Top 3 Bài soạn "Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm" - Ngữ văn 10 hay nhất

  1. top 1 Bài soạn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài soạn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài soạn tham khảo số 3

Bài soạn tham khảo số 3

Bài tập: Chọn một trong hai đề sau đây để viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác thay đổi, từ bỏ một thói quen hay một quan niệm:

Đề 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này.


Đề 2: Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm "Im lặng là vàng". Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.


BÀI LÀM

Đề 1:

Khi nền y học ngày càng phát triển, sự ra đời của thuốc kháng sinh được coi là bước ngoặt lớn, chúng giúp điều trị dứt điểm một số vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, rất nhiều người lại có thói quen tự chữa trị và "bắt chước" đơn thuốc dến đến nhiều tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, đã kéo theo nhiều hệ lụy về sau. Nguy hiểm hơn là góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc làm yếu và mất dần đi “vũ khí” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.


Vậy thế nào là thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh? Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác. Lạm dụng thuốc kháng sinh là sử dụng bừa bãi, bất kì bị bệnh, ôm, ho hay như thế nào cũng dùng thuốc kháng sinh mà không đúng liều lượng. Hiện nay, nhiều người sử dụng thuốc mà không đúng với mục đích gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Nhiều trường hợp khi thấy ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng do virút, thậm chí là ho do dị ứng thời tiết hoặc khói bụi... là tự dùng kháng sinh. Trong khi đó thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút, tác nhân gây cảm cúm. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cúm hoặc các bệnh cảm ho thông thường khác do virút gây nên.


Ngoài ra, không ít bệnh nhân mua thuốc kháng sinh về uống nhưng lại tự ý muốn giảm liều dùng và thời gian điều trị. Dùng 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết triệu chứng của bệnh thì ngừng thuốc, không uống tiếp nữa. Và cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người, sẽ bị tác dụng phụ... Có trường hợp khi dùng kháng sinh này vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Bên cạnh đó lại có những trường hợp dùng kéo dài hơn liệu trình “cho ăn chắc”. Trong khi đó một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày tuỳ theo từng người bệnh. Hay thậm chí, có rất nhiều người có suy nghĩ rằng kháng sinh chữa bách bệnh nên bất kỳ bị bệnh gì cũng mua kháng sinh về dùng. Trên thực tế, kháng sinh là loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Nó chỉ được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn nhằm chống lại mầm bệnh đó. Mỗi loại kháng sinh lại có tác dụng trên một số vi khuẩn nhất định và phát huy hiệu quả tốt nhất tại một số cơ quan nhất định trên cơ thể. Vì thế, nếu sử dụng một loại kháng sinh duy nhất để chữa mọi loại bệnh nhiễm trùng là sai lầm…


Nếu chúng ta không dừng ngay lại những suy nghĩ và việc làm khi lạm dụng thuốc kháng sinh vào chữa bệnh thì sẽ để lại cho chúng ta rất nhiều hậu quả khôn lường. Đầu tiên, việc mà mọi người thấy rõ nhất là việc sử dụng kháng sinh chữa các bệnh do virút hoặc dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết... đã gây ra sự lãng phí và tốn kém vô ích vì những loại kháng sinh mạnh thường rất đắt tiền. Đồng thời, việc tự dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh hoặc chữa bệnh theo đơn thuốc của người khác... khiến cho bệnh không khỏi và còn dẫn đến nhiều biến chứng... khiến cho việc chữa trị bệnh sẽ kéo dài hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn. Rất nhiều trường hợp khi dùng kháng sinh mãi không khỏi mới tới bệnh viện khám bệnh làm cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh sẽ khó khăn hơn, bởi việc dùng kháng sinh tùy tiện trước khi đến bệnh viện sẽ làm cho hầu hết bệnh nhiễm trùng đều giảm hoặc mất triệu chứng đặc thù của bệnh.


Người ta đã từng ví thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng như con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Vì vậy, nhiều người tuỳ tiện dùng kháng sinh không những không khỏi bệnh mà còn được “tặng” thêm bệnh. Việc dùng kháng sinh tùy tiện ngoài việc giết chết những vi khuẩn gây bệnh, thì kháng sinh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Vì vậy, khi dùng kháng sinh, người bệnh thường hay bị tiêu chảy, đau bụng... Kháng sinh còn có thể gây ra những tai biến như dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Bên cạnh đó, sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh sẽ có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để dùng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường.

Vì vậy, để tránh những hậu quả trên và dùng thuốc được an toàn, hiệu quả khi có bệnh, mỗi chúng ta khi bị bệnh cần đi khám để được dùng đúng thuốc. Hãy nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về dùng cho bất cứ ai. Nhắc nhở những người quen nếu thấy họ dùng kháng sinh bừa bãi.


Đề 2:

Vàng là một thứ quý trên thế gian, người ta vẫn nói: "Quý như vàng". Câu nói "Im lặng là vàng" mang hàm ý khuyên mỗi người trong giao tiếp nên biết giữ im lặng, không nên tự bộc lộ mình hoặc can thiệp vào công việc của người khác, đó mới là khôn ngoan, chín chắn. Sự đúng đắn của quan điểm ấy chúng ta đã từng phân tích, thừa nhận, ca ngợi rất nhiều. Song Im lặng có phải lúc nào cũng là vàng hay không? Liệu có phải khi nào im lặng cũng là đúng đắn, tốt đẹp?


Câu nói của người xưa "Im lặng là vàng" nhằm thể hiện việc chúng ta cần thiết phải biết giữ im lặng đúng nơi đúng chỗ, không nên can thiệp quá sâu vào công việc của ai đó, hoặc dốt nhưng lại thích thể hiện huênh hoang, nói nhiều càng lộ ra sự ngu dốt, thiếu học của mình, hoặc trong trường hợp gây gổ tranh cãi nổi nóng thì sự im lặng lại làm cho mọi việc tốt hơn. Im lặng là vàng nhằm khuyên nhủ con người nên biết ứng xử trong những tình huống khác nhau nhằm cư xử cho hợp lý, thể hiện thái độ chín chắn trưởng thành của một con người hiểu biết, có suy nghĩ. Sự đúng sai trong quan điểm cần phải được phân, cần phải suy xét trong từng trường hợp cụ thể, để có thể đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống.


Tuy nhiên, trong cuộc sống, bên cạnh những cái hay cái đúng còn có những quan điểm, lời nói, hành động... sai trái cần lên án, tố cáo. Trong cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường ngoài chợ, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học, có những hành động tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá... Lúc ấy, nếu im lặng tức là đã tiếp tay cho cái ác, cái sai trái hoành hành. Lúc ấy im lặng là vô trách nhiệm, hèn nhát. Cũng có khi, trên đường có một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có một bạn khác nhanh chân hơn giúp cụ qua đường. Vậy là chỉ vì im lặng bạn đã lỡ mất cơ hội làm một việc tốt. Trong lớp học, thầy giáo đưa ra câu hỏi, bạn im lặng tức là đã đánh mất cơ hội để cất lên "tiếng nói của mình", cơ hội để thể hiện, cơ hội để thử sức. Những cơ hội, thời cơ nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Khi ấy, im lặng là dại dột, ấu trĩ.


Câu nói "im lặng là vàng" là lời khuyên quý báu nhưng chỉ sử dụng trong một số hoàn cảnh phù hợp. Nó nhằm khuyên mỗi chúng ta cần phải im lặng, kìm chế bản thân tránh những sự va chạm không cần thiết trong cuộc sống. Nó còn thể hiện sự chín chắn suy nghĩ cẩn trọng của mỗi con người trước những câu nói mang tính châm chọc, kích bác. Tuy nhiên, nếu như lúc nào chúng ta cũng nghĩ tới lợi ích của mình mà im lặng, không tố cáo lên tiếng nói của bản thân về những hành vi xấu xa trong cuộc sống thì chúng ta thật sự là người xấu, tiếp tay cho cái xấu.

Hình minh họa
Hình minh họa

Top 3 Bài soạn "Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm" - Ngữ văn 10 hay nhất

  1. top 1 Bài soạn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài soạn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài soạn tham khảo số 3

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy