Top 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) của Nguyễn Trung Ngạn
Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Năm 16 tuổi, ... xem thêm...ông đỗ Hoàng Giáp. Ông làm quan đến chức Thượng thư. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông còn để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập. Bài thơ "Quy hứng" (Hứng trở về) được sáng tác khi nhà thơ đang đi sứ ở Giang Nam (Trung Quốc). Lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về dân tộc là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Bài thơ giúp người đọc ý thức một chân lí: không gì bằng quê hương xứ sở của mình; giúp ta thêm yêu, thêm quý nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Mời các bạn đọc tham khảo một số bài văn phân tích tác phẩm mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết sau.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 1
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tên hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông nổi tiếng là thần đồng: năm mười hai tuổi ông thi đỗ Thái học sinh, năm mười sáu tuổi thi đỗ Hoàng giáp.
Ông làm quan trải bốn triều vua Trần, Nguyễn Trung Ngạn có công lớn về quân sự, chính trị, ngoại giao. Năm 134, vua Trần Dụ Tông cử ông cùng Trương Hán Siêu biên soạn bộ “Hoàng triều đại điển” và “Hình thư” để ban hành. Ông là một người có tình cảm sâu đậm với quê hương đất nước, cả cuộc đời đã gắn bó và có những cảm xúc đặc biệt với nơi mình sinh ra.
Nhưng có một thời gian ông phải đi sứ sang Trung Quốc và ông đã sáng tác ra bài thơ “Quy hứng” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nhà, quê hương khi ở nơi xứ người. Bài thơ này ông viết về một khung cảnh thiên nhiên làng quê, với những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc với làng quê thanh bình Việt Nam. Hình ảnh xuất hiện trong bài là: dâu tằm, những bông lúa chín, cua đồng,… Những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc ấy lại làm ta liên tưởng tới:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Tình yêu đó hết sức bình dị, xuất phát từ mỗi con người, nhất là khi đang ở nơi đất khách thì nỗi nhớ quê lại dâng lên thật xao xuyến. Khi đi sứ sang Trung Quốc nơi tác giả ở là những chốn phồn hoa đô hộ lấy đâu ra những thứ gần gũi như ở quê hương của tác giả vậy mà qua bài “Quy hứng” ta lại có thể thấy được những hình ảnh đó hiện lên chân thực giống như tác giả ở trước những ảnh vật đó vậy.
Phiên âm:
“Lão tang diệc lạc tàng phương tận
Tảo đạo hoa hương giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy.”
Dịch thơ:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm đơm bông cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về.”
Ngay ở phần mở đầu bài thơ đã xuất hiện những hình ảnh rất đỗi giản dị, mộc mạc mà làm cho tác giả nhớ đến nỗi, dù đang ở nơi đất khách nhưng vẫn tả rất chuẩn xác:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm đơm bông cua béo ghê”
Những hình ảnh như “dâu, tằm, lúa” đó là những thứ không thể thiếu được ở mỗi làng quê Việt Nam. Nương dâu xanh mướt, những cánh đồng lúa bạt ngàn, những chú cua đồng ở mương, ở ruộng nếu bắt về nấu ăn sẽ rất ngon, vì là mùa này rất nhiều chất dinh dưỡng nên cua rất béo, mấy món ăn của nơi làng quê chỉ giản dị vài món nhưng mỗi bữa cơm thì gia đình quây quần rất vui vẻ hạnh phúc.
Chỉ nghĩ về những thứ mộc mạc đó thôi cũng làm tâm hồn nhà thơ tan chảy, ông làm ngay bài thơ này để gửi gắm vào trong đó những tâm tư tình cảm của mình vào bài thơ. Ông đang ở một nơi xa hoa, toàn được ăn những của ngon vật lạ, có biết bao nhiêu thú vui, ấy vậy mà ông vẫn muốn được trở về nhà. Tình yêu quê hương đất nước, nỗi nhớ quê nhà đã được bật lên thành tiếng ở hai câu cuối cùng:
“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về”
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối dành cho hai câu thơ cuối này để làm nổi bật sự khác nhau giữa quê hương và nơi đất khách. Đầu tiên ông nhắc về quê hương: “Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt” mặc dù nghèo như quê nhà của ông vẫn là tốt nhất.
Câu tiếp theo ông đã nói về tâm trạng ông lúc này đó là ông muốn trở về nhà, dù rằng nơi đất khách phồn hoa, náo nhiệt, có nhiều cuộc vui nhưng về nhà vẫn là tốt nhất. Ngụ ý của tác giả đâu chỉ có thế, tác giả còn muốn thể hiện niềm tự hào, tự tôn, còn thể hiện tấm lòng son sắt của ông với quê hương. Những hình ảnh giản dị của quê hương hiện lên làm cho ông vơi bớt, nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.
Qua bài “Quy hứng” (Hứng trở về) ta thấy được cảm xúc qua bài là tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc của tác giả Nguyễn Trung Ngạn. Ông vẽ lên một bài thơ với khung cảnh thiên nhiên gần gũi và quen thuộc vơi quê hương đất nước, khi đọc bài thơ người đọc cũng cảm thấy hình ảnh giản dị của quê hương như hiện lên.
Bài thơ này giúp thế hệ trẻ chúng ta thức tỉnh hãy phấn đấu hơn nữa vì quê hương của chúng ta, giúp quê hương đất nước ngày càng phát triển. Dù đi đâu cũng luôn tự hào về quê hương.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 2
Nguyễn Trung Ngạn là một vị quan có tài có đức của nước ta dưới thời nhà Trần. Ông được cho là thần đồng khi đỗ hoàng giáp (tương đương học vị tiến sĩ hiện nay) năm mới mười sáu tuổi. Bên cạnh hoạt động chính trị, Nguyễn Trung Ngạn còn sáng tác thơ và để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập. Quy hứng là một bài thơ hay của ông được sáng tác sau khi ông đi sứ bên Trung Quốc trở về. Bài thơ đã thể hiện nỗi nhớ, tình yêu quê hương sâu sắc và mong muốn trở về quê hương của nhà thơ.
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”
Bài thơ quy hứng được Nguyễn Trung Ngạn sáng tác bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật, lời ít nhưng ý nhiều. Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã khắc họa những hình ảnh rất đỗi quen thuộc nơi quê nhà:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín”
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê”
Ai cũng có một miền quê để thương để nhớ. Với Nguyễn Trung Ngạn cũng vậy, bài thơ được viết khi ông đi sứ trở vể. Ông nhắc tới những hình ảnh gần gũi thân thương quê hương mình. Đó là “dâu”, “tằm”, “lúa”, “cua”. Nhà thơ đã rất khéo léo khi miêu tả mọi hình ảnh chi tiết đều đang ở độ chín. Đó là “dâu già”, “tằm vừa chín”, “lúa” “bông thơm” và “cua béo”. Câu thơ gợi lên một ngày trở về của vị quan triều đình, ông đi qua cánh đồng dâu xanh bát ngát cùng với những nong tằm, hương lúa thoảng thoảng mùi thơm cùng hình ảnh những con cua đồng béo.
Một vùng quê bình yên và trù phú hiện lên trước mắt người đọc, bình yên như bao miền quê khác trên dải đất hình chữ S này. Đọc câu thơ, ta cảm nhận được những cánh đồng lúa buổi sớm mai đẹp như một tấm thảm, tỏa hương lúa mới rất riêng. Người đọc cũng cảm nhận được hình ảnh cua đồng béo tốt cùng món ăn dân dã là bát canh cua ngon ngọt mỗi trưa hè. Tất cả những hình ảnh mộc mạc ấy tạo nên một hồn quê, một nơi để nhà thơ trở về.
Hình ảnh quê hương bước vào thơ ca dù trung đại hay hiện đại đều mang những nét giản dị, chân thành đến thế. Nếu nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn nhớ vườn dâu, ruộng lúa thì nhà thơ Đỗ Trung Quân lại nhớ:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”
Nhà thơ Tế Hanh cũng góp vào chủ đề tình yêu quê hương ấy những dòng sông xanh biếc:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre”
Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn càng khẳng định tình yêu quê hương đất nước khi so sánh quê hương mình với một đất nước trù phú nơi ông đi sứ:
“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”
Nhà thơ đã nhấn mạnh “nghèo vẫn tốt” trong câu thơ như muốn nhấn mạnh dù ở quê hương có nghèo những vẫn rất tốt. Bởi lẽ một điều ai cũng hiểu, quê hương vốn là nơi ta sinh ra và lớn lên, cho ta bao kỷ niệm gắn bó. Nên quê hương luôn là hai tiếng thiêng liêng như một phần máu thịt của mỗi con người. Đối với Nguyễn Trung Ngạn, hai từ “đất khách” ám chỉ Trung Quốc phồn hoa, đô hội nơi ông đi sứ một thời gian.
Với ông, dù ở nơi phồn hoa, đô hội như thế “dẫu vui” cũng “chẳng bằng về” với nơi chôn rau cắt rốn đời mình. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp so sánh tài tình trong hai câu thơ để so sánh quê nghèo và đất khách càng khẳng định tình yêu quê hương tha thiết sâu nặng của nhà thơ. Đó là triết lý sông của các bậc hiền triết xưa, luôn yêu thích cuộc sống thanh tao, giản dị chốn quê nhà.
Chỉ với một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt với bốn câu thơ ngắn ngủi, nhịp thơ nhịp nhàng, hình ảnh thơ bình dị, gần gũi, bài thơ đã làm nổi bật một miền quê yên bình, giản dị cùng tình yêu quê hương, nỗi nhớ của Nguyễn Trung Ngạn với quê hương của mình.
Quy hứng là một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Trung Ngạn. Bài thơ đã khắc họa thành công nỗi nhớ quê hương với những hình ảnh thân thương và bình dị. Qua đó, nhà thơ gửi gắm trong đó tình yêu quê hương da diết luôn thường trực trong trái tim mình cùng triết lý sống thanh cao nơi miền quê yên bình. Bài thơ cũng là tiếng lòng của những người con xa xứ, khơi gợi được nhiều xúc cảm trong trái tim người đọc về nơi quê cha đất tổ.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 3
Quê hương hai tiếng vô vàn thân thương, quê hương như dòng sữa mẹ không bao giờ vơi cạn, như tấm lòng mẹ giản dị và bao la, hình ảnh quê hương với chiếc cầu tre, con đò nhỏ, với những rặng tre xanh tắm mình trong những luồn gió thơm ngọt ngào... đã đi vào tiềm thức. Vậy mà một lúc nào đó bạn phải xa quê hương thì quả là một thách thức rất lớn. Tôi là như vậy đó, khi tôi viết bài thơ Hứng trở về khi tôi đang phải biền biệt nơi đất khách quê người. Đúng như lời của một bài ca dao:
“Anh đi, anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương,
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.
(Ca dao)
Một lần tôi về quê, sau bao nhiêu năm xa cách. Bồi hồi, nhớ nhung, biết bao kỉ niệm hiện về. Nhưng quê hương đây rồi, tất cả vẫn còn nguyên như cũ, nhưng con người cũ đâu rồi? Những đứa trẻ lớn lên xa lạ, hỏi tôi: “Bác ở mù nào lại chơi?”. Thật ngậm ngùi: thời gian!
Khi xa quê hương, những điều bình dị đều trở thành những điều thật thiêng liêng, mỗi người đều nhớ về quê với những gì thật gần gũi gắn bó với tuổi thơ và đến lúc trưởng thành, còn bạn thì sao? Khi viết bài Quy hứng, tôi đang trên đường trở về quê hương trong tâm trạng khắc khoải và chờ đợi.
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín’’: Hình ảnh lá “dâu già, lá rụng, tằm vừa chín” đã ám ảnh trong tâm trí của tôi vì là người gắn bó máu thịt với quê hương, hiểu được đặc trưng của quê hương nên tôi luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn với những hình ảnh quen thuộc, phải là người gắn bó sâu nặng và ân tình nên tôi mới có thể hiểu được quê mình trong những giờ phút chuyển mùa, khi sống nơi đất khách, quê hương luôn là điểm tựa tinh thần của tôi, nâng đỡ và tiếp bước cho tôi trong những chặng đường đời.
Nếu như bạn sinh ra và lớn lên ở vùng đất nông thôn xa rời với những bon chen và vật lộn với cuộc đời, một lúc nào đó khi phải xa nơi mình đã từng gắn bó, ký ức trong bạn là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, tỏi cũng vậy, nhớ về quê hương là tôi lại nhớ đến những cánh đồng lúa đang mùa trĩu hạt, tôi nhớ cả những buổi đi bắt cua được tắm mình trong những dòng sông.
"Lúa sớm đơm bông, cua béo nghê". Phải là những con người gắn bó bằng da, bằng thịt không những chỉ cảm nhận bằng hình ảnh mà còn cảm nhận bằng mùi vị nữa. Tôi yêu quê hương của mình, chỉ có tình yêu tha thiết và sâu nặng mới có thể biến những điều bình dị thành những gì sâu nặng đến như thế, bởi vì tôi sinh ra không phải chốn phồn hoa đô hội, tôi sinh ra ở vùng quê ròn rã nắng cháy mùa, nơi ấy có những cánh đồng thơm mát hương đồng nội, nơi ấy xa rời với những bon chen vật lộn với đời, nơi ấy có những con người hồn hậu và chất phác, bình dị và trong lành, tôi tự hào vì điều đó.
Còn bạn thì sao? Bạn sẽ tự hào vì mình sinh và lớn lên ở chốn thị thành? Đương nhiên là vậy rồi, vì mỗi người đều có một quê hương để mà tự hào (“Quê hương mỗi người chỉ một”). Nhưng quê hương của tôi là vậy đây. Quê hương tôi nghèo lắm, con người ở đây cũng hồn hậu và chất phác như thế. Nhưng khi xa quê hương, trải qua bao thăng trằm, tôi mới tự hỏi lòng mình vì sao quê hương lại có sức nặng ghê gớm đến như vậy?
“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt”. Mặc dù xa quê hương nhưng hình bóng của quê nhà vẫn luôn ám ảnh trong những giấc mơ của tôi, tôi vần trông chờ và hi vọng, vẫn luôn khắc khoải, chờ mong và trông đợi tin tức của quê hương, tôi tự lắng lòng mình xuống để nghe những âm thanh cuộc sống của quê nhà, nhưng quê hương vẫn nghèo như thế nhưng cái giàu có về tâm hồn mới là sự giàu có quan trọng nhất, có lẽ đúng với ý thơ của Nguyễn Trung Ngạn: “Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt’’.
Trong cuộc đời bôn ba đầy dâu bể, trải qua bao biến thiên thăng trầm, dẫu rằng nơi đất khách được ăn những món ngon, được thưởng thức những cảnh đẹp, được thả mình trong những cuộc chơi nhưng cuộc vui thì lại thoáng qua còn những gì sâu đậm nhất thì neo lại giữa lòng người. Đó là tâm hồn mình luôn hướng về quê hương trong tâm trạng khắc khoải với khát vọng cháy lòng, nơi ấy có người mẹ già, có những người anh và những người chị, nơi ấy có những đứa em đang còn thơ dại, thử hỏi làm sao không mong muốn trở về quê được?
“Dâu vui đất khách chẳng bàng về”. Đôi lúc tôi cứ thử tập quen đi một môi trường sống mới nhưng dù có đi đâu, đến nơi chân trời góc bể tôi vẫn luôn nhớ về những gì gần gũi và thân quen. Đó phải chăng là sức nặng của quê hương bởi quê hương bao giờ cũng như người Mẹ luôn ôm ấp những đứa con và tiếp sức cho chúng trên những bước đường đời.
Đó là một chân lí bất di bất dịch, cho dù cuộc sống luôn vận động và biến đổi, nhưng dòng sông vẫn luôn miệt mài chảy, cánh cò vẫn thả mình trong những rặng gió chiều, cánh đồng vẫn thơm ngào ngạt trong những mùa trổ bông. Sống nơi đất khách quê người tôi chỉ còn biết mình cần phải cố gắng phấn đấu rất nhiều, học hỏi rất nhiều để rồi một ngày không xa nữa tôi mang theo những tri thức ấy để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 4
"Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu"
Nguyễn Trung Quân đã từng băn khoăn hỏi lại như thế, quê hương là gì mà ai cũng phải nhớ, phải yêu, phải tìm về dù có đi tới bất cứ đâu. Quê hương - hai tiếng đơn giản, mộc mạc ấy lại chứa đựng biết bao ý nghĩa. Không ít những nhà văn nhà thơ luôn tìm thấy một nguồn cảm hứng dạt dào mỗi khi nhắc tới quê hương của mình và Nguyễn Trung Ngạn cũng vậy. Trong một lần đi sứ bên Trung Quốc, ông đã sáng tác lên tác phẩm "Hứng trở về" - Quy hứng để bày tỏ nỗi nhớ quê hương tha thiết và ước mong được mau chóng trở về quê nhà.
"Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về".
Nguyễn Trung Ngạn sáng tác bài "Hứng trở về" khi đang đi sứ ở Giang Nam - Trung Quốc. Cuộc sống của một vị sứ giả cũng đầy đủ, tiện nghi, thế nhưng, dù có bao nhiêu bổng lộc, vinh hoa chốn quê người, lại chẳng bằng những gì dân dã, mộc mạc nhất của quê hương. Vậy nên, nhà thơ đã dùng những hình ảnh quen thuộc nhất của làng quê Việt mà dựng lại bức tranh về nỗi nhớ nhà của mình.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trung Ngạn đã cho chúng ta thấy nỗi nhớ quê của ông da diết như thế nào. Nỗi nhớ ấy đến từ những vật, những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất, chất phác nhất:
"Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê".
Hai câu thơ mở đầu toàn là những hình ảnh rất quen thuộc của làng quê ta, nào là cây dâu, con tằm, những bông lúa đang trổ bông, một đàn cua béo. Phải nói, đây là những hình ảnh sớm đã in đậm vào tâm trí của những đứa trẻ lớn lên bên lưng trâu, lớn lên bên những cánh đồng lúa bát ngát, rộng lớn. Những hình ảnh này là những dòng hồi tưởng của Nguyễn Trung Ngạn về quê nhà, ông đang nhớ quê hương, nhớ từ những vật đơn thuần nhất, quen thuộc nhất với tuổi thơ của mình. Sự liệt kê một loạt những cảnh vật ấy cho thấy nỗi nhớ đang cuộn lại, bùng lên trong sâu thẳm con người ông.
Nỗi nhớ ấy cũng rất cụ thể, rất chân thực, tưởng chừng như còn gợi lên mùi vị của bông lúa thơm, của những con cua béo tốt với bát canh riêu của mẹ. Thật là những hình ảnh giàu sức gợi tả, bởi nó là máu, là xương, là thịt, gắn bó với cuộc đời của bất cứ đứa trẻ nào đã từng lớn lên ở vùng nông thôn. Như cha ông ta cũng từng thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết ấy vào từng câu chữ:
"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương".
Từng món ăn quen thuộc, từng cảnh vật thân thương, chỉ vậy thôi cũng gợi lên biết bao nhiêu là nỗi nhớ trong lòng một kẻ đang xa quê. Nỗi nhớ ấy thật dạt dào, thật sâu sắc! Ở đây, Nguyễn Trung Ngạn không sử dụng bất cứ một hình ảnh ước lệ tượng trưng nào của thi ca cổ, ông chỉ đưa vào thơ của mình những hình ảnh bình dị nhất, quen thuộc nhất để gợi lên nỗi nhớ quê hương trong ông.
Điều này đã góp một phần không nhỏ khẳng định xu hướng bình dị hóa trong nền thơ ca trung đại, phá vỡ quy phạm trang trọng vốn có trong thơ ca cổ điển. Nếu như ai đã từng đọc qua những bài thơ cổ, có thể thấy, văn chương cổ rất chú trọng sự trang trọng của lời thơ, sử dụng rất nhiều hình ảnh ước lệ để tăng tính tao nhã và thâm thúy cho lời thơ. Như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta thấy những hình ảnh ước lệ như:
"Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da"
Thế nhưng, Nguyễn Trung Ngạn đã phá vỡ quy phạm này để sáng tạo nên một nỗi nhớ quê thật bình dị, khiêm nhường mà không kém phần sâu sắc. Sang hai câu cuối, người đọc lại càng cảm nhận sâu sắc hơn nỗi nhớ quê của ông:
"Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về".
Đi sứ là một công việc tuy có gian khổ nhưng lại được hưởng rất nhiều bổng lộc, được hưởng vinh hoa, cũng như được thưởng thức nhiều danh lam thắng cảnh, món ăn của các nước khác, thế nhưng điều đó chẳng làm cho Nguyễn Trung Ngạn cảm thấy vui sướng hơn. Bởi hình ảnh của những cánh đồng lúa thơm mùi lúa chín, vị ngon của những con cua đang thời béo tốt, những đàn tằm ăn lá,... cứ quanh quẩn trong tâm trí ông. Quê hương tuy có nghèo, tuy chẳng sang trọng, nhưng cái đẹp, cái bình dị, thân thương mà nó mang đến lại chẳng nơi nào sánh bằng.
Tuy đang được sống nơi đất khách xa hoa, náo nhiệt, thế nhưng cái cảm giác được sống ở quê hương vẫn là điều tuyệt vời nhất với ông. Những phồn hoa, phú quý chẳng đủ sức níu kéo bước chân của người xa quê. Li khách với nỗi nhớ quê canh cánh trong lòng, chẳng thể nào nguôi. Chẳng thế, ông đã ngầm so sánh giữa việc được ở nhà và việc đi sứ, rằng cuộc sống ở quê nghèo nhưng vui vẻ hạnh phúc, cuộc sống nơi đất khách sung sướng nhưng "chẳng bằng về".
Nhà thơ đang mong mỏi được trở lại quê hương, được mau chóng trở về nhà để được sống ở nơi có những hình ảnh bình dị, thân thương. Hai câu thơ đều sử dụng biện pháp so sánh, thế nhưng lại ở hai tầng nghĩa khác nhau, mang hai cảm xúc khác biệt. Nhà thơ nhắc về quê với niềm vui, hạnh phúc, còn nhắc về nơi "đất khách" với nỗi sầu không nguôi.
Qua những câu chữ của bài thơ "Hứng trở về", người ta thấy ẩn chứa trong từng câu chữ của ông là một nỗi nhớ quê hương tha thiết, một tình yêu đất nước sâu nặng. Không chỉ thế, ông còn đặt vào đó niềm tự hào dân tộc thông qua những hình tượng thơ hết sức chân thực và bình dị, mang dấu ấn đậm nét của quê hương Việt Nam.
Bằng những ngôn từ dân dã nhất, Nguyễn Trung Ngạn đã gợi lên trong lòng tất cả chúng ta một tình yêu nước, yêu quê hương đến tha thiết, thật xúc động. Những hình ảnh về những nong tằm, những vườn dâu xanh, những cánh đồng lúa chín, vị ngon của món canh cua sẽ in đậm vào sâu trong tâm trí chúng ta thật khắc khoải, khó quên.
Khép lại bài thơ, người đọc chúng ta không khỏi cảm động với nỗi nhớ quê hương thật sâu sắc mà bình dị, chân thành của Nguyễn Trung Ngạn. Tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào tự tôn dân tộc trong lúc đi sứ xa quê chính là niềm cảm hứng để ông viết nên tác phẩm đặc sắc này. Qua đó, Nguyễn Trung Ngạn cũng muốn nói với chúng ta một triết lý sâu sắc rằng: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để trở về, và đó là quê hương!
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 5
Nguyễn Trung Ngạn không chỉ là một vị quan với tài đức vẹn toàn mà Ông còn là nhà thơ với nhiều sáng tác nổi tiếng. Một trong số đó là bài thơ Quy hứng, bài thơ được ra đời khi Ông đi sứ tại Trung Quốc về. Cùng phân tích bài thơ Quy hứng để thấy được tình yêu thương, nỗi nhớ và mong muốn được trở về quê hương của Nguyễn Trung Ngạn.
Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn hay còn gọi là Bang Trực với hiệu là Giới Hiên, quê ở tỉnh Hưng Yên. Ông còn là một danh thần của thời nhà trần, với tinh thần yêu nước da diết, Ông đã để lại cho đời rất nhiều bài thơ hay, đặc biệt là “Giới hiên thi tập”, trong đó điển hình là bài thơ Quy hứng.
Bài thơ được viết với thể ngôn tứ tuyệt, thể hiện được nỗi nhớ của gia đình với niềm tự hào của người đang ở nơi đất khách quê người. Hai câu thơ đầu là những hình ảnh khiến cho người đọc hiểu được nỗi nhớ tha thiết:
“Lão tang diệp lạc tàm phương tận
Tảo đạo hoa hương giải chính phi”
Dịch thành:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê”
Tình yêu được thể hiện rất đỗi bình dị, nỗi nhớ khi xa nhà được dâng trào lên lên thật xao xuyến. Tác giả nhắc tới các hình ảnh lá dâu cuối vụ có màu vàng sẫm bị rụng khắp nương bãi, lứa tằm thì vàng óng ngoài sân, lúa trổ trắng bông ngoài đồng có hương thơm ngào ngạt. Đây là những hình ảnh khiến cho người đọc nhớ tới một vùng quê đầy mộc mạc thân quen. Có thể thấy những hình ảnh này như một ký ức không thể quên được.
Nguyễn Trung Ngạn đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh tương phản rất thú vị, bần diệc hảo hay còn gọi là nghèo vẫn tốt với Giang Nam tuy lạc. Khi ở nơi đất khách Giang Nam khi cuộc sống sung túc hơn nhưng vẫn không thể bằng ở nhà mình được. Điều này càng thể hiện tình yêu thương của tác giả với quê hương, gia đình rất sâu sắc. Nơi chôn nhau cắt rốn với tình cảm sâu nặng, dù cho tới Giang Nam là tới với nơi đô hội, phồn hoa nhưng không nhưng chẳng bằng về.
Với giọng văn gần gũi và sâu lắng mang tới hình ảnh thơ mộng khiến cho bài thơ Quy hứng mang được sự đồng điệu với người đọc. Một người khi xa quê đều sẽ cảm nhận được cảm xúc khôn xiết khi phải xa nơi mình được sinh ra, nơi gắn bó cả tuổi thơ, nơi có những hình ảnh bình dị rất thân quen. Nguyễn Trung Ngạn thể hiện được toàn bộ nội tâm khi thấu hiểu qua từng câu chữ trong bài thơ.
Toàn bộ những hình ảnh của cua đồng béo ngậy, hình ảnh lúa chín vàng thể hiện rõ hình ảnh làng quê Việt Nam. Chính những hình ảnh thân quen được khắc sâu vào tâm trí của tác giả đã khiến cho Ông có một tình cảm mãnh liệt với con người, với quê hương. Trong hoàn cảnh của tác giả lúc này là muốn trở về nhà càng sớm càng tốt. Điều này càng thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, lòng son sắc một lòng với quê hương đất nước.
Qua phân tích bài thơ Quy hứng ta thấy được tình cảm thiêng liêng của tác giả dành cho quê hương. Nguyễn Trung Ngạn thể hiện được những khung cảnh quen thuộc để thấy được những nét bình dị, gần gũi. Với tài năng của một nhà thơ đa tài người đọc cảm nhận được toàn bộc lộ toàn bộ cảm xúc của tác giá và nỗi lòng của người con xa thứ. Bài thơ giúp cho những thế hệ trẻ nâng cao tinh thần yêu nước hơn, khiến người đọc thấy bình dị, thân quen và đi đâu thì cũng luôn tự hào với nơi mình được sinh ra.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 6
Cảm hứng quê hương luôn là đề tài được chú ý trong văn học Trung đại, ở đó, người đọc cảm nhận được tình cảm thuần túy dành cho nơi chôn rau cắt rốn của những vị quan cao chức lớn, phục vụ lâu năm trong triều đình. Sau những xô bồ, tranh đấu triều chính, những giây phút bình yên ở quê nhà luôn được khắc họa vừa dung dị, giản đơn mà vừa quý báu, đáng nhớ.
Với Nguyễn Trung Ngạn, trong nỗi nhớ nhà day dứt khi xa xứ đi Trung Quốc, ông đã bày tỏ cảm xúc vào bài thơ "Quy hứng". Viết về quê hương, nhà thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn gửi vào đó tình yêu mến, biết ơn với quê hương trong mọi hoàn cảnh. Mở đầu tác phẩm, nhà thơ miêu tả sự sung túc, no đủ của thôn quê đang độ mùa vụ sản xuất;
Dâu già lá rụng tằm vừa chín.
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Các chi tiết quen thuộc kể về việc gieo trồng ở quê như "dâu già lá rụng, "tằm", "lúa", "bông", "cua", tất cả đều đang "thơm", "chín", "béo", dấu hiệu của một mùa màng bội thu, no đủ. Những hình ảnh quen thuộc gần gũi với nhà thơ, theo ông lớn lên, gắn liền với tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ trên đồng. Dù bản thân đang làm quan to trong triều đình, đang thực hiện sứ mệnh cao cả nhằm giữ gìn hòa bình dân tộc, nhưng trong nỗi nhớ nhà khôn nguôi ấy, hình ảnh mùa lúa vàng lại ào ạt hiện về trong tâm trí người con quê hương.
"Dâu già lá rụng", "tằm vừa chín", "lúa sớm thơm bông", "cua béo", những hình ảnh, kí ức quen thuộc mà sao giờ đã xa rời, đã trở thành dic vãng. Sống trong nhung lụa ngọc ngà nơi phố thị phồn hoa, nhưng cái mùi lúa thơm nức mũi thời trổ bông, những con cua béo tốt, chắc nịch,... vẫn làm lay động tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ.
Người đọc có thể hình dung một bức tranh phong cảnh làng quê tuyệt sắc đang dần hiện ra trước mắt qua cách miêu tả của tác giả. Ngoài đồng lúa vàng bát ngát, thơm lừng, tiếng tằm ăn lá dâu vui tai, ồn ã, những con cua thịt béo ngậy,... làng quê đẹp một vẻ đẹp yên bình và trù phú.
Sinh ra và lớn lên nơi thôn quê dân dã, ắt hẳn khi xa xứ, hình ảnh quê hương gắn bó với tuổi thơ luôn là nỗi băn khoăn, day dứt, xao xuyến nhớ nhung. Không chỉ thể hiện tình cảm vui sướng của mình với mùa màng tươi tốt, cảnh đẹp thiên trời ban, tác giả còn bày tỏ tình cảm chân thành, trước sau như một đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình trong mọi hoàn cảnh:
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng nhà.
Hai câu thơ mang nặng cảm xúc, khẳng định tình cảm thủy chung và son sắt với quê hương. "Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt", dù cho quê hương có nghèo đói nhưng khi được ở chính miền đất nơi mình sinh ra, lớn lên, ở chính ngôi nhà của mình, đó mới là cái đáng trân trọng, đáng quý. Và vì thế nên đất khách quê người dù có xa hoa đến mấy, nơi triều đình dù có lụa là gấm vóc đến mấy nhưng cảm giác thoải mái, gần gũi và quen thuộc nơi quê hương vẫn luôn được tác giả ghi nhớ. Nỗi nhớ quê hương trong lòng nhà thơ đã biến thành nỗi khao khát, thành chân lý, tư tưởng sống.
Bao nhiêu vàng bạc châu báu, quyền cao chức trọng, bao nhiêu sự tiếp đón, thết đãi nồng nhiệt, chẳng có gì bằng giây phút được ở nhà, được hòa mình vào thiên nhiên, được sống là chính mình, được là một cậu bé ngây thơ, non nớt. Tình cảm đối với quê hương trước sau như một, hơn nữa, từ nền tảng tình yêu, tác giả ghi nhớ, biết ơn và tự hào về dân tộc, xứ sở mình. Tác giả khéo léo đặt nước Đại Việt ta trên nước bạn Trung Quốc, xét trên hoàn cảnh thực tế hiện tại khi ông đang đi xử Trung Quốc, được mệnh danh là cường quốc văn hóa và kinh tế, nhưng với nhà thơ, nơi ấy cũng chẳng thể nào bằng được quê hương giản dị, thanh bình của mình.
Bài thơ đã bộc lộ một cách trọn vẹn và bao quát về tình cảm nồng thắm, sâu đậm của tác giả đối với quê hương. Không thể hiện bằng những mỹ từ, không trực tiếp nói lời thương yêu nhung nhớ, nhưng qua cách miêu tả không gian, khung cảnh làng quê, tác giả đã bộc lộ tấm lòng chân thành của mình. Tình yêu quê hương đất nước tươi đẹp và thuần khiết, dẫu có cách trở, dẫu sống trong điều kiện đầy đủ, sung túc hơn nhưng trái tim chỉ hướng về nguồn cội, không đâu bằng chính gia đình mình.
Lời thơ ngắn gọn và súc tích, hình ảnh gần gũi, chân thật và dễ hiểu, bài thơ đã làm rung cảm trái tim độc giả bằng tình yêu, tình cảm với quê hương đất nước. Chính những hình ảnh quen thuộc nơi làng quê Việt Nam thân thương đã gợi trong lòng bạn đọc sự đồng cảm, đọc thơ của người khác mà giống như được trở về quá khứ của chính mình. Đó chính là thành công của tác giả và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 7
Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người ở làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi, Hưng Yên), Ông là một danh thần dưới thời trần, cùng với đó là số lượng tác phẩm ông để lại, đặc biệt là "Giới hiên thi tập". Hứng trở về là một trong số những tác phẩm của Giới hiên thi tập được sáng tác khi tác giả đang đi sứ ở Trung Quốc, qua đây đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc sâu sắc của tác giả. Tình yêu nồng nàn ấy được thể hiện bằng nỗi nhớ quê hương da diết và sự gắn bó với cuộc sống bình dị nơi quê nhà.
Đối với mỗi người con xa xứ, quê hương luôn là một nỗi nhớ man mác không nguôi, lúc nào trong họ cũng đau đáu một nỗi buồn, nhớ mong vô tận với quê hương, đó là nơi chôn rau cắt rốn nơi mẹ già luôn ngóng mong, nơi có những cánh đồng, dòng sông hay đơn giản chỉ là những bữa cơm đạm bạc. Chỉ là cà dầm tương, nhớ dáng ai tát nước, dãi gió dầm sương mà gợi ra bao nhiêu xúc cảm:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi gió dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Tình yêu đó hết sức bình dị, xuất phát từ mỗi con người và chẳng bao giờ chẳng nguôi ngoai nhất là khi đứng trên đất khách quê người. Những câu thơ viết về quê hương, những vần thơ gắn với chốn gắn bó máu thịt. Hứng trở về là một trong số những bài thơ mà đề tài về quê hương và nỗi lòng mong ngóng được trở về nới thân yêu đó.
Bằng tất cả những tình cảm đó, Hứng trở về đã sớm tạo dựng sự đồng cảm trong lòng độc giả. Bài thơ Hứng trở về mở đầu bằng nỗi nhớ quê hương da diết của người li khách cùng với đó là tình yêu quê hương đất nước, càng khiến tâm trạng tác giả nặng trĩu:
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Những hình ảnh dâu, tằm, lúa đơm bông quá đỗi quen thuộc với miền quê Việt Nam khi sản xuất chu yếu. Những nương dâu xanh mướt, những cánh đồng lúa mênh mông, thấm những giọt mồ hôi nước mắt của ông cha từ bao đời nay. Chính những thứ thân quen nhỏ nhặt này lại có sức lay động mãnh liệt tới con người ta như thế. Hương thơm quen thuộc, một làn gió chiều, một hoàng hôn buồn cũng chỉ là do tâm hồn quá nhạy cảm trước thiên nhiên rộng lớn.
Mà cũng chính vì người mang tâm trạng nên cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng. Đứng giữa chốn phồn hoa, giữa bao nhiêu thú vui , nhưng luôn chọn cho mình một nơi để trở về- đó là quê hương. Nhưng đó chưa phải cái trọng tâm của nỗi niềm tác giả ẩn sâu đó là tình yêu quê hương đất nước và cả lòng tự hào tự tôn dân tộc.
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về
Tình yêu quê hương đất nước đó lại càng được thể hiên ở hai câu cuối này, sự đối lập giữa đất khách và quê nghèo, giữa chốn phồn hoa với chồn nghèo đói, càng đẩy tâm trạng và tình cảm của tác giả lên cao cao trào. Sự hồn hoa đô hội, giàu có và mới lạ nơi đất khách quê người cũng không đủ sức níu giữ bước chân của li khách. Nỗi nhớ quê càng thêm thường trực trong lòng.
Trong hoàn cảnh này của tác giả, điều đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nỗi nhớ quê đó là sự thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, còn khẳng định tấm lòng son sắt với quê hương của ông. Những xúc cảm của ông được thể hiện gián tiếp qua những hình ảnh bình dị quen thuộc nhưng lại dễ dàng đi vào lòng người. Khát khao cháy bỏng được trở về quê hương dâng lên ngùn ngụt, chỉ những kí ức những hình ảnh quê hương mới xoa dịu bớt nỗi đó.
Với những gì Hứng trở về mang tới cho độc giả, một hương vị mới cho thơ văn Việt Nam. Những ngôn từ hình ảnh hết đỗi bình dị hưng lại khai thác triệt để những xúc cảm không chỉ dâng lên trong chính tác giả mà trong chính nỗi lòng của những người con xa xứ, đang ngày đêm mong ngóng về quê nhà. Chính những nét đẹp giản dị này đã tạo nên dấu ấn của Hứng trở về trong lòng độc giả.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 8
Nguyễn Trung Ngạn là nhà thơ Việt Nam có nhiều thành tựu đáng kể, cả cuộc đời của ông đã phục vụ cho sự nghiệp văn chương và có những ảnh hưởng rất lớn đến nền văn học nước nhà tiêu biểu là tác phẩm Quy Hứng của Nguyễn Trung Ngạn.
Bài quy hứng của Nguyễn Trung Ngạn viết về một khung cảnh thiên nhiên làng quê, những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc với quê hương của làng quê Việt Nam, những hình ảnh đó đã tác động đến cảm xúc của nhà văn. Ông là một người có tình cảm sâu đậm với quê hương với đất nước, cả cuộc đời đã gắn bó và có nhiều cảm xúc với nơi mình sinh ra. Nhiều hình ảnh gần gũi và mang những dấu ấn rất đặc biệt với vùng quê, hình ảnh dâu tằm, những bông lúa chín, những con cua đồng…
Hàng loạt những hình ảnh quen thuộc đã diễn ra và nó tác động rất lớn đến những suy nghĩ và trí tưởng tưởng của tác giả. Một vùng quê thanh bình, với những hình ảnh rất đỗi bình dị đã mang cho tác giả những cảm xúc rất đáng nhớ và nó mang những phong vị quê hương đậm đà bản chất của dân tộc:
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm nở hoa thơm, cua đang lúc béo.
Nghe nói ở nhà, dẫu nghèo vẫn tốt,
Đất Giang Nam tuy vui cũng chẳng bằng về nhà.
Hình ảnh con dâu tầm được tác giả nhắc đầu tiên trong bài nó thể hiện một sự gắn bó với miền quê, những bông dâu vừa chín đã mang cho tác giả một mùi vị và nó tác động vào cảm xúc của tác giả, ông đang có những rung động ngọt ngào về những hình ảnh quen thuộc và nó mang một điều lạ lung nhưng lại gần gũi và gắn bó với con người. Các hình ảnh đó đã làm cho tác giả nhớ thương quê hương những hình ảnh bình dị nhưng lại mang những cảm xúc đặc biệt chính nó làm cho tác giả nhớ mong cho quê hương của mình nhiều hơn và nó cũng mang một điều kì lạ và có sức ảnh hưởng rất lớn đến những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả.
Hình ảnh bông lúa nở hoa giữa cánh đồng rộng lớn mênh mông, cùng với những con cua đồng đang độ rất béo, tất cả những hình ảnh đó chỉ có quê hương mộc mạc mới có, tác giả nhớ mong những hình ảnh đó, và nó mang một cảm xúc rất đặc biệt và nhẹ nhàng, hàng loạt các hình ảnh khác cũng đan xen trong những hình ảnh ẩn dụ đó nó mang một cảm xúc nhẹ nhàng và mang cung bậc cảm xúc rất sâu sắc, quê hương nghèo khó gian nan nhưng chính cái nghèo khó đó làm cho con người ở đây gắn bó thân thiết với nhau hơn, họ được tựa như những mầm sống đang vươn lên từng ngày và cùng sống bên thiên nhiên, thiên nhiên là những người bạn, một người gắn bó với họ từ khi họ lớn lên đến khi trưởng thành và phát triển.
Hình ảnh quê hương vẫn mang đậm trong tâm hồn của tác giả, ông đã giành tình yêu mến của mình cho nơi mà mình sinh ra, ở đâu cũng có những điều vui điều mới lạ, nhưng ông thấy rằng chính ở nơi quê hương mình sinh ra vẫn nhẹ nhàng và gắn bó với con người của ông nhiều đến thế, nó đã tác động đến suy nghĩ và tình cảm của ông, ông yêu mến quê hương, và nhơ nhung những hình ảnh quen thuộc của đất nước, đó là những điều giản dị và có ý nghĩa gắn bó rất sâu sắc và nó ảnh hưởng đến tầm nhìn cũng như những điều sâu kín bên trong của tác giả.
Một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và đậm đà bản chất đã diễn ra và nó mang một âm điệu nhẹ nhàng và tình cảm gắn bó với người đọc, chính tác giả là người đã vẽ ra và hình dung lại một bức tranh thiên nhiên thơ mộng và có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy.Những hình ảnh đó đã gợi nhớ tình yêu quê hương đất nước của tác giả, tác giả đang hình dung lại tất cả những hình ảnh mang những giá trị đặc biệt và nó mang những âm vang nhẹ nhàng và có sự lay chuyển mạnh mẽ.
Tác giả là một người có tình cảm rất sâu đậm với quê hương tất cả những hình ảnh mà ông viết ra có những ảnh hưởng rất sâu sắc đến suy nghĩ cũng như con người của ông, nó ảnh hưởng đến những âm điệu và những tình cảm có trong con người của tác giả. Hàng loạt những hình ảnh khác cũng có ảnh hưởng lớn đến tác giả.
Hình ảnh bông lúa chín thơm ngào ngạt nơi quê hương bình dị, những bát canh cua béo ngậy, những tình cảm gia đình ấm áp gần gũi, quê hương dù nghèo đối nhưng tác giả vẫn thấy yêu mến và có những tình cảm hết sức đặc biệt đến nó, mang trong đó những tình cảm ngọt ngào và sâu lắng.
Ở nơi đất Giang Nam dù cuộc sống có sung túc và tươi vui nhưng tác giả cũng so sánh nó không bằng với ở nhà, chứng tỏ rằng tình cảm của tác giả đối với quê hương với gia đình của mình là rất lớn nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và trí óc của tác giả. Khi viết lên bài thơ này chính tác giả cũng có những cảm xúc rất đặc biệt và nó riêng biệt trong lòng tác giả, những hình ảnh đó đã mang đậm nét đặc trưng và sâu sắc trong tâm hồn và con người của miền quê nơi đây.
Những hình ảnh đó đã làm rộn vang được âm thanh ngọt ngào của quê hương, dù cho quê hương nghèo lắm, nhưng những hình ảnh lại quen thuộc với tác giả trong lòng người dân nó đậm đà và có những cảm xúc thương nhớ và mang một làn điệu nhẹ nhàng âm vang, hình ảnh quê hương gắn với mỗi miền quê sẽ có những tình cảm sâu sắc và chứa đựng trong con người của tác giả, khi tác giả viết lên những trang thơ này, trong tâm hồn của người đã tràn ngập bao cảm xúc mến thương và sâu đậm.
Tình cảm gia đình đã thấm đẫm trong con người của tác giả, ông đang hình dung về những hình ảnh rất đỗi quen thuộc đó, nó mang âm điệu nhẹ nhàng và thấm đẫm tình yêu gia đình tình yêu quê hương sâu sắc niềm tin yêu đang tràn ngập và nó có những ảnh hưởng lớn lao đến con người và những điều thật tuyệt với đến cho người đọc.
Mỗi người mỗi khi nhớ thương tới quê hương chắc hẳn đều có cảm xúc và nỗi nhớ về những bông lúa chín thơm, những hình ảnh con cua đồng béo ngậy, làng quê Việt Nam gắn bó và có sức ảnh hưởng lớn tới những hình ảnh này, nó nhẹ nhàng và tình cảm, mang trong làn điệu quê hương những cảm xúc riêng biệt, gắn bó với con người và miền đất quê hương.
Bởi quê hương là nơi mình sinh ra, mình gắn bó với những hình ảnh bình dị trong đó, hình ảnh bình dị mà thân thương nó mang âm điệu nhẹ nhàng và cũng hết sức vui tươi, mỗi chúng ta đều có quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên vì vậy nó có những ảnh hưởng lớn đến tâm hồn của bạn đọc hôm nay và mai sau, hình ảnh đó còn mang đậm khoảnh khắc và mang những âm điệu nhẹ nhàng trong con người của tác giả.
Tình yêu quê hương đất nước sâu đậm đó đã có những ảnh hưởng vô cùng lớn lao và nó mang đậm những âm thanh nhẹ nhàng và cũng có những sức lay chuyển rất sâu sắc mang những điệu hết sức nhẹ nhàng và cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cảm xúc của người đọc hôm nay và mai sau.
Tình yêu quê hương, yêu gia đình đã được thể hiện rất sâu sắc trong bài thơ này, tác giả đã thể hiện tình yêu quê hương của mình qua việc vẽ ra một khung cảnh thiên nhiên gần gũi và quen thuộc với quê hương đất nước nó tràn ngập và cũng làm cho tâm hồn của người đọc cảm thấy quen thuộc và bình dị khi đọc xong bài thơ này.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 9
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư thời nhà Trần. Ông còn để lại Giới Hiên thi tập bằng chữ Hán. Bài thơ “Quy hứng” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, sáng tác trong thời gian Nguyễn Trung Ngạn đi sứ ở Giang Nam, Trung Quốc.
Quy hứng thể hiện nỗi nhớ gia đình, quê hương với bao niềm tự hào của một người đang sống nơi đất khách quê người:
“Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì.
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc, bất như quy”.
Hai câu đầu nói lên bao nỗi nhớ của khách tha hương: Nhớ lá dâu già cuối vụ, vàng sẫm rụng khắp các nương bãi, nhớ những lứa tằm vừa chín vàng óng, vàng khươm trong nhà, ngoài sân, nhớ lúa sớm trổ trắng phau cánh đồng dâng hương ngào ngạt, nhớ vị béo đậm cua đồng. Thời gian mà nhà thơ nói lên nỗi nhớ đó là tháng tư hay tháng mười ? Có hai chi tiết: “Dâu già lá rụng” và “cua béo” cho ta biết đó là vào dịp tháng mười khi gió heo may đã thổi về. Khí trời lành lạnh ấy càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê thêm phần thấm thía:
“Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì”
(Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê)
Các chi tiết nghệ thuật như dâu, tằm. hương lúa sớm, cua béo, đều là cảnh vật đồng quê, màu sắc, hương vị đậm đà của quê nhà thân yêu. Thật là bình dị, mộc mạc, dân dã. Khách li hương xứ sở mới có nỗi nhớ ấy. Cảnh vật ấy, hương vị ấy đã trở thành máu thịt, tâm hồn của nhà thơ. Nỗi nhớ của ông quan đi sứ trong thế kỉ 14 sao giống nỗi nhớ của anh trai cày ngày nay thế? Cũng là nỗi nhớ hương vị đậm đà quê hương:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
(Ca dao)
Và nỗi nhớ của người lính chiến thời đánh Pháp (1946 – 1954):
“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”
Quang Dũng (Mắt người Sơn Tây)
Qua đó, ta càng thấy rõ nỗi nhớ gia đình quê hương là nỗi nhớ đẹp, thể hiện tấm lòng thủy chung của con người Việt Nam chúng ta. Trở lại hai câu cuối bài thơ, ba chữ “bất như quy” vang lên như một mệnh lệnh của tâm hồn:
“Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy”.
(Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách, chẳng bằng về)
Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tương phản so sánh rất lí thú: “bần diệc hảo” (nghèo vẫn tốt), “gia bần” với “Giang Nam tuy lạc”. Cái “vui” quê người sao bằng cái “nghèo” của quê hương? Tình nghĩa của khách li hương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thật vô cùng sâu nặng. Giang Nam là đất đô hội; quan sứ được đón tiếp linh đình, thiếu gì dê béo rượu ngon, thế mà đêm ngày lòng vẫn nhủ lòng: “bất như quy” – chẳng bằng về.
Cảm xúc “quy hứng” dào dạt vần thơ. Tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc thấm vào từng câu chữ, từng vần thơ.
Quy hứng là một bài thơ hay và cảm động. Hay vì cái tình của khách ly hương. Hay vì lời thơ mộc mạc, giản dị mà ý vị thì sâu sắc đậm đà. Sau vần thơ là cả một tình quê vơi đầy, một tâm hồn rộng mở thủy chung.
-
Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 10
Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi, Hưng Yên), là một danh thần của nhà Trần, làm quan đến chức Thượng thư. Ông để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập và nổi bật lên đó là bài thơ Quy Hứng. Mở đầu bài thơ tác giả đã thể hiện nỗi nhớ thương quê hương da diết, nhớ những sự vật ở quê nhà:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi gió dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Những hình ảnh quen thuộc gần gũi với tác giả đó là hình ảnh canh rau muống, nhớ cà dầm tương, và những hình ảnh dầm mưa dãi nắng của thời tuổi thơ, những hình ảnh quen thuộc khiến tác giả hồi tưởng lại những cảm xúc quen thuộc đó. Tấm lòng tha thiết của mỗi người đối với quê hương mình. Một tình yêu quê hương bình dị mà chân thành tha thiết. Các nhà thơ trung đại cũng viết nhiều về tình yêu quê hương, nhưng điều đáng lưu ý là ở bài thơ này, nỗi nhớ ấy được gợi lên bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc: cây dâu già lá rụng, nong tằm vừa chín, lúa trổ bông sớm thoang thoảng hương thơm, cua đang lúc béo…
Tất cả những hình ảnh này đều rất giàu sức gợi bởi nó gắn bó máu thịt với cuộc đời của mỗi con người, nhất là với những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Và nó thật gần với những hình ảnh mà tác giả dân gian đã từng lựa chọn để thể hiện tình cảm của mình. Những hình ảnh quê hương đã gắn bó máu thịt với cuộc đời tuổi thơ của tác giả, vì vậy tình yêu của tác giả đối với quê hương là rất lớn, tác giả yêu quê hương bằng cả tấm lòng của mình:
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê.
Những hình ảnh ở cánh đồng quê những bông lúa chín vàng, thơ mùi lúa chín, rồi những con cua đồng béo ngộ ngộ, những cành dâu chín rộ đỏ vàng cả góc ao, những hình ảnh làng quê vừa đẹp vừa bình dị nó mang một màu sắc và thi vị đậm đà vị ngọt của quê hương. Dù quê hương nghèo đói nhưng tác giả vẫn thích những cảm giác quen thuộc của quê hương đó là những cảm giác gần gũi, dù sống nơi phồn hoa đô thị nhưng tấm lòng yêu quê hương đất nước của tác giả cùng không hề nguôi ngoai:
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về
Sống nơi đất khách quê người dù có xa hoa, nồng nhiệt nhưng cái cảm giác khi được ở quê hương nơi mình sinh ra đó vẫn là những điều tuyệt vời nhất đối với tác giả, Phồn hoa đô hội, giàu có và mới lạ cũng không đủ sức níu giữ bước chân của li khách. Nỗi nhớ quê vẫn canh cánh bên lòng. Đỗ Phủ nhớ quê trong cảnh loạn li, nước mắt tuôn rơi bao nhiêu lần. Còn người khách li hương này lại nhớ quê khi đứng giữa chốn phồn hoa.
Tình yêu đối với quê hương đất nước thật sâu nặng và thiêng liêng. Trong hoàn cảnh của tác giả, điều đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nỗi nhớ quê. Nó còn thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, còn khẳng định tấm lòng son sắt với quê hương của ông. Không gì có thể cám dỗ được người Việt Nam yêu nước ấy. trong bài Hứng trở về, tình yêu quê hương đất nước không được nói bằng những ngôn từ trực tiếp mà là bằng những hình ảnh dân dã quen thuộc đối với mỗi chúng ta.
Xa quê có ai không xúc động khi nghĩ về nong tằm, ruộng dâu, nghĩ về những ruộng lúa với những bông lúa mới trổ hoa hương đưa thoang thoảng hay nghĩ về một bữa canh cua giản dị mà ngon ngọt đến khó phai. Tình yêu quê hương được tác giả nhớ lại qua những hình ảnh quên thuộc rất đỗi thân thương đó là những khoảnh khắc khó quên của tác giả đối với quê hương của mình.
Bài thơ Quy hứng đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc bởi nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ, những hình ảnh quê hương quen thuộc đã gợi ra nhiều thi vị cho quê hương những màu sắc quê hương trong sáng dịu ngọt.