Bài thuyết trình dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi (số 1)
Kính thưa ban giám khảo, các vị đại biểu, khách quý!
Kính thưa các thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm nhà trường
Lời đầu tiên cho phép tôi được kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý mạnh khoẻ hạnh phúc. Chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Chúc Hội thi ...của trường chúng ta thành công tốt đẹp.
Kính thưa ban giám khảo!
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm trong nhiều năm, bản thân tôi nhận thấy rằng sự hình thành phẩm chất đạo đức của học sinh không phải một ngày, một buổi là có được mà phải trải qua một thời gian dài rèn luyện, cho nên để đảm nhận công việc này chúng ta phải thật sự kiên trì, nhẫn nại, chịu khó và phải tốn nhiều thời gian công sức để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng học sinh trong lớp. Như vậy GVCN phải đề ra được kế hoạch, phương pháp giáo dục phong phú thích hợp cho từng trường hợp với cả tấm lòng yêu thương, nhân ái của người Thầy.
1. Thuận lợi:
Đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, năng nổ, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.
Hầu hết học sinh có ý thức kỷ luật, ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, biết vâng lời cha mẹ. Tích cực tham gia hoạt động phong trào do Đội, trường, lớp tổ chức.
Cơ sở vật chất khá đầy đủ đáp ứng tốt cho công tác.
Được sự quan tâm sâu sát của Ban giám hiệu, Đoàn đội, ban đại diện phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương.
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bậc phụ huynh với nhà trường.
Đa số học sinh nhà gần trường, thuộc địa phương, có ý thức học tập. ngoan hiền, nhiệt tình tham gia các phong trào.
2. Khó khăn:
Đa số con nhà nông, còn một số học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc, đôn đốc nhắc nhở của phụ huynh.
Các tụ điểm điện tử và buôn bán gần trường nhiều, ảnh hưởng đến việc học của học sinh, làm cho một số em mê game, trốn học.
Một số học sinh yếu do lười học, không chăm chỉ, không chuyên cần, không hoặc chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập.
Một số học sinh trong lớp rất thụ động, chưa có được mục tiêu học tập, chưa có thái độ học tập đúng đắn.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:
1. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc một số văn bản qui định:
Giáo viên chủ nhiệm cần phải nắm vững các văn bản qui định về nhiệm vụ của học sinh trong nhà trường, về qui định khen thưởng và kỷ luật, về nội qui và cách xếp loại 2 mặt giáo dục, phổ biến đến từng đối tượng học sinh. Ngoài ra, chúng ta cần nắm và hiểu rõ chức năng và nhiệm vụ cơ bản của giáo viên chủ nhiệm để thực hiện công tác một cách hiệu quả, tối ưu nhất, có tính thuyết phục dựa trên những luận cứ, luận chứng rõ ràng. (Luật giáo dục, Điều lệ Nhà trường, Qui chế đánh giá xếp loại học sinh).
2. Lập sổ chủ nhiệm:
Giáo viên chủ nhiệm lập sổ chủ nhiệm theo mẫu qui định của nhà trường. Trong đó, giáo viên phải thật chú ý đến việc ghi chép, phải chi tiết, đầy đủ các phần các mục theo yêu cầu. Song cần đặc biệt lưu ý:
Theo dõi học sinh mọi mặt theo định kì, có nhận xét cụ thể đối với từng em.
Ghi rõ, cụ thể số điện thoại liên lạc của gia đình học sinh (nếu có).
Lập – ghi danh sách học sinh chia theo tổ (ghi địa chỉ chính xác).
Việc dạy và tổ chức cho học sinh hoạt động học tập trong và ngoài giờ là vấn đề quan trọng, đòi hỏi giáo viên phải lên kế hoạch thực hiện rành mạch, cụ thể theo ngày, tuần, tháng luôn có sự thay đổi gây hứng thú cho các em.
Có sổ theo dõi thi đua hàng tuần giữa các tổ.
3. Tổ chức tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu năm:
Giáo viên chủ nhiệm là cố vấn cho học sinh xây dựng lớp học thành đơn vị tập thể gắn bó, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, phát huy khả năng tự giác, tự quản của học sinh theo đúng tinh thần đổi mới phương pháp giáo dục. Do đó, ngay tiết sinh hoạt đầu năm giáo viên cần vạch ra, định hướng nhằm giúp các em thể hiện tinh thần trách nhiệm. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần phải ổn định nề nếp, tổ chức lớp ngay từ những tiết sinh hoạt đầu năm với những việc cụ thể như sau:
Sắp xếp chỗ ngồi.
Bầu ban cán sự và giao nhiệm vụ cụ thể, rỏ ràng:
Lớp trưởng.
Lớp phó học tập.
Lớp phó lao động.
Lớp phó văn thể mỹ.
Các tổ trưởng và tổ phó.
Cờ đỏ
Thủ quỹ
Thư ký
- Yêu cầu học sinh viết lý lịch theo mẫu nhằm nắm rỏ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để có biện pháp giáo dục thích hợp nhất.
- Thông qua cách thức phân công về trực vệ sinh lớp.
- Thông qua nội quy và cho học sinh ghi chép cẩn thận nội quy của trường vào sổ tự rèn và đem về nhà cùng phụ huynh trao đổi để thực hiện tốt.
- Sau đó, dựa vào nội quy của trường, giáo viên chủ nhiệm lập ra nội quy của lớp và cho cả lớp thảo luận đóng góp ý kiến để thống nhất thực hiện trong cả lớp.
4. Tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm:
Để buổi họp được thành công tốt đẹp, giáo viên chủ nhiệm cần tiến hành một số công việc sau:
THIẾT KẾ KẾ HOẠCH HỌP CMHS ĐẦU NĂM HỌC
I. Mục đích:
- Thu thập thông tin về học sinh, tìm hiểu điều kiện sinh sống, học tập của học sinh.
- Thông qua kế hoạch giáo dục của từng lớp, nhận thông tin phản hồi từ CMHS.
- Thành lập chi hội CMHS của lớp bầu Ban đại diện CMHS lớp.
- Lên kế hoạch phối hợp, huy động xây dựng nguồn lực để hoạt động.
II. Nội dung :
· Nêu lên những thuận lợi và khó khăn của lớp.
· Thông báo các khoản thu đầu năm.
· Thông qua các văn bản pháp quy.
· Thống nhất về các qui định đối với học sinh ( Nội quy, học tập, hạnh kiểm…)
· Phổ biến về nội qui lớp và bảng điểm thi đua cá nhân. Xin ý kiến đóng góp của quí phụ huynh biểu quyết để thống nhất thực hiện.
· Thống nhất về việc đóng góp (lớp khen thưởng – hỗ trợ học sinh khó khăn…)
· Kế hoạch phối hợp của CMHS với GVCN trong năm học, học kỳ.
· Thống nhất các hình thức liên lạc giữa GVCN – BĐD CMHS - PHHS về kế hoạch hoạt động của chi hội trong học kỳ.
· Giao lưu giữa GVCN và toàn thể CMHS lớp.
· Thảo luận về kế hoạch giáo dục của trường, lớp.
· Thành lập các nhóm CMHS tự nguyện tham gia những loại hoạt động giáo dục HS
· Khảo sát điều tra tình hình học sinh và nhu cầu PH.
· Danh sách Chi hội lớp-Ban đại diện CMHS, danh sách HS nghèo cần hỗ trợ, danh sách đóng góp các nguồn lực, bảng phân công BĐD lớp…
· Các loại cam kết
· Các thông tin về HS, PH, lớp, trường…
· Đề cử 3 phụ huynh đứng vào ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, thư kí ghi rõ họ tên – chức vụ của phụ huynh vào biên bản, kể cả các ý kiến đóng góp.
5. Tổ chức tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần:
Giáo viên chủ nhiệm cần phải xác định rõ mục tiêu của tiết sinh hoạt nhằm đề ra nội dung thực hiện thích hợp.
- Về nội dung:
+ Dựa trên nội dung mà nhà trường, Đội đề ra trong tiết sinh hoạt dưới cờ.
+ Dựa trên các báo cáo của từng tổ, lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó văn thể mỹ, lớp phó lao động.
- Về tổ chức:
+ Giáo viên chủ nhiệm thống nhất yêu cầu về nội dung, hình thức hoạt động với đội ngũ cán bộ lớp và gợi thêm vài vấn đề để các em hoạt động.
+ Tổng kết những ưu, khuyết điểm tuần qua.
+ Hướng khắc phục những mặt yếu, phát huy những mặt mạnh đã đạt được.
+ Đề ra kế hoạch cho tuần sau.
a) Hoạt động 1:
Ổn định (ca hát tập thể, kể chuyên, . . . )
b) Hoạt động 2:
Các cán sự lớp báo cáo sơ kết về tình hình thực hiện nội quy, học tập trong tuần qua.
*Chú ý: Xếp hạng tổ theo điểm thi đua của từng cá nhân trong tổ. (giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến bảng điểm thi đua ngay từ đầu năm).
c) Hoạt động 3: (linh động theo tuần)
¨ Nêu lên kế hoạch hoạt động trong tuần tới.
¨ Thông báo các nội dung cần thiết và cần nhớ.
¨ Phân công thực hiện cụ thể.
d) Hoạt động 4:(linh động theo thời gian)
¨ Hát tập thể.
¨ Sinh hoạt văn nghệ.
e) Nhận xét đánh giá của giáo viên chủ nhiệm:
- Giáo viên chủ nhiệm nhận xét và nêu lên những tiến bộ của các em cụ thể ở mặt nào, đồng thời động viên các em cố gắng phát huy các ưu điểm trên trong thời gian tới.
- Bên cạnh đó nhắc nhở những học sinh vi phạm và dưa ra biện pháp thực hiện cụ thể, động viên khuyến khích các em không nên tái phạm lần sau.
- Cuối cùng, giáo viên dặn dò tổ trưởng của tổ bị phạt vệ sinh lớp phải phân công cụ thể và nhắc nhở thường xuyên để các em trực vệ sinh thật tốt.
6. Tổ chức tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp:
Cứ khoảng hai tuần thì có một tiết sinh hoạt chủ đề về hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em nhằm giúp các em nhận thức được “Vui để học” để tạo hứng thú cho các em và các em luôn nghĩ rằng “Một ngày đến trường là một ngày vui”.
Do vậy, việc tổ chức tiết sinh chủ đề về hoạt động giáo dục ngoài giờ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hành theo phương pháp tích cực. Để tổ chức tiết sinh hoạt này đạt chất lượng và hiệu quả giáo viên chủ nhiệm cần thực hiện tốt một số công việc sau đây:
· Nắm chắc mục đích yêu cầu của từng hoạt động trong chủ điểm tháng.
· Đề ra nội dung và hình thức hoạt động.
· Chuẩn bị thật chu đáo trước khi tiến hành về các mặt như: phương tiện, tổ chức (chú ý về phía giáo viên chủ nhiệm phải làm gì? Còn phía học sinh phải thực hiện được những yêu cầu nào mà giáo viên giao).
IV. PHỐI HỢP GIỮA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM VÀ CÁC LỰC LƯỢNG GIÁO DỤC KHÁC:
1. Phối hợp cùng phụ huynh học sinh:
Giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên liên lạc, trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em trong nhà trường (qua số điện thoại, liên lạc trực tiếp…), nhất là đối với các phụ huynh có học sinh vi phạm để nắm tình hình một cách chính xác, kịp thời nhằm uốn nắn các em thành người học trò tốt.
2. Phối hợp với giáo viên bộ môn:
Trong nhà trường các em được học tốt tất cả các môn theo qui định. Ngoài công tác chủ nhiệm, GVCN còn phải phụ trách các bộ môn chuyên môn vì thế viếc phối hợp với giáo viên bộ môn là hết sức quan trọng và cần thiết.
3. Phối hợp cùng Ban giám hiệu nhà trường – Ban cán sự lớp – Tập thể lớp:
Khen trước lớp: Những học sinh có biểu hiện tốt về hành vi đạo đức, học tập, hoạt động văn – thể – mỹ, … trong giờ sinh hoạt.
Nhắc nhở trước lớp: Những học sinh vi phạm ở mức độ nhẹ như nói tục, chửi thề, nghỉ học không xin phép 2 lần trong một tháng, có ý kiến tham khảo của cán bộ lớp, sau đó báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường.
Khen thưởng trước toàn trường: do Hiệu trưởng (hoặc hiệu phó) nhà trường biểu dương và tặng giấy khen.
Nhắc nhở trước toàn trường: Những học sinh vi phạm nhiều lần, mắc thái độ sai như: ăn cắp, đánh nhau, đọc sách báo đồi trụy hoặc có sai phạm khác với mức độ tương đương.
Khen thưởng đặc biệt: Những học sinh có thành tích cao như: Học sinh giỏi cấp huyện trở lên, học sinh đạt giải cao cuộc thi Olympic, thi học sinh giỏi, đạt huy chương trong các cuộc thi,……
Qua quá trình tìm hiểu về công tác chủ nhiệm của những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, tôi rút ra được bài học kinh nghiệm sau:
Để đạt được mục đích giáo dục, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với các hoạt động khác và đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Chi hội CMHS, với các cấp lãnh đạo, với chính quyền địa phương, với các đoàn thể và nhân dân địa phương để tạo thành sức mạnh đồng bộ, toàn xã hội cùng giáo dục thế hệ trẻ đồng thời giữ vững được hướng đi đúng.
Sự thành công trong công tác chủ nhiệm, một nhân tố quan trọng mà chúng ta nên thận trọng, cân nhắc khi quyết định lựa chọn, đó chính là lớp trưởng
Muốn làm tốt công tác chủ nhiệm, người giáo viên chủ nhiệm phải là người có uy tín, có năng lực thực sự, gương mẫu về mọi mặt, có khả năng xử lý mọi tình huống một cách khéo léo và thấu tình đạt lý, có thể tư vấn tâm lý cho học sinh trong những trường hợp đặc biệt, phải là “cô giáo như mẹ hiền” thực sự yêu thương và gần gũi với các em, phải bao dung, tha thứ cho những học sinh mắc sai lầm, động viên, khuyên bảo, đặc biệt quan tâm giúp đỡ các em cả vật chất lẫn tinh thần.
Trên đây là bài thuyết trình của tôi về một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp rất mong được sự góp ý chân thành của các đồng chí để tôi hoàn thiện tốt hơn nữa trong công tác chủ nhiệm lớp. Cuối cùng tôi xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thi thành công rực rỡ. Tôi xin trân trọng cảm ơn!