Bài tham khảo số 7
Trần Quốc Tuấn là một danh tướng đời Trần ở thế kỉ XIII. "Hịch tướng sĩ" là một bài hịch thể hiện sự quyết tâm đánh giặc cùng lòng yêu nước nồng nàn của vị tướng này. Trước hết, khi đọc câu văn, người đọc dễ dàng nhận thấy những suy tư, trăn trở của Trần Quốc Tuấn. Khi quân Mông - Nguyên sang xâm lược nước ta, ông lo cho dân, lo cho sự an nguy của dân, lo cho đất nước đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Hơn thế nữa, biện pháp so sánh "ruột đau như cắt" cùng các động từ mạnh như cắt, căm tức, xả thịt, lột da, nuốt gan,... như lột tả sự căm hờn, phẫn uất của Trần Quốc Tuấn. Ông căm thù giặc đến nỗi khao khát được lột da, được uống máu quân thù. Qua nỗi căm phẫn ấy, người đọc thấy được một tinh thần yêu nước nồng nàn đang sáng lên trong trái tim ông. Thử hỏi xem nếu ông không yêu nước thì cớ gì ông lại phải căm ghét, đay nghiến bè lũ xâm lược? Chính vì vậy mà đến câu văn tiếp theo, ông đã khẳng định một cách chắc nịch "Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.” Câu văn như làm sáng tỏ lòng yêu nước, thương yêu dân của vị tướng nhà Trần. Ông sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng bị giặc tước đi mạng sống để cứu lấy dân, để giữ yên bờ cõi. Phải yêu dân, yêu nước đến vô bờ bến thì Trần Quốc Tuấn mới có thể hi sinh, luôn chất chứa nỗi đau đáu, xót xa đến như vậy! Thật vậy, con cháu Việt Nam ngày nay luôn tưởng nhớ đến công lao của Trần Quốc Tuấn. Dù ông đã hi sinh nhưng vẻ đẹp về vị dũng tướng tài ba thời Trần không bao giờ biến mất trong lòng nhân dân.