Bài tham khảo số 1
Viết về người nông dân không hẳn là đề tài mới đối với Nam Cao, thậm chí trước đó ông đã từng khai thác và xây dựng thành công nhiều hình tượng điển hình như: Lão Hạc, Hộ (Đời Thừa), dì Hảo, Lang Rận.. Thế nhưng Chí phèo lại là một điểm nhấn khác biệt giữa những số phận đang quằn quại trong đau khổ dưới sự bất công của một chế độ mục rữa, thối nát. Nếu họ vẫn giữ được nhân cách và thiên lương trong con người mình thì Chí Phèo lại hứng chịu hàng loạt tấn bi kịch nghiệt ngã từ bần cùng hóa cho đến lưu manh hóa và cuối cùng là bị cự tuyệt quyền làm người – bi kịch lớn nhất của Chí Phèo.
Thiên truyện mở đầu bằng hình ảnh khá sống động, không phải là những trang viết nhẹ nhàng, lôi cuốn dẫn dắt người đọc đến với tác phẩm như nhiều nhà văn khác. Nam Cao đánh mạnh vào tâm lí độc giả bằng tiếng chửi thông thốc như thách thức cả cuộc đời của Chí Phèo. Chân dung của một gã say rượu ngật ngưỡng đầy phẫn uất vừa đi vừa chửi. Hắn chửi tất cả những gì trên đời mà hắn có thể chửi. Tiếng chửi của Chí không phải ngẫu nhiên, hắn chửi một cách rất logic. Ban đầu hắn chửi trời, chửi đời rồi đến cả làng Vũ Đại và cuối cùng hắn kết thúc tiếng chửi trong vô vọng khi không có đứa n chịu chửi nhau với hắn. Trong cơn say vật vã, Chí ý thức rõ bi kịch của bản thân, hắn thấm thía nỗi khốn khổ khi cả làng Vũ Đại quay lưng, chẳng ai chịu giao tiếp với hắn. Và cứ thế hắn chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu.
Chỉ với những tình tiết độc đáo, mới lạ trong tiếng chửi cay đắng của Chí phèo đã bao quát toàn bộ thảm cảnh thê lương và số phận người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ. Chí Phèo là một hình tượng điển hình cho tất cả nhưng bi kịch tội lỗi trong xã hội loài người mà chính Chí lại bị xem là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Trong quá khứ, Chí Phèo là một người nông dân lương thiện, hiền lành, thế những cái lương thiện hiền lành ấy trong phút chốc đã bị vùi dập bởi sự thối nát, gian ác của xã hội phong kiến mà nhân vật trực tiếp là tên cường hào Bá Kiến. Bị đẩy vào tù do tính ghen tuông của Bá Kiến, anh canh điền chất phác khi xưa sau khi ra tù đã biến đổi hoàn toàn cả về thể xác lẫn nhân cách "trong đặc như thằng săng đá, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng.." Chí thay đổi hoàn toàn, hắn đã mất hết cả hình người lẫn nhân tính. Kể từ đó cuộc đời hắn trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa và rơi vào vực sâu của kiếp sống tội lỗi cho đến khi đêm định mệnh ấy xảy đến với Chí. Một thằng lưu manh say xỉn và một con đàn bà dở hơi, ngẩn ngơ, họ ăn nằm với nhau vào một đêm "rười rượi những trăng". Cuộc gặp gỡ với thị Nở chính là bước ngoặt quan trọng cứu rỗi những tháng ngày bế tắc không lối thoát của Chí, nó hệt như một vệt sáng lóe lên từ bùn lầy tối tăm mở đường cho hắn trở về với con đường bằng phẳng của người lương thiện – khoảng thời gian bình yên trước đây hắn từng sống. Tình yêu thương, sự săn sóc ân cần của thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện trong Chí sau bao nhiêu năm ngủ yên. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm hắn bâng khuâng tình dậy và cảm nhận mọi vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống: "Tiếng chim hót trong lành buổi sớm", "tiếng cười nói rôm rả của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá". Những âm thanh quá đỗi quen thuộc và gần gũi nhưng sao hắn cảm thấy xa lạ quá. Đắm mình trong tiếng gọi tha thiết của cuộc sống, hắn bắt đầu hồi tưởng về "những ngày xưa xa xôi" mang theo một ước mơ khát khao "," một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải ". Hắn nghiền ngẫm quá khứ rồi lại tự chạnh lòng ở hiện tại bởi" hắn thấy mình già mà sao cô độc thế ", hắn nhận ra mình đã sống bên lề cuộc đời một cách khốn nạn. Giây phút được hồi sinh trở lại, hắn muốn sống sao cho thật ý nghĩa. Khi thị Nở mang bát cháo hành đến, hắn ngạc nhiên rồi lại thấy" mắt hình như ươn ướt "bởi đây là lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay đàn bà. Bát cháo hành của thị Nở là hương vị của tình người, tình yêu cuộc sống. Tình cảm ấy nhen nhóm trong con người Chí Phèo khiến hắn muốn làm người lương thiện, muốn trở về với con người nguyên bản khi xưa và thị Nở sẽ" mở đường cho hắn ", thị sẽ giúp hắn hòa nhập với cộng đồng. Hắn đặt hết niềm tin nơi thị, hắn muốn ngỏ lời với thị" giá mình cứ thế này thì thích nhỉ.. Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui? "Chỉ là lời nói vô tư như đứa trẻ nhưng chứa đựng cả một tấm lòng khát khao được hoàn lương đến nhường nào của Chí Phèo. Tình yêu thương mộc mạc nhưng chân thành đã khơi gợi bản năng của" một con quỷ dữ "mong muốn thoát kiếp làm" người hiền ". Đây chính là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao" nhìn thẳng vào sự thật tàn nhẫn, mở lòng ra để đón mọi vang động của cuộc đời, phải nói lên nỗi cùng quẫn của nhân dân, vì họ mà lên tiếng ".
Cuộc sống màu hồng của Chí Phèo và thị Nở thật ngắn ngủi chớp nhoáng biết bao, hạnh phúc vừa hé mở đã đột ngột khép lại bởi" hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã ". Thị hớn hở chạy về nhà xin phép bà cô cho yêu và lấy Chí phèo. Bà cô thị Nở chính là định kiến xã hội, là điển hình của những mâu thuẫn, kì thị trong xã hội độc ác. Bà không cho phép cháu mình lấy một thằng lưu manh chuyên" rạch mặt ăn vạ ". Người đàn bà cay nghiệt đang tâm đạp nát chút hi vọng mong manh còn sót lại nơi Chí. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người khiến Chí trở nên đau đớn, tuyệt vọng khi thị Nở" trề cái môi vĩ đại trút tất cả lời bà cô lên Chi ". Lúc đầu Chí ngạc nhiên, Chi chợt hiểu rồi Chí lờ mờ nhận ra rằng đến một người như thị Nở mà còn không chấp nhận kẻ khốn cùng này thì còn nơi nào cho hắn dùng thân để trở về với cuộc sống bằng phẳng kia. Mọi thứ vừa được bồi lấp nguyên vẹn thì trong phút chốc chỉ vì một lời nói chua chát đã hóa thành tàn tro, trở về con số không tròn trĩnh. Quá trình diễn biến tâm lí đầy phức tạp, có phần kịch tính và bất ngờ, bộc lộ rõ nét tâm trạng phẫn uất, đau đớn của kẻ bị cự tuyệt quyền làm người. Chí như rơi vào vực thẳm của hố sâu, trở nên hụt hẫng khi niềm tin bị hất phăng một cách tuyệt tình. Hắn xót xa nhận ra sự thật phũ phàng, đau khổ chứng kiến bi kịch diễn ra trước mắt. Chính cái gọi là lương thiện, điều mà chỉ trong vài ngày ngắn ngủi trước đó, hắn khao khát chờ đợi, giờ đây đã tan biến vào hố đen của khoảng không, bị vứt bỏ một cách đốn mạt. Hắn cố níu kéo điều gì đó từ thị nhưng thị đã nhẫn tâm" gạt ra, lại giúi thêm cho hắn một cái ". Phải chăng cả xã hội đang quay lưng với hắn, không chấp nhận một thằng lưu manh như Chí tồn tại trên đời. Đau xót làm sao! Khốn nạn làm sao! Chí trở về với sự cô độc, giằng xé tâm can, hắn quằn quại trong tấn bi kịch tàn ác. Những lúc thế này, hắn lại tìm đến rượu, trong men say, hắn thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Cảm xúc ùa về rồi cứ động đậy trong lòng hắn khiến hắn ý thức rõ thị là người đánh thức bản tính lương thiện trong con người hắn nhưng cũng chính là người đã dồn ép Chí trở về với bản tính thú vật trước đây. Hắn cứ uống nhưng càng uống càng tỉnh, hắn tỉnh rồi lại tự nghiền ngẫm lại tấn bi kịch cuộc đời mình để rồi từ đó hắn thấm thía rõ tội ác của kẻ thù, kẻ đã biến tướng nhân cách và cuộc đời hắn thê thảm như hôm nay. Chí xách dao đến nhà thị Nở với mục đích giết chết" con đĩ Nở và con khọm già nhà nó "nhưng điều gì làm hắn quên rẽ vào nhà thị Nở để rồi hắn băng thẳng đến nhà Bá Kiến. Đây thực chất chỉ là một hành động vô thức nhưng lại là cơ hội để hắn nhận thức rõ kẻ thù thực sự của mình là ai. Đứng trước tên cường hào máu lạnh, Chí Phèo thốt lên câu nói thống khổ, bi thiết:" Ai cho tao lương thiện? Làm sao để mất những vết mảnh chai trên mặt? Tao không thể làm người lương thiện được nữa! "Tiếng kêu ai oán ấy xoáy sâu vào lòng người đọc và để lại nỗi dư âm đầy ám ảnh trong tâm khảm mỗi người. Đây không chỉ là lời vạch mặt đanh thép mà còn là bản cáo trạng súc tích tố cáo tội ác, tư cách nhem nhuốc của tên cường hào Bá Kiến. Chỉ thẳng tay chỉ vào mặt Bá Kiến và trợn mắt đòi lại quyền sống cho mình. Cái quyền làm người ấy được chứng minh bằng hành động giết chết kẻ thù và tự sát. Chí tự giết chết con quỷ dữ trong người bởi ý thức nhân phẩm của hắn đã trở về, không chịu nổi kiếp sống thú vật, Chí đã tự tìm lối thoát cho mình khỏi nghịch cảnh của xã hội. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt là dấu vết của những năm tháng tội đồ, chúng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân làng Vũ Đại. Chí Phèo đấu tranh tư tưởng để giành lại quyền sống, quyền làm người. Hắn quằn quại trong vũng máu và kết thúc quãng đời tội lỗi. Dù vậy nhưng nhân cách lương thiện và khát khao được làm người lương thiện của Chí sống mãi trong lòng độc giả.
Tác phẩm Chí Phèo không chỉ nổi bật ở cốt truyện đặc sắc, mới lạ kết hợp ngôn ngữ biểu cảm, sống động cùng nhiều tình tiết hấp dẫn, biến hóa đầy kịch tính mà còn ghi dấu sâu đậm trong lòng bạn đọc tính nhân đạo của ngòi bút Nam Cao. Phải là người có" đôi mắt mới "và" trái tim đầy xúc cảm "nên ông mới phát hiện và miêu tả rõ nét diễn biến tâm lí cùng bi kịch đau thương của số phận người nông dân cố cùng bị lăng nhục. Nhà văn không dừng lại ở việc miêu tả ngoại hình nhân vật mà ông còn đi sâu vào từng ngõ ngách tính cách, len lỏi và tận sâu nội tâm, trạng thái của người nông dân trong quá trình bị lưu manh tha hóa để tìm tòi, khai phá" những điều mới mẻ "," khơi những nguồn chưa ai khơi ".
"Chí Phèo" là một hình tượng rất khác so với những tác phẩm về người nông dân của nhiều nhà văn cùng thời. Một số phận nghiệt ngã đến cùng cực, khốn khổ, bi thảm đến độ không còn lối thoát nào để nhân vật thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghịch cảnh. Qua đó tác phẩm phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ và thực trạng người nông dân bị đày đọa, áp bức nhưng không thể lên tiếng để bảo vệ quyền sống của bản thân.