Top 6 Bài văn phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" hay nhất

Bình An 978 0 Báo lỗi

"Truyện Kiều" của Nguyễn Du không những là một bản cáo trạng bằng thơ lên án xã hội xấu xa tàn bạo mà còn biểu hiện nỗi đau khổ của những con người bị áp bức. ... xem thêm...

  1. Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là một bản cáo trạng bằng thơ, lên án xã hội phong kiến xấu xa, thể hiện nỗi đau khổ của những con người bị áp bức. Thúy Kiều là một hiện thân của những con người bị áp bức đó, nỗi đau đầu tiên của Kiều là phải bán thân, vùi dập dưới tay kẻ buôn bán người. Cụ thể nỗi đau khổ đầu tiên của Kiều được thể hiện trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.


    Trước bi kịch gia đình, một tai họa bất ngờ khi thằng bán tơ đã vu oan cho gia đình nàng. Cha và em của nàng bị bắt và bị đánh đập dã man, tài sản của gia đình đã bị chúng vơ vét sạch. Vốn là người con hiếu thảo, Kiều phải bán mình để chuộc cha và em, chấp nhận hi sinh tình yêu của mình vì gia đình, chấp nhận làm vợ lẽ của Mã Giám Sinh để có tiền cứu cha và em. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua kiều đã bộc lộ được rõ ràng tâm trạng, nỗi đau khổ của nàng trong tình cảnh đó. Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã ghi lại một cách cụ thể tâm trạng của Kiều: “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà”, đó là nỗi đau cũng là nỗi uất hận đã lên đến cao độ bởi nàng bị ép vào cảnh đường cùng.


    Gia đình chia li tan tác, tình yêu mà nàng dành cho Kim Trọng nay lại đành dở dang, mối tình đầu trong sáng đang tỏa sắc lên hương lại đành phải chia li vì cảnh ngộ gia đình. Hai nỗi niềm gia đình và tình yêu đang chồng chất và đè nặng lên đôi vai của nàng, khiến cho nàng rơi vào đau khổ, xót xa. Hình ảnh Kiều từ trong phòng bước ra, giáp mặt với Mã Giám Sinh trong lễ vấn danh đã cho thấy vẻ đau khổ của nàng trong mỗi bước đi: “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Với cách miêu tả có tính chất ước lệ “thềm hoa”, “lệ hoa”, câu thơ trở nên rất gợi hình và gợi cảm.


    Hiện lên trước mắt người đọc là một khuôn mặt với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành đang thấm đẫm nước mắt, đó là những giọt nước mắt của tủi hờn, xót xa và đau khổ. Kiều vừa thương cha, vừa thương em lại thương cho chính mình, căm tức và phẫn uất với cuộc đời ngang trái đã giáng tai họa xuống gia đình và cuộc đời nàng. Là một thiếu nữ con nhà gia giáo, sống trong cảnh trướng rủ màn che, vậy mà giờ đây tài sắc của nàng phải chấp nhận phơi ra cho người ta xem xét, cân đo, thử, ép, nàng vô cùng tủi thân và e thẹn. Điều đó cho thấy nàng đã ý thức rất rõ về nhân phẩm và thân phận của mình nhưng vì cảnh ngộ gia đình và bổn phận người con nàng đành cam chịu. Hình ảnh nàng Kiều lúc này giống như một chiếc bóng lặng câm và nhòe dần trước ánh sáng của đồng tiền, dù có là quốc sắc thiên hương nhưng vẫn chỉ là một món hàng không hơn không kém của bọn “buôn phấn bán hương”.


    Thông qua việc miêu tả tâm trạng của nàng Kiều, đoạn thơ đã lên án tố cáo hiện thực của xã hội lúc bấy giờ, những người phụ nữ trong xã hội ấy đã trở thành một món hàng hóa. Sức mạnh của đồng tiền đã gây ra những bất hạnh cho họ, nhà thơ đã lên án và phê phán những kẻ tàn bạo đó, đồng thời thể hiện niềm xót thương đối với nàng Kiều.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Tác phẩm Truyện Kiều là một tác phẩm bất hủ gắn liền với tên tuổi của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện tập trung xoay quanh cuộc đời sóng gió của Kiều, cũng là cuộc đời của bao người phụ nữ trong thời phong kiến. Họ luôn phải chịu nhiều cay đắng, tủi nhục từ bọn người bất nhân, vô lương tâm dùng đồng tiền của mình chà đạp lên quyền sống của họ. Trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” đã lột tả trần trụi thân phận của nàng Kiều là một trường hợp tiêu biểu cho chế độ thời ấy.


    Đoạn trích nằm ở đầu phần thứ hai (gia biến và lưu lạc). Sau khi bị thằng bán tơ vu oan, gia đình Thúy Kiều lâm vào cảnh tan tác, đau thương. Của cải bị cướp đoạt, cha và em trai Kiều bị lũ sai nha “đầu trâu mặt ngựa” bắt bớ, khảo tra, đánh đập dã man. Cái giá mà chúng đưa ra thật là khủng khiếp: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Kiều đành gạt nước mắt, gác mối tình đầu đẹp đẽ với Kim Trọng để bán mình chuộc cha và em ra khỏi chốn lao tù.


    Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều. Đoạn trích là nốt nhạc buồn, khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh của cuộc đời Kiều kéo dài suốt mười lăm năm. Cái tin Kiều muốn bán mình đã gây xôn xao dư luận cả một vùng rộng lớn vì không ai không biết đến nàng một người con gái nức tiếng tài sắc vẹn toàn. Mã Giám Sinh đã nhờ người mai mối dẫn đến nhà để cưới nàng làm vợ lẽ.


    Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả chung chung mà đi sâu vào những chi tiết tiêu biểu, chọn lọc, thể hiện được thần thái của nhân vật. Không ai biết rõ tung tích Mã Giám Sinh, chỉ biết hắn là người từ phương xa tới (“viễn khách”). Hỏi hắn thì hắn trả lời cộc lốc, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi:


    “Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”

    Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.


    Hai câu mà chỉ cung cấp được một thông tin nhỏ là hắn mang họ Mã. Còn tất cả đều mập mờ, không rõ ràng. “Giám Sinh” là tên gọi chung của các sinh viên trường Quốc Tử Giám chứ không phải là tên riêng. Còn “huyện Lâm Thanh” rộng bao la, ai biết hắn ở chỗ nào, gia thế ra sao? Cách nói năng của Mã đã bộc lộ một phần về con người hắn. Hắn chẳng có chút gì là nho nhã, thanh lịch của một chàng “giám sinh”, hạng người có học. Nguyễn Du đã chụp cận cảnh làm rõ bộ mặt và trang phục của Mã:


    Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

    Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.


    Bộ mặt mày râu nhẵn nhụi dĩ nhiên là thiếu tự nhiên, râu cạo nhẵn, lông mày tỉa tót rất trai lơ. Từ “nhẵn nhụi” gợi cảm giác về một sự trơ trẽn, phẳng lì. Áo quần bảnh bao là áo quần trưng diện, cũng thiếu tự nhiên. Hai chữ “bảnh bao” thường dùng để khen áo quần trẻ em chứ ít dùng cho người lớn”. Phủ một lớp hào nhoáng lên vẻ ngoài nhân vật, tác giả đã chế giễu, mỉa mai tên buôn người họ Mã. Sự đả kích ngầm càng sâu cay hơn khi một người đã “trạc ngoại tứ tuần” (sắp lên lão) lại tỉa tót công phu, lại cố tô vẽ cho mình ra dáng trẻ trung như trai mới lớn.


    Chân dung của y còn rõ nét qua hành động. Chỉ một câu: “Trước thầy sau tớ lao xao” Nguyễn Du đã tô đậm cái cung cách đi hỏi vợ lạ đời của Mã Giám Sinh. Thầy tớ hắn có khác chi một lũ người ô hợp, nhốn nháo, lộn xộn, lưu manh lấc cấc. Đặc biệt hành động thô lỗ, sỗ sàng của một kẻ vô học, đội lốt người học trò trường Quốc tử giám, đã hiện lên khá rõ qua chi tiết:

    “Ghế trên ngòi tót sỗ sàng”.


    "Ghế trên” là ghế ở vị trí trang trọng, dành cho bậc cao niên, bậc huynh trưởng, bậc đáng kính. Kẻ đi hỏi vợ là bậc con cái mà lại “ngồi tót” thì thật chướng mắt, vô lễ. Bản chất con buôn của Mã Giám Sinh bộc lộ đầy đủ hơn trong cuộc mua bán Kiều. Miệng nói những lời hoa mỹ:


    Rằng:”Mua ngọc đến Lam Kiều”

    Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”


    Nhưng hành động của y lại hoàn toàn trái ngược. Một loạt các từ “cò kè, thêm bớt, ngã giá…” đã chứng tỏ Mã Giám Sinh là một kẻ buôn người sành sỏi, lọc lõi. Y đã lộ nguyên hình là một con buôn sành sỏi. Mã Giám Sinh đâu còn là người học trò trường Quốc tử giám như đã xưng danh. Mặc dù ăn mặc chải chuốt, nói những lời hoa mỹ, ra vẻ lịch sự nhưng dần dần bản chất xấu xa, đê tiện, giả dối của y đã lộ rõ.


    Với bút pháp kết hợp giữa kể và tả, bằng một số nét phác họa về mối quan hệ mờ ám, vẻ ngoài chải chuốt, nói năng vô lễ, cử chỉ vô học, hành động vô lương, Nguyễn Du đã khắc họa sắc nét hình tượng Mã Giám Sinh, kẻ buôn người, từ ngoại hình đến tính cách. Mã Giám Sinh trở thành một điển hình bất hủ cho sự đê tiện, tàn ác.


    Nói đến Kiều trong toàn bộ cuộc mua bán này, Nguyễn Du đã để cho Kiều câm lặng, không nói được một lời nào. Nỗi đau đớn, thẹn thùng, xót xa tủi hổ ê chề đã lên đến đỉnh điểm. Từ một người con gái, gia đình phong lưu, “Kín cổng cao tường”, nay biến thành một món hàng dưới bàn tay bẩn thỉu của mụ mối và Mã Giám Sinh, làm sao không khỏi đau đớn cho được.


    Nguyễn Du đã sử dụng một loạt hình ảnh ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực, để diễn tả tâm trạng của Kiều khác hẳn với đoạn miêu tả Kiều trong cuộc mua bán ở “Kim Vân Kiều truyện”, từ đầu đến cuối, Kiều tuyệt nhiên không nói một lời. Điều đó chứng tỏ sự sáng tạo của Nguyễn Du, sự am hiểu sâu sắc và thấu đáo tâm lý nhân vật của đại thi hào.


    Nguyễn Du không đưa ra một lời nhận xét, đánh giá trực tiếp nhưng qua một loạt các hình ảnh, từ ngữ miêu tả dáng vẻ, tâm trạng Kiều “Ngại ngùng dợn gió e sương…..mặt dày”, “nét buồn……..như mai” chúng ta cũng cảm nhận được sự cảm thông, xót xa cho người con gái đẹp tài hoa nhưng đã bị những thế lực hắc ám trong xã hội phong kiến (bọn buôn thịt bán người, thế lực đồng tiền) chà đạp, biến thành một món hàng giữa chợ.


    Nguyễn Du đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật chính diện và phản diện và sự am hiểu của sâu sắc tâm lý nhân vật của ông trong tác phẩm. Ông đã phơi bày một cách chân thật bản chất đê tiện, xấu xa của Mã Giám Sinh đồng thời lên án xã hội phong kiến, tố cáo gay gắt sự tàn nhẫn của đồng tiền và những kẻ xấu xa đã chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Đại thi hào Nguyễn Du có cuộc đời gắn bó sâu sắc với nhiều biến động lịch sử trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, khi mà triều đại phong kiến nước ta đang lâm vào những khủng hoảng trầm trọng. Ông từng sống và làm quan dưới triều Nguyễn, với tài học rộng, am hiểu văn hóa dân tộc, lại có dịp đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh và hiện thực cuộc sống của nhân dân. Chính những điều đó đã khơi nguồn cảm hứng cho Nguyễn Du sáng tạo ra Truyện Kiều dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là chủ nghĩa hiện thực và nhân đạo sâu sắc, cảm thông cho số phận bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, thông qua nhân vật Thúy Kiều - một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nhưng cuộc đời lắm gian truân, đau khổ. Một trong những trích đoạn khởi đầu những bất hạnh xuyên suốt cuộc đời Kiều ấy là trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều.


    Đoạn trích nằm ở đầu phần Gia biến và lưu lạc, lúc này đây cha và em trai của Thúy Kiều đều đã bị bắt giam phải có tiền chuộc mới được thả ra, nhưng khốn nỗi nhà nàng đã chẳng còn tài sản gì đáng giá. Kiều là con cả nên phải gánh vác cả gia đình, nàng quyết định bán mình làm vợ lẽ cho người khác để chuộc cha và em, làm tròn đạo hiếu. Qua mai mối có người tên Mã Giám Sinh tìm đến vấn danh.


    Kẻ tìm đến mua Kiều xem chừng cũng chẳng phải phường tốt lành, tuổi đã ngoài bốn mươi, mày râu nhẵn nhụi, dẫn theo một đám đầy tớ tìm đến, đến nơi chẳng hỏi, chẳng thưa lập tức "ngồi tót sỗ sàng" như phường chợ búa, vội vàng giục Kiều ra cho mình xem mặt. Mã Giám Sinh rõ ràng đã thể hiện ra hắn là một con người thiếu khuôn phép, lại háo sắc chắc chắn vì nghe danh nhan sắc mỹ miều của Kiều nên mới nhân dịp này tìm đến, nhằm kiếm được một mối hời. Thấy kẻ đến không lề lối như vậy Kiều ở trong nhà càng thêm đớn đau vừa đau nỗi đau nhà, lại vừa tự xót thương cho phận mình bạc bẽo.


    "Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

    Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng"


    Nguyễn Du vẫn sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng cổ điển quen thuộc để miêu tả nội tâm đớn đau của Thúy Kiều. Ở đây Thúy Kiều mang hai nỗi đau, "nỗi mình" chính là nỗi đau đớn khi mối tình với Kim Trọng buộc phải tan vỡ, là nỗi đau khi phải nhờ em gái nối duyên với chàng Kim thay mình, là nỗi đau khi phải bán thân làm vợ lẽ cho một người đáng tuổi cha chú. Thứ hai "nỗi nhà" chính là sự hoảng hốt, bất lực trước tai họa ập đến với gia đình, khiến một gia đình vốn "êm đềm trướng rủ màn che" nay cha, em thì chịu tù tội, Kiều thì phải bán thân mình lấy tiền chuộc. Với hai nỗi đau chất chồng như thế, đối với cô gái mới mười mấy tuổi như Thúy Kiều là những nỗi đau quá lớn vượt ngoài sức chịu đựng, dù cho nàng có tài trí đến mức nào thì xét cho cùng đôi vai nàng quá bé nhỏ để có thể gánh vác hết những biến cố khôn lường ấy.


    Để miêu tả sâu sắc nỗi bất hạnh của Kiều, Nguyễn Du đã đưa vào hình ảnh "lệ hoa", từ trong gian phòng của nàng ra tới phòng khách dẫu chỉ có mấy bước chân thôi, thế nhưng gót chân ngọc cất một bước, thì hàng lệ cũng theo đó mà tuôn ra. Kiều bước đi trong tâm trạng uất ức, xấu hổ và nhục nhã khôn cùng, cớ sao một cô gái như nàng nay lại chẳng khác gì món đồ, phải rời khỏi khuê phòng để cho kể sỗ sàng kia xem xét. Có lẽ phải trong hoàn cảnh của Kiều người ta mới có thể cảm nhận được nỗi đau một bước chân nặng tựa ngàn cân là như thế nào.


    "Ngại ngùng dợn gió e sương,

    Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

    Mối càng vén tóc bắt tay

    Nét buồn như cúc điệu gầy như mai."


    Kiều vốn dĩ chẳng gặp gỡ người lạ mặt bao giờ, thế mà hôm nay phải chấp nhận tủi nhục gặp một kẻ nàng còn chưa từng nghe danh, hơn nữa kẻ đó lại có phong thái tiểu nhân, thiếu lễ độ, điều này là đả kích lớn đối với Kiều. Bởi nàng vẫn đinh ninh rằng người nàng sắp gặp mặt chính là chồng tương lai của mình mà không hề biết rằng sau đó chính là bi kịch to lớn đang chờ đợi nàng. Kiều mang tâm trạng vừa đau đớn, vừa uất ức, đến khi gặp mặt thì lại mang nỗi "ngượng ngùng dợn gió e sương", ngượng ngùng ở đây không phải là tâm trạng của thiếu nữ khi gặp người khác giới, mà đó là nỗi xấu hổ, nhục nhã, là nỗi hoang mang, dao động như sóng lớn trong lòng nàng Kiều tội nghiệp. Kiều đang trong tâm trạng đau đớn nhưng vẻ đẹp tuyệt sắc của nàng vẫn được Nguyễn Du ước lệ thầm kín bằng những tạo vật thiên nhiên như "hoa", "cúc" rồi cả "mai" cốt làm sao miêu tả rõ nhất tâm trạng của một giai nhân mỹ miều trong nỗi đớn đau tột cùng cuộc đời người.


    Đến đây thôi, Kiều coi như đời nàng đã hết, đành chỉ biết buông trôi theo số phận, nào làm thơ, nào đánh đàn "Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ", nàng cũng đã chết lặng, bởi nỗi nhục nhã, nỗi đau đớn đoạn đã khiến nàng như chai lì cảm xúc. Thế nên nếu đã chấp nhận bán thân, thì sao còn có thể giữ khuôn giữ phép, đành mặt dày mày dạn khoe tài, ngã giá cũng có khác chi đâu phường ca kỹ tầm thường. Thân phận Kiều, cũng như thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa thật đớn đau và tủi hổ biết bao nhiêu, cái sắc, cái tài cũng chẳng thể cứu vớt Kiều khỏi bể khổ, thậm chí nó còn khiến nàng càng thêm nhiều nỗi bất hạnh, thương đau.


    Qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Nguyễn Du đã xuất sắc dùng những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, bút pháp ước lệ cổ điển, câu từ chọn lọc chau chuốt nhằm khắc họa rõ nét nội tâm nhân vật Kiều trước những biến cố to lớn của cuộc đời. Đó là nỗi đớn đau cho thân phận bạc mệnh, là nỗi nhục nhã, tự trọng của Kiều trong cảnh bán thân chuộc cha. Qua đó ta thấy được những tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du trong tác phẩm, đó là nỗi xót thương cho thân phận tài hoa bạc mệnh của nàng Kiều, mở rộng ra chính là nỗi thương cảm cho số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc cổ hủ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Nguyễn Du được tôn vinh không chỉ đơn thuần vì tài năng mà ở tấm lòng của ông với những kiếp sống bị đày đọa, đau khổ. Trái tim nhỏ bé của nhà văn đập bởi nhịp đập của quần chúng cần lao, để mỗi ngày sống qua, mỗi cảnh trông thấy điều khiến cho nhà thơ “thêm đau đớn lòng“. Mà dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, người đau khổ nhất trong những người đau khổ vẫn là người phụ nữ. Lòng nhân hậu của bậc thiên tài đã giúp ông hiểu sâu sắc được nỗi bất hạnh muôn đời của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thối nát, để thốt lên đầy xót xa, ai oán trong thơ của mình :


    Đau đớn thay phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


    Thuý Kiều là một trong những nhân vật có số phận như vậy. Trong Truyện Kiều của ông, nàng hiện thân cho những kiếp “hồng nhan bạc mệnh” điển hình của chế độ phong kiến xưa kia. Điều đó được thể hiện sinh động qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.


    Vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, Thuý Kiều và Thuý Vân vừa xinh đẹp tuyệt trần vừa trong trắng ngây thơ. Một buổi chiều xuân đi tảo mộ, nàng có hai cuộc gặp gỡ đầy định mệnh. Một là số phận bi kịch của Đạm Tiên như thầm dự báo trước tương lai của Kiều, cuộc gặp sau là niềm đam mê, hạnh phúc với chàng Kim Trọng tài hoa nhất bậc. Nếu không có “tai biến bất kì” thì cuộc đời cô gái “nghiêng nước nghiêng thành” này đã chẳng có trong thơ Nguyễn Du. Trước biến cố của gia đình, nàng biết chịu đựng và hi sinh khi quyết định bán mình chuộc cha. Mặc dù đau đớn vô cùng, Kiều vẫn phải rời xa gia đình, từ bỏ mối tình đầu đẹp đẽ và trong sáng với Kim Trọng để trở thành món hàng mua bán với gã con buôn đê tiện Mã Giám Sinh.


    Khi mụ mối đưa người viễn khách họ Mã tới để hỏi Kiều về làm vợ thì cuộc gặp gỡ ban đầu đã diễn ra trong đau đớn tuyệt vọng. Mã Giám Sinh xuất hiện trong buổi đến xem mặt như một kẻ bất nhân, đê tiện nhất mà chỉ ngay trong đêm hôm đó Kiều đã nhận xét với mẹ mình rất đúng về hắn:


    Khác màu kẻ quý người thanh

    Chẳng hay con lại mắc tay bợm già.


    Khó có thể hình dung ra cuộc gặp mặt nào não nề, đớn đau hơn thế! Tâm tình ngổn ngang, nỗi đau vì mối tình đầu tan vỡ, nỗi uất ức vì án oan mà cha và em trai phải chịu, nỗi xấu hổ, thẹn thùng khi bản thân lâm vào cảnh phải để người đàn ông lạ tới xem mặt. Hình ảnh nàng khi bước chân ra khỏi khuê phòng thật muôn vàn xót thương:


    Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

    Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.


    Nước mắt của nàng thấm đẫm cả trang giấy, mỗi bước đi là mỗi bước xót đau. Những giọt nước mắt của tan nát, khổ đau làm quặn thắt lòng người đọc, khiên ai cũng thương thay cho thân phận nàng Kiều. Bước vào phòng khách với vẻ dè dặt, tủi hổ của người con gái khuê các:


    Ngại ngùng dợn gió e sương

    Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.


    Hình ảnh thẹn thùng của nàng là nỗi xấu hổ của người con gái mới lớn không may rơi vào hoàn cảnh trớ trêu lại vừa là sự hổ thẹn cho thân phận bất hạnh của mình. Trước nỗi đau đớn của Kiều, Mã Giám Sinh không một chút mảy may thương cảm mà còn xem nàng như xem một món hàng cần mua ở chợ:


    Mối càng vén tóc bắt tay

    Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.


    Xem xét mọi vẻ chứa đủ, hắn còn thử tài của Kiều theo kiểu của kẻ có tiền muốn mua hàng hoá xứng đáng với đồng tiền sẽ bỏ ra: Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ. Người thiếu nữ “sắc đành đòi một tài đành hoạ hai” được tên lái buôn họ Mã “đắn đo” mãi để “cân sắc cân tài”: ước lượng để sao mua được thật rẻ “món hàng” vô giá này. Chúng ta không thể không thương xót cho Kiều khi kẻ đê tiện “cò kè”, “thêm bớt” từng tí để ngã giá mua nàng với bốn trăm lượng. Kiều đau đớn thế nào khi nghĩ gã buôn thịt bán người ti tiện nhất thế gian này lại có thể làm chồng mình? Càng tan nát lòng hơn khi trong trái tim nàng in sâu hình bóng chàng Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Bắt đầu từ đây cuộc đời nàng bước ngoặt sang một trang khác, không còn êm đềm, ngọt ngào như trước nữa.


    Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy phần nào số phận ai oán, bi thương của Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh’ mua Kiều. Đáng ra con người tài sắc “mười phân vẹn mười” này xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhất trong những người hạnh phúc, vậy mà xã hội phong kiến thối nát đã chà đạp phũ phàng khiến nàng phải gánh chịu khổ đau và bất hạnh trong mười năm đoạn trường cay đắng. Trái tim tràn đầy nhân ái, yêu thương của nhà thơ đã để cho Kiều trong khi quyết liệt đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc cho người phụ nữ nói chung thì cũng tố cáo sâu sắc cái xã hội lúc bấy giờ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là một bản cáo trạng bằng thơ, lên án xã hội phong kiến xấu xa, thể hiện nỗi đau khổ của những con người bị áp bức. Thúy Kiều là một hiện thân của những con người bị áp bức đó, nỗi đau đầu tiên của Kiều là phải bán thân, vùi dập dưới tay kẻ buôn bán người. Cụ thể nỗi đau khổ đầu tiên của Kiều được thể hiện trong đoạn trích msg mua Kiều.


    Trước bi kịch gia đình, một tai họa bất ngờ khi thằng bán tơ đã vu oan cho gia đình nàng. Cha và em của nàng bị bắt và bị đánh đập dã man, tài sản của gia đình đã bị chúng vơ vét sạch. Vốn là người con hiếu thảo, Kiều phải bán mình để chuộc cha và em, chấp nhận hi sinh tình yêu của mình vì gia đình, chấp nhận làm vợ lẽ của mgs để có tiền cứu cha và em. Đoạn trích msg mua kiều đã bộc lộ được rõ ràng tâm trạng, nỗi đau khổ của nàng trong tình cảnh đó. Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã ghi lại một cách cụ thể tâm trạng của Kiều: “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà”, đó là nỗi đau cũng là nỗi uất hận đã lên đến cao độ bởi nàng bị ép vào cảnh đường cùng.


    Gia đình chia li tan tác, tình yêu mà nàng dành cho Kim Trọng nay lại đành dở dang, mối tình đầu trong sáng đang tỏa sắc lên hương lại đành phải chia li vì cảnh ngộ gia đình. Hai nỗi niềm gia đình và tình yêu đang chồng chất và đè nặng lên đôi vai của nàng, khiến cho nàng rơi vào đau khổ, xót xa. Hình ảnh Kiểu từ trong phòng bước ra, giáp mặt với mgs trong lễ vấn danh đã cho thấy vẻ đau khổ của nàng trong mỗi bước đi: “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Với cách miêu tả có tính chất ước lệ “thềm hoa”, “lệ hoa”, câu thơ trở nên rất gợi hình và gợi cảm. Hiện lên trước mắt người đọc là một khuôn mặt với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành đang thấm đẫm nước mắt, đó là những giọt nước mắt của tủi hờn, xót xa và đau khổ. Kiều vừa thương cha, vừa thương em lại thương cho chính mình, căm tức và phẫn uất với cuộc đời ngang trái đã giáng tai họa xuống gia đình và cuộc đời nàng.


    Là một thiếu nữ con nhà gia giáo, sống trong cảnh trướng rủ màn che, vậy mà giờ đây tài sắc của nàng phải chấp nhận phơi ra cho người ta xem xét, cân đo, thử, ép, nàng vô cùng tủi thân và e thẹn. Điều đó cho thấy nàng đã ý thức rất rõ về nhân phẩm và thân phận của mình nhưng vì cảnh ngộ gia đình và bổn phận người con nàng đành cam chịu. Hình ảnh nàng Kiều lúc này giống như một chiếc bóng lặng câm và nhòe dần trước ánh sáng của đồng tiền, dù có là quốc sắc thiên hương nhưng vẫn chỉ là một món hàng không hơn không kém của bọn “buôn phấn bán hương”.


    Thông qua việc miêu tả tâm trạng của nàng Kiều, đoạn thơ đã lên án tố cáo hiên thực của xã hội lúc bấy giờ, những người phụ nữ trong xã hội ấy đã trở thành một món hàng hóa. Sức mạnh của đồng tiền đã gây ra những bất hạnh cho họ, nhà thơ đã lên án và phê phán những kẻ tàn bạo đó, đồng thời thể hiện niềm xót thương đối với nàng Kiều.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" gồm 22 câu thơ thì có 5 câu miêu tả tâm trạng của Thuý Kiều. Nếu những câu thơ nói về Mã Giám Sinh sống động bao nhiêu thì người đọc lại thấy rõ tâm trạng buồn tủi, xót xa, đau đớn, ê chề của Kiều càng thấm thía và sâu sắc bấy nhiêu.


    Kiều vốn là một tiểu thư đài các “phong lưu rất mực hồng quần”, sống êm đềm trong gia đình gia giáo. Kiều đã phải hi sinh mối tình đầu đắm say khi tai hoạ bất ngờ ập xuống gia đình để bán mình cứu cha và em.Kiều vốn là người con gái có tâm hồn nhạy cảm, hơn ai hết, nàng hiểu sâu sắc về cảnh ngộ của mình. Trước sự xuất hiện của Mã Giám Sinh và chuẩn bị cho một cuộc mua bán, Kiều cảm thấy đau xót và tủi hổ:


    Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,

    Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.

    Ngại ngừng dợn gió e sương,

    Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

    Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.


    Tâm trạng của Kiều lúc này đang ngổn ngang trăm mối giữa tình nhà và tình riêng. Kiều là một người con gái hiếu thuận, dù nàng đã quyết định “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” nhưng không được phụng dưỡng cha mẹ già Kiều vẫn thấy mình chưa làm tròn đạo con. Với chàng Kim, Kiều luôn tự nhận lỗi đã không giữ vẹn chữ tình.


    Câu thơ “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” nói lên vẻ đẹp của Kiều, vừa bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa. Những từ “thềm hoa”, “lệ hoa” là hình ảnh ước lệ, gợi nhiều hơn tả. Mỗi bước chân của Kiền đều thấm đẫm hàng nước mắt tuôn rơi, khóc cho thân phận mình.Kiều đau đớn, ê chề cho cảnh ngộ, trỏ thành món hàng cho tên họ Mã “ngã giá”, và trước những hành động buông tuồng của mụ mối:


    Mối càng vén tóc, bắt tay...

    Đắn đo cân sắc cân tài,

    Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ...


    Nàng không chỉ đau buồn, tủi hổ vì những hành động sỗ sàng của bọn buôn người mà còn tự thấy hổ thẹn với bản thân: “Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”.Người con gái đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” giờ đây ở trong một cảnh ngộ thật trớ trêu. Nỗi buồn, nỗi đau xót của Kiều được miêu tả bằng một loạt hình ảnh ước lệ: “thềm hoa”, “lệ hoa”, “buồn như cúc”, “gầy như mai”...


    Năm câu thơ đã khắc hoạ rõ nét tâm trạng đau buồn của Thuý Kiều. Nguyễn Du đã chọn những hình ảnh đẹp để miêu tả nỗi buồn nhân vật. Trong nỗi buồn tủi, xót xa về thân phận, hình ảnh Thuý Kiều vẫn rất đẹp, một vẻ đẹp khuê các.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy