Bài tham khảo số 8

Tú Xương nhà thơ trào phúng xuất sắc của văn học trung đại. Ông thuộc lớp nhà Nho cuối mùa, sống giữa buổi giao thời, trong lúc thời đại phong kiến suy tàn, những giá trị của quá khứ đang dần mất đi nhưng cái mới chưa kịp hình thành, những nét đẹp truyền thống đang dần rạn vỡ… Bởi vậy thơ ông đầy tiếng u uất, chua chát. Nhưng chất trào phúng trong thơ ông chỉ là “chân trái” còn “chân phải” vẫn là chất trữ tình.


Thơ ông luôn khắc khoải những suy tư, âu lo rộng là với xã hội, hẹp là với gia đình, với bà Tú – người vợ hết thực tần tảo. Bài thơ Thương vợ đã thể hiện đầy đủ chất trữ tình cũng như chất trào phúng ấy trong thơ ông. Viết về người vợ là điều hiếm thấy trong thơ xưa, đặc biệt là khi người vợ còn sống.


Riêng với Tú Xương, ông không chỉ viết về vợ mà còn có hẳn một đề tài riêng về bà Tú: Đau mắt, Văn tế sống vợ, Hỏi mình,… điều đó đã cho thấy vị trí, ý nghĩa to lớn của người vợ trong cuộc đời ông. Hai câu đề tác giả giới thiệu tổng quan về bà Tú cũng như công lao to lớn của bà đối với gia đình:


Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng


Tú Xương đã mô tả rất chính xác về nghề nghiệp của bà Tú đó là buôn gạo ở ven sông. Công việc của bà tuần hoàn, đều đặn suốt năm, dường như không có bất cứ lúc nào bà được nghỉ ngơi, có được thời gian cho riêng mình. Không gian bà làm việc cũng chứa đựng đầy sự nguy hiểm. Bà Tú phải làm việc cực nhọc quanh năm, với bao vất vả khó khăn, bà chính là trụ cột của gia đình.


Bà không những phải nuôi con mà còn phải nuôi thêm chồng . Vậy là một người đàn bà phải nuôi sáu miệng ăn trong gia đình. Trong câu thơ Tú Xương tự tách mình riêng ra một vế so với năm đứa con, cho thấy ông tự nhận thức được gánh nặng của thân đối với vợ, gánh nặng ấy còn hơn cả năm đứa con. Nếu như những đứa con chỉ cần đáp ứng nhu cầu ăn uống, quần áo cho chúng thì với ông Tú ngoài những nhu cầu cơ bản, còn phải đáp ứng cả thú ăn, thú chơi của ông. Câu thơ thấy một nụ cười tự châm biếm chính mình.


Nỗi vất vả, gian truân của bà Tú tiếp tục được tô đậm ở hai câu tiếp theo: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Èo sèo mặt nước buổi đò đông”. Phép đảo ngữ: đẩy “lặn lội” “eo sèo” lên đầu câu, tô đậm nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà Tú trong cuộc mưu sinh. “Đò đông” gợi nên sự nguy hiểm trong việc đi lại, buôn bán hàng ngày “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”.


Hình ảnh bà Tú được miêu tả qua phép ẩn dụ “thân cò” đầy ám ảnh, gợi dáng dấp nhỏ bé, chịu đựng, bơ vơ, côi cút đến tội nghiệp. Hình ảnh cái có lặn lội vốn là mẫu gốc trong văn học dân gian, cho thấy sự tảo tần, lam lũ của người lao động, đồng thời gợi sự đồng cảm nơi người. Câu 3,4 với hình ảnh ẩn dụ “thân cò” kết hợp với từ đầy tình tạo hình“lặn lội” đã khắc sâu hơn nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của bà Tú.


Duyên vợ chồng vốn do trời định sẵn, còn “nợ” là gánh nặng, nếu hai người có cuộc sống tốt đẹp ấy là duyên, cuộc sống ngang trái, bất hạnh ấy là nợ. Trong câu thơ: “Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công” cho thấy cái duyên với chồng thì ít mà cái nợ với nhau thì nhiều.


Ông Tú tự nhận thấy mình là cái nợ, là gánh nặng suốt đời của bà Tú. Nhưng bà Tú không hề đay nghiến điều đó, mà hết lòng hi sinh, như một lẽ tự nhiên, âm thầm không đòi hỏi hay oán trách bất cứ điều gì với ông Tú. Với sáu câu thơ đầu, Tú Xương đã khắc họa chân thực và đầy đủ nhất vẻ đẹp tảo tần, chịu thương, chịu khó của bà Tú đối với gia đình. Chỉ đến hai câu thơ cuối cùng hình ảnh ông Tú mới xuất hiện:


Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không!


Tiếng chửi cất lên vô cùng gay gắt, ném vào cuộc đời cũng chính là tự mắng chính mình. “Thói đời” - những quy tắc hà khắc của chế độ phong kiến, phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ, coi việc nhà, việc mưu sinh là của đàn bà. Là cái xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẻ ra thói đời bạc bẽo, những bất công vô lí. Tiếng chửi ấy xuất phát từ lòng yêu thương và biết ơn vô bờ của ông Tú dành cho vợ.


Tác phẩm là sự việt hóa của thể thơ thất ngôn bát cú. Tú Xương có sự đan xen, kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chất trào phú, trong đó chất trữ tình là chủ đạo để nói lên lòng biết ơn sâu sắc với vợ. Đây đồng thời cũng là nét đặc sắc và độc đáo trong thơ Tú Xương. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hình ảnh thơ quen thuộc, giản dị tạo cho câu thơ vẻ đẹp tự nhiên, chân thành nhưng vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ.


Với dung lượng của một bài thơ ngắn nhưng Tú Xương đã đem đến những nét vẽ đầy đủ và trọn vẹn nhất về vẻ đẹp nhân cách, phẩm chất hi sinh cao quý của bà Tú đối với gia đình. Đồng thời đây cũng là những lời thơ tự trào phúng về sự bất lực của bản thân. Ngoài ra, bài thơ cũng là sự thành công trên nhiều phương diện: ngôn ngữ, hình ảnh, kết hợp giữa chất trào phúng và trữ tình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy