Bài tham khảo số 12

Nguyễn Du là một trong số những tên tuổi, những cây bút tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung. Ông đã góp vào kho tàng văn học nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc được biết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán, trong đó tác phẩm "Truyện Kiều" được xem là kiệt tác của nền văn học dân tộc. Trong tác phẩm, người đọc đã nhiều lần chứng kiến nhân vật Thúy Kiều chia tay với những người yêu thương nhưng có lẽ cuộc chia tay để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc chính là cuộc chia tay giữa Kiều và Từ Hải. Và đoạn trích "Chí khí anh hùng" đã tái hiện một cách chân thực và rõ nét cuộc chia tay ấy. Đặc biệt, qua đoạn trích, người đọc thấy được chí khí, vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải.


Trước hết, trong đoạn trích "Chí khí anh hùng", Từ Hải hiện lên là một con người với khát vọng lên đường mãnh liệt và khao khát được tung hoành, vùng vẫy khắp bốn phương.


Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm, yên ngựa, lên đường thẳng rong.


Câu thơ mở đầu đoạn trích đã mở ra hoàn cảnh cuộc chia tay lên đường của Từ Hải. Đó chính là thời điểm "hương lửa đương nồng", tình yêu, cuộc sống của Thúy Kiều và Từ Hải đang độ mặn nồng, êm ấm và hạnh phúc. Để rồi, trong chính hoàn cảnh ấy, khát vọng lên đường, được vẫy vùng khắp đó đây của Từ Hải càng hiện rõ lên bao giờ hết. Từ "thoắt" được tác giả sử dụng thật độc đáo, qua đó cho thấy dứt khoát, mau lẹ của Từ Hải. Cùng với đó, cái mà Từ Hải hướng đến, khiến cho Từ Hải phải động lòng đó chính là "bốn phương" - một không gian vũ trụ bao la, rộng lớn, gợi lên khát vọng lập công danh, sự nghiệp, tung hoành khắp năm châu bốn bể. Đặc biệt, tư thế lên đường của nhân vật Từ Hải còn được Nguyễn Du khắc họa rõ nét qua hàng loạt các hình ảnh "thanh gươm", "yên ngựa" và "lên đường thẳng rong". Tất cả những từ ngữ ấy đã gợi lên hình ảnh người anh hùng Từ Hải một mình, một ngựa, một gươm lên đường không chút do dự để thực hiện khát vọng của bản thân. Đó là một tư thế rất đẹp, hiên ngang, không chút vướng bận của người quân tử. Tư thế ấy sánh ngang với vũ trụ bao la, rộng lớn. Và như vậy, qua bốn câu thơ mở đầu đoạn trích, tác giả đã cho người đọc cảm nhận rõ nét hình tượng người anh hùng Từ Hải với khát vọng lên đường, khát vọng vẫy vùng trong trời đất năm châu bốn bể mạnh mẽ, không gì có thể cản nổi.


Không chỉ dừng lại ở khát vọng được vẫy vùng khắp năm châu bốn bể, nhân vật Từ Hải còn hiện lên là một người có anh hùng có chí khí, có sự thống nhất cao độ giữa lí tưởng phi thường của bản thân với tình cảm nghĩa tình sâu đậm với người tri kỉ. Vẻ đẹp ấy của nhân vật Từ Hải được thể hiện rõ nét qua lời đối đáp của chàng khi Thúy Kiều quyết một lòng đi theo cùng chàng.


Từ rằng: "Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?


Nghe Thúy Kiều bày tỏ nỗi niềm muốn được đi cùng Từ Hải để chăm sóc cho chàng, Từ Hải đã nhẹ nhàng trách móc Kiều chưa thoát khỏi được những khao khát, ước muốn của nữ nhi. Đồng thời, Từ Hải cũng đã lấy đã khéo léo từ chối lời đề nghị của Kiều, bằng cách đưa ra đạo lí về tri kỉ để khuyên Kiều ở lại. Từ Hải xem Thúy Kiều là "tâm phúc tương tri", là người tri kỉ có thể thấu hiểu mọi nỗi niềm tâm sự, mọi quyết định của chàng và vì vậy, chàng mong muốn Thúy Kiều sẽ vượt lên trên những nỗi niềm mong muốn đời thường của người con gái để xứng đáng làm người tri âm, tri kỉ của bậc anh hùng. Sự từ chối ấy cho thấy Từ Hải đã vượt lên trên tình cảm cá nhân, không chút bịn rịn, lưu luyến mà quên đi lí tưởng, khát vọng lớn lao của mình.


Thêm vào đó, Từ Hải còn là người tự tin vào tài năng của bản thân khi chàng đã cất lời hứa với Thúy Kiều.

Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.


Câu thơ là lời khẳng định, lời hứa của Từ Hải dành cho Thúy Kiều và với cả chính bản thân mình. "Mười vạn tinh binh", "tiếng chiêng", "bóng tinh rợp đường" là những từ ngữ, hình ảnh thuộc phạm trù không gian rộng lớn, từ đó gợi lên trong tâm trí người đọc khát vọng lớn lao, mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải. Khát vọng "làm cho rõ mặt phi thường" chính là khát vọng tạo lập được một công danh, sự nghiệp lẫy lừng khắp đó đây, xuất chúng trong thiên hạ. Đó chính là niềm tin sắt đá vào tài năng của chính mình của người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, chàng cũng hứa hẹn với Thúy Kiều khi đã có công danh lẫy lừng sẽ đón nàng "nghi gia" để vợ chồng có cuộc sống sum vầy, hạnh phúc lứa đôi. Điều đó vừa cho thấy tấm lòng, sự lo lắng cho Thúy Kiều của người anh hùng Từ Hải đồng thời cũng cho thấy niềm tin vào chính mình của chàng. Như vậy, Từ Hải ra đi không phải chỉ để thực hiện lí tưởng, hoài bão, khát khao của bản thân mình mà còn hướng tới hạnh phúc phi thường trong cuộc sống, đó chính là "trai anh hùng với gái thuyền quyên". Thêm vào đó, lời hứa ngắn gọn với Kiều càng thể hiện rõ sự tự tin của Từ Hải.


Bằng nay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!


Với hình ảnh "bốn bể không nhà" nhà thơ đã khéo léo gợi ra những gian nan, thử thách, khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp mà người anh hùng phải đương đầu vượt qua để thực hiện lí tưởng của bản thân mình. Để rồi, từ đó, chàng cũng đã đưa ra lời hứa với Thúy Kiều về thời gian trở về. "Một năm" trong lời hứa của Từ Hải với Thúy Kiều đã cho thấy một cách rõ nét sự tự tin của chàng trên con đường chinh phục, thực hiện lí tưởng, khát vọng lớn lao của bản thân.


Cùng với đó, hình tượng người anh hùng Từ Hải hiện lên trong tác phẩm còn là con người đầy bản lĩnh và ra đi với một thái độ dứt khoát, không vướng bận, quyến luyến.

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.


Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả Nguyễn Du đã khéo léo vẽ ra trước mắt người đọc tư thế ra đi của người anh hùng Từ Hải. Bằng việc sử dụng hàng loạt các từ ngữ "quyết", "dứt", "ra đi" trong cùng một câu thơ tác giả đã cho thấy sự dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng của nhân vật Từ Hải. Thêm vào đó, tác giả còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ "chim bằng" trong câu thơ cuối cùng để thể hiện hình tượng người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hoài bão lớn lao, mang tầm vóc của vũ trụ.


Tóm lại, với bút pháp lí tưởng hóa nhân vật cùng những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng, đoạn trích "Chí khí anh hùng" đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, qua hình tượng nhân vật Từ Hải đã thể hiện quan niệm về người anh hùng lí tưởng và ước mơ công lí của tác giả Nguyễn Du.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 12 Bài văn phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích "Chí khí anh hùng" của Nguyễn Du hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10
  11. top 11 Bài tham khảo số 11
  12. top 12 Bài tham khảo số 12

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy