Bài tham khảo số 3
Tiếng thơ Nguyễn Duy là tiếng thơ trữ tình đằm thắm, dạt dào cảm xúc, trong đó có những bài thơ có đề tài rất đời thường nhưng lại sáng tạo nên những hình ảnh rất đặc sắc. Hơi ấm ổ rơm là một bài thơ như thế. Bài thơ được sáng tác với cảm hứng từ tình quân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó nhà thơ nâng lên thành một chân lý ở đời: nên trân trọng, yêu thương những điều bình dị, đời thường của cuộc sống.
Trong một buổi công tác xa vì đêm khuya lỡ đường nên người lính xin ngủ nhờ qua đêm của một gia đình. Người mẹ nghèo với mái nhà tranh xiêu vẹo trong gió đã chẳng ngần ngại mở cửa để đón nhận chở che cho người lính. Mẹ chẳng ngại vì người lạ đến ngủ chỉ ngại vì gia đình nghèo quá, không có đủ chăn chiếu cho khách.
Hình ảnh liệt kê rất thực như: ngôi nhà gianh nhỏ bé ven đồng chiêm, chiếu chăn không đủ, nhà mẹ hẹp, cọng rơm xơ xác gầy gò… đã tô đậm hoàn cảnh nghèo khó của mẹ. Dù rất nghèo, mọi thứ đều đạm bạc, thiếu thốn nhưng tình cảm mẹ dành cho người lính rất đầy đủ, chan chứa nồng ấm, yêu thương.
Trong những cảm nhận của người lính, mẹ đã đối đãi vô cùng tử tế, nhường cơm, sẻ áo để san sẻ tất cả yêu thương dành cho người lính – mẹ coi các anh như chính con ruột của mình.
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,
Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.
Trước sự đối đãi thân tình, hiếu khách của người mẹ nghèo người lính vô cùng xúc động. Anh đón nhận tất cả tình cảm yêu thương của mẹ bằng sự kính trọng, biết ơn vô bờ bến. Nằm trong ổ rơm anh cảm nhận được hơi ấm bình dị của quê hương, mùi của lúa, của hương mật ong, mùi của tình người.
Phép so sánh thật độc đáo qua câu thơ “rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm” khiến chúng ta cảm nhận được trọn vẹn tình cảm hiếu khách của mẹ dành cho bộ đội, cũng là niềm hạnh phúc sung sướng của người lính khi được sống trong tình yêu thương của nhân dân. Các anh đi đến đâu cũng được chào đón, yêu thương, giống như hình ảnh mà người lính cảm nhận được trong bài thơ của Tố Hữu.
Con với Mế tuy không cùng giọt máu
Nhưng suốt đời con nhớ mãi ơn nuôi
Hình ảnh nhân hoá ở khổ thơ cuối cùng “hạt gạo nuôi tất thảy chúng ta no” nhấn mạnh những người nông dân trên cánh đồng đã có công lao nuôi dưỡng con người, chính nhân dân đã làm nên sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác qua câu thơ “riêng cái ấm nồng nàn như lửa” khẳng định hạt gạo nuôi nấng con người nhưng hơi ấm từ rơm rạ sẽ cho con người một giá trị khác chính là lòng yêu thương bồi đắp tâm hồn con người.
Với thể thơ 8 chữ xen lẫn một vài câu 7 chữ, với hình ảnh giản dị, mộc mạc nhưng có sức gợi lớn, việc sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ bài thơ đã diễn đạt quyến rũ niềm xúc động mãnh liệt của người lính khi nhận được tình yêu thương của người mẹ nghèo. Ổ rơm kia vốn chỉ là một thứ phụ được tận dụng từ sản xuất, lao động nhưng nay được sử dụng thay cho chăn chiếu, màn đệm và trở thành biểu tượng của tình yêu thương giản dị, đơn giản, mộc mạc, nồng ấm, thiêng liêng mà người mẹ nghèo gửi đến bộ đội.
Bài thơ giản dị từ chính đề tài của nó nhưng với việc sáng tạo rất nhiều hình ảnh giàu sức gợi đã thể hiện thật xúc động tình quân dân trong kháng chiến. Qua đó khơi dậy trong lòng mỗi người đọc tình cảm thật trong sáng, tươi đẹp. Nổi bật trên trang thơ là hình ảnh người mẹ nghèo lam lũ, vất vả nhưng luôn dành hết tình cảm, điều những điều tốt đẹp nhất cho những người lính trong kháng chiến. Hình ảnh tuyệt đẹp của những người lính bộ đội cụ Hồ khi luôn biết trân trọng, biết ơn tình cảm của những người mẹ nghèo.
Nhan đề “Hơi ấm ổ rơm” cũng là một tín hiệu nghệ thuật đặc sắc, gợi người đọc chiêm nghiệm đến nhiều điều có giá trị của cuộc sống. Hơi ấm đến từ ổ rơm là hình ảnh ẩn dụ cho tình mẹ nghèo đong đầy và những cảm nhận của người lính. Đọc bài thơ hẳn bạn đọc đều vô cùng xúc động với tình cảm nồng ấm, yêu thương đó đã được Nguyễn Duy truyền tải trọn vẹn trên trang thơ.