Bài soạn "Danh từ" số 3

I. Đặc điểm của danh từ

Câu 1 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Dựa vào những kiến thức đã học ở bậc Tiểu học, hãy xác định danh từ trong cụm danh từ in đậm dưới đây:

Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con […].

(Em bé thông minh)

Trả lời

Danh từ trong cụm từ in đậm là: Con trâu.


Câu 2 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Xung quanh danh từ trong cụm danh từ nói trên có những từ nào?

Trả lời

Trong cụm danh từ đã nêu, đứng trước danh từ trung tâm là từ “ba” (một số từ, có tác dụng chỉ số lượng), đứng sau danh từ trung tâm là từ “ấy” (phụ từ chỉ định, có tác dụng giúp xác định rõ sự vật, hiện tượng được gọi tên).


Câu 3 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Tìm thêm các danh từ khác trong câu đã dẫn.

Trả lời

Các danh từ khác trong câu đã dẫn:

– Danh từ chỉ người như: vua.

– Danh từ chỉ vật như: làng, thúng, con, gạo nếp, trâu.


Câu 4 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Danh từ biểu thị những gì?

Trả lời

Danh từ là những từ thường dùng để chỉ người, chỉ vật, hiện tượng, khái niệm,… Ở đây, danh từ là để gọi tên hoặc nêu lên tính chất về sự vật và sự việc đó.


Câu 5 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Đặt câu với các danh từ em mới tìm được.

Trả lời

Làng em có mái đình cổ kính.

Mẹ phải bán đi ba thúng thóc mới đủ tiền mua sách vở cho em.

Con cóc là cậu ông trời.

Gạo nếp dùng để gói bánh chưng.

Trên đồng ruộng, con trâu đang đi cày.


II. Danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật

Câu 1 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Nghĩa của các danh từ in đậm dưới đây có gì khác các danh từ đứng sau?

– ba con trâu (in đậm từ con)

– một viên quan (in đậm từ viên)

– ba thúng gạo (in đậm từ thúng)

– sáu tạ thóc (in đậm từ tạ)

Trả lời

Nghĩa của các danh từ in đậm là chỉ đơn vị, nên tên đơn vị dùng để tính đếm, đo lường sự vật.


Câu 2 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Thử thay thế các danh từ in đậm nói trên bằng những từ khác rồi rút ra nhận xét: Trường hợp nào đơn vị tính đếm, đo lường thay đổi? Trường hợp nào đơn vị tính đếm, đo lường không thay đổi? Vì sao?

Trả lời

Thay ba con trâu bằng ba chú trâu, một viên quan bằng một ông quan thì ý nghĩa về số lượng không thay đổi.

Thay ba thúng gạo bằng ba bơ gạo, sáu tạ thóc bằng sáu yến thóc thì ý nghĩa về số lượng thay đổi.

Các danh từ kiểu con, viên, chú, ông – không làm thay đổi ý nghĩa về tính đếm, đo lường của cụm danh từ – được gọi là danh từ chỉ đơn vị tự nhiên. Các danh từ kiểu thúng, bơ, tạ, yến – có làm thay đổi ý nghĩa về tính đếm, đo lường – được gọi là danh từ chỉ đơn vị quy ước.


Câu 3 trang 86 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Vì sao có thể nói Nhà có ba thúng gạo rất đầy, nhưng không thể nói nhà có sáu tạ thóc rất nặng?

Trả lời

Câu (1) đúng, câu (2) sai.

Câu (2) sai, vì: “tạ” là đơn vị cân chính xác nên không thể dùng với ý nghĩa đánh giá (rất nặng) được. Đã là tạ thì dĩ nhiên là nặng. Còn “thúng” là từ chỉ đơn vị tính đếm ước chừng thì có thể dùng với ý nghĩa đánh giá (đầy) được.


Luyện tập

Câu 1 trang 87 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Liệt kê một số danh từ chỉ sự vật mà em biết. Đặt câu với một trong các danh từ ấy.

Trả lời

Một số danh từ chỉ sự vật mà em biết: xe máy, sách, bút, bàn học,…

Đặt câu:

– Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam

– Sách là người bạn của con người.

– Mẹ mua cho em một cây bút mới.

– Bàn học của em luôn luôn ngăn nắp.


Câu 2 trang 87 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Liệt kê các loại từ:

a) Chuyên đứng trước danh từ chỉ người, ví dụ: ông, vị, cô,…

b) Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật, ví dụ: cái, bức tấm,…

Trả lời

Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên chuyên đứng trước danh từ chỉ người: viên, ngài, cu, bé,… ( Bé An đang chơi với bà ngoại ở trong nhà.)

Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: chiếc, quyển, quả,… ( Chiếc thuyền chao đảo vì sóng lớn.)


Câu 3 trang 87 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Liệt kê các danh từ:

a) Chỉ đơn vị quy ước chính xác, ví dụ: mét, lít, ki-lo-gam,…

b) Chỉ đơn vị quy ước chừng, ví dụ: nắm, mớ, đàn,…

Trả lời

Danh từ chỉ đơn vị quy ước chính xác: ki-lô-mét, yến, lạng,…

Danh từ chỉ đơn vị quy ước ước chừng: Bầy, nhúm, khoảnh, rổ, bó, …

– Đặt câu:

Hà Nội cách Nam Định khoảng 90 ki-lô-mét.

Từng bó lúa đã được xếp cẩn thận để chuyển về nhà.


Câu 4 trang 87 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Chính tả (nghe – viết): Cây bút thần (từ đầu đến dày đặc các hình vẽ).

Trả lời

Các em nghe và viết theo lời đọc của thầy cô giáo: Câu truyện cây bút thần (từ đầu đến dày đặc các hình vẽ).

Câu 5 trang 87 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Lập danh sách các danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong bài chính tả trên.

Trả lời

- Các danh từ chỉ đơn vị: em, que, con, bức, các, …

- Các danh từ chỉ sự vật: cha mẹ, bút, núi, củi, đất, cỏ, sông, hình vẽ, …


Tóm tắt kiến thức lí thuyết về danh từ

1. Đặc điểm của danh từ

- Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

- Danh từ có thể kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ này, ấy, đó,... ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.

- Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là chủ ngữ.

- Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ là đứng trước.


2. Danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật

- Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn là danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật.

- Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính đến, đo lường sự vật. Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

- Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm là:

+ Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên (còn gọi là loại từ);

+ Danh từ chỉ đơn vị quy ước:

Danh từ chỉ đơn vị chính xác;
Danh từ chỉ đơn vị ước chừng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy