Bài tham khảo số 4
Ánh trăng được viết vào năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi đất nước thống nhất được ba năm. Tác phẩm là những suy ngẫm của tác giả về thái độ, lối sống của con người trước quá khứ gian lao, tình nghĩa. Và những suy ngẫm đó được thể hiện qua hình ảnh vầng trăng giàu giá trị ý nghĩa.
Sáng tác về trăng, lấy trăng làm đề tài trung tâm là chủ đề muôn thuở của thơ ca. Ta có thể kể đến vầng trăng tri kỷ, bầu bạn với Bác: Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia , thơ hiện đại có thể kể đến vầng trăng của Chính Hữu trong bài Đồng chí: Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo… Góp một phần nhỏ bé vào chủ đề đó, Nguyễn Duy đã đem đến cho người đọc những suy nghĩ, cảm nhận và chiêm nghiệm sâu sắc thông qua biểu tượng ánh trăng giàu ý nghĩa.
Ánh trăng trở đi trở lại trong văn bản, và ngay cả nhan đề của tác phẩm cũng được đặt tên là Ánh trăng cho thấy ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của hình tượng này. Ánh trăng biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên gần gũi, trong sáng và tươi mát. Ánh trăng còn là biểu tượng của tình cảm tri âm, tri kỷ. Và sâu sắc, ý nghĩa hơn, ánh trăng còn biểu tượng cho quá khứ thủy chung, tình nghĩa. Ánh trăng xuất hiện trải đều từ đầu đến cuối tác phẩm và ở mỗi khúc đoạn ánh trăng lại mang những ý nghĩa riêng.
Trước hết ánh trăng trong tác phẩm Nguyễn Duy là hình ảnh đẹp của thiên nhiên với tất cả những gì thi vị, đẹp đẽ, gần gũi nhất của thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy hiện lên thật rõ qua hai khổ thơ đầu của tác phẩm. Thời ấu thơ hồn nhiên tác giả sống hòa mình với thiên nhiên, đồng, sông, bể, rừng, điệp từ với được lặp lại ba lần càng đậm tô thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên. Vầng trăng trong quá khứ đẹp đẽ, bình dị : Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ. Hình ảnh so sánh càng cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp mộc mạc, rất đỗi hồn nhiên trong sáng của vầng trăng. Và vẻ đẹp ấy cũng chính là biểu tượng cho tâm hồn trong sáng, vô tư của con người. Từ tấm nhỏ cho đến khi khôn lớn trưởng thành ra chiến trận, vầng trăng luôn gắn bó thân thiết bên con người. Trăng chính là người bạn của con người, không chỉ vậy trăng là biểu tượng cho thiên nhiên dịu dàng, tươi mát, mơ mộng, lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ của con người.
Và đặc biệt trong những năm chiến tranh gian khổ ác liệt nhất vầng trăng thành tri kỉ của con người. Hai tiếng tri kỷ vang lên thật thiêng liêng, nồng ấm. Vầng trăng được nhân hóa, trở thành người bạn thân thiết, người đồng chí chia sẻ mọi buồn vui, gian khó với người lính trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Những tưởng rằng, tình bạn tri kỉ ấy sẽ bền vững mãi mãi, cũng như chính tác giả khẳng định: ngỡ không bao giờ quên/ cái vầng trăng tình nghĩa.
Không chỉ vậy, ánh trăng còn biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung. Hòa bình lập lại, hoàn cảnh sống thay đổi, con người giản dị, hồn nhiên trong quá khứ không còn, họ sống an yên trong ánh điện cửa gương mà quên đi ánh trăng thủy chung, quên đi người bạn tri âm, tri kỷ của họ. Bởi vậy, vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường. Từ một người bạn thân thiết, từ một tri kỉ trở thành một người dưng có gì đó đau đớn và chua xót biết nhường nào. Nhưng ánh trăng vẫn vẹn nguyên nghĩa tình, không một lời trách than, oán thán vẫn hàng ngày lặng lẽ quan sát người bạn năm xưa.
Ánh trăng giúp con người thức tỉnh, thoát khỏi lối sống bạc bẽo để trở về trân trọng, nâng niu lối sống thủy chung, tình nghĩa. Trong giây phút đèn điện chợt vụt tắt, như một lẽ rất tự nhiên con người vội bật tung cửa sổ để tìm một nguồn sáng khác. Và cũng trong chính khoảnh khắc ấy, vầng trăng bất ngờ hiện ra khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, nhắc gợi biết bao kỉ niệm trong quá khứ. Ánh trăng vẫn vậy, vẫn mang vẻ trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình. Ở đây ta thấy có sự đối lập giữa tròn vành vạnh và kẻ vô tình, giữa cái im lặng của ánh trăng và sự thức tỉnh của con người. Ánh trăng vẫn mang vẻ đẹp tình nghĩa vẹn nguyên, thủy chung không bao giờ thay đổi cho dù con người có thay đổi như thế nào đi chăng nữa. Trước sự bối rối của con người, ánh trăng vẫn im phăng phắc. Sự im lặng mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng chính là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.
Với biểu tượng ánh trăng, Nguyễn Duy đã gửi gắm nhiều suy tư, triết lí. Đó là lời gửi gắm với thế hệ hiện tại và cả tương lai về thái độ sống thủy chung, tình nghĩa, luôn biết ơn quá khứ nghĩa tình sâu nặng. Phải ghi nhớ lối sống tốt đẹp của cha ông ta uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Dù ra đời đã lâu nhưng hình ảnh ánh trăng nói riêng và bài thơ Ánh trăng nói chung vẫn còn giữ nguyên giá trị lâu bền của nó.