Bài soạn "Việt Bắc" của Tố Hữu (lớp 12) - Phần 2 số 3

Kiến thức cơ bản về tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Việt Bắc:

- Tháng 10 - 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi về miền xuôi.

- Trung ương Đảng quyết định rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô.

- Nhân sự kiện có tính chất lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

=> Như vậy, bài thơ Việt Bắc được sáng tác vào năm 1954.


2. Nội dung chính

Nội dung chính của đoạn trích Việt Bắc:

- Tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam: từ những ngày đầu thiếu thốn, gian khổ nhưng đầy sức mạnh của tinh thần đoàn kết nhất trí của đất trời, con người Việt Nam đến những ngày chuyển quân sôi động, hào hùng, niềm vui, tự hào trong ngày thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc.

- Trong giờ phút chia tay, cả người đi và người ở lại cùng nhớ về những ngày đã qua: những ngày tháng sống trong lòng Việt Bắc gian khổ, thiếu thốn mà nặng nghĩa tình.


3. Bố cục

Bố cục đoạn trích Việt Bắc được chia thành 3 đoạn:

- Đoạn 1 (8 câu đầu): Khung cảnh chia tay bịn rịn và tâm trạng của kẻ ở và người về.

- Đoạn 2 (tiếp đến câu 20): Lời của người Việt Bắc.

- Đoạn 3 (còn lại): Lời của người cách mạng.


4. Nghệ thuật

- Cấu tứ độc đáo, âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng của ca dao, dân ca thể hiện thành công nghĩa tình của người Việt Nam trong kháng chiến.

- Vận dụng sáng tạo, linh hoạt, biến hóa đại từ “mình – ta” thể hiện lời đồng vọng, tinh thần gắn bó, thủy chung tha thiết.

Không chỉ tổng hợp kiến thức về tác phẩm, Đọc tài liệu còn hệ thống lại chúng và xây dựng các sơ đồ tư duy của tác phẩm để các bạn học sinh có thể học tác phẩm một cách dễ dàng.


Bài 1 trang 114 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Phân tích sắc thái tâm trạng, lối đối đáp của nhân vật trữ tình trong đoạn trích.
Trả lời:
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7 - 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử mới của đất nước được mở ra.
- Tháng 10 – 1954, những người kháng chiến từ chiến khu Việt Bắc trở về miền xuôi. Trung ương Đảng và Chính phủ từ quê hương cách mạng về lại Thủ đô. Đó là một cuộc chia tay lịch sử để đưa đất nước tiếp tục đi lên trong giai đoạn mới. Nhân sự kiện có tính lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc, gồm hai phần: phần đầu tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến; phần sau gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ngợi ca công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc. Đoạn trích học là phần đầu của tác phẩm.
b. Sắc thái tâm trạng của bài thơ
Tâm trạng bâng khuâng bồn chồn, bịn rịn lưu luyến của nhân vật trữ tình trong cuộc chia tay. Sắc thái tâm trạng ấy của nhân vật trữ tình trong đoạn trích hiện lên rõ qua lời đối đáp:
- Cô gái dân tộc (người ở lại) gợi lại những kỉ niệm của cách mạng thời kì trứng nước còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng vẫn một lòng đoàn kết xây dựng lực lượng, cùng nhau đánh giặc để giành lại độc lập, tự do (“Bát cơm chấm muối, mối thù nặng vai/ Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”). Tâm trạng bùi ngùi, lưu luyến, nhớ nhung trong ân tình cách mạng của những người cùng chung lí tưởng.
- Anh bộ đội (người về xuôi) đinh ninh trong một nỗi nhớ tha thiết quê hương cách mạng, một niềm thủy chung son sắt bền vững với những người con của Việt Bắc đã từng chia ngọt sẻ bùi, cưu mang, bảo vệ cách mạng. Nỗi nhớ và niềm tin đầy ắp trong lời đáp của anh: Ta với mình, mình với ta - Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh. Mình đi, mình lại nhớ mình – Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...
c. Lối đối đáp: Hai nhân vật đều xưng - gọi là "mình" và "ta"

Bài 2 trang 114 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Qua hồi tưởng của chủ thể trữ tình, vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc hiện lên như thế nào?
Trả lời:
a. Hồi tưởng về thiên nhiên Việt Bắc.
Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên mang vẻ đẹp vừa gần gũi, vừa nên thơ quê hương cách mạng.
- Vẻ đẹp đa dạng theo thời gian, không gian khác nhau: sương sớm nắng chiều trăng khuya... Đặc biệt là "bức tranh tứ bình" của Việt Bắc qua bốn mùa:

  • Mùa đông: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
  • Mùa xuân: Ngày xuân mơ nở trắng rừng
  • Mùa hạ: Ve kêu rừng phách đổ vàng

Mùa thu: Rừng thu trăng gọi hoà bình
- Thiên nhiên trở nên đẹp hơn, hữu tình hơn khi có sự gắn bó với con người:

+ Cảnh thơ mộng, ân tình:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
+ Cảnh sinh hoạt đặc trưng của Việt Bắc:
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa
Những câu thơ được sắp xếp xen kẽ, cứ một câu tả cảnh lại có một câu tả người, thể hiện sự gắn bó giữa cảnh và người.
b. Hồi tưởng về con người Việt Bắc
- Trong hồi tưởng, nhà thơ nhớ đến những con người Việt Bắc, trên cái phông chung của núi rừng. Tác giả nhớ người đi rừng: “Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng", “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang", “Nhớ cô em gái hái măng một mình", và nhớ “tiếng hát ân tình thuỷ chung" của người Việt Bắc.
- Nhớ đến cuộc sống thanh bình êm ả:
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa
- Cuộc sống vất vả, khó khăn trong kháng chiến nhưng chan chứa tình yêu thương:
Thương nhau chia củ sắn bùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.
Đó là cảnh sinh hoạt bình dị của người dân Việt Bắc. Nét đẹp nhất chính là nghĩa tình và sự đùm bọc, che chở cho cách mạng, hi sinh tất cả vì kháng chiến, dù cuộc sống còn rất khó khăn.

Bài 3 trang 114 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu; vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến đã được Tố Hữu khắc hoạ ra sao?
Trả lời:
Trong hồi tưởng, tác giả nhớ về những kỉ niệm kháng chiến, những khung cảnh rộng lớn, những hoạt động tấp nập, sôi nổi của dân công và chiến sĩ:
- Cả dân tộc chất chứa căm thù thực dân đế quốc: Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai.
- Thiếu thốn gian khổ nhưng vẫn đầy lạc quan: Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
- Đó là vẻ đẹp của “thế trận" rừng núi đã cùng ta đánh giặc:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
- Đó là khung cảnh hùng tráng của bức tranh “Việt Bắc xuất quân", đầy hào khí, chỉ mới ra quân mà như đã cầm chắc chiến thắng trong tay:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nứt đá muôn tàn lửa bay...
Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu đã được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ thật đẹp và đầy ấn tượng.
Vai trò của Việt Bắc: là chiếc nôi của cách mạng và kháng chiến, nơi nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở cho cán bộ chiến sĩ từ những ngày đầu của cách mạng và sau này là kháng chiến chống Pháp.

Bài 4 trang 114 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Nhận xét về hình thức nghệ thuật đậm đà tính dân tộc của bài thơ và đoạn thơ.
Trả lời:
Tính dân tộc của bài thơ và đoạn thơ thể hiện ở các khía cạnh:
- Thể thơ lục bát - một thể thơ truyền thống của dân tộc được sử dụng nhuần nhị, uyển chuyển và sáng tạo.
- Sử dụng kết cấu đối đáp thường gặp trong dân ca: tiêu biểu là cặp đại từ xưng hô ta - mình được dùng rất sáng tạo trong bài thơ.
- Các hình ảnh quen thuộc, đại chúng theo lối phô diễn dân tộc: Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu, mình về mình có nhớ ta.
- Biện pháp so sánh, ẩn dụ quen thuộc trong ca dao.
- Nhịp điệu, nhạc điệu dân tộc khi nhẹ nhàng, thơ mộng; khi đằm thắm ân tình, khi mạnh mẽ, hùng tráng.

Luyện tập
Bài 1 luyện tập trang 114 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Nêu rõ nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng đại từ xưng hô "mình" - "ta" trong bài thơ.
Trả lời:
Nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng cặp đại từ “mình" và “ta".
- Mình và ta là cách xưng hô quen thuộc trong ca dao được Tố Hữu đưa vào trong thơ một cách tự nhiên.
- Tác giả cũng đã vận dụng một cách tài tình cảm xúc dân dã, ngọt ngào, đằm thắm của ca dao dân ca trong cặp từ mình - ta.
+ Có trường hợp: mình chỉ những người cán bộ, ta chỉ người Việt Bắc (Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng).
+ Có trường hợp: mình chỉ người Việt Bắc, ta chỉ người cán bộ (Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người).
+ Có trường hợp: mình chỉ cả người cán bộ và người Việt Bắc (như chữ mình thứ ba trong câu: Mình đi mình lại nhớ mình).
Ý nghĩa của cách sử dụng cặp đại từ mình – ta:
- Mang lại cho bài thơ phong vị ca dao, tính dân tộc trong bài Việt Bắc đậm đà và một giọng điệu tâm tình ngọt ngào, sâu lắng.
- Góp phần làm cho tình cảm giữa người ra đi và người ở lại, giữa cán bộ với nhân dân Việt Bắc thêm thân mật, gần gũi, tự nhiên, gắn bó khăng khít tuy hai mà một.

Bài 2 luyện tập trang 114 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Chọn trong bài thơ hai đoạn tiêu biểu. Bình giảng một trong hai đoạn.
Trả lời:
Gợi ý bình giảng đoạn thơ tiêu biểu nói về cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu: từ câu “Những đường Việt Bắc của ta" đến câu “Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng".
Học sinh cần trình bày được những nội dung sau:
a. Giới thiệu vị trí của đoạn miêu tả khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc:
- Bài thơ Việt Bắc là những hồi tưởng của người kháng chiến về một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiêt với Việt Bắc, là khúc tình ca và cũng là bản anh hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và những con người kháng chiến.
- Sau khi hồi tưởng về thiên nhiên và con người Việt Bắc, bài thơ dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu với không gian núi rừng rộng lớn, với những hoạt động tấp nập, hào hùng. Một Việt Bắc hùng tráng trong chiến đấu.
b. Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu:
- Đoạn thơ khắc hoạ bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận chiến đấu với khí thế hào hùng, sôi sục, khẩn trương, không gian rộng lớn, thời gian đằng đẵng - trường kì, các từ láy giúp người đọc hình dung ra nhịp độ khẩn trương, gấp gáp và một sức mạnh tổng hợp làm rung chuyển cá mặt đất.
- Hình ảnh bộ đội hành quân ra trận vừa hào hùng, vừa lãng mạn: đoàn quân đi như những đợt sóng dâng trào mạnh mẽ. Ánh sao đầu súng vừa là một hình ảnh hiện thực vừa là hình ảnh ẩn dụ: ánh sao của lí tưởng soi đường chỉ lối cho những người chiến sĩ đánh đuổi kẻ thù bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.
- Núi rừng Việt Bắc trong đêm khuya, cùng hành quân với những đoàn dân công phục vụ chiến đấu, hình ảnh đuốc sáng soi đường trong đêm, những bước chân hành quân... Hình ảnh cả Việt Bắc ra trận mang âm hưởng anh hùng ca, mang dáng vẻ của một sử thi hiện đại, những hình ảnh cường điệu: bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay... khẳng định ý chí phi thường, sức mạnh to lớn của toàn dân trong kháng chiến.
Hai câu thơ cuối khẳng định niềm lạc quan tin tưởng vững chắc vào ngày chiến thắng của dân tộc ta. (HS phân tích hình ảnh đối lập trong hai câu thơ: thăm thẳm sương dày - "ánh sáng ngày mai lên")
c. Đoạn thơ vừa mang đậm chất sử thi hào hùng vừa giàu tính lãng mạn tượng trưng đã diễn tả thành công khí thế kháng chiến ở Việt Bắc, qua đó, nhà thơ muốn khắc họa sâu sắc hình ảnh dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, đầy gian khổ hi sinh nhưng nhất định sẽ thắng lợi.

TỔNG KẾT

Việt Bắc là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Thể thơ lục bát, kiểu kết cấu đối đáp, ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian – tất cả đã góp phần khắc sâu lời nhắn nhủ của Tố Hữu: Hãy nhớ mãi và phát huy truyền thống quý báu anh hùng bất khuất, ân nghĩa thuỷ chung của cách mạng, của con người Việt Nam.

Bài soạn
Bài soạn "Việt Bắc" của Tố Hữu (lớp 12) - Phần 2 số 3
Bài soạn
Bài soạn "Việt Bắc" của Tố Hữu (lớp 12) - Phần 2 số 3

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy