Top 9 Bài văn nghị luận xã hội về tình phụ tử (lớp 9) hay nhất

Bình An 11174 0 Báo lỗi

Tình phụ tử – một tình cảm thiêng liêng, sâu sắc theo ta suốt cuộc đời, phải khi trưởng thành, làm cha, làm mẹ, ta mới thấu hiểu được nỗi vất vả ấy, mới thấy ... xem thêm...

  1. Chẳng có một thước đo giá trị nào có thể đo được tình phụ tử - những tình cảm mà người cha giành cho người con của mình. Đó là thứ tình cảm mà chẳng ngôn ngữ nào có thể diễn tả được.


    Tình phụ tử, là tình cha con, thứ tình cảm thiêng liêng, quý giá. Ai được sinh ra trên đời cũng có một người cha. Người mà luôn thầm lặng dõi theo chúng ta trên mọi nẻo đường. Từ khi còn thơ ấu, cha đã luôn là người sát cánh bên ta. Những hình ảnh về cha lúc nhỏ, đó là những hình ảnh về một người nghiêm khắc, khó tính. Cha tạo cho chúng ta cảm giác lạnh lùng, khó gần. Cha trong mắt chúng ta, là người chỉ biết đến công việc, chỉ biết kiếm tiền. Đôi khi chúng ta thấy cha thật vô tâm, chẳng quan tâm gì đến chúng ta như mẹ cả. Mẹ thì luôn quan tâm tới chúng ta, lắng nghe chúng ta, còn cha, thật thầm lặng.


    Nhưng, cha thầm lặng, bởi cha mang trong mình nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc sống. Làm sao có thể chăm sóc, nuôi dưỡng chúng ta cho thật tốt. Gánh nặng của người cha là rất lớn, người cha, người đàn ông trụ cột trong gia đình. Cho nên, tất cả những công việc mà cha phải gánh vác là rất nhiều, khiến cho chúng ta luôn thấy cha thật nghiêm khắc, hay khó tính, nhưng thực ra thì, cha lại rất thương yêu chúng ta.


    Sự yêu thương của cha được thể hiện qua hành động thực tế: những bữa cơm ngon, tiền tiêu vặt, những món quà cha tặng, hay là tiền để cho chúng ta đi học, đi chơi. Cha lo cho chúng ta rất nhiều thứ từ khi chúng ta còn bé. Bằng sự vất vả, khổ cực làm việc của cha. Chúng ta mới có những thứ chúng ta cần thiết, tiền để nuôi sống chúng ta. Đừng trách cha vì cha lạnh nhạt, chẳng quan tâm nói chuyện với chúng ta nhiều như mẹ. Bởi bạn biết đấy, cha là một người tuyệt vời. Tuyệt vời vì cha hi sinh cả cuộc đời mình để nuôi nấng chúng ta, chẳng một lời than phiền.


    Khi chúng ta sinh ra, trong mắt cha, chúng ta là người quan trọng nhất. Nhưng dần dần, khi chúng ta lớn lên, cái tuổi mà chúng ta dần dần trưởng thành. Chúng ta dần xa lánh với cha mình, lạnh lùng, ít quan tâm tới cha hơn. Nhưng cha vẫn luôn quan tâm tới chúng ta, bất kể là nắng mưa đi chăng nữa. Hay tới khi chúng ta có người yêu, lập gia đình. Cha lại là người hết lòng chăm lo cho con cái chúng ta. Cha là như vậy đấy, vĩ đại, bao la như vậy.


    Tuy nhiên, trong xã hội, cũng có những người cha không hoàn hảo như vậy. Những người cha đánh đập chính những người con của mình. Vì họ bất lực trong cuộc sống, nên đánh đập chính con đẻ của mình là một sự giải sầu. Cũng có những người cha nghiện ngập, chỉ biết rượu chè, cờ bạc, hút chích, chẳng quan tâm gì đến con cái, chỉ biết có bản thân mình. Và những đứa trẻ, thật bất hạnh khi sống cùng những người cha như vậy. Hay xã hội hiện nay, với sự hội nhập không ngừng, văn hóa con người cũng trở lên xuống cấp. Những ông bố, bà mẹ tàn nhẫn vứt bỏ những đứa con của mình. Những người cha máu lạnh, vì phút bồng bột không làm chủ được bản thân mà gây hậu quả. Để rồi người nhận hậu quả lại chính là những người con của mình.


    Cha, người tuyệt vời nhất, người quan tâm tới chúng ta nhất trên đời, người có thể hi sinh tất cả một cách thầm lặng. Là người con, chúng ta hãy trân trọng những giây phút được ở bên cha của mình. Bởi ai rồi cũng già, và cha cũng vậy. Cha cũng sẽ chẳng theo chúng ta tới suốt cuộc đời được, chẳng thể ở bên ta, chăm sóc ta như lúc ta còn thơ ấu nữa.


    Cha, người cho chúng ta tất cả, hi sinh tất cả cho chúng ta. Tình yêu mà cha giành cho chúng ta vô cùng to lớn. Hãy yêu thương gia đình, trân trọng những giá trị tốt đẹp mà ta đang có. Như vậy, hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. “Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”


    Hẳn ai trong cuộc đời cũng dành tình cảm trọn vẹn sự thủy chung, yêu thương cho hai đấng sinh thành của mình là cha và mẹ. Tình mẫu từ từ trước đến nay dường như đã được nói đến, nhắc đến rất nhiều, cả trong văn chương cũng như trong đời sống. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tình phụ tử không bao la, cao cả như tình mẫu tử. Không, tình cảm ấy cũng thiêng liêng, đáng trân quý, chỉ là sự thể hiện tình cảm đối với con cái của một người đàn ông và một người đàn bà là thường có sự khác nhau.


    Tình phụ tử là tình cảm giữa cha và con, tình cảm ấy bền chặt và bao dung, theo mỗi con người đến hết cuộc đời. Nếu mẹ là người mà mỗi khi nhắc đến đều gợi cho ta cảm giác sự thân thương dịu dàng, bao dung thì tình cha lại nồng ấm một cách khác biệt. Mẹ là người chăm sóc ta nhiều hơn cha, sớm khuya lo lắng cho ta từ bữa ăn giấc ngủ thì cha với tầm nhìn cao và mạnh mẽ hơn, là trụ cột gia đình, bảo vệ mẹ, bảo vệ con, vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo cho gia đình. Cha là một người sẽ nghiêm khắc hơn mẹ nhưng cũng chính là người dạy dỗ, làm nền tảng vững chắc về sự hình thành nhân cách của người con.


    Tình cảm của cha thường không bao giờ được nhẹ nhàng, âu yếm như của mẹ, nhưng nó cũng mãnh liệt, trọn vẹn và cũng vô cùng vững bền. Cha cũng như mẹ luôn luôn lo lắng cho con, khi có con, khi là người sinh con ra trên đời, cha mẹ hiểu rõ trách nhiệm cũng như tình cảm của mình. Con chính là nguồn sống của cha mẹ. Tuy nhiên khác với mẹ, tình cảm mẹ dành cho con được biểu lộ rất rõ ràng, nhưng còn với cha, nó rất thầm kín, ít khi được biểu lộ ra bên ngoài.


    Tôi vừa xem được một clip rất cảm động trên mạng nói về tình cảm của cha dành cho con. Rất cảm động, rất đời thường nhưng không phải đứa con nào cũng nhận ra những tình cảm cao thượng nơi cha. Bình thường cha là người rất ồn ào, nhưng lại là người rất lặng lẽ đúng thời điểm, đó là khi cha nhẹ nhàng mang nước cho con khi con học bài. Bình thường cha là người khá luộm thuộm và không chịu để ý ngoại hình nhưng cha lại chỉnh chu đến mức thái quá trong ngày trọng đại của con. Bình thường cha là người rất tính toán chi tiêu, luôn cân nhắc suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định mua bán đồ vật gì trong nhà, nhưng với con, cha hào phóng, không tiếc con điều gì… Những khuyết điểm đáng yêu cùng với đó là những ưu điểm tuyệt vời của cha có thể có những đứa con dễ dàng cảm nhận được, nhưng cũng có thể là không.


    Trong các tác phẩm văn chương, cũng có nhiều tình cảm cha con vô cùng cảm động. Đó là câu chuyện cha con của ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Vì chiến tranh, ông Sáu phải xa nhà đi đánh trận từ khi con gái đầu lòng mới tròn một tuổi, tại nơi chiến khu ông chưa bao giờ nguôi nhớ thương về con gái và luôn mong mỏi có một ngày được trở về gặp con gái mình. Hay cũng trân quý và đáng thương cho tình cảm mà người cha như Lão Hạc dành cho con trai mình, ông đã bất chấp cả mạng sống của mình vì muốn giữ lại mảnh đất cho con trai… Những tình cảm đó đáng trân trọng vô cùng.


    Nhưng trong thực tế hiện nay, lại có rất nhiều người không hiểu được tình cảm của cha dành cho mình, có nhiều trường hợp còn có những hành vi ngược đãi cha mẹ. Cha mẹ già yếu lại thấy phiền không muốn chăm sóc và đẩy cha mẹ vào viện dưỡng lão. Những hành vi đó đáng phê phán vô cùng.


    Tình phụ tử là tình cảm quan trọng trong mỗi cuộc đời con người, nó cũng thiêng liêng, cao cả và cảm động không kém gì tình mẫu tử. Mẹ và cha là hai người đã sinh thành, dưỡng dục và cho con cái có cuộc sống trên đời để được sống, trải nghiệm và yêu thương.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Có một câu ca dao đã từng ví: Con không cha như nhà không nóc”. Thử hỏi ngôi nhà là nơi ta cùng người thân chung sống, che mưa che nắng ấy vậy mà không có nóc thì nó sẽ như thế nào? Với con cái, ngoài sự chăm sóc chu đáo cần mẫn của người mẹ thì sự che chở bao bọc của người cha là mái nhà cho con vui chơi học hỏi hình thành nết người cho con…


    Cha là người bảo vệ cho con khỏi mưa nắng bão táp, ủ ấm con trong ngôi nhà của mình. Vì thế nếu như một ngôi nhà không có nóc thì đó là một ngôi nhà không hoàn chỉnh, nhất là với những đứa con đó là một sự thiệt thòi không nhỏ. Mỗi đứa bé sinh ra trên cõi đời này đều có một cha va một mẹ nhưng mỗi người cha người mẹ của mỗi người sẽ khác nhau. Cha tôi sẽ khác ba bạn, cha tôi làm nông dân, cha bạn làm công nhân hay nhà khoa học nhưng chúng ta không cần quan tâm bởi chúng ta đang xét đến hình ảnh người cha trong gia đình chứ không phải địa vị ngoài xã hội.


    Những ai đã có một gia đình nhỏ, đã làm cha thì chắc hẳn đã biết được cảm giác hạnh phúc khi những đứa con nhỏ chào đời. Từ ấy trong cha bừng nên một ngọn nến, ngọn nến ấy ấp ủ trong cha sự yêu thương với gia đình con cái, tinh thần trách nhiệm ước mơ cho tương lai con cái sau này. Có nhiều người đã không quản hi sinh thân mình để che chắn bảo vệ con, nhiều người cha không tốt nhưng sau khi làm cha họ đã thay đổi, có người cha vì con mà trở thành những người cha gương mẫu, luôn tu chí rèn luyện bản thân cống hiến hết mình cho con mà không hề than vãn hay trách móc. Đó chẳng phải là tình cảm bao la vô bờ bến của người cha hay sao? Vì vậy mà đừng nên suy nghĩ đắn đo xem cha chúng ta là người như thế nào bởi lúc nào cha cũng thật vĩ đại.


    Có thể khi còn nhỏ chưa hiểu chuyện ta thấy cha là người nghiêm khắc, cứng rắn chứ không dịu dàng âu yếm như mẹ nên nhiều bạn còn giận và xa lánh cha. Nhưng thường khi càng lớn cách nhìn về cha của chúng ta sẽ sáng suốt hơn. Tôi đã hiểu và thương cha nhiều hơn bởi tôi biết lúc nào cha cũng nghĩ cho tôi và tất cả là vì tôi. Giờ tôi đã lớn, cha đã để tôi dần trưởng thành. Ông đã không xét nét từng việc tôi làm như trước mà nói chuyện với tôi như một người lớn. Ông đã để tôi tự quyết định và phải tự làm hết công việc của mình. Tuy nhiên, ông cũng luôn đưa ra những lời khuyên, những kinh nghiệm quý báu để hướng tôi tới đường lối đúng đắn. Thật lòng tôi có cảm giác thấy chút e sợ. Trước những lựa chọn của chính mình, tôi phải tự tìm hiểu, phải suy nghĩ, phải quyết định và tìm ra cách để thực hiện nó. Đó không phải là một việc đơn giản. Thế mới biết cha mình trước kia đã phải dốc lòng dốc sức thế nào mới đưa ra được quyết định cho tôi và tôi tin những gì ông mang lại cho tôi là tốt nhất, hoàn hảo nhất.


    Với mọi người tôi không cần biết họ nghĩ về cha tôi ra sao nhưng với tôi cha là số một. Tôi chưa bao giờ so sánh cha mẹ mình với cha mẹ người khác. Tôi thấy những gì mà mình được hưởng từ cha mẹ thật là hạnh phúc. Đặc biệt là có một nóc nhà như cha tôi. Tình cha thật là vĩ đại, nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải nhìn bằng trái tim và tình yêu thương dành cho đấng sinh thành. Ở trong không gian bao la đầy ắp tình thương của người cha tôi tha hồ vùng vẫy nhảy múa và luôn được an tâm. Đó là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn vững chắc cho sự phát triển bay cao bay xa của tôi. Dù tôi có vấp ngã hay sai trái thì khi ngoảnh lại sẽ vẫn nhận được tình cảm thương yêu của cha, ánh mắt đầy hi vọng,cái gật đầu đầy tin tưởng để tôi có thể tiếp tục bước đi.


    Không một từ ngữ hay một điều gì có thể nói hết sự vĩ đại ấy. ”Công cha như núi thái sơn” - một câu tục ngữ để nói về công lao của người cha hay “Khúc hát tình cha - Ngọc Sơn” cũng chỉ là sự mô phỏng tượng trưng chứ không phải là tất cả. Trái Đất của chúng ta rộng lớn thật nhưng ta còn có thể đo được độ lớn của nó nhưng tấm lòng của cha dành cho con thì đố ai đo nổi? Là những người con như tôi và các bạn hãy yêu thương cha mình bởi không một người đàn ông nào trên thế giới tốt hơn cha ruột của mình cả. Ai là người dạy ta cách đối nhân xử thế? Ai là người ngồi cả trưa quạt cho ta ngủ khi mất điện, ai dạy ta bản lĩnh và cách nhìn cuộc sống. Đó chỉ có thể là cha.


    Trên đời cái gì cũng có hai mặt, có đen thì sẽ có trắng. Đa số chúng ta có những người cha vĩ đại nhưng trong xã hội đầy rẫy những người cha không tốt, đối xử tệ bạc với con cái, bắt con cái đi ăn xin đánh giầy để lấy tiền uống rượu... Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong xã hội, đó là những người cha vô lương tâm, không có ý chí, những người chịu thua số phận, chấp nhận đứng dưới đáy của xã hội. Nhưng dù thế nào cha vẫn là cha dù xấu dù tốt. Rồi có ngày những người cha như vậy sẽ biết hối lỗi và sống khác đi.


    Núi cao to sông chảy dài thế nào ta cũng không thể hình dung được tình yêu thương của cha mẹ. Điều đó đã trở thành đạo lí và bổn phận của con cái, chúng ta phải biết ghi nhớ công ơn cha mẹ, vâng lời cha mẹ, cố gắng học tập tốt để cha mẹ vui lòng.


    Tình cha - một đề tài không mới nhưng chỉ cần nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào thì nó cũng sẽ đánh động hàng triệu trái tim hồi tưởng lại ý nghĩa của nó. Không một cái gì có thể đánh đổi được tình cảm của cha dành cho con và: "Bạn không cần phải đắn đo phân tích xem cha chúng ta là người như thế nào vì lúc nào cha cũng thật vĩ đại".

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. "Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"


    Một trong những thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc đời con người là tình mẫu tử, nó là mối keo sơn gắn kết người sinh thành ra chúng ta. Trong cuộc sống cũng như trong thơ văn, tình mẫu tử luôn được nhắc đến với thái độ kính trọng, trân trọng nhất. Tuy không được nhắc nhiều đến trong thơ văn, trong cuộc sống, thế nhưng, tình phụ tử cũng là một thứ tình cảm thiêng liêng, đáng quý, đáng trân trọng biết nhường nào! Nó cũng cao cả, sâu nặng, nghĩa tình như tình mẫu tử vậy.


    Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ vô cùng to lớn, như trời như biển mà có cố gắng cả đời chúng ta cũng chẳng thể trả hết. Nếu như tình mẫu tử là sợi dây liên kết giữa người mẹ và con mình thì tình phụ tử lại là mối liên kết giữa cha và con. Tuy được thể hiện theo từng khía cạnh, cũng như biểu hiện khác nhau nhưng chung quy lại đều là một thứ tình cảm sâu nặng tựa trời biển.


    Tình cảm phụ tử - phụ là cha, tử là con, nó gợi cho chúng ta sự gắn bó khăng khít, sự thủy chung, yêu thương bao dung, bền chặt. Nếu như mỗi lần nhắc tới mẹ, ta lại cảm thấy một sự nhẹ nhàng, ấm áp, dịu êm thì nhắc tới cha, ta lại cảm thấy một sự ấm áp khác lạ. Đó là sự ấm áp đầy nam tính, dù không dịu dàng như mẹ nhưng lại khiến ta an tâm và tin tưởng biết nhường nào! Phải, tình phụ tử cũng là tình cảm thiêng liêng bậc nhất của cuộc đời người, nó đóng một vai trò thật đặc biệt trong đời sống của chúng ta. Mẹ sinh thành ra ta, mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày rồi nuôi dạy ta nên người. Mẹ là người lo cho ta giấc ngủ ngon, sớm khuya bên cạnh thì cha lại là người trụ cột trong gia đình, có tầm nhìn cao rộng hơn, mạnh mẽ hơn, giúp bảo vệ gia đình, bảo vệ mẹ, bảo vệ ta. Cha là người vất vả hy sinh công sức, thời gian bên ngoài xã hội lo cho gia đình vì miếng cơm, manh áo. Cha cũng sẽ là người nghiêm khắc với ta hơn bởi cuộc đời đã tôi luyện cho cha thành một người cứng cỏi như thế. Có lẽ vì vậy, tình phụ tử không êm dịu, nhẹ nhàng như tình mẫu tử mà nó mạnh mẽ, can đảm hơn rất nhiều.


    Tình phụ tử sẽ giúp chúng ta bước qua sóng gió cuộc đời, nó cũng như tình mẹ vậy, vô cùng mãnh liệt, vô cùng vững bền. Cha cũng như mẹ, luôn lo lắng cho ta, luôn bao dung cho ta mọi lỗi lầm cùng như sai trái. Nếu như mẹ ân cần khuyên bảo, nhẹ nhàng răn dạy chúng ta để chúng ta đi đúng con đường đời thì cha lại khác. Cha rất nghiêm khắc với ta, có thể thẳng thắn khuyên răn chúng ta bằng những lời lẽ cứng cỏi, giáo dục chúng ta bằng sự nghiêm khắc của mình. Tình phụ tử khác với tình mẫu tử, bởi tình mẫu tử luôn được bộc lộ ra một cách tình cảm nhất, rõ ràng nhất nhưng tình phụ tử lại rất ít được biểu lộ, nó chỉ tồn tại thầm kín trong tâm hồn ta, chảy thật mạnh mẽ trong tim của ta.


    Có mẹ có cha trên đời thì là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của chúng ta. Vậy mới nói, tình phụ tử, tình mẫu tử đối với mỗi người mà nói trong cuộc sống thật sự vô cùng quan trọng. Có cha trong đời, ta sẽ được chở che bằng đôi vai rộng, bằng tấm lưng lớn. Cha sẽ chăm sóc ta, dạy ta sự can đảm, sự mạnh mẽ và trưởng thành. Vâng, có cha, cuộc đời thật hạnh phúc biết nhường nào!


    Tôi đã từng chứng kiến một câu chuyện về một người cha đưa đứa con nhỏ của mình băng rừng vượt suối để lên tới bệnh viện. Anh ở tận Tây Nguyên xa xôi, nhưng vì đứa con bệnh nặng, chẳng thể chữa trị tại quê nhà, vậy nên anh lặn lội mang con tới tận Sài Gòn để mong có được sự chữa trị tốt nhất. Trên người anh chỉ vỏn vẹn vài triệu bạc vừa bán được chút cà phê, mang cả lên đây chờ con khám bệnh. Nhìn gương mặt, thân hình của anh, tôi thấy được sự vất vả, nắng gió, cực nhọc, nhưng tình phụ tử, tình yêu con đã giúp anh vượt qua tất cả, mang con đến với những gì tốt đẹp nhất mà anh có thể cho nó. Phải, chẳng có gì bằng tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái của mình được. Họ có thể chịu khổ, nhưng họ sẽ dành cho con mình những gì tốt đẹp nhất mà họ có được.


    Hay các bạn có đọc tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Đó là hình ảnh một người cha đau khổ, con không nhận ra vì ông đã xa nó đi chiến đấu khi nó còn quá nhỏ, nhưng ông vẫn dành cho nó sự yêu thương nhất. Dù rằng bị con chối từ nhưng đối với ông, tình phụ tử đã khiến ông không một phút giây nào thôi nhung nhớ tới đứa con nhỏ ở quê nhà. Ông trân trọng từng phút từng giây bên con.


    Cha đối với chúng ta mà nói, luôn yêu thương chúng ta bằng những cách đặc biệt nhất. Ta đi sai đường, mắc lầm mắc lỗi thì cha mẹ chính là người đau lòng nhất. Có thể nói, nếu không có cha trong cuộc đời này, đó là một thiệt thòi vô cùng to lớn của chúng ta. Tình phụ tử của cha sẽ giúp chúng ta đi đúng con đường của mình giữa hàng trăm con đường ở cuộc đời bộn bề sóng gió này. Cha sẽ chỉ dạy, sẽ hướng chúng ta tới những gì tốt đẹp nhất mà cha có thể mang tới. Rồi khi vấp ngã, cha sẽ nâng ta dậy, dạy ta những bài học quý, chỉ cho ta cách thức đứng lên giữa cuộc sống bon chen này. Phải, có cha, điều đó thật tuyệt vời biết bao nhiêu.


    Vậy nên mỗi chúng ta hãy luôn tâm niệm trong lòng tình phụ tử thiêng liêng này, phải luôn luôn trân trọng và giữ gìn nó một cách cẩn thận nhất. Hãy lắng nghe người cha yêu quý của mình, chăm sóc theo cách tốt nhất mà mình có thể. Và chúng ta càng phải cố công học tập thật tốt hơn nữa, ngoan ngoãn để không phụ lòng mong mỏi và niềm tin mà cha chúng ta đã đặt vào chúng ta.


    Tuy hiện nay, đâu đó vẫn xuất hiện một vài tin tức đáng buồn về tình phụ tử. Một người đàn ông ở Hà Nội cùng vợ của mình đã đuổi người cha già hơn tám mươi tuổi của mình ra ngoài đường trong đêm khiến người cha ấy phải ngủ ngoài lề đường. Thật sự một người con lại có thể đối xử với người cha đã nuôi nấng mình như vậy sao? Đó là một hành vi ngược đãi cha mẹ thực sự đáng lên án vô cùng. Cha mẹ chúng ta dù già yếu nhưng vẫn là người chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta từ thuở còn thơ, đừng bao giờ cảm thấy phiền vì phải chăm sóc cha mẹ của mình.


    Tình phụ tử - một tình cảm thiêng liêng và quý báu trong cuộc đời chúng ta. Nó cũng cảm động, cũng sâu nặng như tình mẫu tử vậy. Cha cũng yêu thương, cũng chăm sóc, dạy dỗ ta như mẹ. Tình phụ tử sâu nặng quá đỗi mà chúng ta cả đời chẳng thể nào có thể đền đáp lại được "Tình cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan, ..."

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn, Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm.


    Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc mẹ hằng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha, ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, để các con học được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!


    Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như: quét rác, đội trấu, đạp xích lô không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện để kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác cười rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào: – Nhà bác nghèo lắm! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng đậu Đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề!


    Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều nhất và hưởng thụ ít nhất; Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon miếng lành, còn mình chỉ cơm rau, cơm mắm qua ngày.


    Đức tính nổi bật của cha em là cần cù chịu khó, hết lòng vì vợ con. Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm săn sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo: – Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó ngại khổ.


    Càng khó càng phải làm bằng được. Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng vợ con. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy bố mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ.


    Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đáp đền chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con. Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Có thể khi còn nhỏ chưa hiểu chuyện ta thấy cha là người nghiêm khắc, cứng rắn chứ không dịu dàng âu yếm như mẹ nên nhiều bạn còn giận và xa lánh ba, nhưng thường khi càng lớn cách nhìn về ba của chúng ta sẽ sáng suốt hơn. Tôi đã hiểu và thương ba nhiều hơn bởi tôi biết lúc nào cha cũng nghĩ cho tôi và tất cả là vì tôi.


    Giờ tôi đã lớn, cha đã để tôi dần trưởng thành. Ông đã không xét nét từng việc tôi làm như trước mà nói chuyện với tôi như một người lớn. Ông đã để tôi tự quyết định và phải tự làm hết công việc của mình. Tuy nhiên ông cũng luôn đưa rồi những lời khuyên, những kinh nghiệm quý báu để hướng tôi tới đường lối đúng đắn. Thật lòng tôi có cảm giác thấy chút e sợ. Trước những lựa chọn của chính mình, tôi phải tự tìm hiểu, phải suy nghĩ, phải quyết định và tìm ra cách để thực hiện nó. Đó không phải là một việc đơn giản. Thế mới biết cha mình trước kia đã phải dốc lòng dốc sức thế nào mới đưa ra được quyết định cho tôi và tôi tin những gì ông mang lại cho tôi là tốt nhất, hoàn hảo nhất.


    Với mọi người tôi không cần biết họ nghĩ về cha tôi ra làm sao nhưng với tôi cha là số một. Tôi chưa bao giờ so sánh cha mẹ mình với cha mẹ người khác. Tôi thấy những gì mà mình được hưởng từ ba mẹ thật là hạnh phúc. Đặc biệt là có một nóc nhà như cha tôi. Tình cha thật là vĩ đại, nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải nhìn bằng trái tim và tình yêu thương dành cho đấng sinh thành. Ở trong không gian bao la đầy ắp tình thương của người cha tôi tha hồ vùng vẫy nhảy múa và luôn được an tâm. Đó là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn vững chắc cho sự phát triển bay cao bay xa của tôi. Dù tôi có vấp ngã hay sai trái thì khi ngoảnh lại sẽ vẫn nhận được tình cảm thương yêu của cha, ánh mắt đầy hi vọng, cái gật đầu đầy tin tưởng để tôi có thể tiếp tục bước đi.


    Không một từ ngữ hay một điều gì có thể nói hết sự vĩ đại ấy. “Công cha như núi thái sơn” - một câu tục ngữ để nói về công lao của người cha hay “khúc hát TÌNH CHA - NGỌC SƠN” cũng chỉ là sự mô phỏng tượng trưng chứ không phải là tất cả. Trái Đất của chúng ta rộng lớn thật nhưng ta còn có thể đo được độ lớn của nó nhưng tấm lòng của cha dành cho con thì đố ai đo nổi? Là những người con như tôi và các bạn hãy yêu thương cha mình bởi không một người đàn ông nào trên thế giới tốt hơn cha của mình cả. Ai là người dạy ta cách đối nhân xử thế? Ai là người ngồi cả trưa quạt cho ta ngủ khi mất điện, ai dậy ta bản lĩnh và cách nhìn cuộc sống. Đó chỉ có thể là cha tôi cha các bạn.


    Trên đời cái gì cũng có hai mặt, có đen thì sẽ có trắng. Đa số chúng ta có những người cha vĩ đại nhưng trong xã hội đầy rẫy những người cha không tốt, đối xử tệ bạc với con cái, bắt con cái đi ăn xin đánh giầy để lấy tiền uống rượu… Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong xã hội, đó là những người cha vô lương tâm, không có ý chí, những người chịu thua số phận chấp nhận đứng dưới đáy của xã hội. Nhưng dù thế nào cha vẫn là cha dù xấu dù tốt. Rồi có ngày những người cha như vậy sẽ biết hối lỗi và sống khác đi.


    Núi cao to sông chảy dài thế nào ta cũng không thể hình dung được tình yêu thương của cha mẹ. Điều đó đã trở thành đạo lí và bổn phận của con cái chúng ta phải biết ghi nhớ công ơn cha mẹ, vâng lời cha mẹ, cố gắng học tập tốt để cha mẹ vui lòng.


    Tình cha - Một đề tài không mới nhưng chỉ cần nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào thì nó cũng sẽ đánh động hàng triệu trái tim hồi tưởng lại ý nghĩa của nó. Không một cái gì có thể đánh đổi được tình cảm của cha dành cho con: “bạn không cần phải đắn đo phân tích xem cha chúng ta là người như thế nào vì lúc nào cha cũng thật vĩ đại.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Lúc con lên ba tuổi, bố kể cho con nghe câu chuyện về ông Thần Tự nhiên sinh ra muôn loài, ông Thần Sấm có những hạt sét như viên bi bỏ vào túi và khi nó rơi thì gây ra những tiếng đùng đoàng lúc mưa dông.Lúc con bốn tuổi, cả ngày bố kể con nghe những câu chuyện sử ta, sử Tàu. Gần mộ bà có một cột mốc bằng đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”, người ta bảo đó là mộ vợ thứ tám của Mã Viện. Từ Mã Viện bố kể cho con nghe về Bà Trưng, Bà Triệu và các anh hùng dân tộc. Mỗi câu chuyện bố đều kết luận một câu và bảo con học thuộc. Con đã học thuộc nó như trẻ con đọc đồng dao mà cứ ngỡ những nhân vật lịch sử ấy sống cùng thời với nhau…


    Bằng những câu chuyện kể bố đã hun đúc nên tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc trong tâm hồn con.Lúc con năm tuổi, bố dạy con đọc thơ Tố Hữu và Nhật ký trong tù. Bài thơ đầu tiên trong đời con thuộc làBác ơi. Phần thi năng khiếu của con trong chương trình “Bé khỏe bé ngoan” là đọc thuộc một bài thơ và con đã đọc Mới ra tù tập leo núi thay vì một bài thơ thiếu nhi như những đứa bạn cùng trang lứa. Con đã học tập bố đến mức có lỗi với cô giáo: con không thuộc một bài thơ thiếu nhi nào trong chương trình học mẫu giáo của mình…Mùa lũ năm 1988, bãi chìm trong biển nước, bố đưa chị em con đi xem lũ, không phải vì nuông chiều mà vì muốn các con được chứng kiến những điều từ thực tế.


    Trong ánh mắt ngây thơ của con lúc bấy giờ lũ thật là đẹp, thật là kỳ vĩ. Dòng sông Lam xanh ngơ ngắt thường ngày đã biến thành màu đỏ ối, đầy những mái nhà, những trâu bò lợn gà từ thượng nguồn trôi dạt về xuôi. Con đâu hay niềm vui, sự hào hứng, phấn khích của con là nỗi đau, là mất mát của những người sống ven đê, để sau mùa lũ họ phải “gánh cả tên làng trong những chuyến di dân”…Năm con học lớp 4, học lớp đặc biệt của huyện, xa nhà tới hơn 10 cây số, những ngày đầu tiên bố đưa con đến trường rồi đứng chờ trước cổng. Chiếc áo lính sờn vai nhưng nụ cười đầy mãn nguyện. Có bố, con thấy mình mạnh mẽ và có lẽ thành công của con bắt đầu từ những ngày tháng ấy. Sau này, ngày đầu tiên con bước tới giảng đường, bố lại đứng chờ con.


    Thượng Đình vào ngày đầu tháng 9 nắng vẫn vàng như mật ong, gió bụi, mùi xà phòng, thuốc lá hòa vào nhau nồng nàn chẳng kém gì “gió Lào cát trắng” quê mình. Vậy mà bố vẫn đứng chờ con, kiên tâm, nhẫn nại, hạnh phúc lẫn lo âu. Bốn năm đại học, mỗi lần bước vào cổng trường con đều ngoái lại, tưởng như sau lưng mình bố vẫn còn dõi theo…Khi con lên lớp 5, vào những ngày nước nổi, bố dắt xe và cõng con qua vùng nước xiết. Chiều về nhá nhem bố lại đứng chờ con bên cầu, thấy bóng ai từ xa cũng hỏi to: Nhàn đấy hả con?


    Lớp 5, vào tháng tư, khi cây gạo cháy bùng lên những ngọn lửa cũng là lúc kỳ thi học sinh giỏi tỉnh bắt đầu. Bố đèo con bằng chiếc xe đạp cũ kỹ từ miền trung du quê mình dọc theo bờ sông Lam xuống thành phố Vinh, gần trăm cây số. Hết kỳ thi bố đưa con đến Cửa Lò để nhìn thấy biển rồi về thăm quê Bác. Đó là lần đầu tiên con đi xa, lần đầu tiên con nhìn thấy biển, lần đầu tiên con được vào làng Sen, làng Hoàng Trù và nhắc lại những câu thơ của Tố Hữu trong trường ca Theo chân Bác, lần đầu tiên bố kể cho con nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Người và căn dặn con “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” …


    Tháng tư năm ấy sẽ chẳng bao giờ mờ nhạt trong ký ức của con, lời dạy của bố năm nào giờ đã thành một cuộc vận động lớn. Từ bố con nhận ra tình yêu Đảng, tình yêu lãnh tụ phải xuất phát từ thẳm sâu trong trái tim mình, phải xuất phát từ ngưỡng vọng thiết tha và sự biết ơn vô bờ bến. Từ bố, con đã học được những bài học không qua sách vở, giáo trình nhưng đi thẳng vào trái tim.Bố của con, một chiến sĩ nơi Thành cổ năm xưa. Bố vẫn giữ thói quen dậy sớm, khi đài phát thanh phát câu nói đầu tiên trong ngày. Bố dạy con hát những bài Vì nhân dân quên mình, Anh vẫn hành quân… và tập những động tác thể dục cơ bản của một… người lính.


    Bố cho con xem những giấy khen, những huân huy chương trong chiến trường và cả một sơ đồ tác chiến trong một đêm tiến vào Thành cổ. Con đã đọc những dòng nhật ký “hoa lửa” của bố khi viết về những đồng đội đã hi sinh “ngay chính tôi cũng không thể nào tưởng tượng được mình có thể sống sót để viết những dòng vội vã này. Sau lưng tôi tất cả đồng đội đã ngã xuống…”. Thời bình, bố trở về không kê khai một bản thành tích nào để Nhà nước tặng thưởng… Với bố, sự sống sót sau tháng ngày bom cày đạn xới đã là món quà lớn nhất mà cuộc đời và đồng đội thân yêu đã dành cho mình.


    Bố kính yêu! Con đã lớn lên bên bố, một người bố bình thường, không giàu sang, không địa vị và quyền uy nhưng bố đã cho con rất nhiều. Cho con cuộc đời này? Những người bố khác đều làm được! Cho con tình yêu thương? Những người bố khác đều làm được!… Nhưng bố khác với họ, bố cho con thế giới quan của mình, cho con bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, những thăng trầm trong cuộc sống, cho con biết yêu thương, biết trải lòng nhân ái, bao dung với những mảnh đời bất hạnh, cho con biết vươn lên tiến về phía trước. Chính bố đã cho con sức mạnh, một sức mạnh trường cửu của tình phụ tử.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không kể hết công cha. Nếu mẹ là người yêu thương ta theo cách ân cần nhất, thì người cha luôn thể hiện tình yêu với con theo cách riêng của mình. Tình phụ tử khó có thể đong đếm được bằng một đơn vị nào, hay ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, chỉ bằng một ánh mắt, một cử chỉ, cũng có thể là ngôn ngữ rõ ràng nhất thể hiện tình cha con.

    Trong suy nghĩ của nhiều người, hình ảnh về người cha lúc nào cũng đi kèm với sự nghiêm khắc, là khi trốn đi chơi về muộn sẽ ‘run lập cập’ mỗi khi bước vào nhà mà sợ cha phát hiện. Trái ngược lại hoàn toàn với hình ảnh của mẹ, người luôn bao dung, chở che chúng ta. Tuy nhiên, tình phụ tử, chính là được biểu hiện qua những sự nghiêm khắc, khó tính ấy: người cha nghiêm khắc để mong con đi chơi còn biết đường về, người cha khó tính luôn đi kèm với những trăn trở, lắng lo làm sao để nuôi dưỡng con nên người.


    Sự yêu thương của cha dành cho con ngoài những sự nghiêm khắc còn được thể hiện qua những hành động cực dễ thương như chuẩn bị những bữa cơm, những món quà bất ngờ, dành ngày nghỉ hiếm hoi cho con đi học, đi chơi. Tuy nhiên, tình phụ tử đôi khi lại nhạt dần khi con nhỏ lớn lên, trưởng thành đồng nghĩa với việc trở nên độc lập hơn. Chúng ta dần xa cách cha, lạnh lùng.


    Ngược lại, cha vẫn luôn quan tâm, dõi theo chúng ta dù ta có đi làm xa, qua tận châu lục khác để học tập và làm việc. Nhiều người thường tự hỏi, tại sao đi xa mà mỗi khi nghĩ về quê nhà vẫn cảm thấy ấm áp, rõ ràng, bởi ở nhà, vẫn luôn có 1 người luôn ngóng trông ngày ta trở về.

    Trong xã hội vẫn luôn tồn tại những người cha bất lực trong cuộc sống, lại lôi chính con của mình để giải thoát những bế tắc của cá nhân. Ngoài ra, còn có những người cha chỉ biết đến những tệ nạn, máu lạnh và tàn nhẫn với chính những đứa con của mình. Những đối tượng này cần được lên án, những đứa trẻ ở các gia đình này cần được bảo vệ, giáo dục để tránh đi lại vào vết xe đổ của chính người cha của mình.


    Cha luôn là hình ảnh đẹp nhất, là người quan tâm đến chúng ta chẳng thua kém gì mẹ, nhưng lại biểu hiện ra một cách thầm lặng nhất. Là một người con, cần trân trọng những phút giây quý báu khi còn được sống bên cha. Bởi ai rồi cũng sẽ già, cha cũng vậy.


    Hãy yêu thương gia đình, trân trọng những giá trị tốt đẹp của gia đình mang lại. Tình phụ tử là một thứ tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, sẽ theo ta đến suốt cuộc đời. Thậm chí, cho tới khi trưởng thành, trở thành cha, thành mẹ, ta mới thấu hiểu được phần nào những nỗi vất vả của cha.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  9. Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.


    Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng.


    Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ. Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.


    Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.


    Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.


    Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?


    Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm. Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài. Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…


    Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.


    Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi. Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.


    Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.


    Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.


    Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.


    Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy