Bài tham khảo số 1
Có lẽ mỗi câu thơ của Trần Đăng Khoa viết về Trường Sa đều chứa chan vị mặn của biển cả bạc trùng, thậm chí có cả máu và nước mắt nhiều thế hệ chiến sĩ hải quân canh trời giữ đảo. Lính đảo hát tình ca trên đảo lại góp một giọng điệu rất riêng, vừa tươi vui, hóm hỉnh nhưng cũng cảm động, sâu lắng về cuộc sống của người lính nơi đảo xa. Nhờ đó, tác phẩm neo vào lòng người sâu sắc, bền chặt suốt mấy chục năm qua.
Khổ đầu trong bài thơ được Trần Đăng Khoa miêu tả sự khắc nghiệt về thời tiết nơi quần đảo Trường Sa nhiều nắng gió. Cái sân khấu dựng lên giữa trời biển bao la ấy phải kỳ công và độc đáo lắm mới chịu nổi cái gió như quăng quật, tấp táp vào mặt con người. Sân khấu kê lên từ đá san hô biển, cánh gà phải dựng bằng tôn, tất cả đều tạm bợ thế thôi, vì không có phông màn nào chịu nổi thông thốc của gió trời biển đảo.
Nhưng sự thú vị nhất lại nằm ở khổ thơ thứ hai. Ở đây có sự đối lập giữa cái khắc nghiệt của thiên nhiên và sự dũng cảm, lạc quan của người lính. Gió rát mặt, “sỏi cát bay như lũ chim hoang”, thủy triều xuống lên liên tục khiến cho đảo cũng thay hình đổi dạng không ngừng. Quả là một vùng đất đầy gian nan, thử thách đối với người lính. Tuy vậy, người lính vẫn hiên ngang, lãng mạn và hào sảng.
Từ “mây nước mở màn”, hình tượng người lính đảo hiện lên thật độc đáo, tếu táo qua hình dáng bên ngoài lẫn vẻ đẹp tâm hồn, nhờ đó đã giúp cho Trần Đăng Khoa có được một giọng thơ hóm hỉnh, bông đùa nhưng tạo được cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc. Cuộc sống trên đảo Trường Sa khắc nghiệt, gian khổ “đến một cái cây cũng không sống được”, thành ra người lính cũng phải chấp nhận để thích nghi với môi trường. Thiếu thốn đủ thứ, trong đó có nước ngọt, vì vậy phần lớn họ phải cạo trọc đầu, thành ra “lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Họ gọi đùa nhau là “sư cụ”, là “bà con xa với bụt ốc”, thế hóa thành vui nhộn vì cảnh tượng “sư cụ hát tình ca” mới đưa duyên và “sóng sánh” làm sao!
Quả vậy, chính cuộc sống gian nan giữa nước trời thăm thẳm ấy, hình tượng người lính Trường Sa hiện lên thật lãng mạn và hào hoa. Họ hát tình ca trên đảo với biết bao tâm trạng và cảm xúc trào dâng: khát khao một tình yêu cháy bỏng, bày tỏ sự nồng nàn và chung thủy thiết tha. Cái giọng tình ca ở đây cũng thật kỳ lạ, cứ “ngang tàng như gió biển” nhưng lời lẽ tình tứ không chê vào đâu được, bồi hồi bỏng cháy “toàn nhớ với thương thôi”. Chính cái giọng phớt đời, tưng tửng lại là chỗ xót xa và lấy nhiều nước mắt của người đọc.
Hóm hỉnh nhất là khổ thơ với các câu hỏi tu từ tự vấn về người yêu của người lính đảo. Họ hát tình ca, yêu đắm say và nhớ thương tha thiết chỉ qua tưởng tượng, thành ra họ hình dung về người yêu của mình cũng có năm bảy đường khác biệt. Các em ở phương nào? Các em cao hay thấp? Xót xa nhất là bóng dáng nào sẽ đến với các anh như một câu hỏi xoáy sâu vào lặng lẽ, vào thăm thẳm ruột gan mong chờ khao khát mỗi khi đêm về trông ra chỉ bốn bề mây nước âm u.
Lãng mạn, hào hoa là thế, nhưng chất lính, sự kiên cường và dấn thân của người lính mới chính là vẻ đẹp cao cả về lòng yêu nước. Hát tình ca để khẳng định tình yêu thủy chung, khẳng định chủ quyền đất nước với biết bao khát vọng bình thường mà tạo hóa ban cho. Nhà thơ không nói hết, nhưng đó là tiếng nói phản kháng chiến tranh, là tiếng nói nhân văn sâu sắc. Cao hơn, hình tượng người lính đứng giữa trời nước bao la bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cho Tổ quốc chính là trách nhiệm lớn lao, thiêng liêng không gì sánh được.
Đến cuối bài, giọng điệu và hình ảnh thơ vẫn sống động, hóm hỉnh và tếu táo mang đậm phong cách thơ Trần Đăng Khoa. Hình ảnh “toàn những đá trọc đầu” khi thủy triều vừa rút như một kết thúc bất ngờ và ám ảnh. Đó là cả một sự quan sát, một phút xuất thần để có những câu thơ hay, ám gợi trong lòng người đọc.