Bài tham khảo số 3

Tôi đã bị ám ảnh bởi câu văn: “Thấu cảm xảy ra trong từng khoảng khắc của cuộc sống” – trích trong “Thiện, Ác và Smartphone”. Tôi tự ngầm hỏi mình thấu cảm là gì mà lại hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống và nó xảy ra như thế nào?


Phải chăng để định nghĩa đúng về sự thấu cảm đó chính là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét…


Và liệu thực sự sự thấu cảm có xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống? Tôi đã từng đọc một cuộc phỏng vấn của tờ The Herald Sun về một phụ nữ có 3 con nhỏ bị phạt vì tội ăn trộm thức ăn ở một siêu thị với trị giá 36 đô la để các con của mình không bị chết đói. Nhưng điều đáng nói ở đây đó chính là việc làm của hai nhân viên cảnh sát Keith Bradshaw và Candace Spragins của Sở Cảnh sát Hillsborough. Sau khi nhận yêu cầu điều tra và tìm ra thủ phạm của vụ trộm, họ đã buộc người phụ nữ đó phải nộp phạt cũng như hoàn trả lại toàn bộ số thức ăn cho siêu thị. Nhưng tối hôm đó, hai cảnh sát nói trên lại tới nhà chị ta… với rất nhiều đồ ăn. Thì ra chính họ đã quay lại cửa hàng, dùng tiền của mình để mua số thực phẩm trị giá lên tới 140 USD, bao gồm thịt, rau và hoa quả cùng những mặt hàng thiết yếu khác. Khi được hỏi tại sao lại hành động như vậy thì một trong hai cảnh sát nói trên đã trả lời: “Đôi khi công việc của cảnh sát không phải lúc nào cũng theo kế hoạch. Đầu tiên chúng tôi là con người, sau đó mới là cảnh sát. Lòng trắc ẩn mà chúng tôi dành cho những người dân trong cộng đồng thường xuyên được thể hiện.” và vì “Đây không phải là sự phạm tội vì lòng tham, mà là sự cần thiết của một người mẹ để con mình có cái ăn”. Đó phải chăng chính là biểu hiện của sự thấu cảm. Đôi khi chúng ta thường có quan niệm những người thực thi pháp luật luôn cứng nhắc với những quy định, những luật lệ nhưng thực ra ở trong họ lại chứa đựng tình người, sự thấu cảm với người khác. Họ đã đứng trên cương vị của một người mẹ vì tình mẫu tử mà bắt buộc làm điều sai để suy nghĩ, để cảm nhận.


Hay như chính tôi cũng đã từng nhận thấy sự thấu cảm của bản thân. Một ngày cuối tuần rảnh rỗi, thay vì ngủ nướng như mọi lần thì tôi đã ra ngoài tìm kiếm vài thứ. Tới một khu chợ nhỏ bé, tôi bắt gặp một cụ già đã ngoài 80 gầy gò, yếu ớt. Ông cụ với chiếc xe thồ và đầy các ấm, tích trong hai cái thúng vắt ngang xe. Không biết có điều gì thu hút, tôi lại gần mua một hai hộp xôi cho tôi và ông. Sau một hồi trò chuyện và hỏi thăm tôi biết cụ có con cái đủ cả nhưng khi cụ lo cho họ đầy đủ, có gia đình riêng họ lại chối bỏ cụ, chối bỏ trách nhiệm của một người con. Tôi nhớ như in lời cụ sau khi tôi trách mắng con cái cụ: “Thôi cô ạ! Mình tới tuổi gần đất xa trời, may thôi nó chối mình thì mình cũng thấy đỡ gánh cho con cái ! Cái nguyện cho con đầy đủ là tôi an tâm rồi. Giờ có gánh hang đủ sống qua ngày”. Nghe tới đây tôi tự dưng bật khóc! Tôi ít khi khóc! Tôi thấy bản thân xót xa thay cho ông cụ cả một đời vì con, vì cái ngay cả khi bị phụ bạc vẫn nghĩ cho con mà không oán trách. Cứ đúng hằng tuần tôi quay trở lại nơi đó gặp ông cụ, chia sẻ và mua cho ông cụ chút thức ăn. Tôi kể ra không phải để thấy người khác cảm nhận về mình mà kể ra để có thể mang cho người khác thấy cái nhìn của tôi về sự thấu cảm. Đó là khả năng “đi trong đôi giày của người khác” để cùng vui, cùng buồn, cùng trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc với người mà bạn chọn để nhập vai. Sự thấu cảm cũng cho phép chúng ta có thể tưởng tượng ra các viễn cảnh tương lai khi nhân vật chính không phải là bản thân, để từ đó sử dụng lý trí suy diễn ra cách giải quyết cho các vấn đề dựa trên trải nghiệm cá nhân. Thậm chí, thấu cảm cũng là khả năng để chúng ta kết nối tinh thần với người khác, để đi vào tâm trí họ, và để thấu hiểu lẫn nhau.


Thấu cảm là sự cần thiết trong cuộc sống bởi sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương đem con người ta xích lại gần nhau hơn. Nếu một xã hội không có sự thấu cảm sẽ ra sao ? Như một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu ở Trung học cơ sở ở Hòa Bình. Một nữ sinh uống thuốc tử tự chỉ vì bị các bạn và giáo viên chủ nhiệm nghi oan lấy 100.000 đồng. Một sự việc đáng lưu tâm! Nếu như các bạn và cô giáo đứng trong tâm thế của nữ sinh đó để đưa ra hướng giải quyết toàn diện, tích cực hơn có lẽ sẽ không xảy ra sự việc đau lòng đó. Điều đó cho thấy nếu một xã hội mà thiếu mất sự thấu cảm thì đó sẽ là xã hội mà chẳng ai kết nối với ai, chỉ là những sinh vật độc lập, trơ trọi, rời rạc. Một xã hội như vậy chỉ có cái kết duy nhất là diệt vong, loài người tất nhiên chẳng thể tồn tại. Bởi tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu, các mối quan hệ, những yếu tố để duy trì nhân loại đều có nguồn gốc xuất phát từ sự thấu cảm cả. Rõ ràng, bạn không thể cảm thấy yêu ai đó khi bạn không có kết nối tâm hồn với người ta. Rõ ràng, các bạn không thể là bạn bè nếu như không có cảm giác thấu hiểu lẫn nhau. Rõ ràng ngày trong cả cuộc sống gia đình, nếu không có sự thấu cảm, đồng cảm thì các thành viên trong gia đình sẽ mất sự liên kết mà tan rã…


Có sự thấu cảm có nghĩa là bạn thực sự quan tâm đến những người khác. Và nếu một người cảm thấy mình được thấu cảm, họ cũng sẽ cảm thấy mình thực sự có giá trị, sẽ dễ dàng cởi mở hơn để chia sẻ, và dễ dàng thấu cảm với những người khác hơn. Đó là một vòng tuần hoàn cảm giác cộng đồng, đem đến các kết nối giữa người với người, tạo dựng liên kết mạnh mẽ để nhằm mục tiêu cao thượng nhất là xây dựng xã hội bền chặt. Sự thấu cảm giữ người và người còn có sức mạnh giúp đỡ nhau hoàn thiện nhân cách, nâng đỡ nhau trong tâm hồn bởi chúng ta đã biết cảm thông và chia sẻ, vị tha cho nhau. Nhưng thấu cảm không đồng nghĩa với việc chúng ta bao che cho những hành vi xấu, vi phạm đạo đức, pháp luật của người khác mà chúng phải lên tiếng phê phán những người sống thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm, những hành vi xấu.


Hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác trước khi làm việc gì đó, không nên tùy tiện phán xét một ai đó. Biết chia sẻ, thấu cảm ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với những người xung quanh ta bởi: “Có gì đẹp trên đời hơn thế Người yêu người sống để yêu nhau”.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn nghị luận xã hội về sự thấu cảm (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy