Bài tham khảo số 12

Thạch Lam được mệnh danh là một trong những cây bút lãng mạn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Với lối viết giản dị, giàu cảm xúc những tác phẩm của ông đã để lại nhiều suy tư trong lòng người đọc. “Hai đứa trẻ” là một trong những tác phẩm như vậy. Với lối viết bình dị, tâm tình cùng nhiều cung bậc cảm xúc, Thạch Lam đã tạo ra một cô bé Liên với nhiều suy tư, ẩn chứa nhiều ý nghĩa.


“Hai đứa trẻ” được đánh giá là một tác phẩm lạ bởi chất trữ tình đã khiến một tác phẩm truyện lại như không phải là truyện. Câu chuyện là mảnh ghép của những lát cắt của một buổi chiều tà nơi phố huyện nghèo nàn. Bước ra từ tác phẩm là hình ảnh của kiếp người khác nhau trong cái nơi tù túng, đói khổ đó. Ngần ấy con người, mỗi người một công việc, một số phận, một câu chuyện nhưng họ cùng có một điểm chung là cuộc sống hằng ngày quanh quẩn bên cái đói, cái nghèo. Và tất cả đều chỉ quan tâm đến miếng cơm manh áo nhưng nổi bật lên trong bức tranh ấy là hình ảnh Liên với những khát vọng và mơ ước đẹp đẽ.


Qua ngòi bút của Thạch Lam, Liên hiện lên với dáng vẻ của một cô bé như đang già đi trước tuổi bởi khả năng quan sát cùng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm khó thấy được ở cái tuổi mười tám, đôi mươi. Ngay từ khi đứng trước khung cảnh của một buổi chiều tà, Liên đã cảm thấy long mình man mác buồn: “Cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của Liên, chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Nỗi buồn ấy là cái buồn mơ hồ, cái buồn của cái tuổi mới lớn, của một cô gái nhạy cảm với mọi cảnh vật xung quanh. Thạch Lam đã mở đầu tâm trạng buồn đấy của Liên bằng không gian của một chiều tối với tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài bờ ruộng. Cái khung cảnh ấy chính là khởi nguồn cho tâm trạng buồn bã của Liên. Và chính từ đây, trong cô dội lên một sự thương xót, đồng cảm đối với “những đứa trẻ con nhà nghèo” đang kiếm tìm, nhặt lại những mẩu vụn còn vương vãi trên nền đất của cái chợ quê nghèo.


Không chỉ quan sát, lắng nghe mà tâm hồn nhạy cảm của Liên còn cảm nhận được “Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Phải thân thuộc, gắn bó với mảnh đất này, phải thấm thía bao nhiêu cái nghèo khổ, vất vả của nơi đây thì cô bé mới cảm nhận được cái hương vị quen thuộc nhưng lại chẳng mấy ai để ý đó? Đến những câu chữ này, Liên hiện lên trong suy nghĩ của người đọc không chỉ là một cô bé nhạy cảm nữa mà còn có một tâm hồn trong sáng, một trái tim giàu trắc ẩn.


Và trong cái thời khắc ngày tàn đó, hình ảnh duy nhất mà hai chị Liên đang mong chờ, hy vọng là chuyến tàu đêm đi qua phố huyện nhỏ. Đối với hai chị em chuyến tàu mang theo đó ánh sáng về một tương lai được quay trở lại với cuộc sống của những ánh đèn xanh đỏ, của đồ ăn ngon, của sự giàu có. Đó là thế giới khác hẳn với cuộc sống ở cái phố huyện nghèo này.


Liên là một cô gái còn rất nhỏ nhưng với trái tim biết cảm thông, biết yêu thương, với những mong ước được hướng về tương lai tươi sáng, Liên có những sự quan sát tỉ mỉ những con người nơi đây. Liên thấy một bà cụ Thi điên say rượu rồi bỗng bật cười khanh khách rồi những bước chân, dáng hình đó cũng dần chìm vào bóng đêm còn tiếng cười thì cũng xa dần, xa mãi. Đó là hình ảnh hai mẹ con chị Tí ngày ngày dọn gánh nước chè mưu sinh nhưng lại chẳng kiếm được bao nhiêu. Ta còn thấy trong bức tranh là hình ảnh của bác phở Siêu cả đêm chẳng kiếm được đồng nào, hình ảnh cả gia đình bác Sẩm “run rẩy” bên chiếc đàn bầu cùng tiếng nhạc cứ khắc khoải mãi không thôi. Phố huyện nghèo, con người hiện lên trong phố huyện cũng nghèo nàn như thế. Ngần ấy con người trong phố huyện ngày ngày chỉ biết sống lầm lũi trong bóng đêm, sống qua ngày. Cái nghèo đói, khổ sở dường như cứ bám theo họ hết ngày này qua ngày khác. Cô bé nhỏ tuổi ấy đã nhìn thấy được sự bế tắc trong cuộc sống của chính miền quê cô đang sống. Đồng cảm với họ, thấu hiểu họ chính vì thế Liên càng mong ngóng chuyến tàu đêm đi qua – thứ ánh sáng duy nhất mang theo cuộc sống phồn hoa, giàu có cho cả phố huyện này.


Kết thúc câu chuyện là hình ảnh hai chị em Liên cùng nhau ngắm nhìn đoàn tàu đi qua rồi khuất dần, biến mất để lại trong Liên bao tiếc nuối, suy tư: ““Liên lặng theo mơ tưởng, Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng” khiến người đọc không khỏi xót xa.


Có thể thấy, xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh về một cô bé với tâm hồn nhạy, nhiều suy tư nhưng chính những mạch suy nghĩ đó của Liên đã phản ánh sự đối lập của hai thế giới: Một bên là cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập ánh sáng với bên còn lại là phố huyện nghèo nàn, vất vả. Từ đây Thạch Lam muốn cho người đọc thấy được cái cuộc sống đáng thương của những đứa trẻ nghèo, của những kiếp người nhỏ bé, vô danh trong cái xã hội khi mà đất nước vẫn đang chìm đắm trong nô lệ, nghèo đói.


Một tác phẩm theo khuynh hướng lãng mạn, một câu chuyện tưởng như không có cốt truyện nhưng lại lôi cuốn người đọc lạ kỳ bởi hình ảnh thiên nhiên, con người được miêu tả dù buồn, dù khổ cực nhưng vẫn toát lên những vẻ rất thơ của nó. Và chính cái bức tranh hiện thực chìm lấp sau cái thơ mộng trữ tình đó khiến người đọc càng thấm thía hơn cái giá trị nhân văn cốt lõi của tác phẩm để mà biết trân trọng hơn những giá trị đó.


Có thể nói Thạch Lam đã rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh của Liên để từ đó gián tiếp truyền tải những triết lý sâu sắc của mình. Và có lẽ đây cũng chính là điều làm nên sự trường tồn cho tác phẩm.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy