Bài soạn "Bến quê" số 6
Câu 1. Truyện ngắn Bến quê tập trung vào một tình huống khá đặc biệt, đó là tình huống nào ? Hãy chỉ ra những nghịch lí trong tình huống ấy và nêu ý nghĩa của nó.
Trả lời:
Tình huống truyện chính là cảnh ngộ éo le, ngặt nghèo của nhân vật Nhĩ trong những ngày cuối đời. Là một người từng đi khắp mọi nơi trên trái đất, không thiếu một xó xỉnh nào, vậy mà đến cuối đời Nhĩ lại bị buộc chặt trên giường bởi một căn bệnh quái ác khiến anh gần như liệt toàn thân, và sự sống của Nhĩ đã gần như cạn kiệt. Khai thác tình huống này, tác giả phát hiện và nhấn mạnh vào những điều nghịch lí trong cảnh ngộ của nhân vật : Là người từng đi khắp thế giới, nhưng Nhĩ lại chưa từng đặt chân lên cái bãi bồi màu mỡ ngay bên kia sông ; từng bay những chuyến bay vượt nửa vòng trái đất, nhưng nay lại không thể nhích thân mình dịch chuyển vài mươi phân trên giường bệnh ; đứa con trai mà anh nhờ thay mình thực hiện điều khao khát là đặt chân lên bờ bãi bên kia sông thì lại mải mê sa vào một đám chơi phá cờ thế trên hè phố, có thể lỡ mất chuyến đò duy nhất trong ngày.
Đưa ra những nghịch lí ấy, nhà văn muốn phát hiện những quy luật của đời sống và chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời con người.
Câu 2. Phân tích bức tranh thiên nhiên được miêu tả ở phần đầu của truyện (từ “Ngoài cửa sổ” đến “ngay trước cửa sổ nhà mình"). Chú ý : Bức tranh ấy được miêu tả qua cái nhìn của ai ? Đường nét, màu sắc của cảnh vật được miêu tả tinh tế, gợi cảm như thế nào và gợi ra tâm trạng gì của người quan sát ?
Trả lời:
Cảnh vật được miêu tả theo cái nhìn của Nhĩ, từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu và bề rộng : từ những bông bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu, vòm trời và sau cùng là bãi bồi bên kia sông.
Cảnh vật thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, qua cái nhìn của Nhĩ, hiện ra với vẻ đẹp riêng và chỉ có thể cảm nhận được bằng những cảm xúc tinh tế. Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn ; con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra ; vòm trời như cao hơn. Không gian và những cảnh sắc vốn quen thuộc, gần gũi, nhưng lại như rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó. Cái nhìn ấy thể hiện niềm tha thiết với cuộc sống, với vẻ đẹp bình dị mà sâu xa của thiên nhiên, của quê hương ở nhân vật Nhĩ.
Câu 3. Em hiểu như thế nào về ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh và chi tiết sau trong truyện : bãi phù sa màu mỡ bên kia sông, bờ đất lở dốc đứng ở bên này sông, đứa con trai của Nhĩ sa vào đám chơi phá cờ thế bên hè phố ?
Trả lời:
Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang hai lớp nghĩa : nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Muốn hiểu được nghĩa biểu tượng thì cần đặt hình ảnh, chi tiết trong mối liên hệ với chỉnh thể tác phẩm, đặc biệt là với chủ đề và tư tưởng của truyện, rộng ra còn phải liên hệ với các biểu tượng gần gũi đã có trong văn học, trong văn hoá.
Ví dụ, hình ảnh bãi bồi bên kia sông trong truyện có liên quan mật thiết với nhan đề tác phẩm Bến quê, mang ý nghĩa biểu tượng cho những vẻ đẹp và giá trị gần gũi, giản dị mà sâu xa, bền chặt của quê hương, của cuộc sống bình dị và vĩnh hằng. Hình ảnh bờ đất lở dựng đứng và tiếng những tảng đất lở đêm đêm đổ ụp xuống lòng sông gợi ý nghĩa biểu tượng về sự bất trắc trong cuộc đời con người và sự sống mong manh, ngắn ngủi của Nhĩ trong những ngày ít ỏi còn lại.
(Em tự phát hiện ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh, chi tiết còn lại.)
Câu 4. Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với một vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩa của các chi tiết đó.
Trả lời:
Em đọc lại đoạn kết của truyện để nhận ra sự khác thường và thái độ vội vã, khẩn thiết của nhân vật Nhĩ thể hiện trong tư thế, hành động. Hành động của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng, thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Nhưng hình ảnh này còn gợi ra ý nghĩa khái quát hơn. Đó là ý muốn thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo, chùng chình để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.
Câu 5. Truyện Bến quê chứa đựng những suy ngẫm, triết lí gì của tác giả về con người và cuộc đời ? Hãy nêu cảm nghĩ của em về những điều nhà văn suy ngẫm, triết lí.
Trả lời:
Truyện ngắn này chứa đựng nhiều suy ngẫm, triết lí của Nguyễn Minh Châu về đời người, là kết quả của sự chiêm nghiệm thấm thìa, sâu sắc của tác giả. Có thể nêu một số ý sau :
- Cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, những nghịch lí ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của mỗi con người.
- Cuộc đời con người thường khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình, nhất là khi còn trẻ. Chỉ đến khi đã từng trải hoặc ở một cảnh ngộ khác thường nào đó, người ta mới nhận thức được những giá trị đích thực của cuộc sống, những giá trị ấy thường giản dị và bền vững, lại ở gần gũi quanh ta. Nhưng thường thì khi nhận thức được điều đó, con người lại không còn mấy thời gian và sức lực để đạt tới nó.
(Em có thể phát hiện thêm những triết lí khác trong truyện. Em cần nêu cảm nghĩ về những suy ngẫm, triết lí của tác giả một cách chân thực, tự nhiên.)
Câu 6. Em hiểu như thế nào về tên truyện Bến quê, khi đối chiếu với nội dung thiên truyện ?
Trả lời:
Đối chiếu với nội dung truyện, tên truyện Bến quê có thể gợi ra nhiều ý nghĩa, chẳng hạn như:
- Quê hương, gia đình là nơi lưu giữ những vẻ đẹp, những giá trị bền vững, sâu xa, là chỗ dựa, bến đỗ bình yên cho cuộc đời mỗi con người, dù có bôn ba đi khắp mọi phương trời.
- “Bến quê” không chỉ mang ý nghĩa cụ thể về không gian thân thuộc của quê hương, mà còn là biểu tượng cho những giá trị gần gũi, vững bền, thân thuộc và giản dị đối với mỗi con người, mà nhiều khi người ta thường vô tình bỏ qua, không biết trân trọng nó.