Bài tham khảo số 1
Nói về Xuân Diệu, nhà thơ Thế Lữ từng chia sẻ: "Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây trên đất của một tấm lòng trần gian". Thực vậy, đọc thơ Xuân Diệu, ta thấy cái đẹp ông cảm nhận được đều hiện có ở chốn trần gian này, đẹp và gần gũi lắm. Đằng sau những cái đẹp ấy, ta ngẫm ra những triết lí, những lời nhắn nhủ mà nhà thơ gửi gắm rất khéo, rất tinh tế. Đọc bài thơ "Vội vàng" của ông, ta có thể cảm nhận được rõ điều đó. Bốn câu thơ đầu tiên của bài đã, đang và sẽ vẫn mãi lưu lại trong tâm hồn người đọc nhiều dấu ấn.
Xúc cảm vội vàng dường như đã được thể hiện ở 4 câu đầu tiên của bài thơ. Khổ thơ năm chữ duy nhất trong bài thơ mà phần lớn là những câu thơ tám chữ. Thể loại thơ tám chữ gợi cho ta nghĩ đến cách nói vốn có của ca trù và cách sử dụng của Xuân Diệu cùng thể hiện một nét mới của thơ mới. Còn cách đặt những câu thơ ngắn trong trường hợp này làm nên giọng điệu gấp gáp giống như một hơi thở hối hả của một con người đang tràn đầy cảm xúc.
Mặt khác, Xuân Diệu đã đặt ở đầu tiên những câu lẻ hai chữ “tôi muốn”, và chủ đề trữ tình lập tức xuất hiện. Nhà thơ thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên không lẩn tránh hay giấu giếm, cái tôi đầy thách thức, đi ngược lại với thơ ca trung đại, nơi rất ít dám thể hiện cái Tôi. Cách nhà thơ công nhiên khiêu khích thẩm mĩ thơ của thời đại trước, chính là để thể hiện cái tôi trong một khao khát lớn lao, cái tôi muốn đoạt quyền tạo hoá để làm những việc mà chỉ tạo hoá mới làm được như “tắt nắng đi" và “buộc gió lại".
Một ước muốn kì lạ của thi sĩ. ấy là ước muốn quay ngược qui luật tự nhiên - một ước muốn không thể:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió" thật là những ham muốn kì dị, chỉ có ở thi sĩ. Nhưng làm sao cưỡng được qui luật, làm sao có thể vĩnh viễn hoá được những thứ vốn ngắn ngủi mong manh ấy? Cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ với cái thế giới thắm sắc đượm hương này.
Nhưng trong cách diễn đạt của nhà thơ thì “tắt nắng” và “buộc gió” không phải là ý muốn cuối cùng, vì những câu chẵn của khổ thơ đều bắt đầu bằng một chữ “cho”.
Cho màu đừng nhạt mất,
......
Cho hương đừng bay đi.
Khát vọng ngông cuồng kia cũng xuất phát từ mong muốn giữ lại cái đẹp đẽ cho sự sống. Những câu thơ gợi cảm giác lo âu rằng cái đẹp sẽ giảm hương sắc đi, màu nắng sẽ bớt rực rỡ nếu nắng cứ toả, và làn hương kia sẽ bớt nồng nàn nếu gió cứ bay. Nhưng mong muốn càng trở nên thiết tha hơn khi nhà thơ dùng đến hai lần chữ “đừng” - chứa đựng một nguyện vọng thiết tha. Từng chữ một của bốn câu thơ đều nói lên nỗi ham sống đến vô biên, tột cùng đến trở nên cuồng si, tham lam, muốn giữ lại cho mình và cho đời vẻ đẹp, sự sống ở trong tạo vật.
Trong quan niệm của người xưa, đời là chốn bụi trần, là bể khổ. Đấy là lý do vì sao lánh đời nhiều khi đã trở thành một cách sống mà cả tôn giáo lẫn văn chương đều chủ trương vẫn gọi con người trên hành trình đi tìm sự an lạc tâm hồn. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên, đạo Phật tô đậm vẻ đẹp của cõi Niết bàn, coi Tây phương cực lạc, văn học cổ Trung Quốc cũng như văn học trung đại Việt Nam đều đề cao tâm lý hoài cổ, phục cổ, khuyến khích xu hướng tìm về với những giá trị trong quá khứ vàng son một đi không trở lại như đi tìm một thiên đường đã mất. Xuân Diệu và thế hệ những người như ông đã phát hiện ra những điều khác biệt.
Nhẹ nhàng mà sâu sắc, những bức thông điệp mà nhà thơ Xuân Diệu gửi gắm qua hình ảnh thơ, ngôn từ sống động, giàu sức gợi đã để lại trong tâm trí người đọc nhiều ấn tượng khó phai. Qua 4 câu thơ đầu bài, phải chăng có rất nhiều người đọc càng thêm yêu thơ Xuân Diệu và trân quý hơn những tác phẩm của ông và đặc biệt ngưỡng mộ, khâm phục cái tài, cái tinh tế của người nghệ sĩ này.