Top 6 Bài văn phân tích đặc sắc nghệ thuật trong "Người lái đò Sông Đà" hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6

Bài tham khảo số 2

Con sông Đà thân yêu ngày nay đã cho nhân dân ta thủy điện, đem ánh sáng đến mọi miền đất nước. Cách đây trên bốn thập kỉ, nhà văn Nguyễn Tuân, đã viết "Sông Đà", trong đó có bài kí "Người lái đò sông Đà" ngợi ca cảnh sắc hùng vĩ, tráng lệ của sông núi và sự dũng cảm, tài hoa của con người Tây Bắc. Áng văn này đích thực là một "Tờ hoa", một "Trang hoa", thể hiện những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân - một nghệ sĩ lớn, tiêu biểu cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại: uyên bác, tài hoa, độc đáo.


Bài kí có hai nhân vật - hình tượng để lại cho người đọc nhiều cảm xúc thẩm mĩ, đó là hình ảnh con sông Đà và người lái đò trên Đà giang.


Mấy thế kỉ trước, đường lên Tây Bắc chủ yếu đi theo đường sông Đà, ca dao có câu:


"Đường lên Mường Lễ bao xa,

Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh".


Sông Đà hùng vĩ, vừa hung dữ, vừa thơ mộng xinh đẹp. Nguyễn Tuân coi sông Đà là người bạn thân thiết, một "cố nhân"với nhiều thương nhớ, bồi hồi. Đọc một em học sinh biết thêm: Li Tiên và Bả Biên giang là hai cái tên xa xưa của Đà giang. Và độ dài của nó là 883 nghìn mét, riêng từ đoạn biên giới Việt - Trung đến ngã ba Trung Hà dài đúng 500 cây số lượng rồng rắn.


Sông Đà hung dữ có lắm thác nhiều ghềnh. Nguyễn Tuân như một nhà thám hiểm - du lịch đi xa biết nhiều, đến sơn cùng thủy tận, kể cho ta nghe tên bao nhiêu con thác dữ, những cái tên là lạ hay: thác En, thác Giăng, Mó Tôm, Mó Nàng, Suối Hoa, Hót Gió, thác Tiếu, thác Bờ,... Nhà văn cho biết từ thác Tiếu trở xuống sông Đà êm ả, bình yên; người Thái mới có câu tục ngữ: "Qua thác Tiếu trải chiếu mà nằm".


Ở thượng nguồn, lòng sông Đà có đoạn thắt lại "như cái yết hầu", đôi bờ vách đá dựng thành "con nai, con hổ có thể vọt từ bờ này sang bờ kia". Ở ghềnh Hát Loóng "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè...." dài hàng mấy cây số! Có những cái vực với những hút nước sâu thẳm như giếng bê tông "nước thở và kêu ặc ặc như cửa cống cái bị sặc", ở phía trên lừ lừ những cánh quạ đàn đang chờ mồi. Âm thanh tiếng thác mới ghê rợn, lạ lùng như tiếng rống của hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng tre, rừng vầu bị cháy. Nguyễn Tuân tạo nên những so sánh và liên tưởng rất "đắt"cho thấy óc quan sát, cách nghĩ cách cảm của ông về thác, ghềnh Đà giang. Có lúc ông ví sông Đà hung dữ có "diện mạo và tâm địa" một thứ kẻ thù số một của con người. Nó hung hãn, nham hiểm, xảo quyệt, độc ác với bao "thạch trận", bao "trùng vi" có những ông tướng đá dữ tợn, lạnh lùng đứng trấn giữ lớp lớp "cửa tử" và "cửa sinh" với những boong ke chìm mai phục khắp lòng sông, sẵn sàng nhấn chìm, bẻ gãy tan tành những con thuyền đi qua. Sông Đà lại có mùa, có đoạn đẹp một cách hữu tình: "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích... Mùa thu nước sông Đà đỏ mặt một người bầm đi vì rượu bữa...". Cuối tháng hai đầu tháng ba, hoa ban hoa gạo nở bung núi rừng Tây Bắc "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình...". Hình ảnh những đàn hươu ngốn cỏ gianh, những nương ngô xanh rờn, những con cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt nước sông "bụng trắng như bạc rơi thoi" gợi lên vẻ đẹp kì thú, hoang sơ của Đà giang.


Nguyễn Tuân đã viết nên những đoạn văn tuyệt hay và tuyệt đẹp nói lên vẻ hoang sơ của sông Đà: 'Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ... Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồng ngày xưa". Sông Đà càng trở nên thơ mộng với "những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển" ở vùng trung lưu và "những con đò mình nở chạy buồm vải" vùng hạ lưu. Đọc "Người lái đò Sông Đà", hơn bao giờ hết ta cảm nhận một cách sâu sắc câu thơ đề từ: "Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông". Với tình yêu sông núi của một con người tài hoa, Nguyễn Tuân đã tả sông Đà một cách đa dạng, biến hóa muôn màu muôn vẻ. Không gian nghệ thuật và thời gian thẩm mĩ vừa thực vừa mộng, đã khơi gợi trong lòng người đọc tình yêu thiết đối với Đà giang - mảnh hồn Tổ quốc thiêng liêng.


Hình ảnh người lái đò sông Đà được khắc hoạ khá độc đáo. Con người này như dẫn ta đi xuôi ngược dòng sông, lúc vượt thác, lúc cưỡi ghềnh. Đó là một người làm ăn giỏi, thạo nghề sông nước. Với con thuyền sáu mái chèo, ông tung hoành xuôi ngược trên chiến trường sông nước, "nắm chắc binh pháp của thần Sông, thần Đá". Ông đã đưa con thuyền vượt qua nhiều cửa tử để đi vào cửa sinh, xuôi dòng bình yên. Hơn mười năm liền chở đò xuôi ngược trên sông Đà, tiếng nói của ông "ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông". Mái tóc nay đã bạc "cái đầu quắc thước đặt một thân cao to và gọn quánh như chất sừng, chất mun". Cánh tay ông "trẻ tráng" quá; nhìn ông lão bảy mươi tuổi mà ta tưởng như mình đang đứng trước một chàng trai vạm vỡ. Bả vai và ngực ông nổi lên những "củ nâu" dấu vết của những tháng ngày chèo đò vượt thác. Nguyễn Tuân gọi đó là thứ "Huân chương lao động siêu hạng".


Nhà văn đi sâu miêu tả ông lái đò đưa thuyền qua ba thạch trận trên chiến trường sông nước. Cảnh ghềnh thác cực kì dữ dội, ghê sợ. Lúc thì ông tả thác qua âm thanh nước nghe được, lúc thì ông tả cái hút nước mắt nhìn thấy được như một đoạn phim cận cảnh quay nhanh. Cảm hứng được khơi dậy, nhà văn tung ra một kho ngôn từ giàu có, phong phủ để diễn tả cuộc chiến đấu của người lái đò với thần Đá thần Sông. Cảnh tượng vượt thác ghềnh với bao hình thù và sắc thái, với bao bộ mặt và âm thanh, xa gần ẩn hiện, nhiều tình huống gay cấn nhất, oái oăm nhất được khắc hoạ trên quy mô và tầm vóc hoành tráng, đã làm nổi bật vai trò vị thuyền trưởng dũng cảm tài hoa, chiến thắng những mưu mô xảo quyệt của thần Sông, thần Đá. Mưu trí dũng cảm, quyết đoán làm nên bản lĩnh cao cường của ông lái đò. Có lúc con đò như một mũi tên tre "vút vút" xuyên qua hơi nước của trùng vi thạch trận. Có lúc ông đã "nắm chặt cái bờm sóng", nắm chắc lấy luồng nước, vút qua mọi cửa tử lao thẳng đến cửa sinh,... Cũng có trường hợp ông bị luồng nước "vô sở bất chí" đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, đôi mắt nổ đom đóm hoa lên, nhưng ông lái đò vẫn tỉnh táo đưa con đò thoát hiểm!


Nguyễn Tuân không chỉ tả ông lái đò trong lúc vượt thác băng ghềnh mà còn miêu tả ông sau một ngày giao tranh với thần Sông thần Đá, để làm nổi bật cái trầm tĩnh, sự thư thái ung dung của một vị thuyền trưởng lão luyện, dạn dày sông nước. Lúc ngừng chèo, đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, ông lái đò chỉ nói chuyện "cá anh vũ, cá dầm xanh", những hầm cá về mùa hè tiếng nổ to như mìn, bộc phá. Còn cái chuyện vượt thác đối với ông chẳng có gì là hồi hộp, đáng nhớ.


Nguyễn Tuân là một nhà văn bậc thầy về ngôn ngữ. Tiếng thác nước được ông tả biến hóa, sinh động bằng một vốn từ ngữ giàu có kì lạ. Trên mặt ghềnh thác thì "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió"... Hút nước kêu "ặc ặc như rót dầu sôi vào". Tiếng thác nghe từ xa vô cùng ghê rợn "như oán trách ... như van xin.... như khiêu khích... giọng gằn mà chế nhạo", có lúc rống lên như đàn trâu mộng hàng ngàn con đang lồng lộn giữa rừng cháy!


Nguyễn Tuân đã sử dụng vốn hiểu biết sâu rộng về địa lí, lịch sử, về quân sự, thể dục thể thao, về các môn nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ... cả tiếng lóng của nghề sông nước để tạo nên những đoạn văn đẹp, hấp dẫn lạ. Nào là đòn tỉa đòn âm, đánh hồi lùng, phục kích, vu hồi. Nào là trùng vi thạch trận, boong ke, cửa sinh, cửa tử, pháo đài... Nào là thanh viên, giáp lá cà, tiền vệ, hậu vệ tuyến giữa, tuyến hai... Chữ dùng thật đắt, lối đặt câu co duỗi dài ngắn, vừa đa dạng, uyển chuyển, vừa thú vị.


Các từ tượng thanh, nhóm từ đồng nghĩa, những so sánh liên tưởng, lối nhân hóa... rất sáng tạo, mới mẻ, ý vị và hay. Hồ Xuân Hương viết: "Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn" ("Tự tình") hoặc "Hòn đá xanh rì lún phún rêu ("Đèo Ba Dội"). Bà Huyện Thanh Quan lại có câu thơ: "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt - Nước còn cau mặt với tang thương". Đó là những vần thơ tuyệt bút viết vé đá mang tính hàm nghĩa. Nguyễn Tuân cũng có những câu văn hay viết về đá, về thạch trận nơi sông Đà: "Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt...".


Nguyễn Tuân là một nhà văn uyên bác, tài hoa trong cách sử dụng vốn hiểu biết sâu rộng vẻ văn chương. Một câu thơ nước ngoài, một câu cổ thi được ông dùng làm đề từ, đã mấy ai biết xuất xứ của nó? - Và đã tạo nên cốt cách sang trọng cho bài kí. Ông nhắc lại câu đồng dao để nói về huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh tranh giành người đẹp, để yêu thêm núi Tản sông Đà:


"Núi cao sông hãy còn dài,

Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen".


Tác giả mượn câu thơ Tản Đà để làm đẹp thêm cái thơ mộng của Đà giang:

"Dải sông Đà bọt nước lênh đênh

Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình".


Cảnh mùa xuân trên sông Đà cũng là cảnh đẹp hoa khói như con sông Trường Giang hơn nghìn năm về trước trong đời Đường khi thi tiên Lý Bạch tiễn bạn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng: "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu".


Nói về truyền thống anh hùng của đồng bào Tây Bắc, nhà văn đã không quên chọn hai câu thơ của Nguyễn Quang Bích - bậc sĩ phu kiên cường chống Pháp cuối thế kỉ XIX - để đưa vào bài kí:


"Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu,

Giữ lấy Thao Đà dải thượng lưu".


Nhờ thế mà đọc bài kí "Người lái đò Sông Đà", ta hiểu được nhiều điều bổ ích về cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc, về địa lí, lịch sử, về truyền thống cách mạng của các dân tộc xung quanh con sông Đà, về hình thức, ghềnh sông, về tài nguyên Tổ quốc bao la, về những câu thơ đẹp - tinh hoa văn hóa cổ kim Đông Tây mà Nguyễn Tuân chọn lọc đưa vào. Tâm hồn người như được nâng lên, trí tuệ được khơi dậy, bừng sáng và trở nên giàu có. "Người lái đò Sông Đà" đúng là một giai phẩm mà Nguyễn Tuân đã góp vào, làm đẹp thêm vườn hoa văn nghệ Việt Nam.


Ai đã từng đọc "Vang bóng một thời" chắc cảm nhận được cái sắc sảo, tài hoa và lịch lãm của nhà văn Nguyễn Tuân khi ông nói về chuyện uống trà, thưởng hoa, trồng cây cảnh, chơi chữ, đánh thơ, thả thơ, chơi đèn trung thu... của những nhà nho thuở trước, những thứ ăn chơi tao nhã, sang trọng, thể hiện một phong cách sống đẹp, khẳng định bản sắc của nền văn hóa Việt Nam với độ dày hàng nghìn năm lịch sử.


Đọc "Người lái đò Sông đà", ta biết thêm một Nguyễn Tuân uyên bác, tài hoa, độc đáo. Tả cảnh thì biến hóa, trong bốn mùa, trong mọi thời gian và không gian, đa thanh và phức điệu lúc nói về thác, ghềnh... Bao liên tưởng đầy thi vị, với bao cảm giác mạnh đầy màu sắc và góc cạnh với một kho chữ nghĩa giàu có. Văn của Nguyễn Tuân đúng là những giọt mật của con ong yêu hoa, cần mẫn và sáng tạo, đem thơm thảo cho đời. Câu văn xuôi tài hoa, lúc thì vang vọng âm ba của thác ghềnh, lúc thì mênh mang dư vị của hương nguồn hoa núi.


Đọc "Người lái đò Sông Đà" ta yêu thêm con người Việt Nam dũng cảm, cần cù và tài hoa; ta tự hào về núi sông Tổ quốc nguy nga, tráng lệ. Sông Đà quả là quà tặng của thiên nhiên:


"Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát - khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi"

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 6 Bài văn phân tích đặc sắc nghệ thuật trong "Người lái đò Sông Đà" hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy