Bài tham khảo số 2
Ta chính là Rùa Vàng linh thiêng, người hộ mệnh của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử qua. Vào sáu trăm năm trước, ta đã giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh cứu đất nước khỏi lầm than nhờ vào một thanh kiếm có khắc chữ “Thuận Thiên”. Ấy là ta đã vâng mệnh Long Quân lên cứu nước cứu dân, giúp vị vua hiền tài. Câu chuyện này đã lưu lại thành truyền thuyết lưu danh ngàn năm qua.
Ngày ấy, ta ngụ ở hồ nước lớn đã được hơn ngàn năm. Như thường lệ, cứ vài tháng một lần ta lại ra chỗ đến chỗ Ngọc Sơn bây giờ để xem xét người Việt ta sinh sống ra sao. Bao bước thăng trầm lịch sử, biến cố của dân Nam ta đều thông hiểu như lòng bàn tay. Lần đó bơi đến gần bờ, ta nghe dân thành Thăng Long than trời khóc đất vì bị quân Minh xâm lược đến hoang tàn. Ta ngay lập tức đem câu chuyện kể với Long Quân xin một ân điển cứu nước cứu dân. Và chuyện về gươm thần, tên hồ Hoàn Kiếm sinh ra từ đó.
Bấy giờ ở vùng núi Lam Sơn hiểm trở gập ghềnh có một nghĩa quân nổi dậy chống lại bọn chúng, nhưng những buổi đầu do lực lượng còn non yếu mà nghĩa quân gặp biết bao khó khăn, có khi mấy tuần lương thực hết, vũ khí thiếu thốn… Điều này gây nhiều bất lợi cho việc chiến đấu chống quân thù. Từ câu chuyện của ta đã trình và từ tình hình thực tế lầm than của dân chúng cần tìm một người tài lãnh đạo, Long Quân định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết trừ giặc hung.
Vào một đêm trăng sáng, ở một bờ sông vắng Long Quân sai ta cắp gươm thần thả vào lưới đánh cá của Lê Thận - một chàng trai khỏe mạnh có chí khí và có lòng yêu nước, tính tình hiền lành, chất phác. Lê Thận kéo lưới lên thấy nằng nặng, mừng thầm cứ nghĩ là bắt được cá to. Nhưng khi chàng ta thò tay vào lưới lấy ra thì chỉ thấy một thanh sắt vut không đáng giá, bèn vứt luôn xuống sông không đoái hoài và chèo thuyền sang thả lưới ở nơi khác. Chính ta đã thả gươm vào lưới. Đến lần thứ ba khi kéo lưới lên, Thận vẫn thấy thanh sắt của hai lần trước, chàng lấy làm kỳ lạ. Đúng lúc đó, có một ánh chớp lóe lên từ phía xa, chàng nhìn rõ đó là một lưỡi gươm và lấy làm sung sướng.
Về sau chính Lê Thận đã gia nhập quân khởi nghĩa Lam Sơn. Ta đã không nhầm khi tin tưởng con người đó. Đó là chàng trai hăng hái, gan dạ, không ngại nguy hiểm, dũng cảm chiến đấu. Cảm kích vì có một người anh dũng trong nghĩa quân, một hôm chủ tướng Lê Lợi cùng mấy tuỳ tòng đến thăm nhà của Lê Thận. Thanh gươm thần như chủ ý từ trước gặp được người chủ tướng sáng suốt nên đã tự động sáng rực lên trong túp lều tối om không một ánh đèn. Lê Lợi cầm lưỡi gươm lên xem và thấy hai chữ “Thuận Thiên” trên lưỡi gươm.
Song không ai nghĩ đó là một lưỡi gươm thần rồi chuyện đó cũng nhanh chóng bị quên đi. Có một lần Lê Lợi cùng vài người đi qua một khu rừng thấy trên ngọn cây cao có một ánh sáng lấp lánh chiếu rọi vào mắt. Ông trèo lên cây xem thử thì thấy một cái chuôi gươm nạm ngọc quý giá. Bỗng nhớ đến lưỡi gươm nhà Lê Thận, ông mang chuôi về nhà.
Ba ngày sau đó, khi gặp lại mọi người trong nhà của Lê Thận, Lê Lợi đem chuyện bắt được chuôi gươm kể lại cho họ nghe. Mọi người đem lưỡi gươm tra vào chuôi thì vừa như in. Như vậy là gươm thần đã tìm được người chủ công sáng suốt xứng đáng cầm gươm thần dẫn dắt nhân dân đánh đuổi giặc dữ giữ gìn bờ cõi. Đến đây thì nhiệm vụ của ta đã hoàn thành, thanh gươm thần đã được đặt vào đúng vào vị trí của nó.
Một năm trôi qua, nghĩa quân của Lê Lợi với gươm thần giúp sức đã tung hoành khắp trận địa, nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng mạnh, liên tiếp giành được thắng lợi, làm cho giặc Minh bạt vía hồn kinh. Uy thanh của nghĩa quân vang vọng khắp nơi, lấy được nhiều lòng tin của nhân dân. Nhờ có gươm thần, quân ta hăng chiến đấu đã mạnh lại càng thêm mạnh, chiến thắng liên tiếp. Chẳng mấy chốc mà đất nước sạch bóng quân thù, Lê Lợi lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thái Tổ.
Sau khi mọi chuyện đã được giải quyết, nước nhà đã sạch bóng quân thù, ta liền vội vã lên đường, thực hiện nhiệm vụ mà Long Quân giao. Khi đoàn thuyền rồng của nhà vua hiện ra trước mắt. Ta từ từ nổi lên mặt nước và bơi ra đón trước mũi thuyền. Ta cất giọng chậm rãi: “Việc đã xong. Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”.
Sau khi nghe ta nói, Lê Lợi nâng gươm hướng về phía ta và nói: “Xin Thần Kim Quy về báo lại với Đức Long Quân rằng Lê Lợi thay mặt muôn dân kính cẩn đội ơn Ngài đã cho mượn gươm báu giúp dân, giúp nước. Xin cho chúng dân đổi tên hồ này thành hồ Hoàn Kiếm để đời đời nhớ đến công đức của Ngài”. Nghe xong, ta chậm rãi gật đầu, ngậm gươm thần rồi lặn xuống nước. Một vệt sáng le lói từ mặt hồ trong xanh chiếu lên như sự đồng ý trước lời thỉnh cầu của nhà vua.
Cũng từ lúc đó hồ Tả Vọng được đổi tên thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm. Và trong nhân gian vẫn còn lưu truyền sự tích Hồ Gươm cho đến tận ngày hôm nay ghi công một cuộc chiến vẻ vang của dân tộc.