Top 6 Bài văn phân tích tác phẩm "Nhìn về vốn văn hóa dân tộc" của Trần Đình Hượu

Bình An 1125 0 Báo lỗi

Trần Đình Hượu (1926-1995) chuyên nghiên cứu các vấn đề lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam trung, cận đại. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về ... xem thêm...

  1. Nhìn về vốn văn hóa dân tộc là một trích đoạn của tiểu luận Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc được Trần Đình Hượu viết từ năm 1986. Với tiểu luận này, mục đích chính mà tác giả đặt ra không phải là xác định rõ ràng từng điểm một về cái gọi là bản sắc văn hóa dân tộc, mà gợi mở con đường nghiên cứu về nó trong tư cách một vấn đề thời sự của chiến lược phát triển đất nước thời kỳ đổi mới. Như vậy, ở đây, “nhìn về” cũng chính là “hướng tới”, và hành động “nhìn về” truyền thống, “nhìn về” quá khứ trở thành một yếu tố then chốt của hành động “hướng tới” hiện đại, “hướng tới” tương lai.


    Trong tiểu luận, bên cạnh khái niệm vốn văn hoá dân tộc, tác giả cũng dùng một số khái niệm khác như : đặc sắc văn hóa dân tộc, thiên hướng văn hóa dân tộc, tinh thần chung của văn hóa dân tộc. Cách diễn đạt của tác giả không cố định, cứng nhắc. Có khi tác giả chỉ viết đơn giản : bản sắc dân tộc,hoặc nói hơi khác : bản sắc dân tộc của văn hóa. Nhìn chung, theo tinh thần toát lên từ toàn bộ tiểu luận, có thể hiểu vốn văn hoá dân tộc hay bản sắc văn hóa dân tộc là cái giúp khu biệt văn hóa của dân tộc này với văn hóa của dân tộc khác.


    Bản sắc văn hóa dân tộc là hiện tượng kết tinh, là thành quả tổng hợp của một quá trình sáng tạo, tiếp xúc văn hóa, nhào trộn cái vốn có, riêng có của dân tộc với những cái tiếp thu từ bên ngoài. Bản sắc văn hóa vừa có mặt ổn định vừa có mặt biến đổi. ổn định không đối lập mà tạo tiền đề cho biến đổi và biến đổi cũng để đi đến một dạng ổn định mới, cao hơn, phong phú hơn. Khái niệm vốn văn hóa dân tộc mà tác giả dùng vừa có mặt rộng hơn, vừa có mặt hẹp hơn khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc. Nói rộng là vì: bản sắc văn hóa làm nên cái vốn văn hóa. Còn nói hẹp là bởi : vốn văn hóa dường như chỉ nói được mặt ổn định, cố hữu mà chưa nói được mặt biến đổi của bản sắc văn hóa. Với các khái niệm thiên hướng văn hóa, tinh thần chung của văn hóa, có lẽ tác giả muốn nói chiều động, chiều phát triển của bản sắc văn hóa.


    Ngoài đoạn mở đầu mang tính chất đặt vấn đề, cả tiểu luận (phần được trích học) tập trung nêu lên và nhận xét về một số điểm mà theo tác giả là có “liên quan gần gũi” với cái gọi là đặc sắc văn hóa dân tộc. Cách triển khai lập luận của tác giả khá đặc biệt. Bắt đầu, ông đã không nói về cái có, mà nói về cái không của vốn văn hoá dân tộc. Có thể dễ dàng đếm được trong bài có đến trên vài chục lần từ không được lặp lại – từ không với hàm nghĩa chỉ ra những cái mà dân tộc ta không có (so với các dân tộc khác trên thế giới).


    Bên cạnh từ không, các cụm từ và từ như chưa bao giờ, ít cũng chở theo một nội dung tương tự. Khó nói rằng tác giả cố tình “độc đáo”, cố tình gây ấn tượng ở điểm này. Cái gây ấn tượng, nếu có, toát lên từ cách nhìn trực diện về vấn đề hơn là cách tung hứng ngôn từ. Vào thời điểm tiểu luận của Trần Đình Hượu ra đời, người ta vốn đã quen nghe những lời ca tụng về dân tộc mình (Càng nhìn ta, lại càng say – Tố Hữu), bởi vậy, khi giáp mặt với một cách đặt vấn đề khác, một cảm hứng nghiên cứu khác, nhiều người dễ có cảm tưởng rằng tác giả đã “nói ngược” hay đã cực đoan trong các nhận định. Kì thực, nếu nắm được mạch nghiên cứu lịch sử tư tưởng của Trần Đình Hượu, đồng thời chấp nhận nét đặc thù của lối văn “phát biểu ý kiến”, ít có trích dẫn cũng như ít đưa dẫn chứng (ở cấp độ cụ thể, chi tiết), lại chủ yếu hướng vào giới chuyên môn vốn am hiểu sâu sắc các vấn đề hữu quan, ta sẽ dễ dàng chia sẻ, tán đồng với tác giả về hầu hết những luận điểm then chốt mà ông nêu lên.


    Khi khẳng định: “Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật”, tác giả đã dựa vào khá nhiều căn cứ : ở Việt Nam, kho tàng thần thoại không phong phú (xét theo những gì còn được bảo tồn đến bây giờ) ; tôn giáo, triết học đều không phát triển ; không có một ngành khoa học, kĩ thuật nào phát triển đến thành có truyền thống ; âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ ; thơ ca rất được yêu thích nhưng các nhà thơ không ai nghĩ sự nghiệp của mình là ở thơ ca ;… Dĩ nhiên, đây mới chỉ là những “căn cứ lớn”, mà bản thân chúng có thể và cần phải được chứng minh bằng hàng loạt dữ kiện cụ thể. Do định hướng riêng của bài viết, tác giả đành lướt qua vấn đề này.


    Điều quan trọng hơn đối với ông là nói rõ tiền đề mà dựa trên đó các “căn cứ lớn” đã được nêu lên : “ở một số dân tộc hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, một ngành khoa học, một nền âm nhạc, hội họa,… phát triển rất cao, ảnh hưởng phổ biến và lâu dài đến toàn bộ văn hóa, thành đặc sắc văn hóa của dân tộc đó, thành thiên hướng văn hóa của dân tộc đó”. Theo lô gích vấn đề, ở cuối đoạn 2, tác giả còn cắt nghĩa lí do của các “kiểu lựa chọn văn hóa” vừa được chính ông trình bày để ta thấy rõ tính qui luật của nó : “Thực tế đó cho ta biết khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích, nhưng hơn thế, còn cho ta biết sự hạn chế của trình độ sản xuất, của đời sống xã hội. Đó là văn hoá của cư dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị”. Bằng cách lật đi lật lại vấn đề như thế, tác giả đã thực sự làm tăng sức thuyết phục cho luận điểm của mình.


    Dễ dàng nhận thấy rằng, với tiểu luận này, tác giả đã thoát khỏi thái độ hoặc ca ngợi, hoặc chê bai đơn giản thường thấy khi tiếp cận vấn đề. Tinh thần chung của bài viết là tiến hành một sự phân tích, đánh giá khoa học đối với những đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam. Thực ra, khen hay chê vốn là một phản ứng tình cảm bình thường, hoàn toàn có đủ lí do để có mặt trong một bài nghiên cứu. Nhưng điều quan trọng là nếu người viết không vượt lên được vòng trói buộc của sự khen – chê chủ quan thì mọi kiến nghị, đề xuất sau đó sẽ ít tính thuyết phục. Trần Đình Hượu hẳn ý thức sâu sắc về điều đó nên đã sử dụng một giọng văn điềm tĩnh, khách quan để trình bày các luận điểm. Người đọc chỉ có thể nhận ra được nguồn cảm hứng thật sự của tác giả nếu hiểu cái đích xa mà ông hướng đến : góp phần xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển hiện thời.


    Sau khi đã nêu một loạt điểm “không đặc sắc” của văn hóa Việt Nam, tác giả lại khẳng định : “người Việt Nam có nền văn hóa của mình”. Nếu việc làm trước không đồng nghĩa với cái gọi là “chê” thì việc làm sau không phải là biểu hiện cụ thể của cái gọi là “khen”. Không có gì mâu thuẫn ở đây cả, bởi, thứ nhất, theo tác giả quan niệm, việc đi tìm cái riêng của văn hóa Việt Nam không nhất thiết phải gắn liền với việc cố chứng minh dân tộc Việt Nam không thua kém các dân tộc khác ở những điểm mà thế giới đã thừa nhận là rất nổi bật ở họ (ví dụ như sự phát triển của hệ thống thần thoại, tôn giáo, triết học, các ngành nghệ thuật, kiến trúc,….).


    Nỗ lực chứng minh như thế là một nỗ lực vô vọng. Tác giả chỉ ra những điểm “không đặc sắc” của văn hóa Việt Nam là trên tinh thần ấy. Việc làm của tác giả rõ ràng hàm chứa một gợi ý về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc : đi tìm đặc sắc văn hóa Việt Nam phải có cái nhìn sát với thực tế Việt Nam, không thể vận dụng những mô hình cố định ; điều quan trọng khác là phải tìm ra cội nguồn của hiện tượng không có những điểm đặc sắc nổi bật như của các dân tộc khác để thấy được cái “đặc sắc” của văn hóa Việt Nam. Vấn đề “có” hay “không” nhiều khi chưa quan trọng bằng vấn đề “tại sao có ?”, “tại sao không ?”.


    Thứ hai, tác giả quan niệm văn hóa là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó lối sống, quan niệm sống là yếu tố then chốt ; mà lối sống, quan niệm sống ấy cũng lại là một hệ thống, kết quả sự tổng hòa của muôn vàn yếu tố khác nhỏ hơn. Khi quan sát thấy người Việt Nam có lối sống, quan niệm sống riêng, biểu hiện qua việc ta đã tự tạo ra được cho mình một cái “màng lọc” nhằm gạt bỏ hoặc tiếp thu, lựa chọn những cái gì không cần thiết hoặc cần thiết cho mình, tác giả hoàn toàn có cơ sở để khẳng định : người Việt Nam có nền văn hóa riêng. Hóa ra, “không đặc sắc” ở một vài điểm thường hay được người ta nhắc tới không có nghĩa là không có gì ! Phải nói rằng, tác giả đã có một quan niệm toàn diện về văn hóa, và hơn thế, biết triển khai công việc nghiên cứu của mình dựa vào việc khảo sát thực tế khách quan chứ không phải vào các “tri thức tiên nghiệm”, các định đề.


    Trong đoạn 3, tác giả có nêu khái quát một đặc điểm của văn hóa Việt Nam :”Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”. Vào thời điểm tiểu luận ra đời, khái quát nêu trên có thể đã gây được những ngạc nhiên thú vị, bởi nó giống như kết quả của một cái nhìn đến từ phía bên ngoài hoặc của một nỗ lực phản tỉnh, cố gắng tách mình ra khỏi mình nhằm tự đánh giá. Thực tế cho thấy : thật khó nhận diện được nét đặc sắc văn hoá của dân tộc mình một khi ta đang hít thở trong bầu khí quyển của nó, quá quen với nó.


    Giờ đây, khái quát trong tiểu luận của Trần Đình Hượu gần như đã trở thành một nhận thức phổ biến, thường được nhắc lại với một ít biến thái trong nhiều tài liệu khác nhau. Điều này thực ra khá dễ hiểu vì có vô số dẫn chứng trong đời sống và trong văn học chứng tỏ sự xác đáng của nó, ví dụ : Việt Nam không có những công trình kiến trúc đồ sộ như Kim tự tháp, Vạn lí trường thành, Ăng – ko Vát… Chùa Một cột (chùa Diên Hựu) – một biểu tượng của văn hóa Việt Nam – có quy mô rất bé ; chiếc áo dài rất được phụ nữ Việt Nam ưa chuộng có vẻ đẹp nền nã, dịu dàng, thướt tha ; nhiều câu tục ngữ, ca dao khi nói về kinh nghiệm sống, ứng xử rất đề cao sự hợp lí, hợp tình : Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm ; ở sao cho vừa lòng người/ ở rộng người cười, ở hẹp người chê ; Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau…


    Kết luận quan trọng nhất của tác giả về tinh thần chung của văn hóa Việt Nam nằm ở câu in nghiêng trong phần cuối đoạn trích : Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Toàn bộ những từ như tinh nhanh, khôn khéo, dung hợp, sàng lọc, tinh luyện, tiếp nhận,… được dùng trong đoạn văn cũng có tác dụng “phụ hoạ” cho kết luận đó. Tác giả còn chỉ rõ : trên lĩnh vực văn hóa, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam thể hiện tập trung ở sự “đồng hóa”, “dung hợp” chứ không phải ở sự “tạo tác”. Về các khái niệm vừa dẫn, dựa vào văn cảnh chúng được sử dụng, có thể xác định :

    “Tạo tác” là khái niệm có tính chất quy ước, chỉ những sáng tạo lớn của một dân tộc – những sáng tạo mà các dân tộc khác không có hoặc có mà không đạt tầm vóc kì vĩ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chung quanh, tạo thành những mẫu mực đáng học tập đến như thế.


    Khái niệm “đồng hóa” vừa chỉ vị thế tồn tại nghiêng về phía tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài, những ảnh hưởng lan đến từ các nền văn minh, văn hóa lớn, vừa chỉ khả năng tiếp thu chủ động của chủ thể tiếp nhận – cái khả năng cho phép một dân tộc biến những cái ngoại lai thành cái của mình, trên cơ sở gạn lọc và thu giữ. Khái niệm “dung hợp” vừa có những mặt gần gũi với khái niệm “đồng hóa” vừa có điểm khác. Với khái niệm này, hẳn tác giả muốn nhấn mạnh đến khả năng “chung sống hòa bình” của nhiều yếu tố tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau, có thể hài hòa được với nhau trong một hệ thống, một tổng thể mới.


    Nhìn chung, theo Trần Đình Hượu, văn hóa Việt Nam xa lạ với sự cực đoan, không chấp nhận sự cực đoan, và riêng việc không chấp nhận điều đó đã biểu hiện một bản lĩnh đáng trọng. Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hóa Việt Nam qua các từ như “đồng hóa”, “dung hợp”, tác giả Trần Đình Hượu không hề rơi vào thái độ tự ti hay miệt thị dân tộc. Cũng cần nói thêm : trên con đường xác định cái gọi là bản sắc văn hoá dân tộc, Trần Đình Hượu đã có những điểm gặp gỡ với nhiều nhà nghiên cứu tư tưởng, văn hóa, văn học khác. Nhà Đạo học Cao Xuân Huy từng hình dung triết lí Việt Nam là triết lí Nước hay Nhu đạo. Còn nhà sử học Trần Quốc Vượng thì viết: “Tôi gọi cái bản lĩnh – bản sắc biết nhu, biết cương, biết công, biết thủ, biết “trông trời trông đất trông mây…” rồi tùy thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục”… ấy, là khả năng ứng biến của người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam !” v.v…


    Trong bối cảnh thời đại ngày nay, việc tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một nhu cầu tự nhiên. Chưa bao giờ dân tộc ta có cơ hội thuận lợi như thế để xác định “chân diện mục” của mình qua hành động so sánh đối chiếu với “khuôn mặt” của các dân tộc khác. Giữa hai vấn đề hiểu mình và hiểu người có mối quan hệ tương hỗ. Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước, trên tinh thần làm sao phát huy được tối đa mặt mạnh vốn có, khắc phục được những nhược điểm dần thành cố hữu để tự tin đi lên. Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc dĩ nhiên cũng gắn liền với việc quảng bá cái hay, cái đẹp của dân tộc để “góp mặt” cùng năm châu, thúc đẩy một sự giao lưu lành mạnh, có lợi chung cho việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Đến với tiểu luận Vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc, cụ thể là đến với đoạn trích Nhìn về vốn văn hoá dân tộc, chúng ta cảm nhận được những điều gợi mở quý báu đó từ một nhà nghiên cứu tâm huyết với tiền đồ phát triển của dân tộc.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Mỗi dân tộc đều biểu hiện một nét đẹp văn hóa riêng, chính vì thế trong tác phẩm này Trần Đình Hượu đã sáng tạo và bàn về những khía cạnh của văn hóa, nó được biểu hiện về nhiều phương diện như tôn giáo, nghệ thuật, ứng xử hay cách sinh hoạt của con người. Trong tác phẩm tác giả đã bàn về các lĩnh vực quen thuộc của mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc, ở đó con người biểu hiện về nét sống, cách sinh hoạt hay giao tiếp trong một cộng đồng người. Với sự sáng tạo đó tác giả đã thể hiện được những nét đặc trưng thông qua những ví dụ, dẫn chứng trong các công trình nghiên cứu, ví dụ như Chùa một cột, lăng tẩm…, mỗi một công trình kiến trúc gắn với một sự kiện lịch sử riêng.


    Văn hóa không chỉ được biểu hiện qua công trình nghệ thuật mà nó còn biểu hiện qua giao tiếp, văn hóa hay phép ứng xử hàng ngày, trong dân gian có rất nhiều câu tục ngữ hay trong đó nó nói về lời ăn tiếp nói hàng ngày của con người ví dụ như Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe; hay lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.


    Mỗi công trình văn hóa đều được biểu hiện những nét riêng của một dân tộc, 1 đất nước, nó phản ánh sâu sắc đời sống của cộng đồng các dân tộc, đó là sự kì vĩ của những công trình kiến trúc, qua đó con người có thể thể hiện được yếu tố tinh thần của mình. Mỗi dân tộc mỗi quốc gia đều có đa dạng các nền văn hóa, nó có thể tốt xấu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền dân tộc. Mỗi chúng ta cần phải biết tiếp nhận những nền văn hóa theo khía cạnh riêng, lành mạnh và thể hiện được những nét văn hóa riêng của vùng miền, của dân tộc.


    Tinh thần văn hóa được biểu hiện những nét đẹp văn hóa của vùng miền, tổ chức hay hệ thống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, chúng ta không ngừng cải thiện, nâng cao cho mình sự sáng tạo vì một cộng dân tộc, luôn tích cực chủ động, sàng lọc nền văn hóa, học hỏi và tiếp thu truyền thống của cộng đồng dân tộc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều phải trải qua quá trình bị xâm nhập văn hóa, nó là nguồn văn hóa mở, tạo nên một nét riêng trong văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền dân tộc.


    Mỗi vùng miền biểu hiện một vùng văn hóa riêng, chính vì thế dân tộc của chúng ta cần phải mở rộng, nâng cao và phát triển văn hóa truyền thống, những giá trị văn hóa cao đẹp, mang lại ý nghĩa to lớn cho mỗi con người. Giá trị văn hóa truyền thống thể hiện những giây phút lịch sử hào hùng của dân tộc, mỗi quốc gia dân tộc đều có những nét văn hóa riêng, chính vì thế nó thể hiện những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, những di tích lịch sử hào hùng.


    Văn hóa biểu hiện cho lối sống của quốc gia, dân tộc đó, chính vì những nét văn hóa điển hình của mỗi vùng miền mà tựu chung thành nền văn hóa của đất nước, của mỗi dân tộc. Văn hóa biểu hiện truyền thống, tôn giáo, những công trình kiến trúc của dân tộc. Tác giả bàn về văn hóa trên nhiều phương diện, nó là phương diện lịch sử, đạo đức, lối sống và tinh hoa riêng của mỗi dân tộc.


    Vốn văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là phong phú, nó biểu hiện những vấn đề của dân tộc, của thời đại, phát triển chung về lối sống, tư tưởng và đạo đức của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đối với những vấn đề lịch sử, mọi vấn đề đều được biểu hiện nét riêng, đặc sắc, tinh tế của vùng miền văn hóa đó.


    Mỗi chúng ta đều có thể thấy được, tác giả Trần Đình Hượu đã bàn về lối văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, nó biểu hiện nét riêng trong văn hóa, lối sống, lịch sử của đất nước, truyền thống, thể hiện cái nhìn mới mẻ về văn hóa của vùng miền, của đất nước.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Trần Đình Hượu là một chuyên gia về các vấn đề văn hóa tư tưởng Việt Nam. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa tư tưởng có giá trị: "Đến hiện đại từ truyền thống"(1994), "Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại"(1995). "Nhìn về vốn văn hóa của dân tộc" là trích đoạn của tiểu luận "Về vấn đề tìm đặc sắc của dân tộc" được Trần Đình Hượu viết từ năm 1986. Trong tác phẩm tác giả đã thoát khỏi thái độ hoặc ngợi ca hoặc chê bai thường thấy khi tiếp cận vấn đề, tinh thần chung của bài viết là tiến hành một sự phân tích đánh giá khoa học đối với những vấn đề nổi bật của văn hóa Việt Nam.


    Trước tiên tác giả đã đặt vấn đề về khái niệm của vốn văn hóa. Chúng ta thường nói đến văn hóa ẩm thực hay văn hóa đọc. Vậy văn hóa là gì? Theo đó văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Đây là một khái niệm cơ bản của văn hóa trong từ điển tiếng Việt.


    Đứng trên khái niệm về văn hóa Trần Đình Hượu đã nêu lên nhận xét khái quát về Văn hóa Việt Nam "chúng ta không thể tự hào nền văn hóa của chúng ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại hay có những đặc sắc nổi bật". Tác giả đã phân tích những đặc điểm của vốn văn hóa Việt Nam thông qua nhưng phương diện đời sống cụ thể hàng ngày cả về vật chất lẫn tinh thần. Tác giả đã phân tích đặc điểm vốn văn hóa của dân tộc trên những cơ sở phương diện như tôn giáo nghệ thuật, kiến trúc hội họa và văn học.


    Về tôn giáo tác giả chỉ rõ người Việt Nam không cuồng tín không cực đoan mà dung hòa tạo nên sự hài hòa nhưng không tìm sự siêu thoát siêu Việt về tinh thần bằng tôn giáo. Nước Việt là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời, nhưng luôn có sự tiếp thu, có chọn lọc văn hóa từ các nước bạn để làm giàu cho vốn văn hóa của dân tộc. Chính điều này đã góp phần tạo nên một nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Về khoa học kĩ thuật không một ngành nào phát triển đến thành truyền thống đáng tự hào. Về âm nhạc hội họa đều không phát triển đến tuyệt kĩ. Chưa bao giờ một nền văn hóa nào của dân tộc trở thành đài danh dự thu hút quy tụ cả nền văn hóa. Về thơ ca Trần Đình Hượu chỉ rõ "trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất chính là thơ ca.


    Hầu như người nào cũng có thể, có dịp làm dăm ba câu thơ ca". Trong kho tàng văn học truyền thống của dân tộc ta thì thơ ca chiếm một phần không nhỏ bởi vì dễ thuộc dễ đi vào lòng người thế nhưng đồng thời tác giả cũng chỉ ra "nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có". Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi bởi dân tộc ta cũng có rất nhiều nhà thơ lớn để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ và là niềm tự hào của chúng ta đối với thế giới như Nguyễn Du hay Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm….


    Như vậy bên cạnh những điểm mạnh điểm tích cực thì Trần Đình Hượu cũng chỉ ra những mặt còn yếu còn hạn chế của văn hóa Việt. Sở dĩ văn hóa của ta còn nhiều hạn chế là bởi xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp "dân nông nghiệp định cư…nhiều bất trắc" hơn nữa đất nước ta còn nhỏ tài nguyên lại chưa thật phong phú dẫn đến tâm lí thích cái vừa phải và phần nào đất nước chúng ta cũng chịu nhiều tổn thất nặng nề từ các cuộc đấu tranh và thường xuyên bị các thế lực nước ngoài bao vây chống phá. Vì thế mong ước của nhân dân cũng rất đơn giản đó là có cuộc sống thái bình đời sống vật chất thoát nghèo nàn và không có mong ước phát triển mạnh mẽ. Tác giả đã có một quan niệm vô cùng toàn diện của mình về văn hóa và khiển khai việc nghiên cứu của mình dựa vào việc khảo sát thực tế khách quan chứ không phải vào các "tri thức tiền nghiệm"


    Theo Trần Đình Hượu thì quan niệm sống, quan niệm về cái đẹp là những biểu hiện đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong cách ứng xử họ rất trọng tình nghĩa không chú ý nhiều đến trí dũng khéo léo nhưng không cầu thị, cực đoan thích yên ổn. Tuy coi trọng đời sống hiện thế trần tục nhưng không bám lấy hiện thế. Con người ưa chuộng của người Việt là con người hiền lành, tình nghĩa, coi sự giàu sang chỉ là tạm thời cho nên không vì thế mà giành giật cho mình vì cũng không thể hưởng được hết. Trong sinh hoạt họ ưa chừng mực vừa phải, mong ước thái bình an cư lạc nghiệp làm ăn cho no đủ sống yên ổn thanh nhàn.


    Quan niệm về cái đẹp trong nhận thức của người Việt "vừa xinh vừa khéo", không háo hức cái tráng lệ huy hoàng không say mê cái huyền ảo kì vĩ", về màu sắc "chuộng cái dịu dàng thanh nhã ghét cái ặc sỡ", về quần áo món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Và đúng như tác giả đã nhận định chúng ta không có công trình kiến trúc nào kể cả của vua chúa nhằm vào sự vĩnh viễn. Thực tế đã chứng minh trong lịch sử nước Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay đều không có công trình kiến trúc nào vĩnh viễn như Vạn lí trường thành của Trung Quốc hay lăng mộ ở Ai Cập. Theo tác giả đặc điểm nổi bật trong sự sáng tạo văn hóa Việt Nam là tạo ra cuộc sống thiết thực bình ổn lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng thanh lịch nhưng con người hiền lành sống có tình nghĩa, sống có văn hóa trên một cái nền nhân bản. Đó chính là chùa Một Cột đơn giản mà uy nghi hay các lăng tẩm của vua chúa thời Nguyễn, đó chính là lời ăn tiếng nói của nhân dân trong tục ngữ thành ngữ và ca dao.


    "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

    Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"

    Hay:

    "Lời chào cao hơn mâm cỗ"


    Tác giả cũng chỉ ra những tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến con người Việt đó là phật giáo và nho giáo. Để tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc người Việt Nam đã xác nhận tư tưởng của các tôn giáo này theo hướng "Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ cầu giải thoát mà nho giáo cũng không được tiếp nhận ở nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt". Người Việt tiếp thu nho giáo để có một cuộc sống trong sạch lành mạnh hài hòa bao dung nhân nghĩa hướng thiện cứu khổ cứu nạn. Tư tưởng nhân nghĩa, yên dân được thể hiện rất nhiều trong thơ ca.


    "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"


    Tác giả nhận định "tinh thần chung của văn hóa là thiết thực dung hòa". Nhận định này vừa nói lên mặt tích cực vừa tiềm ẩn điểm hạn chế của văn hóa Việt. Vì tính thiết thực trong quá trình sáng tạo khiến văn hóa Việt gắn bó sâu sắc với đời sống của cộng đồng. Tính linh hoạt của văn hóa Việt biểu hiện rõ ở khả năng tiếp thu và biến các giá trị văn hóa sao cho phù hợp với đời sống bản địa của người Việt như Phật giáo, nho giáo và đạo giáo. Vì dung hòa nên các giá trị văn hóa Việt không thuộc nhiều nguồn khác nhau không loại trừ nhau trong đời sống xã hội của người Việt, người Việt chọn lọc và kế thừa các giá trị này để tạo nên sự hài hòa bình ổn trong đời sống văn hóa. Tuy nhiên vì quá thiếu sáng tạo nên không đạt đến những giá trị kì vĩ vì luôn dung hòa nên không có những giá trị đặc sắc nổi bật.


    Tác giả cũng khẳng định "Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh khả năng đồng hóa các giá trị văn hóa bên ngoài. Về mặt đó lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh". Dân tộc ta đã trải qua một thời gian dài bị đô hộ và chịu áp bức nặng nề từ thuộc địa chính vì thế mà dân ta không thể chờ vào sự sáng tạo và sáng tác nữa mà phải "trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh khả năng đồng hóa các giá trị văn hóa bên ngoài" là điều đúng đắn. Như ta đã nói ở trên tuy ta chịu ảnh hưởng của phật giáo và nho giáo nhưng ta không tiếp thu toàn bộ nó mà chỉ tiếp thu những đạo lí tốt đẹp, những gì thích hợp với văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó chúng ta sáng tạo chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán tạo nên những tác phẩm mang đậm âm hưởng Việt, chúng ta sáng tạo các thể thơ dân tộc đi đôi với các thể thơ đường luật của Trung Quốc, thơ tự do của phương tây. Như vậy chúng ta tiếp thu nhưng không bao giờ dập khuôn máy móc, người Việt đã cải biến nó theo những ý nghĩa riêng gắn với đặc trưng riêng của dân tộc mình.


    Tác phẩm là sự trình bày chặt chẽ biện chứng logic thể hiện các khía cạnh trong văn hóa dân tộc Việt. Bên cạnh đó là thái độ khách quan, sự khiêm tốn tránh được khuynh hướng cực đoan. Đoạn trích cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của người dân Việt Nam có được từ lâu đời, thấy được những hạn chế và tích cực do hoàn cảnh để lại, là cơ sở để chúng ta suy nghĩ tìm ra phương hướng xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó ta thấy được trách nhiệm của mỗi thanh niên chúng ta trong việc góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc và phát triển nó sao cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Nhìn về vốn văn hóa dân tộc là một trích đoạn từ phần II bài “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc” được Trần Đình Hượu. Trong tác phẩm này Trần Đình Hượu đã sáng tạo và bàn về những khía cạnh của văn hóa, nó được biểu hiện về nhiều phương diện như tôn giáo, nghệ thuật, ứng xử hay cách sinh hoạt của con người.


    “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc”, nhan đề tác phẩm ở đây cho người đọc thấy được rằng “nhìn về” cũng chính là “hướng tới”, và hành động “nhìn về” truyền thống, “nhìn về” quá khứ trở thành một yếu tố then chốt của hành động “hướng tới” hiện đại, “hướng tới” tương lai. Ở đây, trong tác phẩm tác giả đã bàn về các lĩnh vực quen thuộc của mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc, ở đó con người biểu hiện về nét sống, cách sinh hoạt hay giao tiếp trong một cộng đồng người. Với sự sáng tạo đó tác giả đã thể hiện được những nét đặc trưng thông qua những ví dụ, dẫn chứng trong các công trình nghiên cứu, ví dụ như Chùa một cột, lăng tẩm…, mỗi một công trình kiến trúc gắn với một sự kiện lịch sử riêng.


    Có thể hiểu vốn văn hoá dân tộc hay bản sắc văn hóa dân tộc là cái khác biệt văn hóa của dân tộc này với văn hóa của dân tộc khác. Bản sắc văn hóa dân tộc là hiện tượng kết tinh, là thành quả tổng hợp của một quá trình sáng tạo, tiếp xúc văn hóa, nhào trộn cái vốn có, riêng có của dân tộc với những cái tiếp thu từ bên ngoài. Bản sắc văn hóa vừa có mặt ổn định vừa có mặt biến đổi, ổn định không đối lập mà tạo tiền đề cho biến đổi và biến đổi cũng để đi đến một dạng ổn định mới, cao hơn, phong phú hơn. Khái niệm vốn văn hóa dân tộc mà tác giả dùng vừa có mặt rộng hơn, vừa có mặt hẹp hơn khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc. Nói rộng là vì: bản sắc văn hóa làm nên cái vốn văn hóa. Còn nói hẹp là bởi: vốn văn hóa dường như chỉ nói được mặt ổn định, cố hữu mà chưa nói được mặt biến đổi của bản sắc văn hóa. Với các khái niệm thiên hướng văn hóa, tinh thần chung của văn hóa, có lẽ tác giả muốn nói chiều động, chiều phát triển của bản sắc văn hóa.


    Văn hóa biểu hiện cho lối sống của quốc gia, dân tộc đó, chính vì những nét văn hóa điển hình của mỗi vùng miền mà tựu chung thành nền văn hóa của đất nước, của mỗi dân tộc. Văn hóa biểu hiện truyền thống, tôn giáo, những công trình kiến trúc của dân tộc. Tác giả bàn về văn hóa trên nhiều phương diện, nó là phương diện lịch sử, đạo đức, lối sống và tinh hoa riêng của mỗi dân tộc. Vốn văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là phong phú, nó biểu hiện những vấn đề của dân tộc, của thời đại, phát triển chung về lối sống, tư tưởng và đạo đức của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đối với những vấn đề lịch sử, mọi vấn đề đều được biểu hiện nét riêng, đặc sắc, tinh tế của vùng miền văn hóa đó.


    Kết luận quan trọng nhất của tác giả về tinh thần chung của văn hóa Việt Nam nằm ở câu in nghiêng trong phần cuối đoạn trích : Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Toàn bộ những từ như tinh nhanh, khôn khéo, dung hợp, sàng lọc, tinh luyện, tiếp nhận,… được dùng trong đoạn văn cũng có tác dụng “phụ hoạ” cho kết luận đó. Tác giả còn chỉ rõ: trên lĩnh vực văn hóa, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam thể hiện tập trung ở sự “đồng hóa”, “dung hợp” chứ không phải ở sự “tạo tác”.


    Theo tác giả, văn hóa Việt Nam xa lạ với sự cực đoan, không chấp nhận sự cực đoan, và riêng việc không chấp nhận điều đó đã biểu hiện một bản lĩnh đáng trọng. Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hóa Việt Nam qua các từ như “đồng hóa”, “dung hợp”, tác giả Trần Đình Hượu không hề rơi vào thái độ tự ti hay miệt thị dân tộc.


    Với tác phẩm “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc”, Trần Đình Hượu đã đưa người đọc hiểu hơn về văn hóa dân tộc, từ đó mỗi người trong thời đại ngày nay cần giữ gìn bảo vệ vốn văn hóa, lịch sử, truyền thống của đất nước.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Trần Đình Hượu (1927-1995), là một chuyên gia về các vấn đề văn hóa, tư tưởng Việt Nam. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, tư tưởng có giá trị: Đến hiện đại từ truyền thống (1994), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (2001),…


    Đến hiện đại từ truyền thông của PGS. Trần Đình Hượu là một trong những công trình nghiên cứu văn hóa có ý nghĩa. "Về một số mặt của văn hóa truyền thống" được trích ở phần "Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc" (mục 5. phần II và toàn bộ phần III) thuộc công trình "Về một số mặt của văn hóa truyền thống".


    Trong bài, người viết đã thoát khỏi thái độ hoặc ngợi ca, hoặc chê bai đơn giản thường thấy khi tiếp cận vấn đề. Tinh thần chung của bài viết là tiến hành một sự phân tích, đánh giá khoa học đối với những đặc điểm nổi bật của văn hoá Việt Nam. Tác giả đã sử dụng giọng văn điềm tĩnh, khách quan để trình bày luận điểm của mình. Người đọc chỉ có thể nhận ra được nguồn cảm hứng thật sự của tác giả nếu hiểu cái đích xa mà ông hướng đến: góp phần xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển hiện thời.


    Quan niệm sống, quan niệm về lí tưởng:"Coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia", "nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết". "Ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao". "Mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu". "Yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người". "Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa". "Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo", "không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng", "dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ". "Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiền".


    Quan niệm về cái đẹp:"Cái đẹp vừa là xinh, là khéo". "Không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét cái sặc sỡ". "Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải".


    Tóm lại: Quan niệm trên đây thể hiện "văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị; tế bào của xã hội nông nghiệp là hộ tiểu nông, đơn vị của tổ chức xã hội là làng". Đó là "kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc" của họ trong cuộc sống. Và sau hết còn có "sự dung hợp của cái vốn có, của văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo", "từ ngoài du nhập vào nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc".


    Đặc điểm nổi bật của sáng tạo văn hoá Việt Nam là: "thiết thực, linh hoạt, dung hoà". Thế mạnh của văn hoá truyền thống là tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạn với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩ, sống có văn hoá trên một cái nền nhân bản. Hạn chế của nền văn hoá truyền thống là không có khát vọng sáng tạo lớn trong cuộc sống, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người, trí tuệ không được đề cao.


    Sau khi nêu những điểm không đặc sắc của văn hoá Việt Nam (không đồng nghĩa với việc "chê"), tác giả lại khẳng định: "người Việt Nam có nền văn hoá của mình" (không đồng nghĩa với việc "khen"). Cách lập luận của tác giả không hề mâu thuẫn. Bởi theo tác giả quan niệm, việc đi tìm cá riêng của văn hoá Việt Nam là không nhất thiết phải gắn liền với việc cố chứng minh dân tộc Việt Nam không thua kém cái dân tộc khác ở điểm mà thế giới đã thà nhận là rất nổi bật ở các dân tộc ấy. Nỗ lực chứng minh như vậy là một nỗ lực vô vọng. Tác giả chỉ ra những điểm "không đặc sắc" của văn hoá Việt Nam là trên tinh thần ấy. Việc làm của tác giả hàm chứa một gợi ý về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc.


    Hơn nữa, tác giả quan niệm văn hoá là sự tổng hoà của nhiều yếu tố, trong đó lối sống, quan niệm sống là yếu tố then chốt. Khi quan sát thấy người Việt Nam có lối sống riêng. quan niệm sống riêng, tác giả hoàn toàn có cơ sở để khẳng định: người Việt Nam có nền văn hoá riêng. Hoá ra, "không đặc sắc" ở một vài điểm hay được người ta nhắc tới không có nghĩa là không có gì. Tác giả đã có một quan niệm toàn diện về văn hoá và triển khai công việc nghiên cứu của mình dựa vào việc khảo sát thực tế khách quan chứ không phải vào các "tri thức tiên nghiệm".


    Những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hoá truyền thống Việt Nam là: Phật giáo và Nho giáo (Phật giáo và Nho giáo tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc). Để tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc, người Việt Nam đã tiếp nhận tư tưởng của tôn giáo này theo hướng:"Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt". Người Việt tiếp nhận tôn giáo để tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩa, sống có văn hoá trên một cái nền nhân bản.


    Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam: Trong lời kết của đoạn trích, PGS. Trần Đình Hượu khẳng định: "Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trong cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hoá những giá trị văn hoá bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh". Khái niệm "tạo tác" ở đây là khái niệm có tính chất quy ước, chỉ những sáng tạo lớn, những sáng tạo mà không dân tộc nào hoặc có mà không đạt được tầm vóc kì vĩ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến xung quanh, tạo thành những mẫu mực đáng học tập. Khái niệm "đồng hoá" vừa chỉ vị thế tồn tại nghiêng về phía tiếp nhận những ảnh hưởng lan đến từ các nguồn văn minh, văn hoá lớn, vừa chỉ khả năng tiếp thu chủ động của chủ thể tiếp nhận-một khả năng cho phép ta biến những cái ngoại lai thành cái của mình, trên cơ sở gạn lọc và thu giữ.


    Khái niệm "dung hợp" vừa có những mặt gần gũi với khái niệm "đồng hoá" vừa có điểm khác. Với khái niệm này, người ta muốn nhấn mạnh đến khả năng "chung sống hoà bình" của nhiều yếu tố tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau, có thể hài hoà được với nhau trong một hệ thống, một tổng thể mới. Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hoá Việt Nam , tác giả không hề rơi vào thái độ tự ti, miệt thị dân tộc. Và "Nền văn hoá tương lai" của Việt Nam sẽ là một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có hoà nhập mà không hoà tan, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu cho văn hoá dân tộc.


    Ý nghĩa của việc tìm hiểu truyền thống văn hoá dân tộc. Trong bối cảnh thời đại ngày nay, việc tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc trở thành một nhu cầu tự nhiên. Chưa bao giờ dân tộc ta có cơ hội thuận lợi như thế để xác định "chân diện mục" của mình qua hành động so sánh, đối chiếu với "khuôn mặt" văn hoá của các dân tộc khác. Giữa hai vấn đề hiểu mình và hiểu người có mối quan hệ tương hỗ. Tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước, trên tinh thần làm sao phát huy được tối đa mặt mạnh vốn có, khắc phục được nhược điểm dẫn thành cố hữu để tự tin đi lên.


    Tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với việc quảng bá cái hay, cái đẹp của dân tộc để "góp nhặt"cùng năm châu, thúc đẩy một sự giao lưu lành mạnh, có lợi chung cho việc xây dựng một thế giới hoà bình, ổn định và phát triển.


    Bài viết của PGS. Trần Đình Hượu cho thấy: nền văn hoá Việt Nam tuy không đồ sộ nhưng vẫn có nét riêng, là tinh thần cơ bản là "thiết thực, linh hoạt, dung hoà". Tiếp cận vấn đề bản sắc văn hoá Việt Nam phải có một con đường riêng, không thể áp dụng những mô hình cứng nhắc hay lao vào chứng minh cho được cái không thua kém của dân tộc mình so với dân tộc khác trên một số điểm cụ thể. Bài viết thể hiện rõ tính khách quan, khoa học và tính trí tuệ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Giáo sư Trần Đình Hượu (1927 - 1995) là người có một số công trình đặc sắc về Nho giáo và các vấn đề tư tưởng, văn hóa Việt Nam. Đoạn trích Nhìn về vốn văn hoá dân tộc rút trong cuốn “Đến hiện đại từ truyền thống” của ông, xuất bản năm 1986. Những kiến giải của tác giả về một số biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, việc xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa từ các vốn văn hóa truyền thống - trong văn bản này khá sáng tỏ và đầy sức thuyết phục.


    Trần Đình Hượu nêu lên nhận xét khái quát về văn hoá Việt Nam như sau: "Chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có những cống hiển lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật". Sau đó, ông đánh giá về cái vốn văn hoá Việt Nam, cái vốn đã có của dân tộc ta.Về thần thoại "không phong phú hay là có, nhưng một thời gian nào đó đã mất hứng thú lưu truyền?".

      Về tôn giáo, người Việt Nam không cuồng tín, không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng "thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí". Về khoa học, kĩ thuật không có một ngành nào "phát triển đến thành truyền thống "đáng tự hào. Về âm nhạc, hội họa, kiến trúc "đều không phát triển đến tuyệt kĩ". Có thể nói, những ý kiến mà Trần Đình Hượu nêu lên là chính xác. Ai đã từng dự một số lễ hội dân gian từ Bắc vào đến Trung, Nam, như lễ hội chùa Hương, lễ hội Phủ Giày, lễ hội Bà Chúa Sam, v.v... đều cảm thấy, tôn giáo đã biến thành "một lối thờ cúng" như tác giả đã nhận xét.


      Về thơ ca, Trần Đình Hượu chỉ rõ: "Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ha câu thơ". Đó là một ý kiến đúng. Song người đọc lại phân vân khi nghe tác giả nói: "Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có". Vậy thì, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,... những nhà thơ lớn của dân tộc ta, thi phẩm của các cụ để lại nào có ít, nào có kém ai?


      Hạn chế của nền văn hoá của ta là do nguyên nhân nào? Trần Đình Hượu chỉ rõ, là do “khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích” của con người Việt Nam. Sâu xa hơn nữa là do "sự hạn chế của trình độ sản xuất của đời sống xã hội". Văn hoá của ta “là văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyền, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị". Đó là một cái nhìn khá sâu sắc về tầm vóc, về bản sắc, về hạn chế của văn hoá dân tộc.


      2. Theo Trần Đình Hượu thì quan niệm sống, quan niệm về lí tưởng, về cái đẹp là những biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. a. Về quan niệm sống, con người Việt Nam “ít tinh thần tôn giáo”, họ “coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bân kia”, cũng mê tín, tin là có ma quỷ, thần Phật; cũng cầu cúng, nhưng về tương lai, họ “lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình”; tuy “coi trọng hiện thế”, nhưng không “quá sợ hãi cái chết”.


      Con người Việt Nam, trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu “không phát triển cao”. Họ quan niệm của cải, tài sản “là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được”. Phải chăng bài ca dao sau đây thể hiện rõ ý thức đó:


      Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng,

      Chết xuống âm phủ nào mang được gì!

      Chúa Chổm uống rượu tì tì,

      Chết xuống âm phủ, khác gì vua Ngô?


      Niềm mơ ước của con người Việt Nam rất bình dị, đáng yêu. Họ “mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu”', ước mong về hạnh phúc nói chung “là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người”. Trong xã hội, gia đình, và trong cuộc sống, con người được ưa chuộng “là con người hiền lành, tình nghĩa”.


      b. Quan niệm về lí tưởng của con người Việt Nam cũng mang bản sắc riêng rất rõ nét. Họ “không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng”', mặc dù phải liên tục chiến đấu chống ngoại xâm nhưng “không thượng võ”. Con người Việt Nam “không ca tụng trí tuệ mà ca tụng khôn khéo”; “biết thủ thế giữ mình” để gỡ mọi tình thế khó khăn; “không dễ hòa hợp” với cái mới, cái dị kỉ nhưng “không cự tuyệt đến cùng”; biết “chấp nhận” cái gì vừa phải, hợp với mình, nhưng cũng “chần chừ, dè dặt, giữ mình”. Trong tâm trí, tâm hồn của con người Việt Nam thường có Thần và Bụt mà không có Tiên.


      c. Về cái đẹp, theo Trần Đình Hượu thì con người Việt Nam cho rằng “cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo”; “không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ”; về màu sắc “chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ”; về quy mô “chuộng sự vừa khéo, vừa xinh phải khoảng”. Giao tiếp, ứng xử “chuộng hợp tình hợp lí”', áo quần, trang sức, món ăn “đều không chuộng sự cầu kì”. Trong cuộc sống, con người Việt Nam “đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”.


      Đúng như tác giả đã nhận định, dân tộc Việt Nam chúng ta “không có công trình kiến trúc nào, kể cả vua chúa nhằm vào sự vĩnh viễn”. Ta không có những công trình kì vĩ như chùa Đế Thiên Đế Thích của Căm-pu-chia, như những tháp chọc trời của Ai Cập, như những đền đài của Ấn Độ, Vạn Lí Trường Thành của Trung Quốc, v.v... Con người Việt Nam “quý sự kín đáo hơn sự phô trương, sự hòa đồng hơn rạch ròi trắng đen”.


      Trên đây là những biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa đã hình thành và phát triển qua nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nền kinh tế nông nghiệp (trồng lúa nước) là nền văn minh sông Hồng với hơn 90% dân số làm nghề cày cấy. Trong khuôn phép “Đất vua, chùa làng”, tế bào của xã hội là hộ tiểu nông, đơn vị tổ chức xã hội là làng. Con người Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn đứng trước thiên tai, địch họa, nên họ coi trọng “Thế hơn Lực”, luôn luôn ý thức về “sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc” để vượt qua và vươn lên không ngừng, thể hiện một dáng đứng Việt Nam, một bản lĩnh Việt Nam.


      3. Nhận định về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Đình Hượu đã viết: “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa”. Nếu hiểu văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” thì ta càng thấy rõ nhận định đó là đúng đắn với thực tế cuộc sông và lịch sử của dân tộc ta. Con người Việt Nam rất thiết thực, mong ước “thái bình, an cư lạc nghiệp, để làm ăn cho no đủ,...”; con người hiền lành, tình nghĩa được ưa chuộng; ăn chắc mặc bền nên “không chuộng sự cầu kì”; biết khôn khéo “thủ thế, giữ mình gỡ được tình thế khó khăn”, v.v... Để xây dựng “cái nền nhân bản”, con người Việt Nam biết “xóa bỏ” những cái thô dã, hung bạo, để sống có văn hóa, để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, nền văn hiến Việt Nam.


      Linh hoạt, dung hòa cũng là bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam mang đậm màu sắc văn hóa phương Đông. Con người Việt Nam đã biết dung hợp “cái vốn có” của mình với tinh hoa của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo. Họ đã “sàng lọc, tinh luyện” để tạo thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Hầu như làng nào cũng có chùa, có tượng Phật nhưng con người Việt Nam “không tiếp nhận” ở khía cạnh “trí tuệ cầu giải thoát” của Phật giáo; tuy thờ Khổng Tử nhưng họ “không tiếp nhận” ở khía cạnh “nghi lễ tủn mủn, giáo điều, khắc nghiệt” của Nho giáo. Còn Đạo giáo “hình như không có nhiều ảnh hưởng” trong văn hóa Việt Nam.


      Sự linh hoạt và dung hòa đó đã thể hiện “khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bền ngoài”, chứng minh một cách hùng hồn “dân tộc Việt Nam có bản lĩnh”. Chỉ riêng về mặt chữ viết: từ chữ Nho đến chữ Nôm qua chữ Quôc ngữ, ta càng thấy rõ sự linh hoạt, dung hòa của dân tộc ta, của bản lĩnh Việt Nam.


      4. Đọc bài “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” của Trần Đình Hượu, ta thấy rõ thêm vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của con người Việt Nam; thấy được những hạn chế, nhược điểm của nó do hoàn cảnh lịch sử để lại. Nhân dân ta đã và đang sống, lao động xây dựng đất nước ngày một thêm giàu đẹp, “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mỗi công dân Việt Nam, nhất là thế hệ thanh niên cần ra sức học tập giỏi, lao động giỏi và sống đẹp, sống có văn hóa.

      Ảnh minh họa (Nguồn internet)
      Ảnh minh họa (Nguồn internet)




    Công Ty cổ Phần Toplist
    Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
    Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
    Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
    Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy