Bài soạn "Ôn tập về luận điểm" số 4

Câu 1. Bài tập 1, trang 75, SGK.

Giải:

Hãy xét xem :

- Đây chỉ là một trong nhiều đoạn của bài văn mang tên Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc. Liệu đoạn văn ngắn này, chỉ riêng mình nó, có thể làm sáng tỏ hết tất cả nội dung tư tưởng chính của toàn bộ bài văn không ? (Nếu có thì các đoạn văn còn lại sẽ viết về cái gì ?)

- Đoạn văn ấy vừa có câu so sánh Nguyễn Trãi với "một ông tiên ở trong toà ngọc", lại vừa có câu : "Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên". Vậy ý "Nguyễn Trãi như một ông tiên ở trong toà ngọc" có đúng là quan điểm của người viết không, và do vậy, có thể là luận điểm của đoạn văn không?


Câu 2. Bài tập 2, trang 75 - 76, SGK.

Giải:

a) Các luận điểm được lựa chọn phải chính xác, và điều quan trọng là phải phục vụ cho yêu cầu giải đáp câu hỏi : Vì sao giáo dục là chìa khoá, nhưng là chìa khoá không phải của quá khứ hay hiện tại, mà của tương lai, nghĩa là phải góp phần mở ra ngày mai tươi đẹp cho dân tộc và nhân loại. Những luận điểm không liên quan đến vấn đề này (ví dụ : nước ta là một nước văn hiến có truyền thống giáo dục lâu đời) hoặc không giúp trả lời rõ vấn đề này (ví dụ : trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai) thì phải kiên quyết gạt ra khỏi dàn bài.

b) Khi sắp xếp luận điểm, cần chú ý : Những nội dung nào có mối liên hệ mật thiết với nhau thì có thể gộp vào nhau (để bài làm đỡ vụn vặt, rườm rà), hoặc đặt cạnh nhau (để bài làm không rời rạc, lộn xộn). Chẳng hạn, có thể sắp xếp các ý trên thành hai luận điểm chính :

- Giáo dục là chìa khoá cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

- Giáo dục là chìa khoá cho sự phát triển chính trị và cho tiến bộ xã hội trong tương lai.


Câu 3. Hãy đọc kĩ văn bản dưới đây, sau đó :

- Dùng các kí hiệu a, b,... để chia văn bản thành các phần khác nhau.

- Xác định rõ luận điểm của mỗi phần.

LIÊM

Liêm là trong sạch, không tham lam.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa trung là trung với vua, hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

Ngày nay, chữ liêm có nghĩa rộng hơn ; là mọi người đều phải liêm. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân.

Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Có kiệm mới liêm được, vì xa xỉ sẽ sinh tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm.

Người cán bộ, cậy quyền thế mà khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công thành của tư ; người buôn bán, mua một bán mười hoặc mua gian bán lận chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ ; người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào ; người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình, vân vân... đều là tham lam, đều là bất liêm.

Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp.

Cụ Khổng Tử nói : "Người mà không liêm, không bằng súc vật" Cụ Mạnh Tử nói : "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy".

(Lược trích từ Thơ văn Hồ Chí Minh - Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường)

Giải:

Dễ thấy rằng văn bản được viết ra để làm rõ : (a) Thế nào là liêm ? (b) Thế nào là bất liêm ? Do đó có thể chia văn bản thành hai phần tương ứng. Luận điểm của mỗi phần chính là câu trả lời chung nhất, gọn nhất và đầy đủ nhất cho các khái niệm : Liêm (ở phần a) và bất liêm (ở phần b).


Câu 4. Bạn em phải viết một bài tập làm văn để làm sáng tỏ vấn đề : "Chọn bạn mà chơi". Bạn em cho rằng, bài làm phải bao gồm năm luận điểm chính sau đây :

a) Quan niệm "chọn bạn mà chơi" là hoàn toàn đúng hay không hoàn toàn đúng, vì sao ?

b) Có đúng là "học thầy không tày học bạn" không ?

c) Tại sao phải "chọn bạn mà chơi" ?

d) Thế nào là "chọn bạn mà chơi" ?

e) Vì vậy, chúng ta phải chọn bạn như thế nào ?

Em hãy cho biết :

- Những câu hỏi trên đây có đúng là luận điểm không ? Tại sao ?

- Nội dung và cách sắp xếp các câu hỏi ấy có phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề "chọn bạn mà chơi" không ? Vì sao vậy ?

Giải:

- Luận điểm, như đã nói trong SGK, là những tư tương, quan điểm, chủ trương mà người viết nêu ra trong bài văn nghị luận. Trong khi đó, câu hỏi tuy rất cần thiết cho việc tìm ý, tìm luận điểm nhưng lại chưa thể hiện rõ tư tưởng hay quan điểm.

- Cần kiểm tra xem nội dung và cách sắp xếp các câu hỏi được nêu trong bài tập đã thật phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề "chọn bạn mà chơi" chưa ? Có câu nào nằm ngoài phạm vi vấn đề cần bàn luận không ? Và có cách sắp xếp nào gây trở ngại cho sự tiếp nhận của người đọc không ? (Ví dụ : Khi còn chưa hiểu thế nào là "chọn bạn mà chơi" thì chưa thể xác định được tại sao phải "chọn bạn mà chơi", quan niệm "chọn bạn mà chơi" là đúng hay không hoàn toàn đúng, và chúng ta phải chọn bạn như thế nào).


Câu 5. Cần phải có những luận điểm cơ bản nào và các luận điểm ấy phải được sắp xếp ra sao để bài văn nghị luận của em có thể thuyết phục được người đọc rằng : Con cái phải biết làm vui lòng cha mẹ ?

Giải:

Bài văn ấy có thể bao gồm hai luận điểm chính, được sắp xếp theo trình tự:
a) Con cái cần phải làm vui lòng cha mẹ vì:

- Cha mẹ sinh ra ta và không quản nhọc nhằn, vất vả để nuôi ta khôn lớn.

- Cha mẹ sống vì hạnh phúc của ta, vui sướng khi ta trưởng thành, đau khổ khi ta hư hỏng.

b) Để làm cho cha mẹ vui lòng, con cái cần phải:

- Sống trung thực, học tập và lao động giỏi để trở thành con người tốt đẹp.

- Tuyệt đối không làm điều gì xâu để bị coi là kẻ hư hỏng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy