Bài soạn "Kiều ở lầu Ngưng Bích" số 4

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Kiều ở lầu Ngưng Bích là một đoạn miêu tả nhân vật thành công trong Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1 (Trang 95 SGK) Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu

Bài làm:
Đặc điểm không gian và thời gian trước lầu Ngưng Bích
Không gian: lầu Ngưng Bích được mở ra rất nhiều chiều theo cái nhìn của nhân vật từ trên cao xuống.
Chiều cao: trên trời vầng trăng vằng vặc, trăng như gần hơn và với nàng bây giờ chỉ có trăng là bầu bạn.
Chiều rộng: không gian bao la bát ngát, chỉ có những cồn cát im lìm vắng lặng bụi tung mờ mịt, những dãy núi trùng điệp nhấp nhô ẩn trong sương mờ. Không gian mênh mông, hoang vắng, rợn ngợp cô đơn không một bóng người.
Thời gian: từ sáng (mây sớm) đến đêm khuya (đèn khuya) chỉ có một mình nàng thui thủi cô đơn, bẽ bàng thương thân, tủi phận.
Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Kiều đang ở trong hoàn cảnh trơ trợ bị giam hãm, mất tự do, cô độc giữa lầu Ngưng Bích hoang vắng. Tâm trạng của nàng trống trải, cô đơn, ngao ngán thật tội nghiệp…. (những từ ngữ diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy : bẽ bàng, như chia tấm lòng…). Có thể nói nàng đã rơi vào hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối. Cảnh lầu Ngưng Bích rất hữu tình thơ mộng, nhưng hoang vắng rợn ngợp thiếu hơi ấm con người, đúng như tên gọi của nó, khoá xuân nơi giam hãm tuổi xuân của con người.


Câu 2 (Trang 95 SGK) Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
a.Trong cảnh ngộ của mình nàng nhớ tới những ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nỗi nhớ có hợp lí không?b. Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó.c. Em có nhận xét gì về tấm lòng của Thuỷ Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?
Bài làm:
a. Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều. Đầu tiên Kiều nhớ tới Kim Trọng. Trong xã hội phong kiến đề cao chữ hiếu, thế nhưng ở đây Nguyễn Du lại để cho Thuý Kiều nhớ Kim Trọng trước khi nhớ về cha mẹ, điều đó có lí do của nó. Với cha mẹ dẫu sao nàng cũng mới gặp gỡ trước lúc lên đường về với Mã Giám Sinh, thứ nữa hành động bán mình để lấy tiền cứu cha và em của nàng cũng là một phần nào làm nàng yên lòng. Còn đối với Kim Trọng kể từ ngày “ngộ biến” cả hai bên chưa ai nhận được tin gì của nhau. Hơn nữa, nàng cảm thấy mình có lỗi với Kim Trọng bởi vì hoàn cảnh của gia đình mà nàng đã không giữ đúng lời thề hẹn với chàng Kim.

b. Cách thể hiện nỗi nhớ của Kiều rất khác nhau:
Về nỗi nhớ Kim Trọng, nàng nhớ lời thề ước dưới trăng, thương chàng Kim Trọng đêm ngày đau đáu trông chờ uổng công vô ích “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”.
Nàng hình dung cảnh Kim Trọng đợi chờ tin nàng ở quê nhà. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thuỷ chung:
Chân trời góc bể bơ vơTấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Câu thơ là một câu hỏi tu từ thể hiện sự dằn vặt, đau khổ của nàng khi phải chia tay với Kim Trọng. Dù mai sau có phiêu bạt chân trời góc bể nào thì tình cảm của nàng đối với Kim Trọng vẫn nồng thắm, bất biến với không gian và thời gian.
Nỗi nhớ cha mẹ
Nàng thương xót cha mẹ già yêu mà nàng không được chăm sóc. Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà tất cả đã đổi thay mà sự đổi thay lớn nhất là cha mẹ ngày một thêm già yếu.
Lần nào khi nhớ về cha mẹ, Kiều cũng "nhớ ơn chín chữ cao sâu" và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy con cái của cha mẹ. Cũng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ lại khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau.
Nghệ thuật: trong đoạn trích, tác giả dùng rất nhiều từ ngữ hình ảnh có tính chất ước lệ: chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử để nói về tình yêu và đạo hiếu. Nhịp thơ đều đều 2/2/2 và 4/4 đã góp phần diễn tả một cách sâu sắc tâm trạng buồn chán của nàng.

c. Như vậy, dù Kiều đã hi sinh thân mình vì đạo hiếu, khi lâm vào tình cảnh đáng thương, nàng lại một lòng nhớ đến Kim Trọng, nhớ thương cha mẹ, quên cả cảnh ngộ của mình. Trong đoạn trích này, Kiều hiện ra với đức hi sinh cao đẹp, một tình yêu thủy chung và lòng hiếu thảo của một người con.


Câu 3 (Trang 96 SGK) Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạngа. Cảnh là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó?b. Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
Bài làm:
a. Tám câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng, tâm trạng nhuốm lên cảnh vật, cảnh vật thể hiện tâm trạng:
Cánh buồm nhỏ cuối trời xa xăm vô định như cuộc đời nàng giữa biến đời mênh mông không biết đi đâu về đâu.
Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa?
Cánh hoa bị vùi dập tan tác như cuộc đời nàng đang bị vùi dập bởi sóng gió của cuộc đời.
Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nội cỏ tàn phai héo úa hay cuộc đời nàng từ nay bắt đầu bước vào chuỗi ngày héo úa tàn phai.
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Mặt duềnh cuộn sóng hay chính là sóng gió cuộc đời đen tối đang bủa vây người con gái nhỏ bé tội nghiệp.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

b.Cụm từ Buồn trông lặp lại bốn lần trong tám câu thơ như những đợt sóng lòng trùng điệp, càng khiến nỗi buồn dằng dặc, mênh mông, kết hợp với cái nhìn từ xa đến gần, thu hẹp dần vào nội cảm con người để đến cuối đoạn thì tâm trạng cô đơn, sầu nhớ, cảm giác đau đớn trào lên.
Đoạn thơ còn sử dụng rất nhiều từ láy: xa xa, thấp thoáng, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm... Làm cho ý thơ trầm xuống, toả lan ra, như tô điểm thêm cho không gian mờ mịt, xa xăm. Kèm theo mỗi cặp từ láy đó là hình ảnh tăng tiến càng lúc càng dữ dội. Đặc biệt ở câu cuối, tiếng sóng ở đây không vỗ, không đập mà kêu ầm ầm, không đến từ một phía mà bủa vây lấy, mà từ nhiều phía kêu quanh ghế ngồi. Nó gợi lên sự hãi hùng, dự báo về cuộc đời đầy sóng gió đang chờ đợi Kiều ở phía trước.


Luyện tập
Bài tập 1: trang 96 sgk Ngữ Văn 9 tập một

Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối (Buồn trông cửa bể chiều hôm...Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi)
Bài làm:
Bút pháp tả cảnh ngụ tình:
Là bút pháp thông qua việc miêu tả cảnh vật (thiên nhiên, cuộc sống xung quanh) để khắc họa tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật trữ tình.
Cùng với bút pháp chấm phá, bút pháp ước lệ tượng trưng, bút pháp đòn bẩy, lấy tĩnh tả động, lấy động tả tĩnh...đây là một trong những bút pháp đặc trưng, mang đậm dấu ấn của văn học trung đại. Cũng có thể nói, bút pháp tả cảnh ngụ tình là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công cho tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du.
Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình qua tám câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Hai cầu đầu:
Tả cảnh: Những con thuyền với cánh buồm no căng gió tấp nập qua lại ở cửa biển, dưới chân lầu Ngưng Bích, nơi Kiều bị giam lỏng. Cửa biển thuyền qua, thuyền lại như mắc cửi, những cánh buồm được giương lên cao, gió thổi căng phồng đưa con thuyền lướt trên mặt biền, trong chốc lát đã đi ra xa, cánh buồm chỉ còn thấp thoáng, lúc ẩn, lúc hiện.
Tả tình: Nỗi buồn thương, nỗi nhớ nhà và khao khát được trở về nhà của Kiều. Giờ nàng đã bán thân để cứu cha và em, cũng đã rơi vào tay của những kẻ buôn người, không biết đến bao giờ nàng mới có cơ hội để trở về nhà gặp lại cha mẹ, gặp lại các em, gặp lại cả Kim Trọng - mối tình đầu khắc cốt ghi tâm của mình. Càng nhìn cánh buồm thấp thoáng phía xa cuối tận chân trời, Kiều càng mong mỏi ngày trở về.
Hai câu tiếp:
Tả cảnh: Hình ảnh của dòng nước đổ từ trên cao xuống dưới thấp hay đúng hơn là thác nước tuyệt đẹp như bay từ trên cao sà xuống mặt đất. Theo dòng nước ấy là những cánh hoa trôi từ phía thượng nguồn đổ về.
Tả tình: Kiều xót thương cho số phận của mình. Nàng nghĩ mình cũng giống như những cánh hoa kia, đẹp đấy, ngát hương và tài năng đấy nhưng dòng nước dữ dội kia - chính là dòng đời, không biết sẽ mang theo nàng về nơi nào. Bởi lẽ, cuộc đời của nàng bây giờ không còn được quyết định bởi nàng nữa, nó phụ thuộc vào những kẻ buôn người, là Tú Bà, là Mã GIám Sinh.
Hai câu tiếp
Tả cảnh: Cánh đồng cỏ ngút ngàn trải dài đến tận cuối con đường nhưng không còn là đồng cỏ tràn đầy sức sống như trong tiết thanh minh "cỏ non xanh tận chân trời" nữa, mà thay vào đó là một đồng cỏ đang ở độ úa tàn khi tiết trời đang chuyển dần từ thu sang đông.
Tả tình: Nỗi buồn rầu, đau khổ của Kiều khi biết mình bị lừa bán vào tay những kẻ buôn người. Nỗi sầu ấy thấm vào cảnh vật khiến chúng cũng trở nên tàn tạ, héo úa.
Hai câu cuối:
Tả cảnh: Những con gió lớn làm cuộn dòng nước tạo thành những con sóng liên tiếp nhau tấp vào bờ khiến Kiều cảm giác như những con sóng dữ dội ấy đang vỗ mạnh vào ghế, nơi nàng đang ngồi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh.
Tả tình: Sự lo lắng cho thân phận của mình trước những sóng gió của cuộc đời đang chuẩn bị ập đến với nàng mà không một lời dự báo trước. Nàng thấp thỏm không yên khi nghĩ đến tương lai, những ngày tháng sau này nàng không biết sẽ có điều gì đón đợi mình ở đó. Chỉ mong được bình yên.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy