Bài tham khảo số 2
Con người được thượng đế ban cho sinh mệnh để sống cũng ban cho riêng một cá tính, một suy nghĩ và chẳng ai có thể giống ai ngay cả những bào thai song sinh. Chính vì thế đối với cách sống mỗi người đều có mỗi ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng: "Sống là không chờ đợi" nhưng lại có ý kiến khác khuyên chúng ta nên sống chậm lại. Vậy chúng ta có bao giờ tự đặt ra câu hỏi mình nên sống chậm lại hay "vội vàng" mà sống?
Ý kiến "sống là không chờ đợi" chính là trào lưu của giới trẻ hiện nay. Đó là thái độ sống vội vàng , sống hết mình, chạy đua với thời gian để mà sống. Chúng ta không cho phép bản thân nhìn mãi vào quá khứ, đắm chìm trong hiện tại, mà luôn nuôi giấc mộng về tương lai tươi sáng để mong được tận hưởng đủ đầy, không bỏ qua bất cứ điều gì để không hối tiếc. Bởi thời gian là tuyến tính. Có nghĩa thời gian là dòng chảy mà mọi thứ trôi qua đều mất đi vĩnh viễn. Tuổi trẻ, niềm tin, hạnh phúc,… Và những điều trân quý nhất trong cuộc đời.
Thế nhưng không có ít người vẫn sống chậm rãi. Họ bảo sống chậm thôi, phải từ từ hưởng thụ cuộc đời. Vì sống chậm lại là cách sống thư thái, bình thản, không xô bồ vội vã. Người ta nghĩ nếu sống vội vàng có khi sẽ không đủ thời gian để nhận ra nhiều thứ giá trị. Chúng ta sẽ bỏ qua nó hoặc sẽ cảm nhận một cách vồ vập đầy mơ hồ.
"To be or not to be. That is the question". Đó là câu nói nổi tiếng về sự lựa chọn cách sống.
Đồng tiền còn có hai mặt thì xã hội luôn có những suy nghĩ trái chiều là điều dễ hiểu. Có thể gọi đấy là quy luật song song bất biến của sự tồn tại. Sống gấp hay sống chậm là hai mặt khác nhau, nhưng chính trong cách sống ấy cũng có hai mặt nữa của chúng.
Chúng ta bây giờ đang sống theo cách: sống là không chờ đợi". Điều này là không sai, thậm chí còn rất được hoan nghênh. Bởi vì xã hội càng hiện đại, con người càng phải chạy đua với thời gian, với khoa học kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với nhịp sống "công nghiệp hóa hiện đại hóa" ngày nay. Không chỉ bây giờ mới xuất hiện ý tưởng này, mà trước đây nhà thơ Xuân Diệu cũng đã giục giã mọi người bằng lẽ sống gấp:
"Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ"
hay:
"Mau đi thôi mùa chư ngã chiều hôm"
Tuy nhiên cách sống vội vàng này đôi khi lại trở thành nỗi lo ngại vì một số người lại vì thế mà đánh mất bản thân trong "xã hội kim tiền ô trọc". Sống gấp gáp là để chớp lấy cơ hội chứ không phải để tính toán người, biến người khác thành " tấm đệm lưng" cho sự "gấp gáp" của mình. Có một số kẻ sống rất nhanh đến nỗi quên mất mình là ai, quên mất quê hương và gia đình, đánh rơi lương tâm của một con người. Họ chỉ biết mỗi bản thân. Họ "gấp" đến mức không có thời gian ăn bữa cơm gia đình, thăm hỏi mọi người. Họ không biết những người con chờ cơm, bố mẹ chờ con trong nỗi buồn vô tận. Sống vội vàng như vậy để làm gì? Đến khi nhắm mắt xuôi tay liệu rằng có hạnh phúc mãn nguyện chăng?
Có lẽ vì thế mà mọi người khuyên nhau hãy sống chậm lại. Sống chậm lại để nhìn thấy rõ mọi thứ xung quanh. Sống chậm lại để biết bản thân cần gì, thiếu gì. Và "sống chậm lại để yêu thương khác đi". Bởi vì so với nhịp sống hối hả ngoài kia con người sẽ không thể nào theo kịp. Chủ nhân của thuyết cân đối Anh-xtanh từng nói: "Vận động bằng với vâhn tốc ánh sáng thì thời gian bằng không. Thực tế đó là điều không thể". Nếu đã không đua được với thời gian vậy chúng ta hãy biến thời gian thành sức mạnh làm điều kì diệu. Con người có cảm xúc chứ không phải cỗ máy nên cần được nghỉ ngơi. Vì vậy sống chậm lại để bản thân được thư giản, để có thể cảm nhận được thế giới xung quanh thật tươi đẹp, để có thời gian cùng gia đình ăn một bữa cơm đầm ấm, cùng gia đình vui vẻ bên nhau ngày cuối tuần. Sống chậm lại để khiến chúng ta biết mình là ai, biết bản thân thiếu sót những gì để sửa đổi và hoàn thiện mình hơn.
Nhưng không được lấy cái cớ đó để biện minh cho cách sống lười biếng, vô năng. Bởi có những người suy nghĩ sống chậm là họ có quyền "để mai tính". Những con người đó thật đáng chê trách. Họ đã biến nét sống chậm tốt đẹp thành cách sống khiến xã hội chậm phát triển, và vô hình chung khiến họ trở thành gánh nặng, nỗi lo cho gia đình và xã hội.
Vì thế chúng ta phải biết mặt trái, phải của một điều gì đó để đi đúng hướng. Chúng ta nên "sống mà không chờ đợi" để không uổng phí tuổi trẻ nhiệt huyết và những cơ hội. Vì "đời thay đổi khi ta thay đổi". Chúng ta càng thay đổi nhiều thì cuộc đời càng tươi sáng nhiều. Tuy nhiên chúng ta phải biết điểm dừng, biết thế nào là đủ để sống chậm lại mà có thời gian suy nghĩ về cuộc đời của bản thân, không làm mất chính mình, không đánh mất những thứ quý giá một cách vô tình hay cố ý. Hãy "như những bông hoa rồi vẫn cứ nở đúng mùa" (Nguyễn Trọng Tạo) đó mới là điều tuyệt vời nhất.
Giống như Nick, như Helen họ cũng đã có một thời sống gấp đầy lửa cháy để không uổng phí cuộc đời, để vượt qua những bất hạnh của bản thân mang lại cho họ và người khác những điều tuyệt vời. Đến thời điểm vừa đúng, họ biết sống chậm lại để hưởng thụ cuộc sống, cảm nhận niềm vui cùng mọi người, để trong mắt họ là những hạnh phúc mà không phải hối tiếc. Chúng ta hãy thử tưởng tượng rằng chúng ta ở trên chiếc xe đang chạy rất nhanh để đuổi kịp đích đến nhưng vẫn phải phanh lại khi gặp dốc cao để tránh rơi xuống vực sâu. Thì "sống là không chờ đợi" và sống chậm là như thế. Cho nên không có câu trả lời cho cách sống nào là tốt hơn bởi chúng luôn song hành cùng nhau để giúp nhau hoàn thiện.
Hai ý kiến về hai cách sống hoàn toàn trái chiều nhau nhưng lại hỗ trợ nhau giúp con người điều hòa nhịp sống một cách tốt nhất. Nó dạy chúng ta phải biết chạy đua với thời gian để không uổng phí năm tháng nồng nhiệt của thanh xuân, nhưng cùng lúc phải học cách sống chậm rãi để không bị trượt dốc sa đọa. Mỗi người phải rèn luyện cho được hai suy nghĩ ấy và vận dụng thật tốt để phát triển toàn diện bản thân. Hãy cố gắng "Sống sao cho khi bạn qua đời mọi người khóc, còn bạn, bạn cười" (Bailey).