Top 10 Địa điểm du lịch nổi tiếng ở thị xã Hà Tiên

Nguyễn Thế Anh 693 1 Báo lỗi

Thị xã Hà Tiên có lịch sử hình thành và khai phá gần 300 trăm năm. Ngay từ khi Mạc Cửu đặt chân đến vùng đất này, ông đã không ngừng mở mang Hà Tiên thành một ... xem thêm...

  1. Núi Tô Châu nằm ở phía Tây của đầm Đông Hồ, gồm ngọn Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu. Không phải là bức tranh phong cảnh hoàn mỹ như núi Bình San, núi Tô Châu như một cô thôn nữ với vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm nhưng ẩn chứa nét duyên thầm khiến bao người say mê. Trên là núi Tô Châu, dưới là đầm Đông Hồ xanh một màu lục biếc. Một bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp tuyệt ở Hà Tiên!

    Trên núi người dân trồng tiêu và các loại cây ăn trái cho trái ngọt quanh năm. Từ đỉnh Tô Châu có thể quan sát toàn cảnh Hà Tiên, sông Giang Thành và xa hơn nữa là khu vực Thất Sơn của An Giang.

    Núi Tô Châu hùng vĩ giữa không gian đất trời
    Núi Tô Châu hùng vĩ giữa không gian đất trời

  2. Ngoài ngọn núi Đèn ở phường Pháo Đài còn có núi Kim Dự nằm về phía Tây Bắc. Vào năm 1831, nhà Nguyễn cho xây dựng một khu pháo đài trên núi này. Vì thế ngọn núi này còn có tên là núi Pháo Đài. Sau này cũng được dùng để đặt tên cho phường Pháo Đài.

    Trên nền đất của khu pháo đài xưa bây giờ là một tòa nhà kiến trúc bề thế. Đó chính là khách sạn Pháo Đài với hệ thống phòng nghỉ tiện nghi và bể bơi hiện đại. Từ trên đỉnh núi Pháo Đài có thể vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm cảnh toàn cảnh thị xã Hà Tiên. Những khu đô thị sầm uất nằm trải dài trên bờ đầm Đông Hồ. Phía xa là cầu Tô Châu và những dãy núi trùng điệp, nối tiếp nhau.

    Thiên nhiên trên ngọn núi Pháo Đài vẫn còn hoang sơ. Thảm thực vật trên núi xanh tốt suốt bốn mùa. Đến với núi Đèn, du khách tự do tham quan những vườn cây ăn trái, vườn tiêu đang mùa cho trái.

    Tiêu được trồng phổ biến trên núi Pháo Đài
    Tiêu được trồng phổ biến trên núi Pháo Đài
  3. Về thăm Mũi Nai, du khách còn được nghe câu chuyện hấp dẫn về chú nai thần. Truyền thuyết kể rằng thuở xa xưa, vùng đất này là cõi mênh mông. Có một chú nai con thuộc giống nai thần hay ra bờ biển uống nước. Một hôm nọ, do say mê ngắm cảnh đẹp đất trời nên không kịp trở về rừng. Biển cuộn trào từng lớp sóng dữ, chú nai hoá thành đá bên mép biển khơi. Ngày nay, từ trên đỉnh núi Tà Pang nhìn xuống có thể trông thấy mỏm núi mang hình chú nai con đang uống nước.

    Bãi biển Mũi Nai gồm khu bãi trước và khu bãi sau. Bãi tắm không rộng nhưng lại êm đềm, thoai thoải, ít sóng lớn nên rất thích hợp cho du lịch gia đình có trẻ nhỏ đi cùng. Ngồi trên bờ du khách có thể ngắm toàn cảnh mặt trời lặn trên biển.

    Sau khi lăn ngụp thỏa thích trong làn nước biển trong mát, du khách có thể tự tay chọn lựa hải sản để chế biến tại chỗ. Còn gì thích thú hơn khi được thưởng thức hải sản tươi ngon giữa không gian biển trời bát ngát, hữu tình.
    Mũi Nai ngời sắc xanh giữa nắng
    Mũi Nai ngời sắc xanh giữa nắng
  4. Mắt xích quan trọng làm nên nét đẹp và sự nên thơ cho Hà Tiên là hoạt động văn chương – thi ca với hai nhà thơ lớn, tiêu biểu cho phong trào Thơ mới ở miền Nam là Đông Hồ và Mộng Tuyết. Nhà lưu niệm của đôi thi sĩ này nằm gần đầm Đông Hồ, trưng bày kỉ vật và những tác phẩm văn chương để đời.

    Đông Hồ - Mộng Tuyết và câu chuyện tình kéo dài hơn nửa thế kỷ, đẹp tựa một câu chuyện huyền thoại. Nhà thơ Huy Cận từng nói: “Trăm năm đằm thắm dòng thơ Việt Mộng Tuyết, Đông Hồ quý hiếm thay…”.

    Huyền sử đẹp của đôi bạn thơ, đôi uyên ương hồ điệp này đã trở thành câu chuyện mở đầu của nhiều buổi đàm đạo thơ văn, trà dư tửu hậu của những bậc cao niên. “ Là một bài thơ, một quả tim Là ánh hồng non, là gió lướt Là hoa xuân thắm, bóng trăng đêm ”
    Bên trong nhà lưu niệm Đông Hồ và Mộng Tuyết
    Bên trong nhà lưu niệm Đông Hồ và Mộng Tuyết
  5. Từ bến đò Cừ Đứt, nằm trên đường Đông Hồ di chuyển bằng tàu nhỏ hoặc vỏ máy là đến được đầm nước mặn Đông Hồ. Hải trình kéo dài gần 10 km, mất khoảng 20 phút là vào đến khu vực có dân cư sinh sống. Cho đến nay, đường thủy vẫn là con đường duy nhất để du khách và người dân địa phương vào được đầm Đông Hồ.

    Điều kiện tự nhiên tại đầm còn hoang sơ, tách biệt hẳn với cuộc sống hiện đại. Thế nên, loại hình du lịch sinh thái tại đây được ưa chuộng. Du khách tự thuê mướn phương tiện thủy để vào đầm, còn nếu không thì có thể khám phá cảnh đẹp đầm Đông Hồ trên những chuyến du thuyền.

    Bên cạnh tiềm năng du lịch, đầm Đông Hồ còn có giá trị sinh học cao. Với hệ sinh thái động thực vật đa dạng và độc đáo, đầm Đông Hồ là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống đầm phá ven biển Việt Nam. Hệ thống rừng ngập mặn với hơn 25 loài cây tạo thành vành đai xanh ngăn lũ, đóng trò quan trọng trong việc mở rộng đất liền và bảo vệ đê biển. Điều kiện tự nhiên hoang sơ, nguồn thức ăn dồi dào đã tạo môi trường sống cho nhiều loài động vật, đặc biệt là chim di trú.


    Hoàng hôn trên đầm Đông Hồ
    Hoàng hôn trên đầm Đông Hồ
  6. Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm cẩn đá xanh do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, có hình dáng như một con trâu đang nằm, gọi là thế tọa ngưu.Đi xuống những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá họ Mạc. Gần 40 ngôi mộ bố trí từ trên xuống theo thứ bậc và công lao. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích bên trái, mộ Mạc Tử Hoàng bên phải rồi đến mộ Mạc Thiên Tích chính giữa, giống như mộ cha nhưng bài trí khiêm nhường hơn. Nếu như Mạc Cửu có công khai phá đất Hà Tiên thì các con cháu của ông đã mở mang và phát triển Hà Tiên. Đặc biệt Mạc Thiên Tích là người mở ra Tao đàn Chiêu Anh Các, góp sức phát triển văn đàn thi ca Việt Nam.
    Một góc lăng mộ Mạc Cửu
    Một góc lăng mộ Mạc Cửu
  7. Từ chân núi Bình San chạy theo con đường nhựa chừng 5km sẽ gặp đền thờ Mạc Cửu, còn gọi là Trung Nghĩa từ hay miếu ông Lịnh. Đền thờ này do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến 1739 hoàn thành. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác, bên phải là Đại Kim Dự.

    Bên trong đền thờ có một khoảng sân rộng, tạo không gian cho khách hành hương trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông. Tại chánh điện có biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc” ghi nhận công lao mở mang bờ cõi phía Nam của dòng họ Mạc. Vào ngày 26 đến 27 tháng 5 Âm lịch hàng năm, tại đền thờ diễn ra Lễ giỗ Mạc Cửu.

    Trước cửa đền là những ao sen. Theo những người cao tuổi ở Bình San kể lại Mạc Cửu đã cho đào 3 ao nước ngọt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Sau này, khi sông Gianh Thành được nối liền với kinh Vĩnh Tế, mang nước từ sông Hậu về. Những ao nước ngọt bị bỏ hoang, làm chỗ cho sen, súng mọc lên như ngày nay.
    Đền thờ Mạc Cửu bạc màu thời gian
    Đền thờ Mạc Cửu bạc màu thời gian
  8. Hòa cùng nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và nghệ thuật, con người vùng đất Hà Tiên cũng ánh lên những nét đẹp trong chiến đấu và sản xuất.

    Vết tích chiến tranh vẫn còn lưu lại ở nhà tù Hà Tiên đặt tại trung tâm phường Đông Hồ. Nơi đây là chứng nhân lịch sử cho sự tàn khốc của thực dân Pháp đối với những người dân thuộc địa. Chính trong cảnh khắc nghiệt tù đày, ý thức đấu tranh chính trị dâng cao. Vào tháng 5 năm 1930, chi bộ Đảng cộng sản Hà Tiên đã ra đời.

    Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, quản tù Nguyễn Văn Lợi đã mở ngục cho gần 500 tù nhân ra ngoài. Trong đó có những người là những hạt giống cách mạng cho phong trào đấu tranh ở Hà Tiên sau này.
    Nhà tù Hà Tiên - chứng tích thời gian
    Nhà tù Hà Tiên - chứng tích thời gian
  9. Hai hàng cây ngọc lan tỏa bóng mát hai bên đường dẫn lên chùa. Những ngày hoa nở tỏa hương thanh khiết trong không gian u tịch, vẳng tiếng chuông chùa.

    Theo sách Đại Nam Nhất thống chí, chùa Phù Dung ban đầu có tên gọi là Phù Cừ được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 6, sau vì kỵ húy nên đổi tên thành chùa Phù Dung.

    Ngôi chùa đã sập hoàn toàn khi quân Xiêm tấn công Hà Tiên. Chùa Phù Dung ngày nay được xây trên nền đất cao với nhiều bậc cấp bằng đá xanh. Tương truyền chùa là nơi Mạc Thiên Tích xây dựng để thứ thiếp Phù Cừ tu hành. Nữ thi sĩ Mộng Tuyết viết thiên tiểu thuyết “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” và soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà sáng tác vở cài lương “Áo cưới trước cổng chùa” xuất phát từ câu chuyện tình của Mạc Thiên Tích và nàng Phù Cừ.
    Có rất nhiều truyền tích gắn với chùa Phù Dung
    Có rất nhiều truyền tích gắn với chùa Phù Dung
  10. Núi Bình San nằm cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 1 km về hướng Tây Bắc. Ngọn núi vừa là điểm du lịch hấp dẫn, vừa là nơi lưu lại vết tích của Mạc gia. Đúng như tên gọi “Bình San điệp thúy”, núi Bình San tựa như một tấm bình phong vững chãi, cây cối xanh tốt bốn mùa.

    Từ trên đỉnh núi có thể thấy toàn cảnh Hà Tiên đẹp như tranh. Nhìn về phía Bắc là núi Pháo Đài, Bãi Cầu với những khu đô thị lấn biển. Quay về phía Nam có núi Thạch Động và thắng cảnh mũi Nai. Ngó về hướng Đông là cửa biển Đông Hồ với những ngôi nhà khang trang, chạy dọc hai bên bờ. Trên đỉnh núi Bình San còn lưu lại vết tích nền Xuyên Sơn và nền Xã Tắc. Tục truyền vào thời Mạc Thiên Tích, hàng năm cứ đến ngày 9 tháng Giêng là diễn ra lễ tế trời, thần sông núi tại nền Xuyên Sơn và tế chiến sỹ trận vong tại nền Xã Tắc.
    Núi Bình San nhìn từ xa
    Núi Bình San nhìn từ xa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy