Bài nghị luận xã hội về chiến tranh và hòa bình số 4

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Quân xâm lược bành trướng dã man

Đã giày xéo mảnh đất tiền phương..."


Ti vi chiếu hình ảnh những năm tháng hào hùng đã qua của lịch sử dân tộc Việt Nam, giai điệu bài hát "Chiến đấu vì độc lập tự do" vang lên dồn dập, linh thiêng vô cùng. Làm sao tôi có thể hiểu hết những gian khổ mà chiến tranh đã gây ra khi đang sống hạnh phúc tận hưởng nền hòa bình, độc lập? Tôi chợt giật mình nghĩ về chiến tranh - hòa bình, phải chăng giữa chúng có một sợi dây vô hình nào đó kết nối?


Ngày bé vẫn cứ hay hỏi mẹ, chiến tranh là gì, mẹ tôi khi ấy chỉ nói lớn lên con sẽ biết. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết về chiến tranh, tra từ điển nhưng cốt lõi rút ra được rằng, chiến tranh chính "là sự tiếp tục của chính trị bằng bạo lực giữa các tập đoàn xã hội trong một nước hoặc giữa các nước hay liên minh các nước với nhau. Đặc trưng của chiến tranh là đấu tranh vũ trang có tổ chức, theo những quy tắc nhất định và thường kết hợp với các hình thức đấu tranh khác". Không chỉ dừng lại ở đó, riêng tôi chiến tranh còn là nỗi ám ánh ghê sợ của một thời máu lửa, chồng chéo đau thương và là thứ đã cướp đi sự sống của bao con người. Tôi chẳng thích chiến tranh nhưng nếu không có chiến tranh sẽ không thể có hòa bình. Hòa bình "là trạng thái xã hội không có chiến tranh, không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc các nhóm chính trị, xã hội . Hòa bình đối ngược với chiến tranh. Trong xã hội có nhiều chính đang, hòa bình cũng được mô tả bởi mối quan hệ giữa các đảng phái trong sự tôn trọng lẫn nhau và theo công lý . Nhìn chung hòa bình thường không liên tục, luôn bị gián đoạn bởi các cuộc chiến tranh". Thế hệ chúng tôi sinh ra đã được sống trong hòa bình, được hưởng nền độc lập, tự do, được làm những điều mình thích, được sống đúng quyền của mình. Và đặc biệt hòa bình chính là cảm giác bình yên, không có đau thương, mất mát. Đọc báo, xem tin tức, đọc sách tôi vẫn hay thấy những bài viết về chiến tranh hay hòa bình và đôi khi tôi cũng tự hỏi tại sao cứ phải có chiến tranh khi con người sống yêu thương có phải sẽ tốt hơn không?


Chiến tranh bùng nổ khi giới hạn của tình thương đạt đến đỉnh điểm không thể níu giữ được nữa. Chúng ta biết nhân loại đã trải qua bao cuộc chiến đẫm máu là Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Chiến tranh thế giới thứ Hai ở thế kỉ XX. Dù đã sang thế kỉ XXI nhưng tàn dư của nó vẫn còn lại ít nhiều. Chẳng kể đến khi học lịch sử, ta đều đã thấy sức tàn phá của nó nặng nề như thế nào, hàng nghìn quả bom bị ném vào cả triệu con người vô tội. Nhật Bản sau chiến tranh mất nhiều năm để gây dựng lại đất nước, những quốc gia thua cuộc lâm vào khủng hoảng. Khắp nơi nơi trên thế giới rơi vào cảnh không nhà, không người thân, lâm vào khốn cùng. Không cần đi xa ra thế giới, quay về Việt Nam, lịch sử Việt Nam từng trải qua biết bao cuộc xâm lược, đấu tranh để đổi lấy nền độc lập ngày hôm nay. Chiến tranh, bao thanh niên phải lên đường từ giả mẹ già, con thơ để ra chiến trường, đi mà không biết ngày về:


"Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

(Tây Tiến - Quang Dũng)


Ngày nay nhìn những ngôi mộ liệt sĩ nằm dài theo dọc miền đất nước ta không khỏi xót xa và căm hận chiến tranh. Không chỉ để lại đau thương cho những con người thời chiến ngày ấy. Mà đến bây giờ khi đã sống giữa thời bình những ám ảnh về năm tháng bom đạn vẫn không ngừng ẩn hiện trong giấc mơ người lính. Có người lính già bao năm chinh chiến, ngày trở về vợ, con không nhận ra. Hay nhiễm trong mình chất độc màu da cam, di truyền cho bao thế hệ con cháu trong gia đình. Có thể nói tàn dư mà chiến tranh để lại ta chẳng thể đếm hết được bằng những con số. Thời gian dường như phai mờ tất cả nhưng những hồi ức về chiến tranh, chiến trường cứ mãi ăn sâu vào tâm trí bao người. Chung quy, chiến tranh bùng nổ cũng bởi sự ích kỉ của con người, ham mê lợi ích trước mắt mà đem lầm than gieo vào đầu người dân vô tội. Tất yếu chiến tranh có cuộc chiến phi nghĩa và cuộc chiến chính nghĩa. Nếu chiến tranh vì bảo vệ chính nghĩa, những điều đúng đắn được cả thế giới ủng hộ nhằm đổi lấy hòa bình thì ta có thể chấp nhận đánh đổi. Nhưng cũng có những cuộc chiến tranh phi nghĩa chỉ vì tranh giành đất đai, quyền lực mà đem tính mạng của quân dân nướng trên ngọn lửa hung tàn. Những cuộc chiến đó cần được lên án và sớm ngăn chặn.


Muốn hòa bình phải chấm dứt chiến tranh. Đúng là như vậy! Chỉ khi chiến tranh qua đi, hòa bình mới được lập lại. Ngày nay chúng ta được sống trong hòa bình. Hằng năm đến ngày 21 tháng 9 "Chuông Hòa bình " ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc bắt đầu ngân vang báo hiệu. Chuông này được đúc từ các đồng tiền kim loại quyên góp của các trẻ em từ khắp các châu lục ngoại trừ châu Phi . Đó là món quà tặng của "Hiệp hội Liên Hiệp Quốc" của Nhật bản, và được coi như "một lời nhắc nhở về phí tổn nhân mạng cho chiến tranh". Các chữ khắc ghi trên mặt chuông như sau: "Vạn tuế hòa bình tuyệt đối trên thế giới". Hay các cuộc thi dành cho thiếu nhi về hòa bình cũng được mở rộng hơn để các bạn nhỏ năm châu có thể hiểu và trân trọng nền hòa bình hiện tại đang có. Hoặc giải Nobel Hòa Bình năm nào cũng tìm được chủ nhân xứng đáng có công lao trong việc giữ gìn hòa bình dân tộc, quốc gia và toàn thế giới. Tuy nhiên ta thấy, theo thống kê năm 2018 nền hòa bình thế giới trong vòng mười năm nay đang bị đe dọa bởi các cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi. Tôi từng đọc được một thông tin, xin được trích dẫn như sau: "Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) do IEP công bố cho thấy nền hòa bình tại 92 quốc gia suy giảm trong năm ngoái, trong khi chỉ cải thiện tại 71 quốc gia. Ông Killelea cho biết xu hướng đáng lo ngại này đã tiếp tục năm thứ tư liên tiếp. Theo chỉ số GPI vừa công bố, Iceland tiếp tục là quốc gia hòa bình nhất thế giới, tiếp theo là New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch. Trong khi đó, 5 quốc gia ít bình yên nhất thế giới là Somalia, Iraq, Nam Sudan, Afghanistan và Syria. Việt Nam xếp hạng 60 trong tổng số 163 quốc gia, không thay đổi so với năm ngoái, với phân loại hòa bình ở mức "cao". Theo tính toán của IEP, bạo lực làm thiệt hại 14.800 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong năm 2017, tương đương gần 2.000 USD trên đầu người. Cũng theo nghiên cứu của IEP, nếu những quốc gia kém hòa bình nhất như Syria, Nam Sudan và Iraq trở nên bình yên như Iceland hay New Zealand, nền kinh tế các nước này sẽ có thêm 2.000 USD trên đầu người". Qua đây, ta có thể thấy thế giới luôn quan tâm đến hòa bình và không ngừng tìm cách để giữ vững nền hòa bình cho nhân loại. Mỗi người dân chúng ta đều mong muốn một cuộc sống ấm no, không lo nghĩ, không khói lửa chiến tranh. Vậy hãy cùng chung tay để gìn giữ niềm hạnh phúc tự do đang có. Hãy để tiếng nói hòa bình từ trái tim được lan rộng khắp nơi, để mọi nơi đều có thể chấm dứt xung đột, bạo lực, trả lại bầu không khí trong lành cho cuộc sống.


"Hãy cho em bình yên chỉ một phút thôi

Hãy cho em bình yên để được đến trường

Đừng gieo bao sầu đau

Đừng gây thêm niềm đau chia li

Hát vang lên bài ca chung một tấm lòng

Hát vang lên bài ca xóa đi hận thù

Cùng nhau đem hòa bình

Cùng nhau đem niềm vui thần tiên (cho em)"


Lời bài hát ấy chính là lời tôi muốn nhắn gửi đến tất cả. Đừng để chiến tranh xâm lấn nền hòa bình thế giới. Đừng để hận thù đem theo chia li cuốn đi sự bình yên vốn có. Ta chẳng thể phủ nhận đôi khi cần có đấu tranh để đổi lấy hòa bình. Nhưng xin hãy nhớ chiến tranh chỉ là kẻ thủ ác gieo rắc đau thương, hòa bình mới là niềm hy vọng, là khát khao của cả nhân loại.


Hòa bình - chiến tranh hai trạng thái tưởng như tách biệt nhưng vô hình lại gắn kết với nhau. Ở mỗi giai đoạn cúng ta sẽ có những cách nhìn khác nhau về chúng. Là những chủ nhân tương lai, những thế hệ trẻ đang tiếp bước cha anh, chúng ta hãy cùng nhau lan tỏ yêu thương để góp phần xua tan đi bóng tối của chiến tranh để nguồn sáng hòa bình sẽ rực rỡ mãi trên thế gian...

Chiến tranh và hòa bình
Chiến tranh và hòa bình
Chiến tranh và hòa bình
Chiến tranh và hòa bình

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy