Bài tham khảo số 7

Nếu như dân tộc ta biết đến Nam quốc sơn hà như một bản tuyên ngôn thứ nhất thì Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn – bản tuyên ngôn đất nước thứ hai. Nguyễn Trãi bằng tài năng văn chương và chính trị của mình đã viết lên bố cáo cho toàn thiên hạ được biết về trận chiến với giặc Minh. Đặc biệt phần một và phần hai của bài cáo khẳng định chủ quyền dân tộc và vạch rõ âm mưu xâm chiếm nước ta của giặc Minh.


Trước hết Nguyễn Trãi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa và khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc của nước ta. Việc nhân nghĩa theo Nguyễn Trãi là:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”


Tư tưởng nhân nghĩa được Nguyễn Trãi tiếp thu của nho giáo để đúc kết lên thành khái niệm. Theo nhà văn, nhân nghĩa là dân được yên ổn, sống một cuộc sống yên bình, ấm no. Mà để cho dân được sống một cuộc yên ổn thì phải lo trừ bạo, cụ thể là dẹp thù trong giặc ngoài.


Sau khi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi bắt đầu khẳng định chủ quyền của dân tộc ta:


“Như nước Đại Việt ta từ trước

Đã xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục bắc nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”


Nước Đại Việt là một nước được xây dựng từ bao đời, có một nền văn hiến lâu đời. Từ thuở trước biên giới bờ cõi đã được phân chia rõ ràng. Phong tục hai bên cũng khác nhau. Tác giả đặt ngang hàng các thời đại của ta với các thời đại tương ứng của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền dân tộc. Có thể thấy Nguyễn Trãi khẳng định chủ quyền đất nước ta trên tất cả các lĩnh vực: văn hóa, biên giới, thời đại. Biện pháp nghệ thuật so sánh, đối kết hợp với câu văn biền ngẫu đã thể hiện rõ quan điểm của tác giả. Dù mạnh yếu khác nhau từng song hào kiệt đời nào cũng có. Để chứng minh cho câu nói “hào kiệt đời nào cũng có” và khẳng định chủ quyền bờ cõi, Nguyễn Trãi đã nêu lên hàng loạt các dẫn chứng lịch sử về những trận bại lớn của giặc:


“Cho nên

Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Việc xưa xem xét, chứng cớ còn ghi”


Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã đều là những cái tên quan trọng của giặc. Chúng là những tên cầm đầu cả một đoàn quân với số lượng lớn nhằm xâm chiếm nước ta. Thế nhưng chiến tranh phi nghĩa thì không bao giờ có kết quả tốt. Đặc biết chúng là những tham công, thích lớn nên càng dễ bị thất bại và tiêu diệt. Hàm Tử, Bạch Đằng là những địa danh của ta, đó không chỉ nơi diễn ra trận chiến với giặc mà còn là nấm mồ chôn xác chúng.


Sau khi khẳng định chủ quyền dân tộc trên các lĩnh vực triều đại, văn hóa, biên giới, lịch sử, Nguyễn Trãi trình bày cho toàn dân thiên hạ biết về âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa của bọn giặc Minh:


“Vừa rồi:

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà

Để trong nước lòng dân oán hận

Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”


Nhà văn chỉ rõ nguyên nhân do chính sự nhà Hồ gặp rắc rối cho nên giặc Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ để hòng xâm chiếm nước Đại Việt. Không chỉ quân giặc ngoại xâm mưu mô xảo trá mà bọn nội phản trong nước cũng ngóc đầu dậy bán nước cầu vinh. Chúng nghe theo lời của giặc ngoại xâm, chấp nhận làm tay sai cho chúng.


Tội ác của chúng gây ra cho nhân dân Đại Việt không hề nhỏ, chúng tán tận lương tâm đẩy con dân ta vào những tình cảnh khổ tận cam lại, khốn nạn thay chúng vét sạch cả núi sông và cả sức người Đại Việt:


"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế

Gây thù kết oán trải mấy mươi năm

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.

Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.

Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.

Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ

Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng”


Chúng “nướng dân đen” rồi vùi “con đỏ” xuống hầm để khai thác tài nguyên thiên nhiên cho chúng. Chúng lừa dối trời lừa dối dân bằng muôn ngàn kế sách nhằm vơ vét tài nguyên nước ta. Tội ác của chúng bại cả nhân nghĩa, tan nát cả đất trời, lòng dân oán hận biết bao nhiêu năm nhưng không thể làm gì được chúng. Chúng không chỉ vơ vét tài nguyên mà còn đặt ra hàng trăm thứ thuế đẩy người nông dân đến hoàn cảnh khốn cùng. Người thì bị chúng ép xuống biển mò ngọc dù nơi đó cá mập vây quanh, con dân có thể bị xé xác bất cứ lúc nào. Kẻ thì bị lên núi đãi cát tìm vàng dù rừng thiêng nước độc.


Hiện trạng đất nước được phô ra trước mắt với những hình ảnh đau thương, khắp nơi khắp chốn cạm bẫy, lưới giăng đến cây cỏ còn bị sát hại huống chi đến con người. Từ những sản vật cho đến động vật, thực vật đều không sống nổi với sự tàn ác của giặc Minh. Khốn thay cho những người phụ nữ góa chồng.


Đối lập với nỗi khốn khổ của nhân dân Đại Việt, lũ giặc Minh giống như một lũ quỷ răng nanh máu me kinh khủng:


“Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,

Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?

Nặng nề những nỗi phu phen

Tan tác cả nghề canh cửi.

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?”


Chúng hiện lên như những con quỷ béo mỡ, đáng sợ. Với cái miệng rộng và hàm răng quỷ dữ ấy chúng bắt nhân dân ta nay xây nhà mai đắp đất. Rồi ai phục dịch chúng cho vừa, nặng nề và tan tác cả nghề canh cửi. Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo cấu trúc câu “độc ác thay…” “Dơ bẩn thay…” nhằm nhấn mạnh vào sự khinh bỉ và căm phẫn tội ác của giặc Minh. Tội ác của chúng dẫu có bao nhiêu trúc Nam Sơn cũng không ghi hết tội, nước Đông Hải có nhiều cũng không rửa sạch mùi. Tội ác tày trời đất chẳng lẽ nào dung tha cho chúng, lòng dân sẽ nổi dậy.


Như vậy, phần một và phần hai của bài cáo đã khẳng định chủ quyền của nhân dân Đại Việt. Đồng thời vạch rõ âm mưu xâm chiếm của giặc Minh. Tội ác của chúng được phơi bày ra cho toàn dân thiên hạ được biết. Tội ác của chúng không thể nào dung tha. Bài cáo sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như đối lập, miêu tả, so sánh kết hợp với lối văn biền ngầu tự do đã thể hiện rõ được nội dung mà tác giả muốn trình bày.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 10 Bài văn phân tích đoạn 2 bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy