Top 10 Bài văn nghị luận xã hội về sự cần thiết phải lan tỏa những việc tử tế trong xã hội ngày nay (Ngữ văn 12) hay nhất
Tính tử tế là biểu hiện của tấm lòng lương thiện và phẩm chất tốt đẹp của con người, biểu hiện bằng việc luôn đặt người khác lên trên, sẵn sàng đỡ đầu họ khi ... xem thêm...họ gặp khó khăn và chia sẻ niềm hạnh phúc cùng người khác. Những người sống tử tế là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh, thậm chí cả những người khó khăn hơn họ.
-
Bài tham khảo số 1
Con người Việt Nam đã từ lâu được người bạn trên khắp năm châu ngưỡng mộ vì những phẩm chất tốt đẹp, và trong số đó, không thể không nhắc đến đức tính cao quý của sự tử tế. Sự tử tế không chỉ là biểu hiện của tấm lòng lương thiện và phẩm chất tốt của con người, mà còn là sự sẵn sàng hướng đến giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, và luôn chu toàn trong việc tương tác với mọi người.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng xã hội ngày nay đang đối diện với nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều mảnh đời chịu nhiều nỗi đau và khổ cực. Việc chúng ta bày tỏ lòng tử tế bằng cách yêu thương, chia sẻ, và hỗ trợ những người này không chỉ giúp họ giảm bớt gánh nặng mà còn làm cho xã hội trở nên thịnh vượng và hòa hợp hơn.
Hơn nữa, khi chúng ta làm việc để giúp đỡ người khác, chúng ta cũng nhận được sự kính trọng, lòng tin từ người khác, và họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn. Điều này thể hiện tinh thần "cho đi và nhận lại" trong xã hội, giúp nó lan rộng hơn nữa.
Mỗi người chúng ta khi biết chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ người khác, đóng góp cho sự giàu có tình thần và sự phát triển văn minh của xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi vẫn còn một số người ích kỷ, tham lam, không quan tâm đến điều khác biệt và lạnh lùng trước nỗi đau của người khác. Cũng như những người sống thô lỗ, thiếu tinh tế trong cách hành xử - chúng ta cần đặt ra câu hỏi và phê phán những thái độ này.
Là những công dân của một đất nước có nền văn hóa lâu đời và những truyền thống đẹp, chúng ta cần tôn trọng và thực hành những giá trị đó, để duy trì và phát triển những phẩm chất tốt đẹp mà tổ tiên đã để lại.
-
Bài tham khảo số 2
Mỗi con người chúng ta đều trải qua một hành trình học hỏi và rèn luyện, trong đó sự tử tế nổi lên như một trong những đức tính quý báu nhất. Tính tử tế là biểu hiện của tấm lòng lương thiện và phẩm chất tốt đẹp của con người. Nó luôn đặt người khác lên trên, sẵn sàng đỡ đầu họ khi họ gặp khó khăn và chia sẻ niềm hạnh phúc cùng người khác. Những người sống tử tế là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh, thậm chí cả những người khó khăn hơn họ. Họ thể hiện sự kỉ luật trong cuộc sống và công việc, tuân thủ lễ phép và tỏ ra yêu thương và hòa nhã, hướng đến những hành động tích cực.
Những người sống tử tế có khả năng lan tỏa những hành động và thông điệp tích cực ra cộng đồng. Họ biến mỗi hành động tử tế thành một tín hiệu lạc quan và khích lệ, góp phần làm cho xã hội thêm phát triển và tươi đẹp. Tính tử tế mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống của con người. Khi chúng ta giúp đỡ nhau, xã hội cũng trở nên mạnh mẽ và phát triển hơn.
Hơn nữa, việc giúp đỡ người khác không chỉ mang lại sự kính trọng và lòng biết ơn từ họ, mà còn tạo ra một sự hỗ trợ dự phòng khi chúng ta cần sự giúp đỡ trong tương lai. Nếu chúng ta sống tử tế trong vai trò cha mẹ, chúng ta cũng sẽ truyền cho con cái mình giá trị quý báu này, tạo điều kiện để xây dựng một xã hội tử tế trong tương lai.
Tuy nhiên, xã hội vẫn tồn tại những người ích kỷ, tự ái, chỉ quan tâm đến lợi ích riêng mà bỏ qua cảm xúc của người khác, cũng như những người vô cảm với nỗi đau của đồng loại. Những người này cần tự thấu hiểu và xem xét lại bản thân. Sống tử tế không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng để làm cuộc sống của mình có ý nghĩa và giá trị, chúng ta hãy luôn nỗ lực sống một cách tử tế.
-
Bài tham khảo số 3
Cuộc sống trở nên tươi đẹp và xã hội thịnh vượng hơn khi con người tương tác với nhau bằng lòng tử tế và truyền đạt thông điệp tốt đẹp này đến nhiều người hơn. Sống tử tế đồng nghĩa với việc đối xử tốt với những người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ mọi người, không chỉ quan tâm đến mình mà còn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Hành động tử tế giúp khôi phục và củng cố các giá trị đạo đức, góp phần xây dựng một cộng đồng xã hội tốt lành hơn.
Cuộc sống tử tế không chỉ là một lối sống đẹp, mà còn là một phần quan trọng của sự phát triển xã hội. Nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân mỗi người và làm cho xã hội trở nên tươi đẹp hơn. Trong một xã hội ngày càng phát triển, khi mọi người dường như trở nên vô cảm hơn, việc thúc đẩy tư duy và hành vi tử tế trở nên ngày càng quan trọng.
Lan truyền tinh thần tử tế có thể cải thiện mối quan hệ giữa con người và con người, tạo ra một môi trường xã hội đáng sống hơn, nơi mọi người đồng cảm và chia sẻ với nhau, góp phần vào sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tính tử tế cũng giúp mỗi người tự nhận thức về hành động của mình, kiểm soát bản thân và đối xử với người khác một cách công bằng.
Để sống tử tế, chúng ta cần lựa chọn cách ứng xử một cách khéo léo, sống chân thành và mở rộng tấm lòng yêu thương. Hãy cho đi bằng lòng chân thành, không chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân, và luôn quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh. Đồng thời, chúng ta cũng nên phê phán những người có lối sống vô cảm, ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân mà bỏ qua cảm xúc của người khác.
Cuộc sống ngắn ngủi, vì vậy hãy đóng góp yêu thương và tử tế để trải nghiệm đầy đủ vẻ đẹp của cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển ngày càng tốt đẹp và thịnh vượng của xã hội.
-
Bài tham khảo số 4
Yếu tố quan trọng nhất góp phần làm nên một xã hội tốt đẹp, văn minh chính là ở cách cư xử giữa con người với con người. Chúng ta hãy sống với nhau bằng sự tử tế đã cuộc sống ngày càng tích cực hơn.
Sự tử tế là tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.
Tử tế có vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm nên những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của con người. Những việc tử tế được biểu hiện bằng hành động giúp đỡ, sẻ chia, cưu mang những người gặp khó khăn, thiếu thốn, dù đó có thể là người thân, bạn bè hay thậm chí là chỉ là những người xa lạ cần sự giúp đỡ. Việc tử tế hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương, cảm thông, đùm bọc giữa người với người. Người tử tế là người luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, không quan tâm đến địa vị, danh vọng, không quá chú trọng vào cái tôi mà luôn luôn nghĩ cho người khác và đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Mỗi người sống tử tế hơn một chút, biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác hơn một chút sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người sống ích kỉ, vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người lấy việc làm giúp người ra nhằm mục đích không tốt như khoa khoang tài sản, đánh bóng tên tuổi,… Những người này cần bị phê phán. Là một người học sinh cũng là công dân của tổ quốc, chúng ta cần phải cố gắng sống thật tốt, chan hòa với mọi người, đối xử với người bằng sự chân thành, lịch sự, tử tế của một trái tim yêu thương đầy rung cảm. Có như thế cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững hơn. Việc tử tế ở thời nào cũng đáng trân trọng, ca ngợi. Chúng ta hãy sống và giúp người, cùng nhau hướng đến lợi ích chung cao đẹp để xã hội phát triển văn minh hơn.
Tóm lại, việc tử tế là điều hết sức cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp chúng ta cần trân trọng, phát huy. Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Chúng ta bền bỉ đánh thức sự tử tế, hãy nêu cao tinh thần luôn ý thức tự giác hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Hãy tử tế mỗi ngày với mọi người, chắc chắn bạn cũng sẽ được nhận lại những giá trị tương tự, cái mà bạn cũng rất cần có trong cuộc sống của mình. Là một học sinh mang trong mình sứ mệnh, trách nhiệm to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh thì chúng ta phải không ngừng cố gắng, nỗ lực, trau dồi tri thức, nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức của bản thân để phát huy và lan tỏa việc tử tế đến tất cả mọi người xung quanh.
-
Bài tham khảo số 5
Cuộc sống của chúng ta đang thay đổi từng ngày, có những điều mới mẻ xuất hiện nhưng cũng có những giá trị xưa cũ, không còn phù hợp mất đi. Thế nhưng dù xã hội có phát triển, thay đổi đến đâu thì có những điều mãi mãi không thể thay đổi, đó là tình thương là sự tử tế.
"Sự tử tế" được hiểu là sự chu đáo, cẩn thận trong lời nói, hành động và trong ứng xử với những người xung quanh. Người tử tế là những người giàu tình thương, họ luôn trân trọng và có ý thức sẻ chia, giúp đỡ khi gặp những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, họ cho đi mà không cần báo đáp. Cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn nhờ sự tử tế, tình thương và sự tận tâm được trao đi có thể xoa dịu những nỗi đau, giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh vượt qua cơn nguy khốn. Ngược lại, khi trao đi sự tử tế, bản thân người trao đi cũng nhận lại sự an yên, nhẹ nhõm trong tâm hồn. Sự tử tế là sợi dây gắn kết, nó giúp con người với con người gần nhau hơn, làm cho cuộc sống trở nên tiến bộ, văn minh hơn. Việc lan tỏa sự tử tế trong xã hội hiện đại ngày nay là vô cùng cần thiết. Bởi, bên cạnh những người tử tế, giàu yêu thương thì xã hội cũng xuất hiện rất nhiều những người chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất mà trở nên ích kỉ, vô cảm, chỉ biết quan tâm đến bản thân. Chúng ta cần lên án, phê phán những người sống vụ lợi, ích kỉ, sẵn sàng giẫm đạp lên đạo đức để mang đến những lợi ích cho bản thân. Mặt khác chúng ta hãy mở lòng để thấu hiểu, yêu thương, hãy sẵn sàng cho đi yêu thương vì "sống là để cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Việc tử tế là điều rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nơi mà con người ta dễ chạy theo đồng tiền và đánh đổi cả nhân phẩm để đạt được mục đích. Đó là việc sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người, không chỉ biết đến cá nhân mình, những việc tử tế làm phục hồi các giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp. Biểu hiện của người tử tế là người cho đi mà không yêu cầu đền đáp, luôn sống đúng với lương tâm, suy nghĩ đúng đắn của bản thân mình. Hiện nay trên rất nhiều các chương trình truyền hình ca ngợi những việc làm tử tế, như "Việc tử tế",… Từ đó mà lan tỏa các hành động ý nghĩa ra khắp cộng đồng. Đó là hành động rửa xe lấy tiền làm từ thiện, câu chuyện về đôi mắt của 2 thiên thần Hải An, Vân Nhi, cô gái người Ba Na nhận con nuôi ở tuổi 15,... Những hành động tử tế ấy đã mang lại ý nghĩa rất lớn với cộng đồng. Trước hết, nó giúp cuộc sống mỗi người trở nên vui vẻ, hạnh phúc, kể cả người cho đi và người được nhận. Điều đó khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên văn minh hơn, con người sống nhân ái, biết đồng cảm, sẻ chia nhiều hơn. Từ đó, xây dựng một xã hội lành mạnh, nhân ái nơi mà con người trở nên được yêu thương, trân trọng hơn bao giờ hết. Thử tưởng tượng mà xem, với một hành động nhỏ như nhận con nuôi của cô gái Ba Na đã là một điều kì diệu đối với cuộc sống của đứa bé ấy.
Việc tử tế như một phép màu nhưng không phải ở thế giới cổ tích, cũng không phải do bà tiên, ông bụt nào vẽ ra mà được thực hiện bằng chính những con người thật với trái tim nóng bỏng ngay trong cuộc sống thực tại. Và lan tỏa những hành động đẹp ấy là điều cần thiết hơn bao giờ hết để khiến cho "người với người sống để yêu nhau". -
Bài tham khảo số 6
Tử tế vừa là một phẩm đức cao quý vừa là một lối sống cần có trong xã hội. Bác Hồ từng dạy rằng: “Việc gì phải thì cố làm cho bằng được dù là điều phải nhỏ. Việc gì trái thì hết sức tránh dù là điều trái nhỏ”. Mỗi người chúng ta phải là con người tử tế bằng những việc làm tử tế, tránh làm những việc sai trái.
Việc tử tế là những việc làm tốt đẹp, phù hợp với chuẩn mực xã hội và đạo đức, có ích cho mình và cho mọi người. Người tử tế là người có tấm lòng tốt, sống đàng hoàng, kỹ càng, cẩn thận, đúng đắn, biết trân trọng, quan tâm và chia sẻ, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Người tử tế không từ chối những việc tốt cần làm.
Làm việc tử tế rất đơn giản chứ không cần phải là những việc lớn lao. Đó là những việc tưởng chừng như rất nhỏ mà có ý nghĩa lớn như nhặt một mảnh chai giữa đường để người khác không dẫm phải, một chiếc xe nghiêng đố có nhiều bàn tay cùng dựng dậy, một bạn học sinh nhỏ sau giờ học giúp các cô lao công nhặt rác trên sân trường…
Những việc lớn lao cần có sự hi sinh như một nhân viên gác cổng xe lửa nhanh tay cứu một em bé chơi trên đường ray, cộng đồng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau của một người bệnh nan y,…
Hơn cả một phẩm đức, tử tế là một lối sống, một phong cách sống. Những việc làm tử tế tuy nhỏ sẽ tạo thành thói quen tốt cho mỗi người, dần dần hình thành nhân cách cao đẹp. Ai cũng tử tế với nhau sẽ làm cho cuộc sống chung tốt đẹp hơn, xã hội văn minh hơn, con người có văn hoá hơn. Mọi nỗi đau sẽ vơi đi, và hạnh phúc được chia đều, không còn hận thù, ganh ghét…
Nếu ai cũng tử tế trong thái độ, hành vi và việc làm thì xã hội không còn lòng ích kỉ, thù oán, ganh ghét lẫn nhau. Một nụ cười rạng rỡ dành tặng cho nhau trên đường gặp gỡ sẽ làm ấm áp lòng người. Một lời chào thân ái hay cái bắt tay chân thiện sẽ gắn kết tình người bền chặt. Giúp nhau những việc nhỏ, rồi việc lớn, không so đo, tính toán, không mòng cầu đền đáp sẽ giúp xã hội yên bình, thịnh vượng. Biết giúp đỡ người khó khăn, kẻ hoạn nạn để cùng nhau tìm kiếm hạnh phúc. Việc tử tế cần chi là những việc lớn lao mà là những việc nhỏ được làm một cách tử tế.
Người ăn nói tử tế sẽ được bao điều tốt đẹp. Người ăn nói không tử tế sẽ lãnh hậu quả việc mình làm. Mối lo lắng trong lòng khiến con người suy sụp, nhưng những lời tử tế làm cho họ hân hoan. Chính sự tử tế sẽ mang đến cho người khác niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, giúp họ tự tin trong cuộc sống, có động lực vượt qua khó khăn thử thách và làm những điều tốt đẹp góp phần dựng xây cuộc sống này.
Nhờ sự tử tế, mọi người sẽ gắn kết với nhau bằng những việc làm tốt đẹp, hữu ích. Tử tế bỏ rác đúng nơi quy định, tử tế trong việc tôn trọng người khác. Tử tế khi cho tặng người khác một cái gì đó hay nhận về cho mình một giá trị. Cuộc sống sẽ không còn mâu thuẫn, xung đột hay bạo lực nếu mọi người ứng xử tử tế với nha. Sự tử tế khơi dậy ở con người niềm trân trọng cuộc sống quý giá, đáng gìn giữ và đáng sống.
Chính lòng tử tế có sức mạnh cảm hóa con người. Nhờ sự tử tế của mọi người, kẻ xấu sẽ dần thay đổi tâm tính, hướng đến việc làm tốt đẹp, sống cuộc đời tốt đẹp hơn.
Những việc làm tử tế luôn được đề cao và người tử tế luôn được xã hội tôn trọng. Ai cũng muốn trở nên tử tế hơn nhưng bởi cuộc sống quá nhiều lo toan, có những lúc đã không tử tế được. Người tử tế luôn được người khác yêu mến và giúp đỡ. Tính tử tế từ lâu đã là chuẩn mực đạo đức được dân tộc ta tôn vinh.
Hiện nay trong cuộc sống vẫn còn nhiều người sống ích kỉ, dửng dưng, vô cảm với mọi việc đang diễn ra. Thậm chí có kẻ lạnh lùng gây ra nỗi đau hoặc phiền toái rắc rối cho người khác: tài xế vô cảm khi vừa lái xe vừa nghe điện thoại, bạn nhỏ dửng dưng vứt rác không để ý tấm áo ướt mồ hôi của người công nhân vệ sinh, gian thương làm hàng giả bất chấp tính mạng sức khỏe người tiêu dùng, nhiều công trình thi công vô trách nhiệm làm thất thoát tài sản, gây tai nạn…
Là học sinh, hãy biết làm những việc tử tế mỗi ngày. Hãy chung tay góp sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn bằng những hành động tử tế như: làm tốt nhiệm vụ học tập, giúp bạn vượt khó trong học tập, chăm sóc và quan tâm đến người thân trong gia đình….
Sống tử tế là sống có tấm lòng, có nghĩa cử đẹp từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng có khả năng góp phần tạo nên lối sống đẹp trong xã hội. Lời nói và việc làm tử tế cũng giống như mật ong làm ngọt ngào đôi môi, khiến tâm hồn tươi trẻ. Người tử tế cũng nhận được những tình cảm tốt đẹp từ người khác. Bởi thế, hãy luôn tử tế với chính mình và với cộng đồng để từ đó từng bước hoàn thiện nhân cách của mình.
-
Bài tham khảo số 7
Trước tiên, “thế nào là tử tế?”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và tự mỗi người tìm ra một câu trả lời riêng.
Giới trẻ ngày nay thường than thở với nhau rằng con người trong xã hội hiện đại ngày càng “sống nhạt”. Sao họ lại cảm thán như vậy? Bởi họ nhìn thấy điều đó từ những hành động, việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.
Ví như, dân ta từ xưa tới nay luôn đề cao truyền thống kính trên nhường dưới, nhưng ta dễ bắt gặp những việc làm trái ngược với truyền thống đạo đức đó. Như trên xe buýt, có những người thấy người già hay trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu ghế ngồi, nhưng họ làm lơ, vờ ngủ, nhưng khi bị nhắc nhở, họ quay ra cáu gắt và nói rằng họ lên trước, họ được ngồi.
Hay một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng “đánh hội đồng” vì mọi lý do. Hành động đó là không thể chấp nhận được, nhưng đáng lên án hơn cả là khi mọi người xung quanh không những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội. Chính những hành động, việc làm đó đã khiến người ta phải cảm thán rằng “con người ngày càng sống nhạt quá!”.
Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình người. Trên trang xã hội lớn nhất hiện nay facebook, ta thường bắt gặp những hình ảnh một chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường; một nhóm mạnh thường quân chia sẻ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, hay vận động hiến máu cứu người,… được mọi người chia sẻ rộng rãi.
Còn nhiều những hình ảnh ấm áp hơn nữa. Song, có một hình ảnh về những người tử tế mà tôi thấy và để lại trong tâm trí tôi dấu ấn sâu đậm. Đó là trên đường Kim Mã, một bà cụ già yếu với sạp hàng rau đơn sơ ngồi bán trên vỉa hè. Bất chấp mưa gió bụi mờ, hằng ngày, cụ vẫn ngồi đó tới khi trời tối hẳn với gánh rau của mình chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập.
Trong không gian chập choạng tối, dòng xe inh ỏi, tấp nập qua lại, bóng dáng cụ càng trở nên đơn côi hơn bao giờ hết. Trước hình ảnh đó, nhiều người qua đường cố nán lại mua hàng giúp cụ, dù những mớ rau đó không thật tươi ngon. Đôi khi, có những em học sinh đi qua cũng nán lại mời chào, bán hàng, gói hàng cho khách giúp cụ. Nhìn nụ cười móm mém hiền từ của cụ cùng những nụ tươi của những bạn trẻ, khiến ta thêm tin rằng, sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng sự lan tỏa của nó còn quan trọng hơn gấp bội phần.
-
Bài tham khảo số 8
Đại văn hào Mark Twain từng khẳng định: “Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể đọc”. Năm 1987, phim điện ảnh tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy ra mắt đã gây “sốt” trong công chúng. Bộ phim đi vào thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội để đi tìm khái niệm “thế nào là sự tử tế?”. Đã ra đời cách đây 30 năm, nhưng phim vẫn còn nguyên tính thời sự khi hiện nay, sự tử tế vẫn luôn là đề tài nóng khiến nhiều người trăn trở trong sự phát triển của xã hội hiện đại.
Có thể nói, trong xã hội hiện nay, khi những hành vi và lối sống thiếu chuẩn mực, người ta lại càng tha thiết kêu gọi sự tử tế từ mỗi cá nhân con người. Sự tử tế ấy không cần phải đao to búa lớn, mà có thể xuất phát từ chính những hành động giản dị hàng ngày chúng ta giao thiệp. Như quan niệm của nhà văn Nguyễn Một, tử tế không phải là làm những điều to tát cao siêu, mà làm những điều giản dị trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể làm được. Một cử chỉ thân thiện, lời nói lịch sự, một hành động giúp đỡ, cử chỉ chia sẻ với tha nhân… Tất cả đều là tử tế.
Khi xã hội đang tồn tại những điều xấu khiến người ta phải lên tiếng phê phán, thì càng cần “thuốc thang” bằng những điều tử tế.
Rõ ràng, khi sự tử tế được nhân rộng trong xã hội, cuộc sống cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn, lịch sự và văn minh hơn. Sống tử tế, mỗi người không chỉ góp phần giúp xã hội tiến bộ hơn mà còn tìm thấy được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Và lẽ dĩ nhiên, những điều đó chỉ có người tử tế mới cảm nhận được.
-
Bài tham khảo số 9
Sự tử tế không phải là điều gì quá lớn lao, đôi khi nó chỉ là những hành động nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Đơn cử như nếu muốn được tính tiền trước vì lý do nào đó thì hãy mở lời với những người đang xếp hàng ở quầy thu ngân trong siêu thị thay vì chen ngang; sự tử tế là không hùa theo đám đông để mạt sát ai đó trên mạng xã hội; là tránh lối suy nghĩ mọi người cùng chạy xe lên vỉa hè, có thêm mình nữa cũng không sao…
Khi cán cân xã hội nghiêng nhiều về các vấn đề tiêu cực, các thông tin trên mặt báo, trên mạng phủ kín cái xấu thì người ta lại thèm được đọc những thông tin nói về sự tử tế. Để nó đứng đơn lẻ thì sự tử tế rất dễ bị lu mờ, vì vậy cần có sự lan tỏa để sự tử tế được tỏa sáng. Hiện nay, công cụ hữu hiệu nhất là internet. Ví dụ như câu chuyện về em Đạt, nếu chỉ anh Nghĩa nhìn thấy và cảm nhận được mà không chia sẻ lên mạng, cộng đồng sẽ không biết đến hành động của em để làm bài học cho chính mình. Hay nếu không có người vì thương cảm hoàn cảnh khó khăn nào đó rồi đưa lên trang cá nhân của mình để kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ thì sự tử tế cũng sẽ bớt đi một cơ hội bộc lộ. Do đó đã có nhiều chiến dịch, cuộc thi được mở ra vì điều này. Có thể kể đến là chiến dịch Tử Tế Là, cuộc thi Integrity Me - Sống liêm chính hay những lời kêu gọi cùng nhau sống tử tế với mình, với người xung quanh và xa hơn là với xã hội.
Nhiều bạn trẻ băn khoăn làm cách nào để rèn luyện sự tử tế? Trong một cuộc nói chuyện về vấn đề này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam từng nói, với thực trạng xã hội ở nước ta, hãy tạo nhiều không gian nhỏ, văn minh, tử tế. Ở đó, mọi người đều cư xử với nhau tử tế, dám lên tiếng bài trừ những hành vi xấu thì những người chưa tử tế sẽ phải tự điều chỉnh mình.
Hãy thay đổi vì xã hội, đừng ngồi chờ xã hội thay đổi để kéo mình theo. Hãy coi sự tử tế là một nhân sinh quan, nó luôn hiện diện trong bản thân mình ở mọi hoàn cảnh, đừng để nó chỉ là một cơn sóng hay một trào lưu, nhanh đến nhưng cũng sớm tàn.
-
Bài tham khảo số 10
Cuộc sống hiện đại, chạy theo đồng tiền dễ khiến con người sẵn sàng đánh đổi tất cả kể cả nhân phẩm của mình. Đó cũng chính là lý do làm cho cuộc sống hiện nay còn hơi ít những con người tử tế.
Bàn về lối sống tử tế, vậy như thế nào là người tử tế: có rất nhiều cách để khái niệm người tử tế, nhưng đối với bản thân tôi, tôi hiểu người tử tế là người thật thà, ngay thẳng, không gian dối, làm việc bằng chính sức lao động của mình, không trộm cắp,... Tóm lại người tử tế là người từ phong cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói và lối sống đều ngay thẳng, trước sau như một.
Tại sao chúng ta cần nhiều hơn cho xã hội những con người tử tế? Bởi lẽ một xã hội mà nhiều người tử tế thì xã hội đó sẽ văn minh hơn, đất nước mà có nhiều người tử tế thì đất nước đó sẽ là một đất nước mạnh về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị.
Làm người tử tế được lợi gì? Một câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta, bản thân con người luôn phân thành hai nhánh, một thiện, một ác, vậy nếu chúng ta không sống cho tử tế để phần thiện che lấp phần ác thì chúng ta nhanh chóng dễ bị tha hóa và trở nên xấu xa, sống tử tế luôn được mọi người kính trọng, yêu quý và tin tưởng, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc hơn.
Sống cho tử tế là chúng ta đã sống có ích, tạo ra được giá trị cho xã hội và đúng với hai chữ “con người”. Xã hội hiện nay bên cạnh số ít những con người tử tế thì còn lại số đông là những con người vô cảm, vô văn hoá thậm chí cả xấu xa. Sống chỉ chạy theo lợi ích vật chất cho bản thân và chúng ta lại đặt ra một câu hỏi là nguyên nhân từ đâu. Chúng ta có thể dẫn ra một số nguyên nhân như: do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại và đặc biệt sự chi phối của đồng tiền quá lớn. Do sự giáo dục của nhà trường mà nên, đa số những người này là những người ít học, lười lao động. Sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ đến con em, các bậc phụ huynh quá nuông chiều con mình, vô hình dung đã tạo ra sự buông lỏng và dễ dẫn các em đến con đường ăn chơi sa đọa. Do chính bản thân họ là những người không muốn vươn lên, sống mà chỉ biết phụ thuộc, thích dựa dẫm vào người khác, sống ích kỉ, tìm mọi cách để gian dối mỗi khi gặp khó khăn và đó chính là văn hóa đổ lỗi.
Từ những nguyên nhân đó ta có thể đưa ra một số biện pháp sau: Giáo dục nhà trường cần có biện pháp tích cực trong sự nghiệp trồng người. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con em mình, tránh chiều chuộng quá mức. Bản thân mỗi người phải nhận ra tầm quan trọng của việc sống tử tế, luôn đề phòng và tránh xa các tệ nạn xã hội.
Tóm lại thì mỗi chúng ta hãy sống tử tế, sống tử tế có nghĩa là bạn đã tạo ra được giá trị cho xã hội, ông cha ta xưa có câu “tiên học lễ hậu học văn”, ngụ ý muốn răn dạy con cháu cần chú trọng trong việc rèn luyện đạo đức nhân cách, lễ là nhân cách, văn là nhận thức hiểu biết, vậy muốn nhận thức đầy đủ và hiểu biết nhiều người ta phải xây dựng nhân cách và bản chất thật tốt. Hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy sống cho tử tế và thật dễ thương vì cuộc đời vốn dễ ghét.