Bài soạn "Tức cảnh Pác Bó" của Hồ Chí Minh số 6

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà thơ, nhà văn hoá lớn của nước ta và thế giới. (Xem lại tiểu sử của Bác được viết trong sách Ngữ văn 7, tập hai.)

2. Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2 - 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Khi đó, Người sống và làm việc trong một điều kiện hết sức gian khổ : ở trong hang Pác Bó - một hang núi nhỏ thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng ; với những sinh hoạt hằng ngày rất đạm bạc. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một trong những tác phẩm Người sáng tác trong thời gian này.

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Thể thơ này chỉ có một khổ gồm bốn câu (tứ tuyệt), mỗi câu bảy chữ (thất ngôn) rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đã dược du nhập và trở thành một trong những thể thơ phổ biến của văn học trung đại Việt Nam.

Tức cảnh Pác Bó là bài thơ tứ tuyệt giản dị pha giọng vui đùa, thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng đầy khó khăn, gian khổ ở Pác Bó. Bài thơ cũng cho thấy hoạt động cách mạng và sống hoà hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn của nhà cách mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh.


II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Tức cảnh Pác Bó thuộc thể thơ tứ tuyệt Đường luật. Một số bài thơ cùng loại là : Nam quốc sơn hà, Thiên Trường vãn vọng, Bánh trôi nước, cảnh khuya, Nguyên tiêu, Vọng Lư sơn bộc bố, Tĩnh dạ tứ, Hồi hương ngẫu thư,...

2. Giọng điệu chung của bài thơ là giọng vui. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn : sống trong hang đá thật lạnh; ăn uống thì thiếu thốn : cháo nấu bằng ngô, rau thì thay bằng măng rừng ; điều kiện làm việc thiếu thốn : bàn đá, nhưng không phải phiến đá bằng phẳng êm ái, mà là bàn đá chông chênh ; nhưng tâm trạng của Bác là một tâm trạng vui, vì thế Người mới thấy cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ đó là sang, thật là sang. Bác thấy sang vì với Người, niềm vui lớn nhất là được làm cách mạng, được trực tiếp lãnh đạo cách mạng ở nước nhà. Với Người, cuộc sống như vậy là cuộc sống hoà nhập với thiên nhiên, với suối, với núi non. Bởi vậy sang cũng là một nét hài hước, nói cho vui, song nó có cơ sở vững chắc từ thực tế, chứ không phải là "lên gân".

3. Bác Hồ thấy vui thích, thoải mái giữa thiên nhiên. Có vẻ như giống với thú vui "lâm tuyền" (rừng suối) của người xưa. Nhưng người xưa bất lực, chán ngán cuộc sống thực tại nên tìm đến thiên nhiên. Còn Bác ở giữa thiên nhiên do điều kiện cách mạng bắt buộc. Khi ở ẩn, các ẩn sĩ chuẩn bị khá kĩ càng. Còn Bác thì chẳng có cái am, cũng chẳng có ngôi nhà nào. Thực phẩm, đồ dùng thiếu thốn. Cũng chẳng có người giúp việc. Và Bác làm cách mạng. Bác dịch sử Đảng để làm tài liệu huấn luyện cách mạng. Cho nên, cuộc sống của Bác giống các nhà hiền triết, nhưng lại rất cách mạng. Bác vui với rừng suối. Bác còn vui hơn khi làm cách mạng, chuẩn bị cho cả dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, giành độc lập vào tháng 8 năm 1945.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy