Bài tham khảo số 3

Đối với một tác phẩm văn chương, nhất là thơ ca, ngôn ngữ chính là chất liệu. Chất liệu có tốt, tác phẩm mới có hồn. nói như Pautopxki: “Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, đã mất sạch tính chất hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”. Với việc lựa chọn, sử dụng ngôn từ, Quang Dũng đã rất thành công trong việc thể hiện tiếng nói của tình cảm, của trái tim ông qua bài thơ Tây Tiến.


Ngôn ngữ của bài thơ mang vẻ đẹp lãng mạn và hiện thực. Hai yếu tố này xuyên suốt bài thơ làm cho cấu tứ bài thơ liền mạch. Từng câu chữ hiện ra cứ như một lẽ tự nhiên. Ta có thể bắt gặp ngay cái hồn thơ Quang Dũng qua hai câu thơ:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.


Câu thơ trên với hình ảnh “sương lấp đoàn quân mỏi” rất thực gợi ra cái dữ dội của thiên nhiên miền Tây. Những màn sương dày đặc như muốn nhấn chìm, phủ che, khuất lấp cả binh đoàn đang mệt mỏi trên đường hành quân. Thì câu dưới ta lãng mạn cùng “hoa về trong đêm hơi”. Câu thơ chủ yếu là thanh bằng. Năm thanh bằng đi liền nhau gợi cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng. Cách nói lạ hóa làm hình ảnh thơ trở nên đa nghĩa. Những bó đuốc chập chờn ẩn hiện trong màn sương mờ ảo hương hoa của núi rừng miền Tây ngan ngát trong sương đêm hay những bông hoa đang về cùng người lính trên đường hành quân.


Cảnh hiện ra đẹp như trong mộng với sự quấn quýt vấn vương của hương hoa, sương khói xua tan hết những nhọc nhằn làm hiện ra những chàng trai với tâm hồn hào hoa lãng mạn. Nét độc đáo ở đây là ý thơ đan xen giữa hai thái cực: đã hiện thực thì hiện thực đến trần trụi, đã lãng mạn thì lãng mạn đến mộng mơ. Nếu câu trên căng ra trong hiện thực dữ dội thì câu dưới lại trùng xuống trong cái mộng ảo lung linh. Cái thế đối lập giữa hiện thực và lãng mạn cùng cách nói lạ hóa của Quang Dũng đã tạo nên những hình ảnh đẹp trước một hiện thực nhọc nhằn. Không chỉ có thiên nhiên hiện lên trên hai thái cực ấy mà hình ảnh những chiến sĩ vệ quốc thời kì đầu kháng chiến chống Pháp cũng hiện lên giữa ngôn từ lãng mạn và hiện thực như xô đẩy:


“Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.


Cuộc sống chiến đấu của người lính nơi sa trường có bao giờ được đầy đủ? Thiếu ăn, thiếu mặc lại thêm khí hậu khắc nghiệt nơi rừng thiêng xứ lạ; có những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc. Hiện thực ấy đã trở thành phổ biến trong kháng chiến:


“Giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ”


Những cơn sốt rét rừng cướp đi mái tóc xanh một thời trai trẻ, những thân hình cường tráng nay trở nên tiều tụy xác xơ, những làn da xanh tái do đói khát, bệnh tật. Tất cả đều được tái hiện dưới nét vẽ chân thực, nhưng nhà thơ không miêu tả bức chân dung của một vài người lính mà dựng lên bức chân dung của cả một tập thể, binh đoàn. “Không mọc tóc” chứ không phải “tóc không mọc được” – cách nói lạ hóa chuyển từ thế bị động sang chủ động khiến người đọc cảm giác đoàn binh ấy không cần mọc tóc, thể hiện cái bất cần, cái khẩu khí ngang tàn đầy chất lính. Có thể màu lá ngụy trang làm đoàn quân “xanh màu lá” nhưng chính xác hơn, nó là màu xanh của làn da – di chứng của những cơn sốt rét rừng, những đói khát, gian lao trên đường hành binh. Hiện thực ấy nào có ngăn được Quang Dũng phát hiện ra sức mạnh phi thường ở đồng đội của mình. Đó là sự oai phong lẫm liệt của những chúa sơn lâm nơi rừng thiêng “dữ oai hùm”.


Ẩn sau dáng vẻ tiều tụy là sự kiêu hùng, mạnh mẽ. Chỉ mười bốn chữ thôi, Quang Dũng đã tạc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo. Người lính được khắc họa với “mộng” và “mơ”. Mộng của đánh giặc, mộng của công danh và mơ về Hà Nội “dáng Kiều thơm” – hình bóng nơi quê nhà, là vầng sáng lung linh trong kí ức, là tình cảm dạt dào trong trái tim người lính, giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua gian lao phía trước mà vững tin “tiến về miền Tây”. Trái tim người lính nóng bỏng căm thù giặc song cũng dịu mát đầy yêu thương. Đan cài với ngôn ngữ lãng mạn, hiện thực là ngôn ngữ cổ điển. Vẻ đẹp ấy cứ đậm dần lên trong nỗi nhớ của nhà thơ:


“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”.


Nó tô đậm cái phi thường cho câu thơ, có khác gì: “Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước” của Lí Bạch. Điệp từ “ngàn thước” cùng nghệ thuật đối “ngàn thước lên” với “ngàn thước xuống” gợi ra một thế dựng đứng lên cao chót vót, bất ngờ đổ xuống thăm thẳm tạo ra một đường gấp khúc cheo leo. Câu thơ với nhịp 4/3 khiến nó như bị gãy làm đôi tạo cho người đọc cảm giác như đang chơi trò bập bênh đầy mạo hiểm. Thiên nhiên miền Tây đầy dữ dội, hiểm nguy. Chất cổ điển còn được thể hiện rõ nét qua câu thơ:


“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”.


Người lính Tây Tiến chiến đấu và ngã xuống, nằm lại nơi chiến trường. Những nấm mồ của các anh nằm rải rác dọc biên cương ở những nơi xa lạ, lạnh lẽo, cô đơn. Song Quang Dũng không muốn tô đậm bi thương, khơi sâu khốc liệt mà chỉ nhằm phản ánh đúng sự thật một thời. Nhịp thơ 4/3 quen thuộc của thể thất ngôn và các từ Hán Việt “biên cương”, “mồ viễn xứ” tạo một không khí cổ kính, trang trọng, xua bớt đi sự giá lạnh, thê lương. Câu thơ không phải là tiếng nói bi lụy mà là hình ảnh hy sinh cao quý của đoàn quân vệ quốc.


Cách nói quen thuộc đời thường mang đậm phong cách lính cho ta cảm xúc gần gũi, thân quen:


“Anh bạn dãi dầu không bước nữa”.


Hơn thế nữa là cách mà nhà thơ dùng các địa danh rất đáng chú ý: “Sài Khao”, “Mai Châu”, “Mường Lát”,…vừa tạo ấn tượng cụ thể, vừa gợi cái xa xôi, hiểm trở của địa hình miền núi Sơn Cước. Nói như Trần Lê Văn: “Mới đọc lên đã thấy mỏi gối, chồn chân”. Nó gợi cái bí hiểm, âm u đậm màu xứ lạ phương xa. Thanh âm, thanh điệu của bài thơ như một bản hòa tấu nhiều cung bậc, nhiều cảm xúc. Những thanh trắc có khi nối tiếp nhau chạy dài, lại có những khi thanh bằng đứng lên ngự trị:


“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.


Dùng toàn thanh trắc, nhà thơ muốn nói cho được cái gập ghềnh, trúc trắc, cái dữ dội của thiên nhiên miền Tây. Câu thơ như bị cắt ra thành từng mảnh nhỏ giúp người đọc hình dung hơi thở nhọc nhằn, đứt quãng của người lính trên đường hành quân. Nhưng với thanh bằng, nhà thơ muốn mở ra một không gian thanh bình, yên ả, gợi nên cái thơ của cảnh, vừa như một hơi thở phào nhẹ nhõm của người lính khi được dừng chân trên đường hành quân.


Quang Dũng cũng thể hiện cảm xúc bằng các động từ mạnh như điểm nhấn ấn tượng cho bản nhạc của mình:


Sông Mã gầm lên khúc độc hành


Gầm và khúc độc hành - cái tiếng vang rung chuyển và ngự trị một vùng thiên nhiên trời đất sinh ra từ những mất mát câm lặng của con người đang dội về tâm khảm của những người đang sống. Đồng đội ngã xuống, không chỉ có các anh mà núi rừng miền Tây cũng đang gào thét trong nỗi đau.


Ngôn ngữ của nhà thơ tạo ra những hình ảnh phong phú, được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau tạo nên sắc thái thẩm mĩ đa dạng. Hình ảnh thiên nhiên hiện lên không đơn thuần : có khi dữ dội hoang sơ, có khi nên thơ lãng mạn. Nhưng chúng không bài trừ nhau mà phối hợp, bổ sung cho nhau. Đặc biệt là hình ảnh:


Heo hút cồn mây súng ngửi trời


Nó gợi độ cao của núi đèo, cao tới mức chạm trời mây, nổi thành cồn, súng mũi ngửi trời. qua đó, hình ảnh thơ nâng người chiến sĩ lên một tầm cao mới, ẩn chứa trong đó là tiếng cười hồn nhiên tinh nghịch của chàng trai trẻ xuất thân thành thị và niềm tự hào của người chiến thắng. Đó là chiến thắng bản lĩnh, ý chí kiên cường. Thì ra, bước chân của chàng trai Hà thành một thuở "Xếp bút nghiên theo việc binh đao" vẫn có thể đạp bằng đỉnh cao của ngọn núi Tây Bắc xa xôi trong tư thế làm chủ:


Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo

(Trích thơ Tố Hữu)


Sau hàng loạt những âm thanh dữ dội của bản hòa tấu, nhà thơ trở về với những kỉ niệm của con người và làng bản thân thương cùng những nốt trầm:


“Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”


Giọng thơ tha thiết nhờ sự kết hợp của từ để gọi “ơi” và dấu “!” làm hiện ra nỗi nhớ cồn cào da diết. Nỗi nhớ dường như ăm ắp dâng đầy khiến nhà thơ không thể kìm nén được, phải thốt lên thành lời. Nghệ thuật điệp âm “ơi” (chơi vơi) gợi ra tiếng gọi tha thiết, vang xa, vọng vào vách núi, không gian rồi dội ngược lại tâm khảm của nhân vật trữ tình. Nỗi nhớ “chơi vơi” ấy đã đi suốt bài thơ, trở thành cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Có lẽ vì thế mà cuối khổ thơ thứ nhất, nhà thơ nhắc lại “Nhớ ôi Tây Tiến”. Sau nỗi nhớ, kỉ niệm hiện ra. Sợi khói ấm áp giữa núi rừng hoang vu, đó là chất thơ của đời sống chiến đấu làm sao không nhớ? “Mùa em” là mùa nào? Mùa lúa mới Mai Châu, mùa nào đó của riêng em hay mùa anh gặp em?.... Và mùi thơm kia là mùi thơm của Mai Châu hay hương thơm dịu ngọt đầy lãng mạn thi vị từ bàn tay cô gái Mai Châu – một dáng Kiều thơm của bản Mường mà những chàng trai Tây Tiến chẳng bao giờ quên được? Chữ “em” chẳng có gì mới mà thay vào đó bất cứ chữ nào khác thì câu thơ cũng mất hết linh hồn. Không phải “mùa em” vậy sẽ là mùa gì? Nói như Pautopxki, cách nói lạ hóa của nhà thơ đã trả lại cho chữ “em” cái trinh bạch ban đầu.


Bằng những nghệ thuật điêu luyện, Quang Dũng dã thể hiện nét tài hoa của mình trong việc lựa chọn và sử dụng ngôn từ. Xúc cảm của nhà thơ được nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ mang vẻ đẹp hiếm có.

Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3

Top 9 Bài văn phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca trong bài thơ Tây Tiến (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy