Bài tham khảo số 5

Truyện “Buổi học cuối cùng” được An-phông-xơ Đô-đê, một nhà văn Pháp nổi tiếng (1840 - 1897) sáng tác. Nội dung kể về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp của lớp tiểu học ở một làng quê thuộc vùng An-dát, sau khi vùng này đã bị cắt về cho nước Phổ.


Việc dạy và học bằng tiếng Pháp trong nhà trường của nước Pháp vốn là việc hết sức bình thường, như việc dạy và học bằng tiếng mẹ đẻ ở bất cứ nước nào. Nhưng điều không bình thường lại nằm ở chỗ: đây là buổi học cuối cùng mà thầy trò còn được dạy và học bằng tiếng Pháp.


Từ thầy giáo đến học trò và cả những cụ già đến dự buổi học này đều cảm thấy ý nghĩa đặc biệt của nó. Họ thấm thía một điều hết sức quan trọng và thiêng liêng là phải biết yêu quý, trau dồi và giữ gìn tiếng Pháp, nhất là trong hoàn cảnh quê hương đang bị kẻ thù xâm lược cố tình đồng hóa, trước hết là bằng ngôn ngữ. Lòng yêu nước của mọi người đã được thể hiện qua thái độ quý trọng tiếng nói của dân tộc mình. Truyện nêu lên một chân lý qua lời thầy Ha-men: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù”.


Diễn biến của buổi học cuối cùng và hình ảnh thầy Ha-men đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm của Phrăng - nhân vật chính trong tác phẩm cũng là người kể chuyện. Khi nghe thầy Ha-men nói rằng đây là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp, Phrăng thấy choáng váng, sững sờ và đã hiểu ra nguyên nhân của mọi sự khác lạ trong buổi sáng hôm nay. Từ cảnh nhốn nháo trước trụ sở xã đến không khí yên ắng nặng nề ở lớp học và ở cả bộ y phục trang trọng của thầy Ha-men.


Phrăng tiếc nuối và ân hận về sự lười nhác, ham chơi của mình bấy lâu nay. Cậu bé đau xót thú nhận: “Bài học Pháp văn cuối cùng của tôi! Mà tôi thì mới biết viết tập toạng! Vậy là sẽ chẳng bao giờ được học nữa ư, phải dừng ở đó ư!... Giờ đây tôi tự giận mình biết mấy về thời gian bỏ phí, về những buổi trốn học đi bắt tổ chim hoặc trượt trên hồ. Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ”. Lời độc thoại nội tâm đã bộc lộ được tâm trạng của Phrăng khi nghe thầy Ha-men thông báo về buổi học tiếng Pháp cuối cùng.


Khi thầy Ha-men gọi cậu lên đọc bài, Phrăng không thuộc chút nào về quy tắc phân từ trong tiếng Pháp. Sự ân hận đã biến thành nỗi xấu hổ và tự giận mình. Điều kì lạ là trong tâm trạng day dứt ấy, khi nghe thầy Ha-men giảng ngữ pháp, Phrăng lại thấy thật rõ ràng và dễ hiểu: Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế.

Chứng kiến cảnh các cụ già trong làng đến dự buổi học cuối cùng và được nghe những lời nhắc nhở tha thiết của thầy Ha-men, nhận thức và tâm trạng của Phrăng đã có những biến đổi lớn lao.Cậu đã nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của việc học tiếng Pháp nhưng tiếc thay, chú không còn cơ hội để được tiếp tục học tiếng Pháp ở trường nữa. Còn các cụ già trong làng đến lớp và tập đánh vần theo học sinh không phải là do chưa biết chữ mà là để chứng kiến buổi học cuối cùng. Dường như đó cũng là một cách để tạ ơn thầy giáo chúng tôi về bốn mươi năm phụng sự hết lòng và để trọn đạo với Tổ quốc đang ra đi... Cụ Hô-de (vốn là xã trưởng) và bác phát thư chắc chắn là đều biết đọc biết viết, nhưng cụ Hô-de vẫn đánh vần một cách chăm chú cùng với các học trò nhỏ. Cụ nâng cuốn sách vỡ lòng bằng hai tay và giọng cụ run run vì xúc động. Đây là hình ảnh hết sức cảm động, thể hiện tình cảm thiêng liêng và trân trọng của người dân đối với tiếng mẹ đẻ. Còn các học trò nhỏ cũng cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp.


Câu nói của thầy Ha-men: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù đã nêu bật giá trị thiêng liêng và sức mạnh to lớn của tiếng nói dân tộc. trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền độc lập, tự do”. Câu nói đã chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp.


Ý nghĩa sâu xa của truyện “Buổi học cuối cùng” là chúng ta phải biết yêu quý, giữ gìn và học tập để nắm vững tiếng nói của dân tộc mình, bởi nó không chỉ là tài sản tinh thần quý báu của ông cha mà còn là phương tiện quan trọng để đấu tranh giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước.


Như vậy, “Buổi học cuối cùng” là một trong những tác phẩm vô cùng nổi tiếng của An-phông-xơ Đô-đê. Tác phẩm đã thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của tác giả.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 6 Bài văn phân tích Buổi học cuối cùng (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy