Bài tham khảo số 5
Nhà văn Stanhdal đã từng viết: “Văn chương là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội”. Văn chương mang sứ mệnh của mình là phản ánh hiện thực “nhà văn là thư kí trung thành của thời đại”. Cũng giống như các thể loại văn học khác, thể kí đã ghi chép trung thực lại bối cảnh một thời đại của dân tộc. Thể kí trưởng thành thực sự có những nét phát triển mới ở thế kỉ XVIII với tác phẩm “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác. Tác phẩm viết về những điều mà tác giả được chứng kiến khi trên đường vào kinh chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Tiêu biểu là đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” nằm ở phần đầu mang giá trị hiện thực sâu sắc phản ánh và phê phán cuộc sống xa hoa, quyền quý nơi phủ chúa đồng thời thể hiện cái nhìn và thái độ sống của tác giả.
Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực xã hội, con người được nhà văn phản ánh trong tác phẩm, tùy vào ý đồ sáng tạo của cá nhân tác giả mà hiện tượng đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc ít nhiều bị khúc xạ đi bởi lăng kính tâm hồn của nhà văn. Cùng với giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm văn học, lưu danh muôn thuở tên tuổi của nhà văn chân chính.
Lê Hữu Trác vốn là một con người “lánh đục về trong” giữa thời buổi loạn lạc, sống trong một thời đại mục nát ông không màng danh lợi trở về quê ngoại Hương Sơn (Hà Tĩnh) để chữa bệnh và mở lớp dạy nghề thuốc. Vì tài năng y thuật nổi tiếng mà ông được mời vào phủ chúa Trịnh chữa bệnh cho Thế tử.
Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” là một bức tranh hiện thực về cuộc sống sang trọng, quyền uy ở Trịnh phủ với quang cảnh lộng lẫy, xa hoa được tác giả miêu tả chi tiết, tỉ mỉ. “Đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”. Một khung cảnh nên thơ chữ tình, làm say đắm lòng người. Lê Hữu Trác phải thật là con người có một tâm hồn tinh tế mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp như tiên cảnh nơi đây. Cùng với đó là một cái nhìn bao quát của “những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp”. Một cung điện nguy nga, tráng lệ hiện ra trước mắt với sự giàu sang của vua chúa khác hẳn với người thường. Qua mấy lần của mới đến cái điếm trong ấy có những cây, những hòn đá lạ rồi cột và bao lơn lượn vòng với kiểu cách rất là xinh đẹp. Tác giả vốn là con nhà quan sinh trưởng ở chốn phồn hoa đô hội nhưng đây là lần đầu tiên được vào phủ Chúa nên rất ngỡ ngàng, ngạc nhiên có rất nhiều thứ chưa từng thấy.
Màu sắc chủ đạo là màu đỏ và vàng son rực rỡ càng điểm tô thêm sự giàu sang nơi Trịnh phủ. Ấy là”Cái nhà cao và rộng”, “Đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng. Ở giữa đặt một cái sập thếp vàng”, “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy” rồi cả “những cái cột đều sơn son thếp vàng”…Không chỉ vậy mâm cơm của người nhà giàu là “mâm vàng chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ”. Tất cả những điều đó đều được lấy từ mồ hôi, công sức, xương máu của nhân dân. Những người dân lam lũ phải bươn trải, phải bỏ mạng để xây dựng nên công trình kiến trúc đồ sộ, làm nên sự xa hoa của cuộc sống nơi đây. Chính vua chúa quan lại, cường quyền đã bóc lột, đã cướp đi thành quả lao động của những dân đen lầm than. Dù không giết người trực tiếp nhưng cũng chẳng khác gì việc làm của giặc Minh ngày ấy:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Cứ ngỡ rằng cuộc sống sung túc thì mọi thứ đều tốt đẹp nhưng không khí nơi đây lại không hề được trong lành, dù có mùi hương ngào ngạt ấy thế mà lại tù đọng, ngột ngạt vô cùng. Chính điều đó là nguyên nhân khiến cho Thế tử_con trời mà mắc bệnh mãi không khỏi. “Vì thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên phủ tạng yếu đi.” Một con người sống trong nhung trong lụa, ăn sơn hào hải vị mà không vận động không bệnh ắt cũng phải có bệnh. Đây là căn bệnh của người nhà giàu. Tác giả thật tinh tường khi đã sớm nhận ra cái “khiếm khuyết” ở một nơi tưởng chừng như hoàn hảo nhất của “Cả trời Nam sang nhất là đây”.
Cuộc sống cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa cũng chẳng khác gì hoàng cung, mọi thứ đều đi theo một trật trự, quy củ phép tắc nghiêm ngặt. “Người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi.Vệ sĩ canh giữ cửa cung, ai muốn ra vào phải có thẻ”, “Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm ngặt" là vậy. Điều đó cho thấy quyền uy của chúa thật to lớn. Muốn gặp được thế thử đâu phải dễ dàng phải đi qua năm, sáu lần chướng gấm, phải lạy bốn lạy mới được lui ra. Những luật lệ sinh hoạt nơi đây làm cho tác giả dường như có phần rụt rè, e ngại mất tự nhiên khi thì chỉ dám “ngước mắt nhìn rồi lại cúi đầu”, khi thì “nín thở” rồi lại “khúm núm”.
Vì những lẽ ấy lại thêm chẳng màng danh lợi mà cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra cam go ở khoảnh khắc kê đơn thuốc. Nếu chữa khỏi ngay thì phải ở lại mà không thể về núi nhưng chẳng thể vì mong muốn cá nhân mà quên đi chữ “Trung” của người làm phận bề tôi, chữ “Đức”của người nghề thầy thuốc một lòng vì việc cứu chữa bệnh không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, người tốt hay kẻ xấu
“Thiện tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mong cầu chi đâu”.
Bức tranh hiện thực cuộc sống xa hoa nơi Trịnh phủ đã được Lê Hữu Trác khắc họa thật chân thực, rõ nét qua từng chi tiết miêu tả. Tác giả lựa chọn, tổ chức, sắp xếp các sự kiện, nhân vật theo tuyến tính thời gian, không gian theo từng bước và cái nhìn, sự quan sát tinh tế của mình. Sử dụng ngôi kể thứ nhất nhân vật xưng tôi cùng với những câu văn linh hoạt làm cho hiện thực càng trở nên thực hơn và thu hút, lôi cuốn người đọc. Nếu như bút pháp đặc trưng của văn học trung đại là miêu tả ước lệ tượng trưng, khuôn mẫu quy phạm thì trong đoạn trích tác giả đã thực hiện “giải quy phạm” không còn những công thức nghiêm ngặt mà trở về với cuộc sống hiện thực với những điều tai nghe mắt thấy.
“Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”
Bọn vua chúa phong kiến đa số đều là những tên cướp ngày. Chúng cướp của, cướp sức, cướp công, cướp chí của nhân dân ta một cách trắng trợn bằng những thủ đoạn công khai để vinh thân phì gia, để hưởng thụ cuộc sống.
Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” mang giá trị hiện thực sâu sắc một mặt phê phán lối sống xa hoa, giàu sang với quyền uy tột bậc nơi Trịnh phủ, một mặt đồng cảm thương xót cho số phận và cuộc sống của những người dân nghèo. Qua đó cũng cho thấy nhân cách cao thượng, tấm lòng y đức và lối sống thanh cao của Lê Hữu Trác là tấm gương sáng cho ngành y bác sĩ, xứng đáng là ông tổ của nghề thuốc được người đời sau nhắc đến với một lòng thành kính nhất.