Bài tham khảo số 10

Thanh Hải là một nhà cách mạng, một nhà thơ đã dành cả cuộc đời của mình cho cuộc chiến tranh giành lại độc lập của dân tộc. Ngay cả những ngày tháng cuối cùng của đời mình, ông vẫn nuôi một khát khao mãnh liệt được hòa mình vào cuộc đời, được trở thành một mùa xuân nhỏ điểm tô sắc màu vào mùa xuân vĩ đại của đất nước. Tâm niệm cao đẹp ấy của ông được thể hiện rõ nét qua ba khổ thơ cuối của tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” - tác phẩm như một khúc ca rộn rã cuối cùng mà Thanh Hải để lại cho cuộc đời.


Nếu như ở những khổ thơ trước đó, Thanh Hải đã dùng tất cả tình cảm yêu mến của mình để dệt nên những hình ảnh thơ dạt dào cảm xúc về mùa xuân, thì đến khổ thứ 4, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên để bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm rất riêng về lẽ sống, về giá trị cuộc đời mỗi người:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

Đoạn thơ như một khúc ca mang giai điệu ngọt ngào đến cho người đọc. Điệp từ “ta làm” được sử dụng như một cách bày tỏ ước nguyện chân thành của thi nhân. Nhà thơ muốn trở thành một con chim nhỏ để cất tiếng hót mua vui cho đời, muốn làm một cành hoa để điểm tô sắc thắm cho mùa xuân của đất mẹ. Những hình ảnh trên đều là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống. Nếu như ở những đoạn thơ trước, hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã hiện hữu trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, thì giờ đây, nó được sử dụng để thể hiện lẽ sống cao đẹp của một con người nhỏ bé. Mong muốn sống có ích, mong muốn được góp một phần tinh túy của mình vào mùa xuân của đất nước chính là tâm niệm lớn nhất của nhà thơ, nhà cách mạng này.


Cái “tôi” của thi nhân trong những phần đầu của bài thơ đã chuyển thành cái “ta” chung. Đây chính là cách nhà thơ khẳng định không chỉ riêng mình, mà còn rất nhiều những con người đang thầm lặng cống hiến sức mình cho mùa xuân chung đều có những lẽ sống cao đẹp như thế. Với hình ảnh “nốt trầm” và cách lặp từ “một”, ta có thể thấy những ước nguyện của tác giả thật chân thành và tha thiết. Không ồn ào, không cao giọng, cũng chẳng nổi bật, ông chỉ muốn làm một nốt trầm xao xuyến để góp vào cùng bản hòa ca chung của nhân dân. Đó chính là tâm niệm được đem một phần nhỏ bé của mình để góp vào công cuộc đổi mới của đất nước. Thật cao đẹp và khiêm tốn cho một tâm hồn mang lẽ sống đáng quý.

Đoạn thơ cuối cùng chính là ước nguyện được cống hiến không kể tuổi tác hay bệnh tật:

“Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo thể hiện cho một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người, mỗi sự cống hiến đều được ví như một mùa xuân nho nhỏ hòa mình vào mùa xuân chung của đất trời, của Tổ Quốc. Chỉ một màu sắc đẹp, chỉ một vẻ tinh túy riêng của mỗi người đã có thể giúp cho mùa xuân của đất nước thêm phần sắc thắm và rạng rỡ. Đó cũng chính là ước nguyện nhỏ bé của nhà thơ, ước nguyện được làm việc, được hi sinh và cống hiến một cách thầm lặng cho quê hương đất nước bất chấp cả thử thách của thời gian, tuổi tác:


“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Hai câu cuối của khổ 5 mang một âm điệu rắn rỏi cùng điệp từ “dù là” đã góp phần khẳng định sự tự tin trước mọi khó khăn, trở ngại của đời người. Tuổi trẻ cống hiến hy sinh, về già cũng có thể tiếp tục âm thầm góp sức nhỏ vào công cuộc chung. Ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời, với quê hương đất nước, khát vọng được cống hiến dường như đã trở thành một lẽ sống đi theo tác giả cả một đời thầm lặng.


"Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế"


Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ “Mùa xuân ta xin hát” diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương, đó là “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình” đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là “dịu ngọt”. Đây có lẽ cũng là một trong những vẻ đẹp của tác phẩm mà bất kì ai cũng cảm nhận được khi phân tích bài thơ mùa xuân nho nhỏ. Nếu những khổ thơ trên là những suy ngẫm cảm động về ước nguyện dâng hiến thì khổ thơ cuối nhà thơ lại muốn được cất lên tiếng hát thiết tha dựa trên lời ca buồn bã của câu Nam ai Nam bình, Thanh Hải đã chuyển thành một nội dung đằm thắm chất Huế, vừa hòa chung cùng nước non. Nước Nam đổi mới và ta cũng đổi mới. Bài thơ khơi lên là dòng sông là tiếng chim hót vang trời xứ Huế. Kết thúc lại là nước non và tiếng hát tươi vui cả tình yêu nước non ngàn dặm, tình yêu quê hương đất nước.


Như vậy, xuyên suốt bài thơ không chỉ là hình tượng mùa xuân. Từ tiếng chim chiền chiện tượng trưng cho khúc hát của đất trời đến làm một nốt nhạc trầm nhập vào bản hoà ca đất nước, và đến đây là khúc hát tạo ấn tượng một bài ca không dứt. Một bài ca yêu cuộc sống. Bài thơ được nhạc sỹ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát và trở thành một khúc ca xuân quen thuộc, xúc động, còn mãi với đời.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Top 10 Bài văn phân tích 3 khổ thơ cuối bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy