Bài soạn "Con hổ có nghĩa" số 2

Trả lời câu 1 (trang 144 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Văn bản Con hổ có nghĩa thuộc thể văn gì? Có mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?

Lời giải chi tiết:

- Văn bản Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện trung đại.

- Có thể chia truyện thành hai đoạn:

+ Đoạn 1: từ đầu đến "... bà mới sống qua được" ⟶ Truyện con hổ và bà đỡ họ Trần ở huyện Đông Triều.

+ Đoạn 2: còn lại ⟶ Truyện con hổ và bác tiều Mỗ ở Lạng Giang.


Trả lời câu 2 (trang 144 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Với văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp gì? Tại sao lại dựng lên truyện "Con hổ có nghĩa" mà không phải "con người có nghĩa"?

Lời giải chi tiết:

- Trong văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp nhân hoá, làm cho hình tượng con hổ như một con người, không chỉ biết đền ơn đáp nghĩa với người làm ơn cho mình mà còn mang nhiều tính người đáng quý: hết lòng với hổ cái trong lúc sinh đẻ, vui mừng khi có con...

- Nếu người viết dùng con người để nói về cái nghĩa thì chắc chắn ý nghĩa giáo dục của truyện sẽ giảm đi phần sâu sắc. Hổ là một con vật nổi tiếng hung dữ, tàn bạo nhưng nó vẫn có nghĩa thì huống hồ gì con người?


Trả lời câu 3 (trang 144 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Chuyện gì đã xảy ra giữa bà đỡ họ Trần và con hổ thứ nhất và giữa bác tiều với con hổ thứ hai? Trong mỗi chuyện, chi tiết nào em cho là thú vị? Chuyện con hổ với bác tiều so với chuyện con hổ với bà đỡ họ Trần có thêm ý nghĩa gì?

Lời giải chi tiết:

* Con hổ thứ nhất với bà đỡ họ Trần:

- Hổ xông đến cõng bà đỡ Trần đến đỡ đẻ cho hổ cái và sau khi được bà đỡ Trần giúp đỡ, đã đền ơn bằng cách tặng bà một cục bạc để bà sống qua năm mất mùa đói kém.

* Con hổ thứ hai với bác tiều:

- Hổ bị hóc xương được bác tiều móc xương cứu sống. Hổ đền ơn đáp nghĩa bác tiều. Bác tiều qua đời, hổ còn đến bên quan tài tỏ lòng thương xót và sau đó, mỗi dịp giỗ bác tiều, hổ lại đem dê hoặc lợn đến tế.

* Trong mỗi truyện, các chi tiết kể chuyện hổ đền ơn con người đều thú vị đốì với người đọc.

* Việc trả nghĩa của con hổ sau có sự nâng cấp so với con hổ trước. Hổ trước đền ơn một lần là xong; hổ sau đền ơn mãi mãi, lúc ân nhân còn sống và cả lúc ân nhân đã mất.


Trả lời câu 4 (trang 144 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích điều gì cần có trong cuộc sống con người?

Lời giải chi tiết:

Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích ân nghĩa trong đạo làm người.


Luyện tập

Kể về một con chó có nghĩa.

Có thể kể theo cốt truyện sau đây:

- Giới thiệu về con chó (tên con chó, nó được bố mẹ em mua về hay ai mang cho hoặc nó là con chó của ai mà em được biết chẳng hạn,...).

- Kể về hành động “có nghĩa” của con chó mà em từng được chứng kiến hoặc nghe kể lại. Ví dụ:

+ Cứu cô (cậu chủ) khỏi bọn bắt cóc trẻ em.

+ Bảo vệ tài sản gia đình...

- Suy nghĩ về tình cảm của những con vật đang sống quanh ta.


Tác giả

1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, thời trung đại (thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX), thể loại truyện văn xuôi chữ Hán đã ra đời có nội dung phong phú và thường mang tính chất giáo huấn, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại.

2. Truyện trung đại Việt Nam vừa có loại truyện hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật) vừa có loại truyện gần với kí (ghi chép sự việc), với sử (ghi chép chuyện thật); cốt truyện hầu hết còn đơn giản; nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật (1)

3. Tác giả Vũ Trinh (1759 – 1828) có tên tự là Duy Chu, hiệu là Lai Sơn, Nguyên Hanh, Lan Trì ngư giả; người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Hương cống năm 17 tuổi, làm quan dưới triều Lê. Khi nhà Nguyễn lên ngôi, ông được triệu ra làm quan, từng được phong chức Thị trung học sĩ, Hữu tham tri bộ Hình, có thời kì bị Gia Long đày vào Quảng Nam.


Tóm tắt

Truyện Con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện về loài hổ.

Truyện thứ nhất: Một bà đỡ họ Trần người huyện Đông Triều một đêm nọ được hổ cõng vào rừng. Đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Nhờ có cục bạc của hổ mà bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

Truyện thứ hai: Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.


Nội dung chính:

Truyện đề cao lối sống nghĩa tình trong cuộc sống. Thấy khó thì giúp, có ơn phải đền.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy