Bài tham khảo số 1
Nguyễn Khoa Điềm sinh ra trong gia đình trí thức, có truyền thống yêu nước và cách mạng. Thừa hưởng truyền thống gia đình và vốn tri thức văn hóa sâu rộng của bản thân, thơ Nguyễn Khoa Điềm là kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người. “Đất nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân” (Nguyễn Khoa Điềm) Từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là tiếng ca sôi nổi, nhiệt tình cất lên từ trái tim tuổi trẻ. Đoạn trích “Đất Nước” được xây dựng theo phương thức luận đề, được thể hiện qua chất liệu văn hóa dân gian quen thuộc. Chính điều này đã tạo nên hiệu quả thẩm mĩ đặc biệt cho đoạn thơ, đồng thời thể hiện sinh động tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”.
Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chi phối cái nhìn lịch sử của nhà thơ. Nhân dân là người sáng tạo ra đất nước, chiến đấu bảo vệ đất nước và điểm tô cho đất nước. Từ phương diện lịch sử nhà thơ nhận thức sâu sắc: chính nhân dân là người đã lao động để tạo dựng sự sống, chiến đấu để bảo vệ đất nước và họ cũng là người đã giữ gìn, lưu truyền các truyền thống của dân tộc. Nhà thơ thôi thúc người đọc nhìn vào lịch sử tồn tại của đất nước qua giọng điệu tâm tình với nhân vật “em”:
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Số từ “bốn nghìn năm” đã lưu ý người đọc tìm về với lịch sử dân tộc bằng niềm tự hào sâu sắc. Nhìn xa vào 4000 năm đất nước, ta nhận ra vai trò quan trọng của người bình dân trong quá trình giữ nước. Cách nói phiếm chỉ về thời gian “năm tháng nào” và điệp từ “người người lớp lớp” khẳng định, ghi nhận công lao của hàng triệu người dân trong quá trình lao động xây dựng và chiến đấu bảo vệ đất nước ở mọi thời kì bằng lòng biết ơn sâu nặng.
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc, người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nghệ thuật liệt kê và phép điệp “con trai, con gái” đã khẳng định chính những người dân bình dị đã làm nên đất nước bằng phẩm chất cao đẹp: cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu, yêu nước nồng nàn. Lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc ghi dấu sự hi sinh thầm lặng của nhân dân trong “bốn nghìn lớp người”:
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Nghệ thuật đối lập giữa những câu thơ “Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ” >< “Không ai nhớ mặt đặt tên” đã khẳng định, tôn vinh những con người vô danh, thầm lặng hi sinh cho đất nước. Những câu thơ ngắn, nhịp điệu dồn dập và câu hỏi tu từ “Nhưng em biết không?”, phép điệp “nhiều, anh hùng” thể hiện lòng tự hào, biết ơn sâu sắc của nhà thơ với người anh hùng vô danh đã đóng góp, hi sinh cho đất nước. Cặp tính từ chọn lọc “giản dị và bình tâm” và phép đối “sống và chết” đã khái quát bức họa về người anh hùng nhân dân. Họ sống giản dị, chiến đấu và hi sinh cho đất nước một bình thản. Họ hi sinh mà không cần để lại tên tuổi cho lịch sử, họ chiến đấu vì một lẽ sống bình dị mà cao cả: bảo vệ đất nước. Câu thơ ngắn, dồn nén cảm xúc, chứa đựng sự biết ơn chân thành của Nguyễn Khoa Điềm trước sự cống hiến thầm lặng nhưng lớn lao của nhân dân.
Tư tưởng Đất nước của nhân dân đã đem lại cho Nguyễn Khoa Điềm cái nhìn mới mẻ về dòng chảy lịch sử dân tộc, để từ đó thấy được vai trò quan trọng của những người dân bình thường trong quá trình đấu tranh, gìn giữ đất nước. Nhân dân đã bảo lưu, nuôi dưỡng giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc. Những con người giản dị của đất nước đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá trị văn hóa vật chất và tinh thần để tạo ra sự sống cho đất nước trong quá trình lao động nhọc nhằn:
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Đại từ “họ” điệp nhiều lần ở đầu mỗi câu thơ đã làm nổi bật vai trò quan trọng của nhân dân trong quá trình lao động xây dựng sự sống cho đất nước. Lửa và lúa là hai yếu tố quan trọng nhất, “gìn giữ ngọn lửa và giống lúa chính là gìn giữ sự sống còn của cộng đồng”. (Nguyễn Khoa Điềm). Từ quan điểm đó, nhà thơ đã liệt kê để khẳng định chính nhân dân đã tạo dựng, giữ gìn, lưu truyền mọi giá trị văn hóa vật chất, từ những cái nhỏ bé, giản đơn nhưng vô cùng quan trọng. Hình ảnh “truyền giọng điệu mình cho con mình tập nói”, “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” nói lên vai trò của những người bình dân trong quá trình bảo lưu các giá trị văn hóa tinh thần của đất nước. Đó cũng là khát vọng giữ gìn bản sắc dân tộc của cha ông. Các động từ “giữ, chuyền, truyền, gánh” dựng lên hình ảnh các thế hệ người dân nối tiếp nhau duy trì cuộc sống, lưu truyền các giá trị truyền thống của dân tộc. Họ không quản khó nhọc, bỏ bao công sức “đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”. Câu thơ nhắc nhở như lời tri ân chân thành của thế hệ hôm nay khi thừa hưởng những thành quả do các thế hệ đi trước tạo nên.
Những người dân bình dị, hiền hòa đã chiến đấu để bảo vệ đất nước và giữ gìn, phát triển truyền thống yêu nước của dân tộc:
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Câu điều kiện “có… thì…” được điệp hai lần cùng với phép đối “ngoại xâm”, “nội thù” và liệt kê các động từ “chống, vùng lên, đánh bại” đã khẳng định tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước của nhân dân. Câu thơ là niềm tự hào của tác giả về truyền thống yêu nước. Bằng những công việc giản dị, hoạt động bình thường trong cuộc sống, từ những hành động dũng cảm khi đất nước lâm nguy, từng thế hệ người dân đã bảo lưu, vun đắp, làm nên tiến trình lịch sử của dân tộc. Đoạn thơ thể hiện rõ nét, sinh động tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.
Từ phương diện văn hóa Nguyễn Khoa Điềm đã giúp ta nhận thức sâu sắc tư tưởng Đất Nước của Nhân dân qua lối sống, tâm hồn và tính cách của con người Việt Nam. Nhà thơ tiếp tục khái quát và khẳng định tư tưởng cốt lõi: nhân dân là những người đã tạo dựng truyền thống văn hóa của dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm đã viết hoa và điệp danh từ “Nhân dân” nhằm ngợi ca, tôn vinh vai trò quan trọng của nhân dân
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Tác giả trở về với ngọn nguồn phong phú của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là ca dao để khẳng định truyền thống văn hóa của đất nước được hình thành từ những vẻ đẹp tinh thần của nhân dân:
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù không sợ dài lâu
Bốn câu thơ được lấy từ ý của ba câu ca dao, khái quát ba phương diện quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của dân tộc. Đó là tình cảm, lao động và chiến đấu. Yêu say đắm, thủy chung, coi trọng tình nghĩa hơn vật chất và tinh thần bất khuất, nền bỉ chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo về cuộc sống yên bình cho đất nước. Vận dụng một cách sáng tạo ca dao, Nguyễn Khoa Điềm cho ta thấy có sự đồng điệu trong tâm hồn của cha ông từ ngàn xưa và thế hệ trẻ hôm nay.
Thán từ “Ôi”, câu hỏi tu từ và hình ảnh “về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát” đã nhấn mạnh đặc điểm riêng về địa lí, văn hóa của đất nước ta:
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Đất nước ta mang dấu ấn sâu sắc của nền văn minh sông nước, đất nước của những câu hò, điệu lí, lời ca. Câu hát trên dòng sông gắn liền với các công việc lao động “chèo đò, kéo thuyền, vượt thác” gợi lên tinh thần lạc quan, hăng say lao động của những con người bình dị.
Người đến hát khi chèo đò, lái thuyền, vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Và chính họ, với những bài ca lao động của mình, đã “gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”, tạo nên vẻ đẹp phong phú, kì diệu cho những dòng sông đất nước, góp phần điểm tô, hình thành vẻ đẹp văn hóa của đất nước. Nhìn từ phương diện văn hóa, với vốn tri thức sâu rộng, Nguyễn Khoa Điềm đã chứng minh chính nhân dân là chủ thể sáng tạo bản sắc văn hóa của đất nước. Đoạn thơ tô đậm tư tưởng đất nước của nhân dân, một tư tưởng mang tính chân lí được tác giả đúc kết từ kiến thức sách vở và kinh nghiệm cuộc sống.
Thể thơ tự do được sử dụng sáng tạo, nhịp điệu biến đổi linh hoạt, các phép điệp, được sử dụng hiệu quả đã tạo nên giá trị thẩm mĩ cho đoạn thơ. Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng hình ảnh và từ ngữ chọn lọc, giản dị, tinh tế, giúp người đọc nhận thức rõ chính nhân dân đã tạo dựng đất nước, tạo dựng sự sống, giữ gìn truyền thống, văn hóa dân tộc.
Đoạn thơ là tình cảm yêu mến, tự hào của Nguyễn Khoa Điềm về vai trò của nhân dân trong quá hình thành xây, điểm tô vẻ đẹp của đất nước. Đó là kết tinh của những cảm xúc mãnh liệt và chiêm nghiệm sâu sắc về đất nước, về vai trò của người, là tiếng lòng chân thành của thế hệ trẻ hướng tới cội nguồn dân tộc, tới truyền thống văn hóa, lịch sử mà nhân dân là người sáng tạo, bảo tồn và truyền lại cho con cháu mai sau. Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng Đất Nước của nhân dân” bằng hình thức biểu đạt giàu suy tư, qua giọng thơ trữ tình chính trị sâu lắng, thiết tha.