Bài văn chứng minh rằng "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có" số 10
Nói về thiên chức cao cả của văn chương, nhà văn Hoài Thanh đã từng khẳng định: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có.
Nhận định ấy đã nói rất đúng về một thiên chức cao cả của văn chương đối với thế giới tình cảm của con người. Các động từ mạnh như “gây”, “luyện” đã thể hiện được sự tác động trực diện của những tác phẩm văn học. Chúng thông qua những câu chuyện, những mảnh đời, những số phận khác nhau, mà tạo dựng nên những rung cảm, những cảm xúc mà trước giờ chúng ta chưa từng có. Rồi lại bồi đắp thêm cho những tình cảm vốn đã có nay lại càng sâu đậm hơn, chan chứa hơn.
Giống như khi chúng ta đọc bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Những hình ảnh hào hùng của ông cha ta, với những vẫn thơ hào hùng, đã thổi bùng lên tình yêu nước trong mỗi người con Việt Nam. Nó khiến trái tim đập mạnh mẽ hơn, khiến tình yêu nước cuộn trào hơn, cháy bỏng hơn. Hay như khi ta đọc đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng. Những tình yêu thương, sự quyến luyến dành cho mẹ trong trái tim như được đun nóng lên, âm ỉ hơn, chảy mạnh hơn. Khiến ta muốn ngay lập tức trở về nhà, sà vào lòng mẹ, để được mẹ âu yếm như lúc còn thơ dại. Đó chính là khả năng nuôi dưỡng, bồi đắp thêm cho những tình cảm ta đã có của văn chương.
Mặt khác, văn chương còn có thể gợi dậy những tình tự trước giờ ta chưa từng có. Chẳng hặn như khi ta đọc tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những hình ảnh thiên nhiên sống động, tuyệt vời của dòng sông Hương xứ Huế đã khiến ta thổn thức không thôi. Nó gợi cho ta tình yêu dòng sống ấy, xứ sở ấy dù chưa từng đặt chân đến. Và khiến cho ta khát vọng được xê dịch, được đến Huế để tự mình ngắm nghía phong cảnh đó. Hay như đọc Chinh phụ ngâm, ta bỗng thấy xót xa cho thân phận người chinh phụ, thương tiếc cho sự cô đơn, mòn mỏi, khổ đau của nàng. Dù đó có là một nhân vật ta chưa từng gặp, không hề quen nhưng những tình cảm mà ta dành ra đó, được tác phẩm gợi lên đó là hoàn toàn thật lòng.
Những giá trị, ý nghĩa ấy chính là sức mạnh thiêng liêng của văn chương. Nhưng đó phải là thứ văn chương đích thực, thứ văn chương được viết bằng cả trái tim của nhà văn. Chứ không phải là những thứ văn chương ăn xổi ở thì, viết ra chỉ để mua vui đầu môi, không đọng lại một ý nghĩa nào cả. Hiện nay, thứ văn chương thị trường ấy đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Chúng khiến cho những giá trị cao cả của văn chương đối với người đọc dần bị lụi tàn. Thật đáng tiếc thay. Nhưng, chỉ một thời gian thôi, thứ văn chương ấy sẽ bị đào thải bởi thời gian, độc giả. Chỉ có những tác phẩm văn chương chân chính mới có thể tự mình đứng vững, chống lại sự băng hoại của thời gian mà thôi.
Bởi vậy, chúng ta có thể nói rằng, khả năng gây lên những tình cảm ta chưa có, bồi đắp những tình cảm ta đã có, không chỉ là giá trị, là ý nghĩa của văn chương. Mà đó cũng là điều mà các tác phẩm văn chương chân chính luôn hướng đến, lấy làm mục tiêu, lý tưởng.