Bài soạn "Những đứa trẻ" của M. Go-rơ-ki số 3

Kiến thức cơ bản

I. Tác giả

- Mác-xim Go-rơ-ki (1868 – 1936) là bút danh của A-lếch-xây Pê-scốp, một trong những nhà văn lớn của Nga và của thế giới trong thế kỉ XX. Pê-scốp mồ côi bố khi mới ba tuổi và sống với ông bà ngoại; lớn lên, lại phải đi làm rất nhiều nghề để kiếm ăn.

- Go-rơ-ki là tác giả của bộ ba tiểu thuyết tự thuật, loại tiểu thuyết nhà văn dùng ngôi thứ nhất (xưng "tôi") kể chuyện đời mình: Thời thơ ấu (1913 – 1914), Kiếm sống (1916), Những trường đại học của tôi (1923).

- Một tác phẩm quan trọng khác của ông là Người mẹ (1906 – 1907), tiểu thuyết viết về sự chuyển biến tư tưởng của nhân vật chính, một bà mẹ Nga, về phía chủ nghĩa xã hội.


II. Tác phẩm

- Những đứa trẻ là một đoạn trích trong chương IX của tiểu thuyết "Thời thơ ấu" (gồm mười ba chương).

- Thời thơ ấu là cuốn tiểu thuyết gồm mười ba chương, kể về thời A-li-Ô-sa (tên thân mật của Mác-xim Go-rơ-ki) ở với ông bà ngoại vì bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác. Bên hàng xóm là nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp đã già, sống với người vợ kể và ba đứa con nhỏ mồ côi mẹ khoảng trên dưới 10 tuổi, trạc tuổi với A-li-ô-sa. Do tình cờ có lần A-li-ô-la cùng hai đứa lớn con ông đại tá kéo dây gầu lên cứu được thằng nhỏ chơi nghịch nhảy vào gầu rơi xuống giếng, nên mấy đứa trẻ chơi thân với A-li-ô-sa, bất chấp sự cấm đoán của bố. Đoạn trích trong sách giáo khoa kể tiếp theo sự kiện đó.

- Bố cục đoạn trích:

+ Phần 1: Từ đầu đến “ấn em nó cúi xuống”: Tình bạn tuổi thơ trong trắng.

+ Phần 2 (từ “Trời bắt đầu tối...” đến “...Cấm không được đến nhà tao.”): Tình bạn bị cấm đoán.

+ Phần 3 (còn lại): Tình bạn vẫn cứ tiếp diễn.


Hướng dẫn soạn bài Những đứa trẻ

Câu 1 - Trang 233 SGK

Thử chia văn bản này thành ba phần và đặt tiêu đề cho mỗi phần. Tìm những chi tiết xuất hiện ở cả phần 1 và phần 3 tạo nên sự kết nối chặt chẽ.

Trả lời

Bài văn chia thành ba phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến "ấn em nó cúi xuống”): Tình bạn tuổi thơ trong sáng, gắn bó.

+ Phần 2 (tiếp theo đến “Cấm không được đến nhà tao!”): Tình bạn bị cấm đoán.

+ Phần 3 (còn lại): Tình bạn vẫn được duy trì.

Chi tiết: những đứa trẻ, những con chim, truyện cổ tích, người dì ghẻ, người bà xuất hiện ở phần 1 và cũng lại xuất hiện ở phần 3 tạo nên sự kết nối chặt chẽ của truyện.


Câu 2 - Trang 233 SGK

Xem xét hoàn cảnh của chú bé A-li-ô-sa, ba đứa con đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp và quan hệ giữa hai gia đình để lí giải vì sao tình bạn tuổi thơ trong trắng ấy để lại ấn tượng sâu sắc cho nhà văn, khiến hơn ba mươi năm sau ông vẫn còn nhớ như in và thuật lại hết sức xúc động.

Gợi ý

Do tình cờ có lần A-li-ô-sa cùng hai đứa con ông đại tá kéo dây gàu lên cứu được thằng nhỏ chơi nghịch nhảy vào gầu rơi xuống giếng nên mấy đứa trẻ nhà ông đại tá chơi thân với A-li-ô-sa. Hoàn cảnh sống thiếu tình thương của những đứa trẻ đã tạo nên tình bạn trong sáng giữa chúng.

Hoàn cảnh giống nhau, cùng sống thiếu tình thương nên chúng trở nên thân thiết. Trong giọng kể, A-li-ô-sa còn bộc lộ lòng thông cảm, xót xa cho ba đứa trẻ bạn của tác giả. Dù chỉ là một đứa trẻ con, tác giả đã cố gắng bù đắp sự bất hạnh của ba đứa trẻ bằng những lời an ủi của trẻ thơ. Tình bạn tuổi thơ trong trắng ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhà văn, khiến ba mươi năm sau, ông vẫn còn nhớ như in và thuật lại hết sức xúc động những kỉ niệm thời thơ ấu.


Câu 3 - Trang 233 SGK

Tìm trong văn bản một số hình ảnh của ba đứa trẻ hàng xóm qua sự cảm nhận tinh tế của A-li-ô-sa; sau đó phân tích và bình luận những hình ảnh đó.

Gợi ý

Hình ảnh ba đứa trẻ hàng xóm qua sự cảm nhận tinh tế của A-li-ô-sa:

- Khi mấy đứa trẻ kể chuyện mẹ chết, “chúng ngồi sát vào nhau giống như những chú gà con". Hình ảnh giàu sức gợi tả và gợi cảm, thể hiện sự thông cảm của A-li-ô-sa với các bạn nhỏ.

- Khi đại tá xuất hiện, quát thì chúng: “tức thì cả mấy đứa trẻ lặng lẽ bước ra khỏi chiếc xe và đi vào nhà”, khiến tôi lại nghĩ đến những con ngỗng ngoan ngoãn. Sự so sánh chính xác này vừa cho thấy dáng dấp bên ngoài của ba đứa trẻ, vừa thể hiện thế giới nội tâm của chúng. Chúng bị bố áp chế, cấm đoán... Hơn nữa, "tôi nhớ lại thì chưa bao giờ chúng nói một lời nào về bố và về di ghẻ". Những lời kể của tác giả ẩn dấu một lòng xót thương cho những người bạn tuổi thơ bất hạnh mà tác giả đã yêu thương với tấm lòng tha thiết vô tư mà không bù đắp an ủi được nỗi bất hạnh của bọn trẻ.


Câu 4 - Trang 233 SGK Chuyện đời thường và truyện cổ tích được lồng vào nhau trong nghệ thuật kể chuyện của Go-rơ-ki như thế nào qua các chi tiết liên quan đến những người mẹ và những người bà trong văn bản này?

Gợi ý

Chuyện đời thường và truyện cổ tích được lồng vào nhau trong nghệ thuật kể chuyện của Go-rơ-ki:

- Thông qua chi tiết về “dì ghẻ”, khi mấy đứa trẻ hàng xóm nhắc đến “mẹ khác”, A-li-ô-sa liên tưởng ngay đến nhân vật mụ dì ghẻ độc ác trong truyện cổ tích. Khi những đứa trẻ nói về "mẹ thật”, A-li-ô-sa cũng có những suy nghĩ như độc thoại nội tâm, lạc ngay vào không khí truyện cổ tích.

- Chi tiết người bà nhân hậu cũng được kể lại bằng giọng của truyện cổ tích: "ngày trước, trước kia, đã có thời”.

Nghệ thuật kể chuyện đan xen giữa chuyện đời thường và truyện cổ tích của Mac-xim Go-rơ-ki đã giúp cho đoạn trích Những đứa trẻ nói riêng và tác phẩm Thời thơ ấu nói chung trở nên xúc động, nhất là đoạn cuối:

- “Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt, bà tớ ngày trước cũng rất tốt...

Nó thường nói một cách buồn bã, ngày trước, trước kia, đã có thời... Hai em nó cũng rất dễ thương, tôi tin yêu lắm, tôi luôn muốn làm cho chúng vui thích...".

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy