Bài tham khảo số 5
Bức tranh thiên nhiên làng quê hiện lên trong đoạn trích Lao Xao của Duy Khán thật sinh động, gần gũi với mỗi chúng ta. Đọc văn bản ta như được hòa vào thế giới của các loài chim, của các bài đồng dao thấm đẫm chất dân gian,… và càng thêm yêu hơn phong cảnh làng quê Việt Nam.
Đoạn trích bắt đầu bằng không gian chớm hè, cái náo nhiệt, sôi động của mùa hạ đã tràn ngập khắp nơi: cây cối um tùm, tươi tốt, “cả làng thơm” , đó là mùi hương của “cây hoa lan nở hoa trắng xoá. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng… thơm như mùi mít chín….”. Những mùi vị vô cùng thân thuộc, gần gũi, dung dị, tự nhiên mà biết bao trìu mến với mỗi người. Nhưng đâu chỉ có hương thơm, bức tranh còn trở nên sinh động hơn khi có sự góp mặt của những con ong, cái bướm. Nào ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đang đánh nhau, tranh giành nhau để hút mật, những chú bướm hiền lành lặng lẽ rủ nhau bỏ đi. Từng hình ảnh đẹp đẽ, êm đềm của một vùng quê thanh bình hiện lên khiến người đọc chẳng thể nào quên được.
Ống kính máy quay di chuyển đến những đứa bé ngây thơ, hồn nhiên, chúng tụ đang tập ở góc sân, bàn tán, nói chuyện râm ran với nhau. Và cũng chính lúc ấy thế giới của các loài chim đa dạng, phong phú hiện ra.
Các loài chim được chia ra làm từng lớp từ chim hiền cho đến chim dữ, với tài năng quan sát và sự am hiểu thế giới loài chim Duy Khán còn chỉ ra những đặc điểm riêng biệt của chúng. Bắt đầu là những chú bồ các với tiếng kêu vang trời, và loài chim này cũng thật đáng yêu khi vừa bay vừa kêu cứ như có ai đang đuổi đánh. Qua lời chị Điệp nào chim ri, sáo sậu, sáo đen,…cũng lần lượt xuất hiện. Chúng đều là họ hàng của nhau và có cùng chung đặc điểm ấy là “hiền”, khi sáo sậu, sáo đen hót báo hiệu năm ấy được mùa; mỗi khi tu hú kêu là thông báo quả đã chín đỏ cây, quả không sai chút nào.
Len lỏi trong những âm vang vui tươi là tiếng kêu của những con bìm bịp. Để lý giải về tiếng kêu của loài chim này, Duy Khán đã kể lại ngắn gọn truyện Sự tích con bìm bịp. Với sự đan xen hài hòa giữa truyện dân gian và mạch kể khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Mỗi khi bìm bịp kêu là những loài chim ác, chim xấu xuất hiện. Cách tác giả chuyển từ miêu tả các loài chim hiền qua các loài chim dữ cũng thật tinh tế, thông qua tiếng bìm bịp kêu là sự xuất hiện của con diều hâu hung ác. Con diều hâu được tác giả mô tả các chi tiết về ngoại hình, đặc điểm: bay cao tít, mũi khoằm và đánh hơi rất tinh. Thêm vào đó là hình ảnh của những con quạ đen, quạ khoang chuyên đi ăn trộm trứng,… Tiếp đến là loài chim cắt, cánh nhọn như dao chọc tiết lợn, chúng được ví như loài quỷ đen vụt đến vụt đi. Nhưng chúng cũng phải kiếp sợ trước sự đoàn kết của loài chèo bẻo. Những hình ảnh so sánh thật sinh động, hấp dẫn, giúp người đọc hình dung được dáng vẻ bề ngoài, đặc điểm của các loài chim này.
Bức tranh các loài chim hiện lên thật phong phú, đa dạng về âm thanh và màu sắc. Tác giả đã rất tài hoa trong việc sử dụng các thành ngữ, đồng dao, truyện cổ tích đan xen vào tác phẩm khiến câu chuyện trở nên lý thú và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, Duy Khán cũng khéo léo kết hợp giữa miêu tả, kể chuyện và nhận xét, bình luận qua đó chứng tỏ vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến của tác giả dành cho các loài chim – người bạn thân thiết nhất của tuổi thơ. Cùng với tài năng quan sát tỉ mỉ, ngôn từ giản dị, dân dã, tất cả các yếu tố đó đã hòa quyện vào nhau tạo nên sức hút cho tác phẩm.
Qua bức tranh thiên thiên ở vùng quê, ta đã nhận thấy rõ tài năng quát sát tinh tường, sự am hiểu về thế giới các loài chim của Duy Khán. Đồng thời cũng thấy được tình yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả.