Bài phát biểu tọa đàm ngày 27/7 (số 2)

Kính thưa:

Các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, đại diện các gia đình có công với nước;

Các bác, các cô chú lão thành cách mạng;

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;

Các vị đại biểu và các đồng chí.


Hôm nay, cùng với cả nước long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/20...), với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự thống nhất của Tổ quốc. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh ..., tôi xin gửi đến các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ, các gia đình có công với đất nước những tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất.


Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,


Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc, xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu.


Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Với Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đánh đổ ách thực dân, giải phóng một nửa giang sơn. Và với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.


Trong khi những vết thương nặng nề của hai cuộc chiến tranh xâm lược chưa kịp hàn gắn, Nhân dân ta lại phải chịu đựng những hy sinh, tổn thất mới bởi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Và ngay trong xây dựng hoà bình, vẫn có những người con của dân tộc phải hy sinh hoặc chịu đựng thương tật để bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển của đất nước.


Chúng ta trân trọng tri ân hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, mà phần lớn là thanh niên, đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi …, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.


Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị và mang tính nhân văn sâu sắc của đất nước ta.


Cũng ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, trong muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban bố Sắc lệnh số 20/SL, ngày 26/02/1947 về chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên xem xét, bổ sung chính sách ưu đãi đối với người có công với nước. Chính sách đó được chế định thành pháp luật, được ghi trong Hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều chính sách ưu đãi khác.


Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,


Cùng với cả nước, lịch sử của Đảng bộ tỉnh... cũng là một lịch sử hào hùng gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ trên một địa bàn biên giới, dân tộc, tôn giáo rất phức tạp như tỉnh ta đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu, thể hiện đầy đủ và sinh động sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ cũng như tinh thần yêu nước cao độ của quân và dân .... Chính trong cuộc kháng chiến này, quê hương... đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú,...


Đảng bộ và Nhân dân ... rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương; mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình người có công với đất nước.


Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng cao nhất để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng. Nhằm mong muốn bù đắp phần nào cho những hy sinh, mất mát của người có công và gia đình người có công trong tỉnh, với nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm nhân ái như: Đóng góp cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi… trở thành những việc làm thường xuyên của toàn xã hội.


Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,


Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập tự do của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của tất cả mọi người, của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.


Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn, nhưng vẫn chưa thể nào bù đắp được những đau thương, mất mát, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của người có công. Chúng ta chưa thể yên lòng khi còn những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công cuộc sống còn nhiều khó khăn; việc chăm sóc sức khoẻ khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương chiến tranh gây ra, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm cho con cháu của người có công chưa được chu đáo; vẫn còn những người, những gia đình có công chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta; và đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, đang để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta.


Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,


Trải qua chặng đường XX năm (1947 - 20XX), công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Việc tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là dịp để tổng kết đánh giá hiệu quả công tác quan trọng này của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân kiểm điểm công tác, đúc rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến của gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; động viên mọi người khắc phục khó khăn, vượt lên làm chủ cuộc sống; khơi dậy và phát huy tiềm năng to lớn của xã hội để chăm sóc tốt hơn nữa các đối tượng chính sách xã hội.


Đạo lý của dân tộc và ân nghĩa đối với người đi trước, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh phải tiếp tục làm nhiều hơn, tốt hơn đối với việc chăm lo cho người có công. Mỗi người chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ này bằng ý thức tự giác, bằng cả tấm lòng như đối với người thân của chính mình. Phải làm sao từng bước để người có công tỉnh nhà được no ấm về vật chất, yên vui về tinh thần, con cháu người có công được phát triển toàn diện, xứng đáng với công lao của cha ông và sự phấn đấu của bản thân họ. Chăm lo cho người có công chính là việc làm để tôn tạo truyền thống quý báu của dân tộc; chăm lo cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.


Cuối cùng, xin kính chúc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh các thời kỳ cùng toàn thể quý đại biểu có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.


Chúc cho buổi họp mặt hôm nay thật nhiều ý nghĩa! Xin trân trọng cảm ơn!

Bài phát biểu tọa đàm ngày 27/7 (số 2)
Bài phát biểu tọa đàm ngày 27/7 (số 2)
Bài phát biểu tọa đàm ngày 27/7 (số 2)
Bài phát biểu tọa đàm ngày 27/7 (số 2)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy