ không làm nên được nghiệp lớn, chỉ khi có sự hỗ trợ, giúp sức của tập thể thì chúng ta mới có thể xây dựng được sự vững mạnh và bền bỉ hơn.
Mỗi cá nhân đều mang một màu sắc, tài năng và suy nghĩ riêng. Vì thế chúng ta không thể khẳng định người này tốt hơn người kia, mà cần phải đánh giá một cách toàn diện nhất. Như thế mới có thể tạo dựng nên được một tập thể vững mạnh. Những người sống chung trong một cộng đồng người cần phải biết giúp đỡ người khác khi cần thiết, san sẻ bớt cơm chung. Một ví dụ điển hình chính là hằng năm đồng bào miền Trung luôn phải hứng chịu sự mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Chúng ta đang cùng sống trong một cộng đồng người, cần giang tay giúp đỡ, hỗ trợ để họ có thể xây dựng lại cuộc sống của gia đình mình.
Tuy nhiên trong xã hội này vẫn còn tồn tại nhiều người sống trong môi trường tập thể nhưng lại có lối sống cá nhân, chỉ nghĩ đến bản thân mình và sống vụ lợi. Đó là những ‘con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho tập thể có nhiều vết rạn, tập thể đó không phát triển được, luôn ở trong trạng thái trì trệ.Những người sống theo kiểu cá nhân mặc dù đạt được mục đích nhưng sẽ đánh mất đi nhiều thứ, là bạn bè, tình yêu, cả nhân phẩm.
Trong xã hội luôn có những người muốn “dìm” nhau để sống, để vươn lên, bất chấp mọi thủ đoạn chỉ mong đạt được kết quả mà mình muốn. Hậu quả của lối sống cá nhân, ích kỉ như thế này sẽ tự họ phải hứng chịu lấy. Một xã hội chỉ có thể phát triển khi mỗi cá nhân sống và làm việc dựa trên tinh thần tập thể, cùng nỗ lực phấn đấu vì xã hội chung.
Như vậy để có thể tạo dựng được một tập thể vững mạnh thì đòi hỏi ở mỗi cá nhân cần có trong mình tinh thần tập thể. Có như thế thì chúng ta mới có thể cùng hỗ trợ và giúp đỡ nhau phát triển được.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 3
Xã hội loài người là một quần thể rộng lớn, ở đó mỗi cá nhân học tập làm việc và sinh hoạt bằng nhiều phương thức khác nhau, tạo ra các giá trị khác nhau và đều có bản sắc của riêng mình để phân biệt trong một tập thể rộng lớn. Cá nhân và tập thể là hai khái niệm luôn song hành với nhau nhưng lại có mục tiêu và phương hướng trái ngược nhau, thế nhưng giữa chúng luôn có mối quan hệ hỗ trợ, biện chứng tạo nên cho con người nhiều suy nghĩ, chiêm nghiệm trong lối sống và cách làm việc sao cho thỏa mãn cả hai vấn đề cá nhân và tập thể.
Cá nhân là một cá thể riêng biệt, có những suy nghĩ, quan điểm và hành động riêng, mà không có cá thể nào khác trong xã hội trùng lặp. Ở mỗi cá nhân, ta luôn thấy hiện lên cái "tôi", cái bản sắc cá nhân, đó bao gồm nhân cách, phẩm chất đạo đức, khả năng tri thức, tuổi, giới, tình trạng cuộc sống, công việc,... Mỗi cá nhân luôn hành động trước hết vì những mục tiêu riêng cho cuộc sống của bản thân, sau là vì các mối quan hệ liên quan trong xã hội. Ngược lại, tập thể là một cộng đồng, một nhóm người bao gồm nhiều cá nhân khác nhau tập hợp lại dưới nhiều hình thức ví dụ như tập thể lớp học, tập thể công ty, tập thể ký túc xá, các loại tổ chức, đội nhóm,... Hành động vì mục tiêu chung hoặc đơn giản chỉ là chung sống một cách hòa thuận với nhau, đôi lúc có hỗ trợ và có những mối quan hệ mật thiết với nhau vì tính chất công việc hoặc tình nghĩa. Từ những định nghĩa trên, chúng ta có thể nhận thức một cách rõ ràng cá nhân và tập thể là hai trường phái đối lập nhau nhưng lại hỗ trợ nhau phát triển, các cá nhân làm nên một tập thể phong phú, đa dạng nhiều màu sắc, ngược lại tập thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển và vươn lên.
Trong thực tế, không thể tồn tại một cá nhân nằm ngoài mối quan hệ với tập thể, bởi trong cuộc sống của con người, không thể tránh khỏi việc mình luôn là một phần trong một tập thể nào đó, ví như là một học sinh trong một trường học hay nhân viên trong một công ty chẳng hạn. Mỗi cá nhân không thể sống tách biệt, đặt cái "tôi" cá nhân của mình lên cao nhất, mà phải biết dung hòa với nhiều cá nhân khác, cùng đưa tập thể đi lên. Và riêng mỗi cá nhân cũng phải chú ý giữ gìn bản sắc riêng, tạo dấu ấn, phấn đấu và nỗ lực không ngừng, nhiều cá nhân cùng phấn đấu như vậy sẽ tạo nên một tập thể vững mạnh và xuất sắc. Có thể nói rằng, sự phát triển của tập thể là căn cứ để đánh giá sự nỗ lực, phát triển của cá nhân và ngược lại, ví dụ có câu "dân giàu, nước mạnh", một đất nước mà nhân dân làm ra được nhiều của cải, vật chất, cống hiến cho xã hội, tạo được nhiều thành tựu, sự chung tay ấy chính là động lực để đất nước phát triển vững mạnh, và đất nước vững mạnh thì nhân dân mới an cư lạc nghiệp, chăm chỉ làm ăn.
Sự thành công, vươn lên của một cá nhân duy nhất thì khó có thể đưa đến những thành tựu lớn mà cần sự chung tay góp trí, góp sức của nhiều cá nhân. Ông bà ta từng có câu: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" là thế. Ví dụ, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chỉ có một vài người sẵn sàng đứng lên chiến đấu, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, thì liệu cuộc kháng chiến có thành công? Rõ ràng, cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta thành công là do sự đoàn kết, kiên trì không ngừng nghỉ của hàng triệu con người, ai cũng một lòng hướng về Tổ quốc, về nhân dân. Tóm lại, trong một tập thể thì các cá nhân phải đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, ngược lại tập thể phải tạo mọi điều kiện để cá nhân phát huy hết năng lực của bản thân. Hai khái niệm này đồng thời có sự nhân nhượng, bao dung và hy sinh cho nhau, điều đó thể hiện qua câu nói: "Một người vì mọi người, mọi người vì một người".
Trong cuộc sống hiện nay, mối quan hệ cá nhân và tập thể đôi lúc còn nhiều bất cập, tình trạng chia bè kéo cánh, chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng, luôn lấy cái tôi cá nhân làm đầu, cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ còn rất phổ biến. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của cả riêng cá nhân đó và tập thể nói chung. Đó là lối sống ích kỷ, thiển cận, xa rời tổ chức, người sống như vậy sẽ rất khó phát triển và thành công. Bởi trước hết họ đã tự cô lập mình khỏi cộng đồng, không nhận thấy được yếu điểm của bản thân để sửa chữa do không có sự nhắc nhở, nhận xét từ các cá nhân có tầm nhìn khác. Thêm vào đó, họ sẽ không gây dựng cho mình được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, bị xa lánh, cuối cùng họ cô độc trong chính cuộc đời của mình, tựa như một con hươu lạc bầy thì dễ dàng bị sư tử tấn công hơn cả.
Ý thức được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cá nhân và tập thể, mỗi chúng ta phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để trau dồi rèn luyện đạo đức, tri thức, lao động một cách tích cực tạo ra thành quả, nhanh chóng vươn tới ước mơ. Đồng thời phải luôn đặt lợi ích cá nhân đi cùng lợi ích của tập thể, cố gắng cân bằng giữa hai thứ đó, nếu khó khăn quá thì buộc chúng ta phải hy sinh lợi ích của mình vì mục tiêu chung là thúc đẩy tập thể phát triển. Nhưng nhớ, chúng ta sống trong tập thể nhưng vẫn phải giữ và duy trì được những bản sắc cá nhân, tự đánh dấu mình trong muôn vàn các cá nhân khác, trong một tập thể không có nghĩa là bạn phải hạn chế năng lực của mình, mà phải vươn lên để làm động lực cho nhiều cá nhân khác vươn lên. Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải biết san sẻ và giúp đỡ những người có cảnh ngộ khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của một dân tộc, giúp đỡ những cá nhân kém may mắn hơn có một cuộc sống đỡ vất vả khó khăn hơn.
Một tập thể vững mạnh cần nhất đó là tinh thần đoàn kết, hướng về mục tiêu chung của mỗi cá nhân. Cá nhân và tập thể là mối quan hệ biện chứng, song hành không thể tách rời, nếu bỏ qua mối quan hệ này thì cho dù là bất kỳ tập thể hay cá nhân nào dù xuất sắc đến đây cũng khó có thể phát triển vững bền được.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 4
Trong cuộc sống của chúng ta, ai ai cũng có rất nhiều mối quan hệ riêng. Có những mới quan hệ cá nhân và những mối quan hệ tập thể. Đây là hai lối sống trái ngược nhau, nảy sinh rất nhiều vấn đề với mỗi người. Chính điều này đôi khi vô tình tạo nên những vấn đề đáng nói trong cuộc sống.
Những cá nhân chính là những con người đơn lẻ, chỉ có một mình và hoạt động một mình trong xã hội. Còn tập thể thì hoàn toàn ngược lại, đó là tập hợp của một nhóm người, bao gồm nhiều cá nhân hợp lại hoạt động cùng nhau trong một hoàn cảnh nào đó. Đây là mô tả đơn giản nhất về cá nhân và tập thể.
Trong môi trường hoạt động cụ thể, cá nhân và tập thể có mối liên quan mật thiết, bổ trợ cho nhau. Một nhóm bao gồm những cá nhân, thành viên tốt, sẽ trở thành một tập thể tốt, cùng nhau phát triển. Vì có thể khẳng định rằng, không có người nào hoạt động một mình, mang chủ nghĩa cá nhân mà có thể phát triển tốt được. Các cụ xưa đã có câu:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Câu tục ngữ này có ý nghĩa răn dạy chúng ta cần phải giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Bất cứ việc gì, một người không làm được thì sẽ làm được với sự giúp đỡ của những người khác. Ví dụ như khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, không phải học sinh nào cũng giỏi như nhau. Vậy nhưng các em trong cùng lớp biết đoàn kết, giúp đỡ, cùng nhau học tập chăm chỉ, thì sẽ tạo nên một lớp với những thành viên có kết quả học tập tốt.
Hay đến khi chúng ta đi làm. Chắc chắn một cá nhân dù có giỏi đến mấy, cũng không thể hoạt động hiệu quả nếu không có những đồng nghiệp, cộng sự tốt. Khi làm việc theo nhóm, chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ những khó khăn, khúc mắc gặp phải, rồi đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến phù hợp cho công việc. Có như vậy chúng ta mới có thể cùng nhau phát triển, đạt được những công việc đã đề ra.
Vậy nhưng xã hội lúc nào cũng vậy, cũng tồn tại những người tốt và người không tốt. Có những cá nhân không tốt làm ảnh hưởng xấu đến tập thể. Họ làm những điều sai trái, nhưng lại không chịu thừa nhận. Thậm chí là nhiều khi lén lút thực hiện những hành vi không đúng đắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả, dẫn đến cả tập thể của họ phải chịu những hậu quả không đáng. Từ đó, sẽ có những cá nhân không tốt bị đào thải ra khỏi tập thể.
Và nếu họ không chịu cố gắng thay đổi, sửa chữa lỗi lầm, chắc chắn sẽ không bao giờ có được kết quả tốt trong cuộc sống. Bên cạnh đó, trong một tập thể cũng cần phải có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái chứ không nên đố kỵ, ghen ghét nhau. Nếu lúc nào cũng mang tâm lý ganh đua, ghen ghét, sợ thua thiệt…chắc chắn tập thể đó sẽ tồn tại nhiều vấn đề mà nếu không giải quyết, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành một tập thể yếu kém, không thể phát triển được.
Có thể thấy, để phát triển tốt cũng như thực hiện được những điều mình mong muốn, mỗi cá nhân cần phải tự hoàn thiện mình. Sau đó chúng ta sẽ cùng làm việc, cùng ở bên nhau và xây dựng một tập thể tốt, vững mạnh để cùng nhau phát triển, đạt được những thành tựu, mục tiêu đã đề ra.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 5
Người xưa đã dạy rằng: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”. Câu ca dao, tục ngữ như muốn nhắn gửi, muốn răn dạy con cháu ta phải biết sống đoàn kết, yêu thương, tương trợ lẫn nhau. Cũng giống như câu chuyện về bó đũa của người cha, dạy anh em trong nhà khi biết đoàn kết thì không có bất kỳ một tác động, một sóng gió nào có thể quật ngã. Những lời dạy đó vẫn mãi có giá trị. Một bài học về cách sống giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể.
Định nghĩa về cá nhân và tập thể rất rõ ràng. Cá nhân là đơn, là một con người cụ thể trong một môi trường xã hội, một tổ chức, một tập thể. Còn tập thể chính là một tổ hợp, tập hợp những cá nhân ghép lại, tụ tập lại, cùng nhau tham gia vào một hoạt động, một công việc chung nào đó trong xã hội. Và ví dụ điển hình của tập thể đó chính là một cơ quan, một nhóm, hay trong môi trường học tập là một tổ, một lớp…..
Trong cuộc sống này, các cá nhân, tập thể luôn luôn có mối quan hệ qua lại với nhau, bổ trợ, hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển. Mỗi cá nhân khi thực hiện tốt mọi việc, mọi quy định sẽ xây dựng, tạo dựng và phát triển nên thành một tập thể tốt. Ngược lại một tập thể tốt là khi các cá nhân trong tập thể đó luôn có sự tôn trọng, bình đẳng, cùng quan tâm giúp đỡ nhau thực hiện vì một mục đích, một lợi ích chung. Trên thực tế, không thể nào tồn tại những cá nhân đơn lẻ, và càng không thể có sự phát triển một cách độc lập, mỗi người, mỗi cá nhân đều cần đến một môi trường tập thể. Chính tập thể sẽ là điều kiện để cho các cá nhân có thể phát triển hơn, có sự trao đổi, trau dồi. Là nơi để cá nhân phải phấn đấu, phải nổ lực, hoàn thiện, cũng là nơi để cá nhân sẽ chia, cảm nhận được sự tồn tại cũng như lợi ích của mình. Còn cá nhân chính là tiền đề là đóng góp cho sự vững mạnh của tập thể. Cá nhân và tập thể chính là sự cộng sinh cho nhau.
Dù ở trong bất kỳ một hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta cũng thấy được rằng, vai trò của cả cá nhân và tập thể đều như nhau. Nhìn vào môi trường học tập, ta sẽ thấy rõ khi một nhà trường, một lớp học đạt được những thành tựu xuất sắc, là những trường điểm, trường đứng đầu ở cả nước, ở tỉnh thì tại môi trường đó, những học sinh phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, biết phấn đấu trong học tập, lao động. Biết thi đua lành mạnh, biết tham gia và hưởng ứng tốt các phong trào. Một tập thể thì điều quan trọng chính là sự giúp đỡ, đoàn kết. Không phải ai trong một tập thể lớp học cũng đều giỏi giống nhau. Có bạn giỏi, có bạn yếu, nhưng khi biết kèm cặp, giúp đỡ nhau thì kết quả học tập sẽ trở nên tốt lên, những bạn khỏe mạnh giúp đỡ những bạn yếu hơn. Trường, lớp là điều kiện để tạo nên chất xúc tác đó. Khi cả tập thể đưa ra mục đích và cùng nhau làm để đạt được thì nhất định sẽ thành công.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người lại không biết đến sức mạnh của tập thể. Trở thành những con sâu làm hư hỏng nồi canh ngon. Và đôi khi những tấm gương xấu đó, khiến cho tập thể trở nên yếu kém đi. Một bạn đua đòi, ăn chơi, không lo học hành, đến kì thi thì quay cóp, gian lận, lại hay chửi tục chửi bậy….làm cho nhiều người khó chịu, nhưng cũng khiến nhiều bạn học sinh khác noi theo. Cũng có nhiều trường hợp, tập thể lại không biết tạo điều kiện cho cá nhân phát triển đồng đều, hoặc có nhiều trường hợp còn láy đi lợi ích cá nhân, khiến cho nhiều người mất mãn. Đây là mặt trái của xã hội vì vậy cần lên án và loại bỏ.
Chúng ta hãy sống lành mạnh, hãy sống tốt để xây dựng một tập thể tốt, vững mạnh. Hãy chọn bạn để chơi và chọn nơi mà ơi, cần chủ động tìm những tập thể tốt để gia nhập để tham gia, để phát triển. Bên cạnh đó, phải biết tránh, biết phê phán những cá nhân tiêu cực trong tập thể, bản thân cũng phải rèn luyện ý chí và tư tưởng vững mạnh để có thể tránh xa những thói xấu, để không bị lây nhiễm.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 6
Trong xã hội hiện nay, việc định hướng phát triển giữa cá nhân và làm việc tập thể luôn luôn tồn tại song song. Mỗi người có một xu hướng, tính cách làm việc khác nhau, thế nhưng việc dung hòa giữa cái tôi cá nhân và tập thể là điều rất quan trọng.
Cá nhân là những người đơn lẻ sống trong một xã hội to lớn. Tập thể bao gồm nhiều cá nhân thành viên gộp lại thành những cộng đồng, làng xã. Những nhóm 3-5 người, hay những ngôi làng có hàng chục, trăm hộ dân sinh sống là mẫu hình tiêu biểu cho mô hình tập thể.
Cá nhân tựa như những viên gạch trong một ngôi nhà tập thể to lớn. Khi mỗi cá nhân tốt sẽ dựng nên một tập thể vững mạnh. Nhiều người nghĩ rằng, cá nhân không hề liên quan đến tập thể, nơi có những người không có mối quan hệ thân thích, máu mủ. Thế nhưng, cá nhân muốn tồn tại, phát triển lâu dài thì cần có sự trợ giúp của cả một tập thể. Tập thể sẽ có thể tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển, trau dồi. Cũng như Bác Hồ không thể một mình cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khi không có sự chung tay, giúp đỡ của cả một tập thể nhân dân.
Hay trong một môi trường làm việc, các thành viên, cá nhân sẽ chẳng thể nào vượt qua được hết khó khăn trong công việc khi tự lực một mình. Họ cần có sự đông viên của các đồng nghiệp, sự dẫn đắt của những người trưởng nhóm, trưởng phòng. Ông cha ta đã có câu “ Một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một cá nhân có vững mạnh đến lâu cũng không thể sánh ngang với sức mạnh của cả một tập thể.
Mỗi người sẽ có những suy nghĩ, màu sắc khác nhau. Tuy có những lúc cãi vã, tranh chấp vì cái tôi cá nhân, thế nhưng nếu họ biết nhường nhịn, gạt bỏ và sống chung vì mục đích tập thể sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn. Mỗi người sống chung một cộng đồng xã hội,cần biết san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Những người giàu có thể giúp đỡ cho người nghèo, người trẻ tuổi có thể giúp đỡ người già yếu. Những hoạt động chung tay về cộng đồng, như cứu giúp người neo đơn, mổ tim chữa bệnh cho trẻ em nghèo được xây dựng ra đều là nhờ công đóng góp của tập thể những người tốt bụng.
Tuy nhiên, trong xã hội hiên nay, có nhiều người vẫn chỉ biết đặt mưu cầu, lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Như những quan chức tham quan, lấy tiền của dân mà không hề lo lắng cho cuộc sống của nhân dân. Những vị bác sĩ làm việc tắc trách, gây nên nhiều cái chết oan của bệnh nhân cũng là những con người sống không biết vì tập thể. Mỗi một cá thể đều là những mắt xích quan trọng trong bộ máy hoạt động của một doanh nghiệp, cộng đồng. Vì vậy, nếu chỉ vì những lý do cá nhân, bỏ bê công việc sẽ làm ảnh hưởng tới cả một tập thể lớn mạnh. Xét đến những bạn học sinh yếu kém, nếu thầy cô hay các bạn học sinh giỏi chỉ chăm chút tới thành tích cá nhân mà không giúp đỡ các bạn khác, thì mãi mãi tập thể, xã hội ấy chẳng thể nào lớn mạnh.
Biết chia sẻ, biết sống vì tập thể, nói thì dễ nhưng khi làm thì rất khó. Con người thường có tính ích kỉ, chỉ muốn lợi cho bản thân. Nếu mỗi người biết nghĩ cho người khác một chút thôi, tự mình chăm chút, giữ gìn môi trường thì có lẽ, cuộc sống của chúng ta không bị quá nặng nề, áp lực từ những vấn đề thời sự như ô nhiễm môi trường tăng cao, tỷ lệ bệnh tật bùng nổ.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 7
Trong xã hội con người, cá nhân luôn luôn đi liền với tập thể. Sợi dây gắn kết giữa họ không thể nào cắt đứt mà phải luôn được kết nối trong một chỉnh thể nhất định. Chính mối quan hệ này cũng gợi ra nhiều bài học về cách sống, lối sống cũng như đề cập đến trách nhiệm mỗi con người trong việc xây dựng một tập thể vững mạnh.
Cá nhân là cá thể từng người tồn tại biệt lập trong xã hội. Tập thể là cộng đồng được tạo nên từ những cá nhân nhỏ bé. Từ xưa đến nay, cá nhân luôn được biết đến như một phần tạo nên một tập thể vững mạnh, tương trợ lẫn nhau để cùng xây dựng một cộng đồng phát triển. Hai khái niệm nghe ban đầu tưởng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ông cha ta từng có câu thơ rằng:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Phải chăng ngay từ xưa, con người đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề cá nhân và tập thể? Ngay từ những buổi bình minh đầu tiên của loài người, con người đã biết sống dựa vào nhau tạo thành những bộ lạc và nương tựa vào nhau mà sống. Cho đến thời kì hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn đang hằng ngày không ngừng giúp cho tập thể luôn luôn vững mạnh, phát triển bằng cách xây dựng những tổ chức mang tính tập thể rất cao.
Trên thực tế, không một cá nhân nào có thể phát triển và tồn tại một cách biệt lập với cộng đồng. Thế giới này được tạo nên từ muôn vàn những mảnh ghép khác nhau của cuộc sống và cuộc sống của con người được tạo nên từ những cá nhân kia. Một bông hoa dại không thể tạo nên vẻ đẹp nhưng trăm nghìn bông hoa dại lại tạo nên một cánh đồng hoa tuyệt đẹp. Con người cũng vậy, nếu một cá nhân không thể đủ sức gánh vác trọng trách lớn lao thì sức mạnh của tập thể lại có thể phá vỡ mọi thử thách. Chính mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể lí giải vì sao trước khi có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, những cuộc chiến đấu của nhân dân ta lại thất bại. Bởi lẽ nó chỉ nổ ra một cách lẻ tẻ và chưa thật sự đủ lớn để có thể đấu lại với vũ khí tối tân của kẻ thù.
Một tập thể muốn thành công phải cần đến sự giúp sức từ từng cá nhân nhỏ bé. Nếu như chỉ cần một người làm sai thôi, cả dây chuyền ấy sẽ bị phá vỡ để rồi cuối cùng mọi công sức của tập thể sẽ trở thành một đóa phù dung sớm nở tối tàn. Vì vậy, sức mạnh của tập thể được làm nên từ chính những con người nhỏ bé, nó đề ra cho mỗi người trách nhiệm của bản thân là phải hạn chế những điểm yếu để ra sức cống hiến cho cộng đồng. Trong công việc cũng vậy, một khi đã nhận trách nhiệm, phải thật sự để tâm vào nó và gắng hết sức để có thể có được những thành quả tốt nhất bù đắp lại những cố gắng mà một tập thể đã gây dựng. Khi bạn chơi xếp hình, một bức tranh sẽ không thể hoàn thành nếu mất đi một mảnh ghép. Cuộc sống cũng vậy, nếu chỉ mất đi một vài người thôi, tập thể ấy sẽ mất đi sức mạnh để có thể chống chọi lại những va đập của cuộc sống.
Tuy nhiên, không phải tập thể nào cũng sở hữu những cá nhân xuất sắc. Thế nhưng chính sự bọc lót và tương trợ lẫn nhau lại biến một đội bóng tầm thường có thể lập nên những kì tích không ngờ. Câu chuyện về U23 Việt Nam là một minh chứng: bị đánh giá thấp hơn các đối thủ về mọi mặt nhưng U23 Việt Nam vẫn ngẩng cao đầu bước vào đến vòng chung kết! Đó là thành quả của sức mạnh tập thể, một tập thể với cách tổ chức cao và tinh thần chiến đấu vô cùng nhiệt huyết và quyết tâm.
Trong cuộc sống, vẫn có những người tách mình ra khỏi tập thể, sống biệt lập khỏi xã hội. Những con người ấy sẽ biến mình trở thành những con sói cô độc trong chính bước đường đi của mình và dễ dàng bị đánh bại nếu gặp một đối thủ khác hơn tầm. Bởi vậy, mỗi chúng ta, những công dân của một thế kỉ hiện đại, hãy hòa mình vào cuộc sống chung của mọi người và gắng sức cống hiến cho tập thể thêm vững mạnh.
Người ta thường nói sức mạnh tập thể là sức mạnh vô biên giúp con người vượt qua mọi gian lao thử thách. Xây dựng được một tập thể vững mạnh cũng như mỗi cá nhân phải thật sự hòa vào với tập thể ấy là trách nhiệm không của riêng ai.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 8
Bạn sẽ làm gì khi mọi khó khăn trong cuộc sống dường như che lấp cuộc đời bạn, khi mà thần may mắn không còn mỉm cười với bạn, khi mà mọi người xung quanh bạn toàn những tai tiếng, nhục nhã. Những lúc đó bạn càng cảm thấy vai trò của cá nhân và tập thể càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đúng như lời Phật dạy: “ Giọt nước chỉ hòa vào biển mới không cạn mà thôi”.
Cá nhân là những con người cụ thể, đơn lẻ sống trong một thực thể xã hội. Tập thể là khối đoàn kết thống nhất, bao gồm nhiều cá nhân tập hợp lại cùng tham gia một hay nhiều hoạt động nào đó trong xã hội. Trong xã hội mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại nhưng lại bổ sung cho nhau.
Đúng như Các- Mac nói "Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Nếu bản thân một cá nhân con người nào đó tách rời các mối quan hệ xa, tập thể cũng đồng nghĩa sự tiêu diệt sự tồn tại của mình. Một giọt nước nhỏ nếu ít thì cũng sẽ dễ dàng bốc hơi nhưng nếu nhiều sẽ tạo nên một biển cả mênh mông, một hạt cát nhỏ không thể làm nên một sa mạc rộng lớn. Không có cá nhân thì không có tập thể bởi vì tập thể được tạo nên từ sự tồn tại, gắn kết của nhiều cá nhân với nhau. Một trường học được tạo nên bởi nhiều học sinh và thầy cô giáo. Một làng, một xóm được tạo nên bởi nhiều hộ dân.
Nhưng nếu tập thể chỉ là sự cộng gộp đơn thuần của nhiều cá nhân riêng lẻ thì sẽ không tồn tại. Tập thể chỉ tồn tại khi các cá nhân có mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Một đội bóng chỉ có thể chơi thành công khi các cầu thủ hiểu ý nhau và biết phối hợp một cách nhịp nhàng. Một đội tuyển thi ở lĩnh vực nào đó mà đạt kết quả cao khi các cá nhân biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ hay rộng ra là dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Như vậy chính sự gắn kết của mỗi cá nhân mang đến sức mạnh cho tập thể, xây dựng tập thể thành khối vững chắc. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói:
“ Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Chẳng qua là đốm lửa tàn mà thôi.”
Cá nhân và tập thể có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống con người? Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là phải sống trong nỗi cô đơn nhưng điều này sẽ biến mất khi chúng ta biết hòa mình vào tập thể, sẽ mang đến cho mọi người niềm vui, sự chia sẻ, niềm đồng cảm để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.Trong xã hội, có nhiều gia đình gặp hoàn cảnh không may, bất hạnh như bệnh tật, đói nghèo nhưng nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm mà họ có thể vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.
Tập thể còn là nơi để các cá nhân thi thố tài năng và khẳng định mình. Mỗi cá nhân chỉ có ý nghĩa và giá trị khi khẳng định mình trong một tập thể nhất định. Và thành công của mỗi cá nhân cũng làm cho danh tiếng của tập thể được nâng cao. Như vậy có thể thấy sự tương tác gắn bó hai chiều khăng khít không thể tách rời.
Trong tập thể mỗi cá nhân cần biết hòa mình vì lợi ích chung của tập thể nhưng hòa mình không có nghĩa là hòa tan mà mỗi người cần giữ một cá tính, một cuộc đời riêng để làm cho tập thể thêm phong phú như nhà thơ Tố Hữu có viết: “ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến.” Tập thể chỉ được phát huy khi lợi ích của cá nhân gắn với lợi ích của tập thể và không mâu thuẫn với tập thể. Bên cạnh những con người luôn sống gắn bó với tập thể thì cũng có những người có tư tưởng sống ích kỉ, hẹp hòi vì lợi ích cá nhân, tách mình ra khỏi tập thể hay những người luôn tự cao, tự đại, đề cao mình quá mức. Đó là những biểu hiện cần phê phán.
Mỗi người hãy biết hòa mình vào tập thể, cộng đồng để cuộc đời có ý nghĩa bởi cuộc sống là tổng thể hài hòa giữa cá nhân và đồng loại.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 9
Vấn đề cá nhân và tập thể luôn là vấn đề nóng trong xã hội và nó gần như là nguồn cơn của mọi thứ.
Cá nhân là một con người đơn lẻ được sinh ra và phát triển trong xã hội, thể hiện bằng một ý chí và nhân cách riêng biệt, thống nhất và độc lập ở mức độ nhất định với xung quanh; được xã hội công nhân và có đầy đủ các quyền hạn và nghĩa vụ của làm người. Tập thể là tập hợp của nhiều cá nhân trong đó, chúng kết hợp với nhau bằng sự liên kết hoặc ràng buộc nào đó với nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn nhất định. Ví dụ: trường học, công ty, các câu lạc bộ, hội học sinh,…
Ngay từ ngày xưa, cha ông ta đã có ý thức về cá nhân, tập thể, cụ thể ông cha trình bày quan điểm rất gần gũi trong câu tục ngữ:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”Ta càng thấy được tầm quan trọng của vấn đề cá nhân và tập thể. Từ thời nguyên thuỷ, biết sống với nhau thành bầy đàn để tránh hiểm nguy từ thú dữ, quây quần cùng nhau chia thức ăn, đến những loài động vật trong tự nhiên, hoang dã để sinh tồn cũng hợp thành bầy đàn.
Cá nhân là những phần tử cấu thành và kết hợp thành mộ thể thống nhất, đó mới gọi là tập thể bởi một lý do đơn giản là tập thể chỉ được xây dựng khi có các cá nhân đa dạng, phong phú liên kết lại với nhau dựa trên các mối quan hệ khăng khít, các lĩnh cực, cùng chung sở thích, cùng đam mê,..những thứ gắn kết họ chặt chẽ với nhau.. Một tập thể chỉ tồn tại, phát triển và duy trì được khi tập thể ấy có các cá nhân, nó giống như một xã hội thu nhỏ, chỉ khi có con người sinh sống mới tồn tại.
Tập thể là nơi để thống nhất ý kiến của các cá nhân và đại diện để làm nên ý chí duy nhất, nó không phủ nhận tiếng nói riêng nhưng cần tiếng nói chung. Sức mạnh của tập thể có được là do sức mạnh của mỗi cá nhân kết hợp lại. Mỗi cá nhân cũng phải tự hiểu mình là một phần rất nhỏ của tập thể cũng là nhân tố quan trọng để hình thành và phát triển tập thể. Điều này dễ hiểu bởi những tập thể có đóng góp lớn, có những cá nhân xuất sắc, tiêu biểu thì luôn là tập thể phát triện, có sức mạnh, đồng thời thu hút nhiều cá nhân hơn.
Điều này cũng tạo ra một tình huống, trong tập thể luôn luôn tồn tại sự cạnh tranh ngầm, đấu đá giữa những cá nhân riêng. Nếu tất cả mọi người trong gia đình đều biết sống theo bổn phận mình thì gia đình đó chắc hẳn sẽ giàu có và hạnh phúc. Nếu đại đa số công dân biết sống đúng trách nhiệm và chức năng của mình, thì xã hội sẽ lành mạnh, tốt đẹp và cường thịnh.
Hơn hết, tạo nên một tập thể lớn mạnh, có màu sắc đa dạng thì yêu cầu với các cá nhân cũng cao hơn, đòi hỏi mỗi người phải có bản sắc riêng của mình, có tiếng nói riêng, dùng đúng mục đích của tiếng nói ấy để diệt trừ cái xấu, và hơn hết để thống nhất tập thể chứ không nên hòa tan vào tập thể. Trong xã hội ngày nay, có những kẻ giả tạo sống vì cộng đồng nhưng lại ích kỉ bằng lối sống cá nhân, tự chuộc lời, không ít người còn không từ thủ đoạn mà rat ay với đồng loại, nhằm đưa họ xuống nước, đạp lên nhau để sống.
Cá nhân, tập thể là hai mối tương quan liên quan đến nhau cách chặt chẽ, vì vậy mỗi người cần ý thức được phải làm gì để cho tập thể và chính cá nhân tốt đẹp hơn.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 10
Giọt nước làm thế nào mới không bị tan biến và con người làm thế nào để tồn tại? Nếu như đất tôn cao nhau, nước làm đầy nhau để sống thì con người đối với con người vẫn còn là một dấu “hỏi”. Có chăng, con người tồn tại vì mối quan hệ cá nhân – tập thể?
Sống trong đời, cá nhân lại cần hòa nhập với tập thể. Cuộc sống như một cuốn sách, không thể đọc phần đầu đoán được phần cuối, cuộc đời hức tạp và bí ẩn hơn nhiều. Những mấp mô trên đường đời đâu phải khi nào cũng thấy để tránh khỏi vấp ngã? Mỗi cá nhân chúng ta lại là một cá thể nhỏ bé với nhiều những giới hạn. Có những việc đơn giản hàng ngày ta có thể tự làm một mình nhưng cũng có những công việc lớn lao, những thử thách, khó khan, một cá nhân không thể đủ sức làm nổi, không đủ khả năng để chống chọi. Đơn giản như xây một ngôi trường, đắp một con đê, làm một con đường,… sức một người làm sao có thể?
Nếu việc gì ta cũng cố chấp làm một mình, không những hiệu quả đem lại không được như ý muốn mà còn tốn thời gian, tiền bạc, công sức. Sống trong cộng đồng, mỗi các nhân đều có một điểm mạnh, điểm yếu riêng, Thượng đế có thể ban cho ai đó giọng hát ngọt ngào nhưng cũng có quyền lấy đi của họ ánh sang của đôi mắt là vì thế. Khi được hòa mình trong tập thể, được hợp tác và tương trợ, điểm yếu của người này sẽ được lấp đầy bởi điểm mạnh của người kia và mỗi người thể hiện giá trị của riêng mình tạo nên một xã hội văn minh, tươi đẹp. Biết bao công ty nước ngoài đều thành công rực rỡ cũng đều khởi nghiệp từ một nhóm người đấy thôi!
John Green từng tâm niệm: “Bản chất của những vì sao là luôn gặp nhau”, nghĩa là bản chất của cuộc sống con người là nương vào nhau mà sống. Tập thể vì thế đem đến cho cá nhân những niềm vui, sự sẻ chia, đồng cảm. Bước đi có những người bạn đồng hành ở bên, con người không những được san sẻ bớt những gánh nặng của cuộc đời mà còn có một điểm tựa vững chắc để tiến lên. Bạn cũng biết đấy, một cánh én đâu thể làm nên mùa xuân và một cá nhân đâu thể làm nên cộng đồng? Chẳng có ai sinh ra là sống tách bạch với thế giới loài người.Người này phải nhờ người kia mới tự hoàn thiện, nghệ này phải nhờ nghề kia mà được duy trì. Trong gia đình, con cháu cần đến ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ cần nương vào con cái, chị cần đến em, em cần đến anh… Trong nghề nghiệp, những người nông dân muốn nâng cao sản xuất phải nhờ đến máy móc của những kĩ sư khoa học, những kĩ sư khoa học muốn duy trì cần có những bát cơm của người nông dân…
Mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể là mối quan hệ hai chiều, như hai mặt của một tờ giấy, không thể tách rời mà luôn gắn kết bổ sung. Không có cá nhân thì không có tập thể và tập thể chỉ bền vững khi các cá nhân có sự gắn kết. Sự gắn kết càng mạnh, sức mạnh của tập thể càng lớn, càng làm nên được những điều phi thường. Sức mạnh ấy đưa đất nước mặt trời mọc vực dậy sau thảm họa kép động đất song thần năm 2011 khiến cả thế giới cúi đầu cảm phục, đưa dân tộc Việt Nam giành lại độc lập, đánh đuổi những Đế quốc hung mạnh xâm lăng, khiến cả thế giới kinh ngạc…
Tuy nhiên, mối quan hệ cá nhân – tập thể không phải là cái cớ ngụy biện cho bất kì sự dựa dẫm nào. Cá nhân tuy cần đến tập thể nhưng sự tự nỗ lực của bản thân mới là điều quan trọng quyết định tất cả. Thế mà đâu đó trong tập thể cộng đồng vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, không có trách nhiệm với cả tập thể và với chính mình. Có những kẻ chỉ biết sống ích kỉ, lo nghĩ cho bản thân không quan tâm đến những người xung quanh, những kẻ như thế sớm cũng có ngày như giọt nước rớt lại, bốc hơi và nhanh tan biến
Hãy gắn kết với cộng đồng không phải chỉ để tồn tại mà còn để sống: sống với hăng hái, nhiệt tình, luôn biết quan tâm tới những người xung quanh!
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 11
Tuổi thơ ai lớn lên đã từng được bà, mẹ hát ru những câu hát của Tố Hữu:
“Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.”
(“Tiếng ru”)Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không sống một mình mà phải cùng nhau. Bởi cá nhân luôn có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng.
Cá nhân là bạn, là tôi, là một người, một cá thể hay có thể hiểu là “cái tôi” riêng biệt, có ý thức và sự độc lập nhất định đối với xung quanh. Còn “tập thể” chính là một nhóm, một tổ chức, một xã hội hay rộng lớn hơn là một thế giới. Tập thể ấy không phải sự ghép lại cơ học của các cá thể mà có sự liên kết hoặc thống nhất về mục tiêu hay một mục đích, đặc điểm chung nào đó. Như vậy. có thể thấy cá nhân và tập thể có mối quan hệ qua lại, chặt chẽ với nhau.
Nếu nói tập thể là một cánh đồng rộng lớn thì cá nhân chính là mỗi bông lúa trên cánh đồng ấy. Nếu nói tập thể là một căn nhà thì cá nhân chính là chiếc rường, chiếc cột xây dựng lên ngôi nhà ấy. Cá nhân chính là yếu tố cơ bản và trực tiếp xây dựng lên cộng đồng. Núi cao cũng cần có đất mà tạo thành, biển hay sông cũng phải từ nước mà nên. Một cá nhân có thể không tham gia vào bất cứ tập thể nào, nhưng không có tập thể nào tồn tại mà không cần đến cá nhân. Chỉ một vùng đất được gọi là quốc gia khi nó có người dân sinh sống ở đó. Nhưng đó chưa đủ, tập hợp những cá nhân riêng rẽ không làm nên tập thể và một tập thể vững mạnh. Đó cần phải là sự hợp nhất, thống nhất giữa các cá thể và đôi khi còn là sự nhường nhịn và sẻ chia. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta thắng lợi được những cường quốc, đế quốc thế giới chẳng phải bởi sự đồng lòng, quyết tâm và ý thức dân tộc của hàng triệu trái tim Việt Nam đó sao? Như lẽ sống của đất tôn nhau lên, lẽ sống của nước hòa vào nhau, của cỏ tan vào nhau, những cá nhân viết sẻ chia và tôn nhau sẽ làm nên ngọn núi, làm nên biển cả với những con sóng cuộn trào hay những thảm cỏ xanh tươi của sự sống.
Nhưng nói như thế không có nghĩa chúng ta phải biến mình thành đám đông. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, là món quà độc nhất của tạo hóa. Những tính cách riêng, những sở thích và khả năng riêng, không chỉ xây dựng tập thể mà còn làm cho tập thể đa sắc màu và phát triển đa dạng. Và một tập thể vững mạnh là tập thể không có chữ “kỷ” nhưng biết tôn trọng cái “tôi” để phát huy sức mạnh cá nhân. Có người chọn mình là “chiếc lá” để xanh cho đời nhưng cũng cần có những người “vá trời lấp bể”, “đắp lũy xây thành” để lãnh đạo và hướng tập thể đến những chặng đường mới. Đó là cách mà Hồ Chí Minh, Lê Nin. M.Gandhi, J. Luther King,… đã chọn.
Nhưng ngược lại, chỉ có ở trong tập thể, cá nhân mới có thể tồn tại và phát triển một cách toàn diện nhất. Biển cả thiếu một giọt nước vẫn là biển cả, nhưng giọt nước ấy không có biển cả, sẽ sớm trở thành hư vô. Ngọn núi nếu thiếu một viên sỏi vẫn là ngọn núi nhưng viên sỏi ấy lại chẳng có nghĩa lý gì. Tập thể sẽ cho cá thể một sự xác nhận tồn tại ý nghĩa. Trong tập thể, mỗi cá nhân được đảm bảo quyền lợi và phát triển. Trong cộng đồng, ta học được cách giao tiếp và kết nối. Có một bờ vai để dựa mỗi lúc ngã lòng, có một tấm lòng luôn sẵn sàng lắng nghe, một bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, không phải cuộc sống vội vã và phức tạp ngoài kia sẽ tốt hơn nhiều sao? Xu thế hội nhập toàn cầu với các tổ chức liên kết quốc tế ngày càng nhiều cũng là những cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập và phát triển. Sự tham gia tổ chức ASEAN, APEC hay Liên Hợp Quốc, … chính là những minh chứng rõ nhất.
Tuy nhiên, tập thể không có nghĩa là cái bọc để cá nhân có thể mượn danh để ỷ lại, không chịu cố gắng. Hiện nay, trong xã hội phức tạp, rất nhiều người dựa vào tư duy đám đông, lấy đám đông để bảo vệ mà a dua nói xấu, làm hại người khác.
“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người - đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!”Những câu thơ của Tố Hữu không chỉ để ru trẻ nhỏ mà còn để thức nhận những người lớn chúng ta. Sống sao để hòa nhập nhưng không hòa tan để có thể tỏa sáng.
-
Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 12
Con người sinh ra đều có những mối quan hệ xã hội nhất định, không ai sinh ra mà không có người thân, gia đình bạn bè. Mỗi cá nhân đều là một cá thể riêng biệt nhưng họ đều được đặt vào một tập thể nhất định. Và trở thành một mắt xích trong tập thể đó.
Sự đoàn kết của từng cá nhân trong tập thể sẽ tạo ra sức mạnh thống nhất to lớn, tạo ra sức mạnh phi thường cho con người. Chính vì vậy, từ xa xưa ông cha ta mới có câu:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”
Câu tục ngữ này nhằm khuyên nhủ con cháu phải biết sống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Cho tới bây giờ những lời khuyên đó vẫn còn giá trị ý nghĩa riêng của mình. Đó chính là cách ứng xử cách sống giữa cá nhân và tập thể. Cá nhân là gì? Cá nhân chính là những con người cá thể tách biệt nhau, có tính cách, ngoại hình khác nhau. Tồn tại trong một xã hội với những vị trí vai trò khác nhau.
Những cá nhân khi tồn tại độc lập sẽ có những vai trò của riêng mình, nhưng khi đặt chung vào một tập thể họ có cùng một mục tiêu, một phương hướng sẽ phát huy sức mạnh to lớn của mình. Cá nhân và tập thể có mối quan hệ bổ sung tương trợ lẫn nhau. Mỗi cá nhân tốt sẽ tạo nên một tập thể tốt. Tập thể là do những cá nhân tạo thành. Một tập thể vững mạnh tạo, môi trường tốt sẽ tạo điều kiện cho những cá nhân phát huy được vai trò của mình. Thúc đẩy được sự tiến bộ, của mỗi cá nhân.
Trong môi trường tập thể, những cá nhân nên loại bỏ cái tôi của mình mà chỉ nên nghĩ tới lợi ích chung của toàn bộ tập thể, cộng đồng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vai trò của cá nhân và tập thể cũng cần phải cân bằng cho nhau để tạo được lợi ích chung toàn diện. Trong tập thể lớp học có những học sinh giỏi xuất sắc thì tạo ra một tập thể lớp tiên tiến vững mạnh.
Một tập thể lớp vững mạnh sẽ tạo môi trường cho cá nhân nỗ lực phấn đấu, phát huy hết khả năng của mình để trở nên giỏi hơn, tiên tiến hơn. Sự tương tác giữa cá nhân và tập thể là vô cùng quan trọng.Để tạo được một tập thể giỏi, một tập thể tốt thì những cá nhân trong tập thể đó cần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia những khó khăn vướng mắc với nhau. Tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Với những bạn còn khuyết điểm, yếu kém thì các bạn học giỏi, tiến bộ nên giúp đỡ để cố gắng nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những cá nhân không tốt là “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, có những cá nhân chỉ nhăm nhăm quan tâm tới lợi ích riêng của mình mà không quan tâm tới lợi ích của tập thể, kéo lùi sự phát triển của tập thể. Đó là những con người ích kỷ, chỉ sống cho lợi ích của riêng mình.
Người xưa có câu “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở” ý muốn khuyên nhủ con người cần phải biết lựa chọn bạn tốt, môi trường học tập, làm việc, môi trường sống lành mạnh đoàn kết, yêu thương có như vậy chúng ta mới phát huy được vai trò của mình trong xã hội. Sống hướng tới những giá trị tốt đẹp như Chân- Thiện- Mỹ.