Bài văn chứng minh "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng" số 10
Từ bao đời nay, ca dao, tục ngữ là những công cụ để cha ông ta dăn dạy các thế hệ con cháu những điều hay lẽ phải. Với câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một lời răn dạy hết sức đúng đắn và hay. Chúng ta cần có một suy nghĩ nghiêm túc về nó để tìm cho mình một môi trường tốt đẹp mà sống và quyết xa lánh môi trường xấu. Tuy nhiên, có một số ý kiến trái chiều cho rằng “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”
Vì một số ý kiến trái chiều đó của các bạn nên tôi thấy cần phải có sự tranh luận để làm rõ vấn đề cùng các bạn. Trước hết tôi sẽ nêu ý nghĩa của câu tục ngữ này. Câu tục ngữ trên có hai nghĩa: Nghĩa đen là mực có màu đen là loại công cụ để các cụ ngày xưa viết chữ Hán hoặc sao chép lại một tài liệu nào đó, nếu ta tiếp xúc với loại mực có màu đen đó mà không cẩn thận để mực giây ra tay ta, quần áo thì rất dễ bị giây bản; còn nếu ta gần một ngọn đèn đã được thắp sáng lên thì ta sẽ nhận được một phần ánh sáng của đèn, soi sáng cho bản thân ta.
Nghĩa bóng của câu là: Trong cuộc sống, nếu bản thân ta luôn gần gũi, tiếp xúc với những thói hư tật xấu hay những người xấu hoặc luôn sống trong một môi trường xấu mà lập trường tư tưởng của ta không vững vàng thì ta cũng rất dễ bị lây nhiễm những cái xấu; và ngược lại nếu ta luôn gần gũi, tiếp xúc với những điều tốt đẹp, những người tốt, ta luôn được sống trong môi trường tốt đẹp, lành mạnh thì ta cũng dễ dàng học tập những điều tốt đẹp từ đó.
Như vậy câu tục ngữ đã được cắt nghĩa rất rõ ràng. Tôi cho rằng quan điểm “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” của một số bạn, là do các bạn còn nghi ngờ tính chân thực của câu tục ngữ đó, là do các bạn chưa suy xét vấn đề thật thấu đáo và thực tế. Có lẽ các bạn cho rằng: mình cứ gần gũi những thói hư tật xấu, những người xấu nhưng nếu mình nhất quyết không làm theo những điều đó thì làm sao mà “đen” được; ngược lại khi mình tiếp xúc với người tốt nhưng chẳng thích học theo người ta thì sao “rạng” lên đây?
Tôi thấy đó là một suy nghĩ hết sức chủ quan về cuộc sống. Trong thực tế xã hội hiện nay, một số thanh niên không nhỏ chơi bời giao thiệp với bọn trộm cắp, bọn xã hội đen hay bọn xì ke ma túy và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau đó họ cũng trở thành “dân” trộm cắp, họ cũng thành con nghiện ma túy. Hay một số cô gái ở quê ra thành phố lao động, không thích làm việc nặng nhọc nhưng lại thích có nhiều tiền để tiêu xài, thích giao lưu với những kẻ ăn chơi, đàng điếm, có vẻ như rất giàu sang, lắm tiền nhiều bạc thì cũng dễ dàng xa ngã, trở thành gái nhảy, gái “bán hoa” – Một cái nghề bị gia đình và xã hội phản đối, lên án và xa lánh.
Khi đọc tác phẩm“Chí Phèo” của Nam Cao, tôi thấy nhân vật Chí Phèo vốn là một nông dân rất hiền lành nhưng rồi anh bị bắt vào tù; hàng ngày anh phải tiếp xúc với bọn lưu manh trong một môi trường thù hận. Kết quả là anh trở thành con “quỹ dữ” của làng Vũ Đại, anh đã làm hại cả những gia đình lương thiện trong làng, khiến bao cơ nghiệp tan nát, bao nhiêu nước mắt và máu phải đổ xuống.
Ngày nay trên báo chí không ít thanh niên nghiện ngập đi cai nghiện và đã cai thành công trở về nhưng rồi lại lân la chơi bời chỗ bạn bè nghiện cũ, bị lôi kéo và thế là lại “ngựa quen đường cũ” và trở về con đường chích hút lúc nào không hay.
Các bạn cho rằng “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” nhưng khi gần kẻ xấu các bạn có đủ vững vàng để quyết không học theo cái xấu của bọn chúng không? Trong số đó có nhiều người gần bọn xấu, mặc dù cũng thấy điều xấu là không nên làm nhưng rồi bị bọn chúng ép buộc, đe dọa, lừa vào bẫy và cuối cùng trở thành một phần tử xấu của xã hội như bọn họ. Còn khi gần “đèn” mà không trực tiếp nhận một chút ánh sáng nào ư? Đó là do các bạn có suy nghĩ kiêu căng, tự ái, có cái tôi quá lớn hoặc do thiếu ý thức, thiếu nghị lực nên đã không học theo cái tốt.
Khi đã giải thích rõ ràng tôi vẫn kiên định với ý nghĩa của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là hoàn toàn đúng. Còn một số bạn cho rằng “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” theo tôi là không chính xác. Các bạn cần có sự suy nghĩ đúng đắn và nghiêm túc về ý nghĩa của câu nói đó. Câu tục ngữ, ca dao của thế hệ cha ông chúng ta để lại được đúc rút từ kinh nghiệm của bao đời. Nó đúng là một lời răn dạy hết sức đúng đắn và hay. Chúng ta cần suy nghĩ về nó để tìm một môi trường sống tốt đẹp và quyết xa lánh môi trường xấu.